Những dấu hiệu chứng tỏ bạn đang có vấn đề về tinh thần
Hầu hết mọi người đều sợ khi nói đến bệnh tâm thần, họ đều không dám thừa nhận mình mắc bệnh. Khi có những dấu hiệu điển hình cần đi khám sớm để được tư vấn và chữa trị kịp thời.
Bệnh tâm thần hay các vấn đề về tâm thần rất phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Khi con người phải chịu quá nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống cộng thêm không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn nên dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu, ám ảnh… Những dấu hiệu tâm thần đầu tiên đó nếu không được kịp thời can thiệp, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của con người.
Tuy nhiên khi biết bản thân mắc bệnh, nhiều bệnh nhân và cả người nhà không muốn chấp nhận điều đó. Việc điều trị không đúng phương pháp, không đến nơi đến chốn không những không chữa được bệnh mà còn làm cho bệnh nặng thêm. Tiến sĩ Jyoti Kapoor Madan, Tư vấn cao cấp, bác sĩ tâm thần của Bệnh viện Paras, Gurgaon, Ấn Độ cho rằng: “Mọi người thường ngần ngại nói về vấn đề tâm lý, tuy nhiên các vấn đề như lo âu, trầm cảm rất phổ biến trong xã hội.”
Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình của bệnh tâm thần, nếu bạn có những triệu chứng đó, đừng ngần ngại hãy đi gặp bác sĩ tâm thần.
Thiếu tập trung: Bình thường con người thường cảm thấy stress hoặc mệt mỏi sau một ngày bận rộn với công việc, điều này ảnh hưởng tới sự tập trung của bạn. Tuy nhiên nếu bạn không thể hoàn thành các công việc thường ngày của mình như mọi khi, bạn cần tự đặt câu hỏi “tại sao” cho bản thân. Làm việc không hiệu quả do thiếu sự tập trung cần thiết, cơ thể bạn đang mất đi sự phối hợp nhịp nhàng giữa suy nghĩ và hành động. Nếu thiếu sự tập trung trong công việc bạn cần chú ý đến bệnh về tâm thần.
Mơ mộng, ảo tưởng: Bạn thường mơ hoặc có những suy nghĩ đến các hành vi bạo lực, bạn tưởng tượng mình gặp tai nạn xe hơi, nhảy từ sân thượng xuống hoặc dùng thuốc cấm…. Nói chung bạn thường tưởng tượng những việc không có thật, thậm chí hoang tưởng, thấy người khác đang nói xấu, la mắng hay bắt ép mình làm một công việc nào đó… Những điều đó chỉ diễn ra trong đầu với những suy nghĩ của bạn mà thôi. Gặp trường hợp này bạn cần đến gặp bác sĩ tâm thần.
Thường chỉ trích: Một dấu hiệu quan trọng của sự suy giảm sức khỏe tâm thần là người bệnh thường cố gắng tìm ra lỗi lầm ở người khác, nhưng bên ngoài bạn vẫn duy trì những tình cảm thân thiết với người đó. Điều này phản ánh tâm trí của bạn và cảm xúc bên trong không dung hòa với nhau, y học gọi là rối loạn cảm xúc. Người bệnh tâm thần thường xuất hiện những cảm xúc trái ngược, yêu ghét lẫn lộn, từ đó dẫn đến những hành vi khóc cười không kiểm soát được.
Ăn không ngừng: Bạn là một tín đồ của thực phẩm, điều này rất bình thường nếu bạn cảm thấy đói, ăn ngon miệng. Nhưng nếu bạn đã ăn rất nhiều nhưng vẫn muốn ăn thêm, bạn cần xem xét lại. Hãy tự hỏi xem mình có thực sự đói hay đó chỉ là sự hưng phấn quá mức với đồ ăn, bạn ăn thiếu kiểm soát, không còn cảm thấy no hay đói nữa. Hơn nữa việc chỉ ăn duy nhất một loại đồ ăn không biết chán cũng cho thấy dấu hiệu của bệnh tâm thần.
Lạm dụng chất gây nghiện: Khi bạn nghiện thuốc lá, nghiện rượu thường dễ dẫn đến các bệnh tâm thần. Các chất gây nghiện như nicotin, alcohol nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh, đã có rất nhiều trường hợp bị bệnh tâm thần do nghiện rượu.
Không quan tâm đến vẻ bề ngoài: Một người có nguy cơ mắc bệnh tâm thần khi không quan tâm tới vẻ bề ngoài của mình, họ có thể xuất hiện với một mái tóc bù xù, có quần áo hay không cũng không để ý. Người bệnh tâm thần thường không kiểm soát được hành vi của mình, họ xé quần áo, hay tự cởi đồ mà không để ý đến xung quanh.
Không có tổ chức: Ví dụ như ở trong ngôi nhà của bạn, bạn không tự sắp xếp được và biến ngôi nhà thành một đống lộn xộn. Cuộc sống bất cần và thiếu tổ chức là dấu hiệu ban đầu cho thấy bạn mắc bệnh tâm thần.
Cô đơn: Khi bạn cắt đứt quan hệ với thế giới, không có một mối quan hệ nào với người thân, bạn bè là lúc bạn đang né tránh một vấn đề tâm thần. Nếu gặp khó khăn khi nói chuyện với những người xung quanh, bạn cảm thấy sợ hoặc buồn rầu khi phải tiếp xúc với người xung quanh, hãy đi gặp một bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Hành động như trẻ con: Nếu đã qua 30 tuổi nhưng những suy nghĩ và hành động của bạn vẫn như một người trong độ tuổi 16 cần nghiêm túc xem xét lại. Vì người bệnh tâm thần thường có những suy nghĩ và hành vi sai lệch, không phù hợp với độ tuổi, hoàn cảnh xuất hiện, thậm chí là những hành vi bất thường.
(Theo suckhoedoisong)