Những câu hỏi quan trọng cho bạn gái trước khi kết hôn

Những câu hỏi quan trọng cho bạn gái trước khi kết hôn

Các bạn gái trẻ sắp bước đến thềm hôn nhân thân mến! Với những sự đổi thay quan trọng khi kết hôn, bạn đã sẵn sàng thích ứng với cuộc sống hôn nhân chưa? Bạn liệu đã có đủ khả năng độc lập chưa? Bạn đã cảm thấy mình trưởng thành và chín chắn thật chưa? Những câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn phần nào đánh giá được sự sẵn sàng của bản thân mình và chọn lựa được người bạn đời phù hợp.

  1. Bạn thấy mình chơi đủ chưa?

Nói đến kết hôn, xây dựng gia đình, rất nhiều bạn gái không nỡ lòng nào nói lời từ biệt với cuộc sống “đơn thân quý tộc”. Kết hôn là một bước đường bắt buộc phải đi qua trong đời một người (trừ những trường hợp ngoại lệ) nhưng một khi đã bước vào con đường đó thì không có cách nào có thể quay đầu trở lại. Đã kết hôn thì sẽ không thể nào thường xuyên được chơi bời cuồng nhiệt với lũ bạn như trước nữa. Về phương diện thu chi kinh tế, bạn cũng phải trưng cầu ý kiến của bạn đời, không thể nào tuỳ ý tiêu pha như mình muốn nữa.

Do đó trước khi kết hôn, bạn cần tự hỏi mình xem liệu đã có ý thức độc lập và sự chín chắn tương đối đủ chưa. Mấu chốt của vấn đề không phải ở chỗ tuổi tác cụ thể của bạn và bạn có bao nhiêu bạn trai mà là ở kinh nghiệm sống của bạn, nó có thể giúp đỡ bạn có những sự lựa chọn thấu đáo hay không?

  1. Anh ấy có biết rửa bát không?

Vấn đề này xem ra rất giản đơn, kỳ thực chẳng đơn giản chút nào. Quan niệm truyền thống của chúng ta là phụ nữ cần phải biết “xuống bếp và quán xuyến việc gia đình”. Cho nên rất nhiều cô gái bị thế hệ trước giáo dục rằng là đàn ông không phải làm việc nhà. Thực tế, người chồng tương lai có sẵn sàng chia sẻ công việc gia đình hay không, hiện nay đang là một vấn đề vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi các bạn chuẩn bị sinh con. Nếu anh ấy không biết làm những công việc gia đình nhưng lại sẵn sàng thay đổi vì yêu cầu gia đình thì cũng chấp nhận được.

  1. Mẹ anh ấy có phải là người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời anh ấy không?

Lòng yêu mẹ là một trong những thiên tính của nhân loại. Trước khi bạn xuất hiện, người mẹ luôn là người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời anh ấy. Nếu anh ấy chuẩn bị kết hôn với bạn mà người mẹ vẫn chiếm vị trí thứ nhất trong lòng anh ấy thì có lẽ đã có vấn đề rồi.

Yêu mẹ và những người trong gia đình là lẽ đương nhiên. Nhưng khi tình yêu và lòng hiếu thuận này ảnh hưởng đến cuộc sống và nhu cầu của các bạn thì đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo rồi đó. Nếu lòng trung thành của bạn với anh ấy và vị trí của bạn trong lòng anh ấy có sự nghi ngờ thì buộc phải áp dụng các biện pháp thôi.

  1. Bạn có thể chịu đựng những khuyết điểm của anh ấy không?

Tục ngữ có câu “non sông dễ đổi, bản tính khó dời”. Cá tính của con người không dễ gì thay đổi, kể cả một số khuyết điểm và thói xấu. Đừng tưởng rằng sau khi kết hôn có thể uốn nắn được chồng (bao gồm cả phái nữ) thay đổi được thói quen và tính cách của người bạn đời.

Nếu bạn cảm thấy một số thói quen và tính cách nào đó của anh ấy có thể thay đổi được thì trước hết bạn hãy cân nhắc một chút tầm quan trọng của nó sau đó mới gọt giũa dần. Làm như vậy liệu có đáng không? Hoặc giả như bạn có thể chịu đựng được một số sở thích không hay của anh ấy nhưng bạn liệu có thể chịu đựng được thói đam mê cờ bạc của anh ấy không? Nếu bạn cảm thấy một số tư tưởng, hành vi của anh ấy thực sự làm bạn không chịu nổi thì cũng chẳng cần phải phân tích kỹ lưỡng tại sao anh ấy lại như thế làm gì, anh ấy có chịu thay đổi mình một chút vì bạn không? Ngược lại, bạn liệu có thật sự chịu đựng được đến đầu bạc răng long không?

  1. Giải quyết những bất đồng giữa 2 người liệu có công bằng, phương pháp liệu có chín chắn hay không?

Một người con trai và một người con gái đi bên nhau nhất định sẽ phát hiện thấy những chỗ bất đồng, tức là sự khác nhau giữa họ. Dù quan hệ vợ chồng có tốt đến mấy cũng tồn tại những sự bất đồng. Vậy làm thế nào để giải quyết những bất đồng này là vấn đề quan trọng liên quan đến cả bạn và anh ấy, là phải bình tĩnh đối mặt với sự thật. Hay là một bên cưỡng ép, một bên nhượng bộ, hay là thế nào khác nữa. Vấn đề này rất thực tế và cũng rất nổi cộm làm cho người ta không thể không suy nghĩ.

  1. Cách nhìn nhận về vấn đề tiền nong có thống nhất không?

Bất luận xuất thân, kinh nghiệm, hoàn cảnh như thế nào, nếu một đôi vợ chồng có sự bất đồng về quan niệm giá trị và cách dùng tiền thì cũng sinh ra vấn đề đấy. Ví dụ như, nếu bạn nhịn ăn bớt mặc trong việc chi tiêu để muốn tích cóp một số tiền nhưng người bạn đời lại vung tay quá trán, tiêu hoang phung phí thì cần thiết phải cùng tìm lời giải đáp để đi đến thống nhất. Nếu lo lắng cho sức khoẻ tâm lý của mình, hãy nên chú ý một chút đến cách dùng tiền của anh ấy.

  1. Cách suy nghĩ về con cái có giống nhau hay không?

Có một đứa trẻ thơ ngây, đáng yêu sẽ làm tăng rất nhiều niềm vui cho gia đình nhỏ, nhưng thanh niên hiện nay vẫn chưa hoàn toàn nhất trí về cách nhìn đối với con cái. Có người không muốn sinh con, cho rằng con cái sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc của mình, ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của hôn nhân hoặc chỉ muốn sinh con thật muộn. Nhưng có người lại cho rằng, không có con thì chẳng có gì vui thú cả, chẳng có con cháu nối dõi thậm chí chịu ảnh hưởng của cha mẹ muốn sớm có cháu bế. Về vấn đề “đúng sai đều lớn” này, hai người cần cố gắng đi đến thống nhất, đừng cho rằng cùng với sự xoay vần của thời gian thì cách suy nghĩ của người bạn đời của bạn sẽ thay đổi. Trên thực tế, khả năng thay đổi cách nghĩ này rất nhỏ.

  1. Cuộc sống tình dục của hai người có thể hài hoà được không?

Hiện nay, trước khi đăng ký kết hôn, tiến hành xét nghiệm y tế tiền hôn nhân có thể phát hiện ra một số bệnh kín, thậm chí mang tính nguy hiểm. Cho nên xét nghiệm y tế trước hôn nhân là cần thiết. Đương nhiên cũng cần phải hiểu rằng, trong bất kỳ một quan hệ lâu dài nào, cuộc sống tình dục của hai bạn đều có những lúc thăng trầm. Nhưng nếu hai người từ trước tới nay chưa bao giờ có những tình cảm nồng cháy thì chứng tỏ nhu cầu tình dục của hai người không được cân đối lắm.

  1. Bạn có thể tin tưởng vào lòng chung thuỷ của anh ấy không?

Thế giới bên ngoài muôn màu muôn vẻ, những quyến rũ ở bên ngoài cũng vô cùng đa dạng, ai dám bảo đảm rằng bạn tình của mình có thể đi theo hết nửa cuộc đời còn lại với mình? Do đó, bạn có thể tự hỏi mình một chút: “Quan hệ của chúng mình liệu có tuyệt đối bằng phẳng hay không?”, “Anh ấy có tình sử gì khiến người ta không tin tưởng không?”. Nếu bạn hoài nghi, cần phải bàn bạc nghiêm chỉnh với anh ấy hoặc cầu cứu một số bạn thân.

  1. Hai bạn có cùng quan điểm với ước vọng tương lai không?

Trước khi yêu nhau, thông thường hai bạn đều có chung một mục tiêu. Đương nhiên có mong ước và kế hoạch sống khác nhau là chuyện bình thường, chỉ có điều muốn kết hôn thì phải dàn xếp ổn thoả. Hôn nhân cơ bản thành công chính là như vậy – mong muốn và hiểu được cần dàn xếp với nhau và giải quyết bất đồng. Nếu bạn muốn mua một căn nhà hoặc biệt thự riêng nhưng anh ấy lại kiên quyết muốn đầu tư tiền vào thị trường chứng khoán, như vậy cần phải dàn xếp rồi, nếu không cần gì phải sống với nhau nữa?

  1. Quyết định kết hôn có phải do tất cả bạn bè đều đã lập gia đình rồi?

Nếu câu trả lời là “đúng” thì có nghĩa là bạn kết hôn do tuổi đã cao. Vậy hãy thử làm ngược xem. Kết hôn không thể bảo đảm cho cuộc sống của bạn sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Đại đa số những người vì nguyên nhân này mà kết hôn đều là những người thiếu lòng tự tin. Trong tình hình như vậy, việc bạn cần làm không phải là kết hôn mà là thay đổi cách sống. Hoặc là làm việc với tư thế độc thân, như thế có thể nâng cao lòng tự tin của bạn, giúp cuộc sống của bạn càng thêm sặc sỡ sắc màu. Trong cuộc sống đa dạng sắc màu ấy, bạn sẽ tìm được một cuộc hôn nhân vừa ý.

  1. Anh ấy có coi trọng sự nghiệp của bạn không?

Nếu chí tiến thủ của bạn cao thì phải xem xem anh ấy liệu có toàn tâm toàn ý ủng hộ sự nghiệp của bạn hay không? Có thể hy sinh ở mức độ nào đó cho bạn trong giai đoạn sắp tới hay không? Nếu có thể được thì bạn chẳng có vấn đề gì phải lo lắng. Nhưng nếu không được thì bạn buộc phải suy nghĩ rồi. Có một số ít đàn ông không vui trước những thành tích trong sự nghiệp của vợ hoặc cảm thấy có áp lực. Mẫu người chồng này tuy không phổ biến những cũng có những đại biểu nhất định, cần phải làm công tác tư tưởng khá nhiều.

  1. Có phải bạn vì né tránh vấn đề mới kết hôn?

Đôi khi có thể bạn cảm thấy sự nghiệp của mình vô vọng, tiền đồ mờ mịt, gia đình lúc này lại thúc bách bạn kết hôn, vừa hay lúc đó bạn trai lại cầu hôn với bạn. Tâm trạng bạn vô cùng mâu thuẫn, vừa không quên được những chuyện buồn kia lại không cam tâm kết hôn một cách qua loa cho xong chuyện. Dường như duyên phận phải chiều, bạn quyết định kết hôn trong do dự. Sự hấp dẫn của bộ áo cưới quả thật là rất lớn, nhưng các chuyên gia cảnh báo, làm như vậy là sai lầm cực lớn. Rất nhiều người hy vọng hôn nhân sẽ đem đến cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng thực tế là hôn nhân đã đem đến cho họ rất nhiều rắc rối và áp lực. Càng không nên cho rằng kết hôn sẽ giải quyết cho bạn những khó khăn tài chính và vấn đề tình cảm. Hy vọng gửi gắm càng lớn thì thất vọng đem đến có lẽ càng nhiều.

  1. Quan hệ của hai người liệu có chiếm vị trí hàng đầu trong lòng anh ấy?

Kinh nghiệm đã chứng minh: rất nhiều cô gái khi muốn được chồng dẫn đi mua sắm đồ hoặc đi thăm viếng họ hàng bên ngoại thì chồng đều từ chối bằng rất nhiều lý do lý trấu. Anh ta thà đi uống rượu, đánh bài vui vẻ với đám bạn nhậu còn hơn là tháp tùng nhạc mẫu đại nhân trong sự khô khan vô vị. Điều này nói lên cái gì? Ít nhất thì cũng cho biết tình cảm của anh ta với bạn còn có một khoảng cách. Nếu anh ta sẵn lòng hy sinh thời gian tụ tập nhậu nhẹt với bè bạn để đi cùng bạn đồng thời tôn trọng người nhà bạn, tỏ lòng hiếu thuận với cha mẹ bạn thì có lẽ bạn đã tìm được người đàn ông đáng để cho bạn gửi gắm suốt đời rồi đấy.

Nguyễn Sơn Phong (theo “Bách khoa thư cho cuộc sống bạn gái”)

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *