Hiện tượng tự tử dưới góc nhìn của tâm lý học
Hiện tượng tự tử dưới góc nhìn của tâm lý họcTất cả mọi người sống trong cõi đời này đều không dưới một lần nếm trải mùi vị của khổ đau. Và không ít người đã phải đối diện với những nỗi đau khổ cùng cực, dường như không còn lối thoát. |
Trong tình cảnh đó, một số người đã tìm đến cái chết – tự tử – xem như đấy là giải pháp duy nhất mà họ có thể chọn để thoát khỏi tình cảnh đen tối trong hiện tại.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 1.500.000 người tự tử, và tự tử đứng hàng thứ 10 trong số những nguyên nhân dẫn đến tử vong trên thế giới. Đặc biệt, đối với độ tuổi thanh thiếu niên và người lớn dưới 35 tuổi, tự tử là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Hiện tượng tự tử đã xảy ra từ thời xa xưa, và trong thời đại ngày nay, tỷ lệ tử vong do tự tử ngày càng tăng cao.
Tự tử là một hành động cố ý giết hại bản thân, cố ý cướp đi sinh mạng của chính mình. Mạng sống rất quan trọng. Tất cả mọi người đều muốn sống, đều mưu cầu hạnh phúc. Vậy thì tại sao lại có những người tự mình tìm đến cái chết, tự mình kết liễu sinh mạng của mình như thế? Tâm lý học và Phật giáo nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Liệu tâm lý học và Phật giáo có thể đưa ra những giải pháp nào hay để giải quyết cho vấn nạn này?
Quan điểm của tâm lý học về tự tử
Trong tâm lý học có nhiều quan điểm, nhiều khái niệm khác nhau về tự tử.
Theo nhà tâm lý học người Mỹ, Edwin Shneidman, tự tử là hành động tự làm tổn thương, cố ý chấm dứt sinh mạng của bản thân. Tự tử không phải là một chứng bệnh (mặc dầu có nhiều người nghĩ thế); tự tử không phải là do sự bất bình thường về mặt sinh học; nó cũng không phải là một hành động vô đạo đức, và không phải là một hành vi phạm pháp trong hầu hết các quốc gia trên thế giới (mặc dầu đã nhiều thế kỷ, ở nhiều quốc gia, người ta cho rằng tự tử là một hành vi phạm pháp).
Charles Bagg, một chuyên gia tâm lý người Anh, cho rằng, tự tử là hành động cướp đi sinh mạng của bản thân một cách có chủ tâm, và hành động này có thể là hậu quả của những chứng bệnh tâm thần và cũng có thể là hậu quả của những động cơ khác nhau; những động cơ này không nhất thiết phải liên quan đến các chứng bệnh tâm thần, nhưng chúng mạnh hơn cả bản năng sinh tồn của con người.
Walter Hurst, nhà tâm lý học người New Zealand, cho rằng việc đưa ra quyết định tự tử thường bị thúc đẩy bởi ý muốn chấm dứt sự sống hơn là muốn chết. Tự tử là một sự lựa chọn quả quyết khi phải đối diện với một nỗi đau khổ cùng cực, dường như vượt quá mức chịu đựng của cá nhân và tự thân không thể nào giải quyết được.
Nhà tâm lý học người Ba Lan, Tadeusz Kielanowski, cho rằng tự tử là một quyết định bi thảm của một người khi họ không thấy người nào đưa tay ra giúp đỡ họ.
Trong cuốn sách Definition of Suicide (định nghĩa về tự tử) xuất bản năm 1985, Edwin Shneidman đã định nghĩa tự tử như sau: Tự tử là một hành động tự kết liễu sự sống của bản thân một cách có ý thức. Ở đấy, người ta phải đối mặt với một tình cảnh vô cùng khó khăn, phức tạp và họ nhận thấy rằng tự tử là giải pháp tốt nhất để giải quyết khó khăn đó.
|