Địa chỉ hỗ trợ người bị buôn bán và bạo hành

Trong số các cơ sở mang tính hỗ trợ đối với chị em phụ nữ lâm vào hoàn cảnh bất hạnh, bị bạo hành, buôn bán, có một địa chỉ giữa lòng thủ đô được xem như là “chốn về” cho những mảnh đời bạc phận, đó là Ngôi nhf bình yên.
“Ngôi nhà bình yên” – nơi hỗ trợ phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị buôn bán và bạo lực gia đình, thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển – Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Trong suốt một năm qua, hai ngôi nhà bình yên của Trung tâm phụ nữ và phát triển đã trở thành địa chỉ quen thuộc và thân thiện của chị em phụ nữ và các cháu là con những nạn nhân bị bạo hành, bị buôn bán qua biên giới trở về. Hai ngôi nhà đã tiếp nhận 27 thành viên, trong đó 8 người bị buôn bán và 19 người bị bạo hành gia đình đến từ các tỉnh thành như: Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Yên Bái, Hưng Yên…

 

Đã từng có một số mô hình trợ giúp chị em phụ nữ bị bạo hành gia đình, bị buôn bán như hỗ trợ tư vấn, địa chỉ tin cậy, Tổ hoà giải. Tuy nhiên, với “Ngôi nhà bình yên” – một địa chỉ tuy mới nhưng lại mang nhiều ý nghĩa thiết thực, lại là địa chỉ thực sự yên bình cho phụ nữ  lâm vào hoàn cảnh thiếu may mắn, đúng như tên gọi của nó.

 

Xuất phát từ ý tưởng trợ giúp nhóm đối tượng yếu thế thiệt thòi, đặc biệt là nhóm phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về và bị bạo lực gia đình, được sự tài trợ của một số tổ chức trong nước và quốc tế, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã xây dựng thử nghiệm “Ngôi nhà bình yên”.

 

Đây là nơi mà chị em lâm vào hoàn cảnh bất hạnh như bị buôn bán, bị ngược đãi có thể vừa lánh nạn và cũng là địa điểm họ có thể tìm lại sự  cân bằng trong cuộc sống. Chị em bị bạo hành được đón nhận những hỗ trợ tâm lý, sức khoẻ, được tư vấn về pháp lý và các vấn đề liên quan để tái hoà nhập cộng đồng.

 

Ngôi nhà bình yên được bố trí gồm một phòng tham vấn, một nhà trẻ và hai ngôi nhà (một nhà hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị buôn bán, một nhà hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình).

 

Phòng tham vấn là nơi đầu tiên tiếp nhận nạn nhân, sàng lọc thông tin về các vấn đề liên quan đến hoạt động trợ giúp phụ nữ và trẻ em yếu thế, thiệt thòi. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý đặc biệt, từ tháng 3 năm 2007 đến nay, phòng tham vấn đã tư vấn trực tiếp và tư vấn qua điện thoại cho 85 lượt/40 khách hàng về các vấn đề như tâm lý, pháp lý, hôn nhân gia đình, buôn bán phụ nữ. Tiếp nhận 11 trẻ em là con của nạn nhân bị bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

 

Với những tiêu chí đã được xây dựng, phòng tham vấn là nơi tiếp nhận và sàng lọc thông tin về các nạn nhân bị buôn bán và bạo lực gia đình khi họ có nhu cầu đến với ngôi nhà bình yên, cần sự trợ giúp để tái hoà nhập cộng đồng.

 

Trung tâm còn phối hợp với Uỷ ban Y tế Hà Lan – Việt Nam mở một nhà trẻ tại toà nhà Trung tâm để chăm sóc trẻ em từ 3-6 tuổi là con của những nạn nhân bị buôn bán và bạo lực gia đình ở tại ngôi nhà bình yên và con của những bà mẹ có HIV. Nhà trẻ được chia thành hai lớp dành cho hai nhóm tuổi (dưới 4 tuổi và từ 4-6 tuổi). Có một giáo viên chịu trách nhiệm chăm sóc và giáo dục cho trẻ với sự giám sát hỗ trợ về chuyên môn của chuyên gia nước ngoài về giáo dục đặc biệt.

 

Tại đây, trẻ được cung cấp bữa ăn trưa và hai bữa ăn phụ, được giáo dục phát triển toàn diện theo chương trình xây dựng phù hợp với độ tuổi bằng phương pháp mới. Riêng với hai ngôi nhà bình yên được bố trí tại một địa điểm gần với trung tâm nhưng đảm bảo tính an toàn và bí mật cho chị em.

 

Mỗi nhà đồng thời có thể cung cấp nơi ăn, nghỉ cho khoảng 20 phụ nữ và trẻ em. Trung tâm đã bố trí 6 cán bộ xã hội, 6 bảo vệ và 4 quản gia thay phiên nhau trực 24 giờ tại hai ngôi nhà này, đảm bảo hỗ trợ có hiệu quả và thực sự là điểm đến an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

 

Chị em phụ nữ và trẻ em bị buôn bán, bị bạo hành bất kể thời gian nào cũng có thể đến với Ngôi nhà bình yên. Ở đó họ sẽ nhận được sự cung cấp nơi ăn, ở an toàn hoàn toàn miễn phí, được chăm sóc và hỗ trợ về y tế, được tư vấn về tâm lý, tư vấn và hỗ trợ các thủ tục pháp lý, được hướng nghiệp và đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu.

 

Ngoài ra ngôi nhà cũng tổ chức giáo dục không chính qui, liệu pháp nhóm và hướng dẫn kĩ năng sống; tham gia các hoạt động vui chơi giải trí; hỗ trợ giúp quá trình tái hoà nhập cộng đồng…

 

Tuy mới được thành lập và đưa vào vận hành, nhưng Ngôi nhà bình yên đã tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với các cấp ngành, đặc biệt là chị em phụ nữ, đối tượng chính của nạn bạo hành và buôn bán. Ngôi nhà bình yên thực sự trở thành một “chốn về”, một mái ấm thứ hai cho những phận đời đen bạc, cho những hoàn cảnh éo le cần sự trợ giúp.

 

Đó cũng là một mô hình, dù còn đang ở giai đoạn thử nghiệm nhưng đã tạo sự chú ý của cộng đồng, của người trong cuộc với những đánh giá rất cao. Một khi trong đời sống xã hội, hiện tượng bạo hành gia đình, buôn bán ngược đãi phụ nữ và trẻ em vẫn còn là điều nhức nhối thì sự ra đời của Ngôi nhà bình yên như một động thái tích cực nhằm góp phần đẩy lùi các tệ nạn nói trên, giúp chị em phụ nữ vượt qua sóng gió cuộc đời, vươn lên

phát triển bền vững.

 

Tại cuộc họp “Triển khai các hoạt động truyền thông về Ngôi nhà bình yên” công bố các hoạt động của Ngôi nhà bình yên, bà Lê Thị Thuỷ – Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã nhấn mạnh về sự an toàn và tính bảo mật của ngôi nhà, đồng thời coi đây là một mô hình hoàn toàn mới đảm bảo tính thân thiện, hiệu quả cũng như tính pháp lý của một

hoạt động có nhiều ý nghĩa xã hội rộng lớn.

 

Cũng theo nhận định của bà Thuỷ thì hiện tượng bạo hành hiện vẫn còn là điều nhức nhối trong cộng đồng. Người phụ nữ đang phải đối mặt với những nguy cơ bị buôn bán, bị hành hạ ngay tại gia đình mình với hàng loạt nguyên nhân, trong đó chiếm phần lớn là do rượu chè.

 

Biết bao thân phận phụ nữ đã rơi vào hoàn cảnh rất thương tâm, bị bạo hành về tinh thần, thể xác, bị coi rẻ như một món hàng. Bởi vậy, phòng chống bạo hành trong gia đình cơ bản vẫn phải được thực hiện từ gốc, khơi thông nhận thức của chính người trong cuộc, đồng thời phải phát huy vai trò của các cấp ngành, đoàn thể và của cả cộng đồng.

 

Ngôi nhà bình yên ra đời cũng là một trong những bước đột phá của công tác phòng chống bạo hành gia đình, tạo cho chị em phụ nữ một lối thoát hữu hiệu khi lâm vào hoàn cảnh bị đe doạ đến tính mạng, đến tương lai và cuộc sống.

 

Ngôi nhà bình yên, dẫu sao vẫn còn hết sức mới mẻ và đang có những bước đi đầu tiên và không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình vận hành. Đó là những cản trở về văn hoá, người phụ nữ rời khỏi nhà chỉ là bước đường cùng cho nên việc họ tự đến với ngôi nhà bình yên là rất ít.

 

Bên cạnh đó tính chất nhạy cảm của vấn đề cũng là một cản trở, không thể vừa đảm bảo việc giữ bí mật lại vừa thông tin rộng rãi để nhận được hỗ trợ chia sẻ của cộng đồng, không thể quảng bá rộng rãi các dịch vụ từ ngôi nhà bình yên.

 

Ngoài ra, đây cũng còn là một mô hình hoàn toàn mới nên quá trình quản lí vận hành còn gặp nhiều khó khăn; chưa có các dịch vụ y tế, pháp lý chuyên biệt; chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan, với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc hỗ

trợ nạn nhân tại cộng đồng…

 

Dẫu còn nhiều điều trăn trở, nhiều dự kiến vẫn còn trong ý tưởng song sự ra đời của Ngôi nhà bình yên đã tạo được ấn tượng đẹp trong tâm thức của chị em phụ nữ, của các cấp ngành và cộng đồng. Hi vọng Ngôi nhà bình yên thực sự là điểm đến an toàn, là chỗ dựa bình yên đúng như tên gọi của nó.

 

AI CÓ THỂ NHẬN ĐƯỢC SỰ HỖ TRỢ TỪ NGÔI NHÀ BÌNH YÊN?

 

Ngôi nhà bình yên tiếp nhận các đối tượng phụ nữ và trẻ em Việt Nam từng bị buôn bán vì các mục đích bóc lột tình dục, sức lao động hoặc bị bạo lực gia đình:

 

– Có khó khăn về kinh tế và chỗ ở, cần nơi ở an toàn.

 

– Bị tổn thương về sức khoẻ và tâm lý.

 

– Mong muốn được hỗ trợ để tự tin tái hoà nhập cộng đồng.

 

– Phụ nữ và trẻ em đã được xác minh nhân thân, được giới thiệu thông qua Hội phụ nữ địa phương, các cơ quan ban ngành có liên quan cấp tỉnh thành hoặc các tổ chức quốc tế.

 

Địa chỉ liên hệ:

 

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, 20 Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội

 

Phòng Tư vấn và Hỗ trợ Phát triển: tầng 1 nhà B, ĐT: (84-4) 7281035.

 

Phòng Tham vấn: Tầng 4 nhà B, ĐT:  (84-4) 7280936.

 

Đường dây nóng:

0946.833.380/    0946.833.382/   0946.833.384

Theo www.women-bds.com

One response to “Địa chỉ hỗ trợ người bị buôn bán và bạo hành”

  1. Hải Yến viết:

    Em ở Hoàng Mai, Định Công, Hà Nội. Mấy năm gần đây, chồng em có xu hướng bạo lực gia đình. Về nhà, anh hay quát mắng, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của các cháu nhà em. Hiện nếu em rời khỏi ngôi nhà đang ở, em không có chỗ nào để sống. Em mong muốn trừng tâm hỗ trợ giúp em một chỗ ở ổn định để bà mẹ con em được sống ăn toàn. Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *