Hãy để con trẻ tự lập
Ngay khi trẻ còn rất nhỏ, hãy khuyến khích bất kỳ biểu hiện độc lập nào của trẻ và đừng la mắng hay trừng phạt những sai lầm, thất bại của nó. Làm cha mẹ ai cũng muốn con mình lớn lên mạnh mẽ, sáng tạo, quyết đoán và có khả năng tự bảo vệ mình.
Nhưng lòng can đảm, sự quyết tâm, tư duy thông minh, sáng tạo không tự nhiên xuất hiện. Những điều tốt đẹp ấy phải được hình thành và nuôi dưỡng từ khi trẻ còn nhỏ thông qua giáo dục, dạy dỗ, rèn luyện của cha mẹ. Chẳng hiếm khi những đứa trẻ phải nghe những câu quát tháo hay than vãn của bố mẹ: “Ồn quá, mệt quá, vướng quá!”, “Trời ơi, đi làm đã vất vả, về nhà cũng không được yên thân”…
Chuyện ấy chẳng có gì là lạ. Bạn đi làm về, cảm thấy vô cùng mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Và bạn muốn có một không gian yên tĩnh, nhẹ nhàng, với bữa cơm chiều ngon miệng và những phút thư giãn thảnh thơi trước màn hình ti vi hay vi tính.
Thế nhưng, những đứa con của bạn thì lại không hiểu điều đó. Chúng thích chạy nhảy, vui chơi, đùa giỡn. Chúng bày đồ chơi, bàn ghế, thậm chí cả lật tung giường chiếu để chơi. Chúng còn bám theo bạn, lằng nhằng với cả chục câu hỏi tại sao, làm thế nào.
Tất cả những đinh tai nhức óc ấy khiến bạn ao ước giá chúng đừng phá phách quá, la hét quá, hỏi han quá. Giá chúng ngoan ngoãn ngồi yên trong phòng của chúng, đọc sách, xem ti vi hay chơi game cũng được. Miễn là chúng để bạn được yên!
Thế nhưng, bạn không nghĩ rằng bằng cách cư xử quá khắt khe với con và luôn cố gắng bắt con trẻ phải hết sức phục tùng, bạn đã đè nén tính chủ động và độc lập của con cái. Chính vì sự nghiêm khắc và độc đoán quá mức của bố mẹ, trẻ em thường trở nên rụt rè, sợ hãi và bất an.
Sự chăm sóc chiều chuộng quá mức cũng không phải là cách tốt ảnh hưởng đến tính cách của đứa trẻ. Hầu hết các bậc cha mẹ, vì sợ con mình té, bị thương, bị vấp ngã nên tìm cách giữ chặt lấy các con bên mình, loại trừ hết mọi khả năng được thể hiện sự sáng tạo và độc lập của con.
Không phủ nhận rằng thời buổi này, trẻ bước ra đường có thể gặp biết bao nguy hiểm rình rập: xe cộ đông đúc, những thủ đoạn lừa đảo, trộm cắp, bắt cóc…
Nhưng liệu đó phải là lý do để nhiều đứa trẻ mãi tới tuổi 17, 18 cũng khó lòng xin phép cha mẹ đi picnic cùng trường lớp nói chi đến những hoạt động thiện nguyện hay xã hội?
“Mình chỉ có một (hay hai) đứa con mà thôi” là câu rất nhiều bà mẹ thường bảo nhau khi cần cùng quyết định một việc nào đó đại loại như thả con vào đời, để chúng học được những kỹ năng sống đơn giản nhất.
Có hiếm không cảnh một đứa trẻ có khi đã bảy, tám tuổi vẫn còn được mẹ đút ăn, tắm rửa, thay đồ? Thay vì dạy một đứa trẻ tự làm tất cả mọi thứ cho mình, các bà mẹ luôn vội vàng làm bất cứ điều gì cho nó.
Và khi nó chuẩn bị “vào đời”, ví dụ như đi học chẳng hạn, thì họ luôn lặp đi lặp lại: “Mẹ (bố, ông bà) sẽ luôn luôn giúp đỡ con!”. Đứa trẻ dần trở nên quen với điều này, và ngày càng giảm bớt mọi sự cố gắng trở thành người độc lập.
Trong bất kỳ tình huống khó khăn nào, nó sẽ chờ đợi mẹ, bố hay ông bà chạy tới để giải cứu. Càng lớn lên, tính phụ thuộc ngày càng trở nên mạnh mẽ khiến đứa trẻ biến thành một người bị cùm, thiếu quyết đoán và không thể thực hiện quyết định độc lập vào những thời điểm khó khăn.
Để con bạn phát triển được tính độc lập, bạn phải kiên nhẫn và không chỉ để cho bé được chủ động mà còn phát huy nó bằng mọi cách. Không có vấn đề gì khi đứa trẻ làm điều gì đó sai, làm vỡ hay gãy đổ một cái gì đó. Nhờ thế, trong tương lai nó sẽ biết cách làm đúng đắn!
Ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ, hãy khuyến khích bất kỳ biểu hiện độc lập nào của trẻ và đừng bao giờ la mắng hay trừng phạt những sai lầm, thất bại của nó. Nếu bạn làm thế, con bạn sẽ sợ thể hiện sáng kiến của mình và sẽ rút ra kinh nghiệm là tốt hơn hết đừng làm gì cả thì sẽ không bị trừng phạt.
Hơn nữa, hãy thúc đẩy con đưa ra quyết định riêng của mình, chẳng hạn như việc chọn áo mặc đi chơi. Hãy hỏi ý kiến của con hoặc cho phép con lựa chọn chiếc áo mà nó thích. Trong những việc rất nhỏ hàng ngày, bạn cũng có thể cho con của bạn có cơ hội lựa chọn.
Ví dụ, con muốn ăn cơm, hay ăn cháo, muốn đi chơi hay ở nhà? Nếu con bạn làm gì đó sai, đừng vội vàng chạy đến giúp đỡ. Đầu tiên hãy hỏi con: “Con có cần mẹ giúp không?”. Rất có thể bạn sẽ nghe thấy những câu trả lời: “Không, để con tự làm”.
Khi chọn đồ chơi cho trẻ, bạn cần phải chọn những món đồ khuyến khích sự độc lập sáng tạo tích cực của con. Ví dụ, thay vì mua cho con món đồ chơi sang trọng đắt tiền, tốt hơn bạn hãy mua những bộ đồ nghề thiết kế, những món đồ lắp ráp hay tranh ghép hình.
Và tất nhiên, bạn hãy cố gắng để món đồ chơi có độ khó khăn khám phá phức tạp phù hợp với độ tuổi của trẻ. Chúng không nên quá đơn giản, cũng không nên quá phức tạp.
Nếu con thể hiện rõ ràng mong muốn nặn tượng, vẽ, hát, múa… bạn hãy tạo điều kiện cho sự phát triển tài năng và khả năng của con mình càng sớm càng tốt.
Hãy cho con tham gia những lớp học năng khiếu phù hợp hay tham dự những khóa đào tạo. Bất kỳ tài năng nào nếu không được phát triển đều có thể rất nhanh chóng trở nên vô ích, con bạn sẽ không thể trở thành họa sĩ, nhà điêu khắc hay một nhạc sĩ.
(Theo honviet.com)