Nhà tâm lý Phillippe Nichon – Trợ giúp con người từ nền văn hóa khác

Nhà tâm lý Phillippe Nichon – Trợ giúp con người từ nền văn hóa khác
Đã từng làm việc ở Việt Nam 3 năm trước, lần thứ 2 quay trở lại Việt Nam, Phillippe Nichon đã có những ấn tượng mới về sự phát triển của nền Tâm lý Việt Nam. Lần này anh có 1 năm để làm việc với các nhà tâm lý Việt Nam tại phòng Tham vấn và Trị liệu Tâm lý SHARE, 101 Giang Văn Minh, Hà Nội, đây không chỉ là cơ hội cho các nhà tâm lý Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ nhà Tâm lý Pháp, mà còn là một cơ hội cho những khách hàng người Việt cần tham vấn – trị liệu tâm lý.
Tư vấn tâm lý đã có một cuộc phỏng vấn thú vị với Phillipe Nichon về công việc trị liệu tâm lý của anh ở Việt Nam cũng như những kinh nghiệm anh đã có ở Pháp.– Ở Pháp anh cũng đã có khá nhiều năm kinh nghiệm thực hành trị liệu tâm lý, anh có thể cho chúng tôi biết ở Pháp anh làm việc với những đối tượng khách hàng nào không?Ở Pháp, về cơ bản tôi làm việc trong lĩnh vực tâm thần. Tôi phụ trách mảng theo dõi và chăm sóc các bệnh nhân có các rối nhiễu nặng (lọan tâm, rối lọan nhân cách)

Tôi cũng làm việc trong lĩnh vực tâm thần ở người già (bệnh alzheimer, rối nhiễu trí nhớ..) đồng thời, trong thời gian học, tôi làm việc tại nhà tù (rối nhiễu nhân cách ranh giới, bệnh hoạn-pervers..) và bệnh viện (ung thư học). Tôi cũng đã có kinh nghiệm làm trị liệu tâm lý ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đấy.

– Ở thành phố Hồ Chí Minh anh đã làm những gì?

Tôi đã làm việc với trẻ em, trong bộ phận tâm lý học lâm sàng của Bệnh viện tâm thần số 1. Tôi đã tư vấn (cùng với một cộng sự là nhà tâm lý học Việt Nam) về các vấn đề bệnh lý như: chậm nói, chậm phát triển tâm thần, tự kỷ… Đồng thời tôi cũng tham gia đào tạo nhóm nhà tâm lý Việt Nam về việc sử dụng trắc nghiệm: Sceno, Wais… Đó đã là 3 năm trước.

– Anh đã về Pháp 3 năm, vậy lý do nào khiến anh quay trở lại Việt Nam?

Đó là được tiếp tục trải nghiệm tôi đã có từ 3 năm trước. Hơn nữa, cũng là có một vai trò khác cho phép tôi nhiều trách nhiệm và được bước chân và giới chuyên môn đầy thách thức.

Đến Việt Nam cho tôi có cơ hội làm giàu thêm kinh nghiệm thực hành của mình. Hơn nữa cũng là cách thách thức chính kiến thức của mình. Làm việc trong bối cảnh các câu chuyện khác nhau, tôn giáo khác nhau, văn hóa khác nhau cho phép tôi tách chính mình ra khỏi thế giới nhỏ bé của mình và hiểu người khác. Một trong những mục đích của công việc của một nhà Tâm lý học là nắm được logic của người khác, là hiểu cách họ suy nghĩ và hành động. Điều này buộc chúng ta phải làm việc với người khác, gặp gỡ và cùng trao đổi về kiến thức và kinh nghiệm của mình, qua đó chúng ta trưởng thành.

– Đã có kinh nghiệm làm việc ở VN rồi, vậy anh nhìn nhận thế nào về những vấn đề tâm lý tại Việt Nam?

Nói chung, các khó khăn tâm lý ở VN có cùng bản chất với các khó khăn chúng tôi nhận thấy trong thực hành lâm sàng tại Pháp. Tuy nhiên, các biểu hiện có một «vỏ ngòai» khác nhau. Tất nhiên, bệnh lý dù ít dù nhiều đều có yếu tố văn hóa. Và tất nhiên đi kèm với nó là thái độ và nhận thức xã hội cũng không giống nhau, và điều đó ảnh hưởng đến biểu hiện của các bệnh lý này.

Con người Việt Nam (không hề mang tính định kiến và dán nhãn) với tôi có đặc điểm là tránh xung đột và các biểu hiện cảm xúc; điều này rất khác với phương Tây. Mọi thứ có vẻ như luôn được diễn đạt theo một cách khác. Điều này buộc chúng ta phải thích nghi và học.

– Một chút về anh và nghề nghiệp, với anh đâu là điểm mạnh của mình trong trị liệu tâm lý?

Tôi nghĩ rằng một trong những điểm mạnh của tôi là khả năng tự thách thức và học từ lỗi của mình. Hơn nữa, tôi cũng thành thạo các kỹ thuật tương tác (thấu cảm) và trị liệu (CBT – trị liệu Nhận thức – Hành vi)

– Một câu hỏi nữa dành cho anh, có phải đất nước Việt Namđã «quyến rũ» anh khi anh không lựa chọn một đất nước khác mà là Việt Nam để làm việc?

Lý do nghề nghiệp luôn hòa trộn với lý do cá nhân. Tôi có thể nói rằng tôi đã phải lòng đất nước này, văn hóa phong phú này và những con người đã tạo nên nó.

– Cảm ơn anh Phillippe Nichon!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *