‘Hôn nhân Việt – ngoại nhiều khác biệt dễ dẫn đến bi kịch’
Phân tích bi kịch của nhiều cô dâu Việt ở nước ngoài, các nhà tâm lý cho rằng khác biệt văn hóa, bất đồng ngôn ngữ, hôn nhân thiếu tình yêu khiến người phụ nữ thường bị chồng bạo hành, cảm thấy bế tắc trong cuộc sống nên chọn cái chết.
Bà Bích cho rằng, lý do dẫn tới điều này không mấy khó hiểu. Những người vợ bị bạo hành cảm thấy thực sự bế tắc. Bạo lực trong gia đình thường không chỉ diễn ra 1-2 lần mà theo quy luật sẽ phát triển nặng lên cả về tần suất và mức độ. Người phụ nữ bị tổn thương quá lớn về cả thể chất lẫn tinh thần, rối loạn stress, sang chấn tâm lý. Họ vẫn có quá nhiều lý do để không rời bỏ hôn nhân. Họ ngày càng hoang mang, chán nản, không lối thoát. Tới khi không thể chịu đựng được nữa, họ tìm đến sự giải thoát là cái chết, cho rằng đó là cách chấm dứt mọi bất hạnh.
Sự việc cô dâu Việt Minh Phương vừa ôm hai con nhảy từ lầu 18 xuống đất chết thảm tại Hàn Quốc khiến không ít người bàng hoàng. Vụ việc không phải là duy nhất này khiến không ít người lo ngại về những cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài không xuất phát từ tình yêu.
Cô dâu Phương bên người chồng Hàn Quốc vào 8 năm trước. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Võ Thị Minh Phương (Hậu Giang) 27 tuổi, lấy chồng là người Busan, Hàn Quốc, được 8 năm, có một con trai, một gái. Trước khi tự tử, chị Phương gọi điện về Việt Nam than khóc với mẹ, nói muốn ly dị vì chồng hay ghen vô cớ, đánh vợ không tiếc tay. Trong thư tuyệt mệnh viết bằng tiếng Việt để lại, lý do bị bạo hành cũng được người mẹ hai con đề cập.
Cách đây hơn 4 năm, Trần Thị Lan, 22 tuổi, một thiếu nữ Cần Thơ lấy chồng Hàn Quốc, cũng nhảy lầu tự vẫn đúng vào chiều 30 Tết. Cái chết diễn ra khi Lan mới sang nhà chồng chưa đầy một tháng và cảm thấy không hợp với cuộc sống ở đây.
Bên cạnh một số trường hợp cô dâu Hàn nhảy lầu tự tử, còn có những người bị chính người đầu ấp tay gối với mình đánh đập cho tới chết.
Năm 2010, từng xảy ra vụ án mạng cũng tại xứ sở Kim Chi. Người đàn ông Hàn Quốc tên Jang 47 tuổi đã đánh chết vợ là Thạch Thị Hoàng Ngọc, người Việt Nam, chỉ một tuần sau khi cô làm vợ. Hai người làm đám cưới sau khi gặp gỡ qua một công ty môi giới hôn nhân ngoại.
Tháng 5 năm ngoái, một phụ nữ tên Hoàng Thị Nam (Hàm Tân, Bình Thuận) cũng bị chồng sát hại tại nhà riêng ở Gyeongsangbuk, Hàn Quốc. Một nguồn tin cho biết chị Nam nói tiếng Hàn rất kém nên không thể giao tiếp, chia sẻ nhiều, đặc biệt là đi vào chi tiết những khía cạnh trong cuộc sống. Người chồng khai nhận với cảnh sát là đã giết vợ trong cơn nóng giận sau một cuộc cãi vã.
Theo chuyên gia tâm lý, có nhiều người vì con cái nên cố gắng gượng sống bên cạnh người chồng vũ phu. Còn người phụ nữ lấy chồng Hàn ôm con tự sát mới đây, có lẽ sợ mình ra đi sẽ khiến các con bơ vơ, đau khổ nên đưa ra quyết định bất hạnh: ôm hai con cùng chết.
Nhà tâm lý Bích Ngọc cho rằng, những người này càng dễ hoang mang và rơi vào bế tắc khi không thể giải quyết những vấn đề gia đình do các bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa. Họ cũng dễ rơi vào đáy bi thương, thấy mình cô độc nơi xứ người, không tiền, không nghề nghiệp và hay một chỗ dựa nào đó.
Theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, có hơn một phần ba số đàn ông nông dân và ngư dân Hàn Quốc cưới vợ ngoại trong năm ngoái, một phần bởi họ không thể tìm nổi vợ trong nước. Trong số đó cô dâu đến từ Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn.
Xét khía cạnh khác, nhà tâm lý Trần Đăng Thảo, Văn phòng TT&T, Đài 1088 TP HCM cho rằng, không phải cuộc hôn nhân có yếu tố ngoại nào cũng mang lại kết cục bất hạnh. Tuy nhiên qua những vụ án mạng cô dâu Việt bỏ thân ở xứ Hàn vừa qua, ông Thảo nhìn nhận, có rất nhiều nguyên nhân khiến hôn nhân có yếu tố ngoại dễ đổ vỡ, nhất là đối với những vụ kết hôn theo kiểu mai mối chóng vánh.
Nguyên nhân đầu tiên là vấn đề bất đồng về ngôn ngữ. Ngôn ngữ là phương tiện chính để vợ chồng giao tiếp, truyền tải thông với nhau. Khi người này nói, người kia không hiểu thì tất yếu sẽ dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã. Nghiên cứu của các nhà tâm lý khẳng định, đa phần mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng bắt nguồn từ giao tiếp mà ra.
Thứ hai là sự khác biệt về văn hóa. Văn hóa ở khía cạnh đơn giản nhất là những khuôn mẫu hành vi ứng xử. Mỗi quốc gia, dân tộc có những văn hóa khác nhau. Hôn nhân có quá nhiều sự khác biệt thì rất khó bền vững.
Vấn đề thứ ba thường gặp ở những cuộc kết hôn chóng vánh qua mai mối, không có tình yêu. Tình yêu là nền tảng của hôn nhân. Chỉ khi có tình yêu, sống với nhau họ mới có thể dễ dàng tôn trọng, chấp nhận, tha thứ, năng đỡ nhau… Những cuộc giới thiệu, mai mối, xem mặt chóng vánh thì làm sao mà có tình yêu. Cho nên sau khi cưới, hôn nhân bế tắc hoặc đổ vỡ là hệ quả tất yếu.
Chuyên viên tâm lý Đăng Thảo cho rằng, hôn nhân là việc quan trọng nhất trong cuộc đời. Vì thế trước khi quyết định lấy chồng, chị em nên tìm hiểu thật kỹ tâm tính, gia cảnh của người kia. Nhất là khi lấy chồng nước ngoài, phụ nữ cần có kế hoạch để ứng phó thích nghi với những vấn đề bất đồng ngôn ngữ, môi trường, văn hóa.