Bí mật của sự giải thoát phía sau tiếng thở dài
Mỗi khi có những tâm trạng khác lạ, chẳng hạn lo lắng, hồi hộp, mệt mỏi, chán nản… hầu hết chúng ta đều thở dài. Và rõ ràng, sau một vài lượt thở dài, chúng ta thấy tâm trạng khác lạ đó vơi đi, thấy dễ chịu hơn. Tại sao vậy?
Mọi Tâm (tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc, tưởng tượng) tích cực hay tiêu cực phát sinh trong ta đều có đủ 4 giai đoạn: sinh khởi, tồn tại, suy yếu và mất đi. Mọi Tâm phát sinh đều có Nhân Duyên của nó, không phải tự ta muốn là được.
Do Nhân Duyên mà một tâm lạ khởi lên, ta thấy sợ hãi và muốn giảm bớt hoặc thoát khỏi tâm lạ đó. Cách tốt nhất là chặn các Nhân Duyên làm cho tâm lạ đó phát khởi, tức là gắn tâm vào một đối tượng gần nhất, đễ bám vào nhất. Đó chính là HƠI THỞ. Khi đó một số Nhân Duyên làm cho tâm lạ phát khởi bị loại bỏ, dẫn đến tâm lạ bị suy yếu hoặc mất đi.
Ứng dụng điều này, Đức Phật đã đề xuất phương pháp Thiền Quán niệm hơi thở, với phương pháp này, chúng ta sẽ đạt được Định Tâm, từ đó Kiểm soát tâm thông qua việc gắn Tâm vào đối tượng Hơi thở. Là đối tượng gần nhất, luôn tồn tại, dễ bám vào nhất, và hoàn toàn trung tính, không Tham, không Sân, không Si.
Trạng thái gắn chặt Tâm vào Hơi thở giúp Tâm được thư giãn, thoải mái, từ đó giúp bộ não được thư giãn, không phải vật lộn với đủ loại tâm trạng, suy nghĩ, lo lắng hàng ngay. Trạng thái này còn tốt hơn cả giấc ngủ, vì với nhiều người, giấc ngủ không đủ sâu (hay mộng mị) không thực sự giúp não thư giãn.
Do vậy, bất cứ khi nào, trong hoàn cảnh nào, tư thế nào (đi, đứng, nằm, ngồi), có chút thời gian, dù là 30 giây, 1 phút, 2 phút, 10 phút, hay 1h. Hãy thực tập như sau:
– Nhắm mắt lại, cắt đứt mọi tiếp xúc của 5 giác quan với thế giới bên ngoài. Không nghe, không thấy, không ngửi, không nếm, không xúc cảm thân thể.
– Từ từ theo dõi hơi thở của bạn thân: Thở ra, biết Ta đang thở ra, Hít vào, biết ta đang Hít vào. Để cho hơi thở tự nhiên, không điều khiển hơi thở, làm sao thấy thoải mái nhất có thể.
– Tiếp tục thở ra, biết đang thở ra dài hoặc biết đang thở ra ngắn, tiếp tục hít vào, biết đang hít vào dài hay ngắn.
– Cứ tiếp tục theo dõi hơi thở như vậy, nếu muốn dễ làm hơn có thể đếm hơi thở ra từ 1 đến 8 rồi quay lại đếm từ 1, cứ tiếp tục như vậy.
– Trong qua trình theo dõi hơi thở, nhiều cảm giác, tâm trạng, suy tư, đau nhức, mỏi, thậm chí bực bội, sợ hãi, … sẽ phát sinh. Hãy để chúng phát sinh, theo dõi chúng, thấy chúng suy yếu và mất đi, lại quay về theo dõi hơi thở. Hãy làm như thế trong khoảng thời gian mà bạn đang có, rất đáng giá, đừng lãng phí bởi những suy nghĩ, lời nói, hành vi vô bổ, thậm chí là gây ác nghiệp. Theo dõi Hơi thở chỉ có Thiện chứ không có Bất thiện.
Với bài thực hành đơn giản trên, bất cứ khi nào, bất cứ trong khoảng thời gian bao lâu, bất cứ tư thế nào. Ngay sau bài tập đó, bạn sẽ thấy Tâm mình thanh thản, loại bỏ đi rất nhiều tâm trạng, suy nghĩ lần lộn và tự thấy Tâm mình sáng suốt hơn hẳn. Quá trình này chính là đang cho Bộ não nghỉ ngơi thực sự và tái tạo lại sức làm việc của bộ não.
Cứ tiếp tục như thế, sau một khoảng thời gian, tự bạn sẽ nhận ra điều kỳ diệu. Ngay bây giờ và tại đây, cứ thử đi, bạn sẽ tìm thấy sự an lạc.
Theo honglamsg