Sự phát triển trí tuệ của con tôi có bình thường không?

24/03/2009
Xin hỏi chuyên gia liệu con tôi không thích mầy mò các trò chơi như tháo lắp ô tô, xếp hình thì cháu có kém thông minh hơn trẻ khác không? Và cháu có phát triển trí tuệ bình thường không?
Câu hỏi: Tôi có con trai 19 tháng tuổi, đã đi nhà trẻ được một tháng. Cháu không thích chơi các đồ chơi như ô tô, xếp hình mà chỉ thích chơi với các vật dụng trong nhà như chai lọ, đóng mở các cánh cửa, leo trèo, làm đổ đồ chơi rồi nhặt vào, nhặt mọi thứ trong ngăn kéo rồi vứt đi, nhặt vào nhiều lần mà không thấy chán. Tóm lại là cháu thích chơi với các vật dụng xung quanh mình chứ không thích chơi các đồ chơi đòi hỏi phải tư duy…Đặc điểm của cháu là đã chơi trò gì thì phải chán mới thôi, có khi 15 dến 30 phút rồi mới chuyển sang trò khác và có thể lặp đi lặp lại nhiều lần đến khi chán thì thôi. Cháu không hay ngồi mầy mò khám phá đồ chơi mà chỉ thích đập chúng, ném lung tung và leo trèo. Hàng ngày tôi cố gắng dạy cháu xem tranh ảnh các con vật, đọc chuyện, thơ cho cháu nghe và cháu tỏ ra rất hứng thú. Cháu nhận biết được một số con vật và đồ vật trong tranh, biết trả lời một số chi tiết trong chuyện khi được mẹ hỏi.Cháu thích xem các đoạn giới thiệu phim, quảng cáo, ca nhạc. Cháu tỏ ra rất thích thú khi được mọi người sai vặt và rất giỏi trong việc thể hiện điệu bộ bằng nét mặt cũng như bắt chước ông bà, bố mẹ làm việc nhà.( ví dụ cháu có thể làm rất chính xác quy trình khi cháu đi tắm như mở vòi nước, rót nước nóng, nhúng tay vào thử, tắm xong thì biết đổ nước đi…).
băn khoăn về con trẻ_ theo tư vấn tâm lý.com.vn

(Ảnh minh họa)

Cháu nói được khoảng hơn 30 từ đơn và 1 số từ đôi như ăn nhanh, ty ty, cạc cạc, ông ơi… Bình thường cháu rất nhanh nhẹn hoạt bát nhưng khi có đông ngưòi cháu tỏ ra không được tự tin lắm (bảo cháu chào bác thì cháu chào rất bé hoặc muốn bảo cháu làm gì ở chỗ đông người thì phải đợi đến lúc cháu đã quen cháu mới chơi..)

Vậy xin hỏi chuyên gia liệu con tôi không thích mầy mò các trò chơi như tháo lắp ô tô, xếp hình thì cháu có kém thông minh hơn trẻ khác không? Và cháu có phát triển trí tuệ bình thường không? Liệu có phải do hồi mới sinh cháu bị vàng da lâu nên ảnh hưởng đến trí não không (cháu bị vàng da hơn 1 tháng, tuy nhiên cháu vẫn phát triển bình thường. Mẹ cháu cho đến viện nhi kiểm tra thì bác sỹ nói là vàng da sinh lý, chỉ là nồng độ birulin hơi cao thôi nên vàng lâu và khuyên cho phơi nắng, 1 tuần sau thì khỏi. Nhưng tôi nghe nói là trẻ em bị vàng da sau này sẽ học dốt, học kém… Liệu điều này có đúng không?

Tôi cũng nghe nói trẻ em chơi xếp hình thì rất thông minh, vậy làm sao để con tôi thích? Rất mong nhận được những lời khuyên bổ ích từ chuyên gia. Tôi đồng ý hiển thị thư trên web. Xin cảm ơn. (N.Thoa, 28 tuổi, Hà Nội)

Trả lời:

Trước hết, chúng tôi rất cảm ơn chị đã gửi thư đến SHARE và đã có ít nhiều sự tin cậy ở chúng tôi. Và chúng tôi rất chia sẻ với những điều chị đã viết trong thư, chúng tôi hiểu rằng, chị là người mẹ rất yêu thương, rất chăm sóc và luôn lo lắng cho con.

Về vấn đề mà chị đã nêu trong thư, chúng tôi xin tóm tắt lại và trả lời chị như sau :

Con chị đã được 19 tháng, vừa mới đi nhà trẻ được 1 tháng. Chị băn khoăn vì con chị « chỉ thích chơi với các vật dụng trong nhà như chai lọ, đóng mở các cánh cửa, leo trèo, làm đổ đồ chơi rồi nhặt vào, nhặt mọi thứ trong ngăn kéo rồi vứt đi, nhặt vào nhiều lần mà không thấy chán, tóm lại là cháu thích chơi với các vật dụng xung quanh mình chứ không thích chơi các đồ chơi đòi hỏi phải tư duy »vv…

Chúng tôi xin chia sẻ với chị rằng, với trẻ con, nhất là dưới 2 tuổi, cháu hầu như sống bằng cảm xúc, cách mà cháu khám phá thế giới bên ngoài chủ yếu bằng cách như con chị đang làm. Đó là chơi với những đồ xung quanh cháu, có khi những thứ ấy bố mẹ lại cho là linh tinh, vớ vẩn, nhưng đối với các cháu, đó lại là sự khởi đầu của tư duy, khám phá.

Ví dụ, có cháu rất thích chơi với 1 chiếc tăm hoặc cả túi đựng que tăm, nhiều bố mẹ ngăn cản con vì sợ con chọc vào người, gây đau đớn… (lo cho sự an toàn của cháu) ; nhưng với cháu, lại không phải như vậy, cháu đang khám phá xem que tăm nó thế nào mà ông bà, bố mẹ (người lớn nói chung) đều dùng, thực chất là cháu đang học theo một hành vi quen thuộc của người lớn. Điều này là đáng quý chứ ạ ?! Như vậy, đối với con trẻ, không có gì là « không tư duy », không có gì là « vớ vẩn » cả. Bởi tất cả mọi việc cháu làm là đang khám phá thế giới theo cách của cháu. Chị đừng băn khoăn như thế là chơi những đồ chơi không đòi hỏi tư duy như chị vừa nói, vì thực chất, người lớn biết đâu là trò chơi tư duy bởi vì người lớn đang tư duy theo kiểu của người lớn, và vì người lớn có kinh nghiệm.

Vậy trong chuyện này, nếu có thể được, chị hãy cùng chơi với con bất kể thứ gì cháu muốn chơi, và hãy nói chuyện với cháu khi cháu chơi. Ví dụ: con đang cầm các chai lọ và cho một số thứ vào chai, rồi cho chai lăn lông lốc… chị hãy cùng ngồi lại với con và diễn đạt bằng ngôn ngữ tất cả những gì đang diễn ra; ví dụ, chị có thể nói : « mẹ thấy con đang chơi với 3 cái lọ nhá, 1 lọ màu hồng, 1 lọ màu xanh và 1 lọ màu đỏ này ; à, mẹ lại thấy con cho mấy hạt xúc xắc vào lọ màu xanh ; à, con của mẹ lại cho 2 cái bút bi vào lọ màu đỏ nữa này… các lọ lăn lông lốc rồi… vui quá nhỉ. Mẹ hoan hô, con cũng hoan hô đi nào. Các lọ nói gì với con đấy ? mẹ nghe thấy các bạn nói rằng chơi với Bi (tên thân mật của cháu) vui quá, mẹ cũng thấy con đang cười đấy ! »

Chỉ cần nói với con như vậy, chị đã dạy cho cháu màu sắc, số đếm, tên vật dụng, cảm xúc của những đồ vật vô tri vô giác và hướng dẫn cảm xúc cho cháu…

Nếu chị chơi cùng với cháu, biến mọi trò chơi thành cách dạy cháu, hướng dẫn cháu, chị sẽ thấy tất cả đều chứa đựng tư duy trong đấy. Đến lúc chị muốn cháu chơi xếp hình, chị có thể nói : « à, mẹ có cái này hay lắm, con có muốn mẹ tặng con không ? rồi mẹ con mình cùng chơi nhé… a, đây rồi, bộ xếp hình nhé. Mẹ có hình vuông, hình tam giác… » Nếu cháu thích, cháu sẽ chơi, nếu không, thì tuỳ cháu.

Chị có nói đến việc cháu bắt chước rất tốt những gì mọi người làm, chị nên ví dụ về các công đoạn khi cháu đi tắm… điều này là rất tốt, cháu đã thuộc quy trình khi đi tắm, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với chị. Và về việc cháu chăm chú lắng nghe chuyện chị đọc cũng là điều rất tốt. Cháu còn thích được sai vặt và làm theo những yêu cầu của người lớn cũng là những tín hiệu rất đáng mừng. Đó là những bước khởi đầu cho cháu rất đáng khích lệ, rất đáng biểu dương.

Nhưng về việc chị e ngại khi cháu không thoải mái khi có đông người, điều này rất dễ hiểu, bởi nơi đông người, toàn người lạ, mà người lạ cháu có quen đâu. Việc cháu rụt rè, không tự nhiên cũng là điều tất yếu bởi vì cháu cảm thấy không an toàn. Những lúc như vậy, chị hãy giúp cháu làm quen, giới thiệu với cháu về mọi người, nói với cháu về sự an toàn trong môi trường đó… Trong tình huống cháu không chấp nhận chỗ đông người, chị có thể tôn trọng cháu, đưa cháu ra khỏi môi trường đó, vv…

Còn điều chị lo lắng về thực thể của cháu, chị cũng đã cho cháu đi khám và bác sĩ cũng đã có lời khuyên cho chị. Về phía chúng tôi, chúng tôi chưa thấy tài liệu nói về chuyện vàng da thì học dốt cả, trừ trường hợp những cháu bị tai biến Vàng nhân não gây liệt não, chậm phát triển tâm thần và điếc (Biến chứng này nếu có thường xuất hiện rất sớm và thường có những biểu hiện rất rõ ràng trong sự tâm vận động của trẻ để bố mẹ và các bác sỹ có thể nhận biết).

Để hiểu đúng vấn đề, chúng tôi nhấn mạnh rằng, đối với trẻ con, mọi sự ép buộc, áp đặt của người lớn đều để lại những hậu quả nhất định. Vì vậy chúng tôi khuyến khích chị hãy cùng con chơi những đồ chơi con thích, trong khi con chơi, chị hãy nói với cháu con đang chơi cái gì, con đang cầm cái gì, cái đó nói gì với con…nếu chị muốn hướng con chuyển sang trò chơi khác, chị hãy tạo ra sự thay đổi để cháu dễ dàng chấp nhận.

Kính chúc chị sức khoẻ và gia đình hạnh phúc như chị mong muốn !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *