Tâm lý khi những ông bố trẻ chưa sẵn sàng cho việc có con…
Đôi khi là điều vô lý, nhưng thực tế hiện tượng này vẫn đang diễn ra trong đời sống hiện nay: những người đàn ông đã lập gia đình một thời gian nhưng trong đầu hoàn toàn không có khái niệm “có con”. Vì sao lại có nghịch lý này?
Có rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chính đáng, có nguyên nhân lại “trời ơi đất hỡi”. Đằng sau cái sự thích hững hờ này, người phụ nữ của họ lại hứng chịu nỗi ấm ức, đau lòng khi thiên chức làm mẹ của mình không được người chồng đoái hoài tới.
Nhưng, chúng ta đừng vội nản lòng, hãy kiên trì tìm hiểu những nguyên nhân chính khiến người đàn ông “mất hứng” với việc có con. Khi đã tìm hiểu kỹ căn nguyên tất sẽ có phương pháp “vô hiệu hóa” chúng, kéo người đàn ông của bạn lại gần tiếng gọi yêu thương của tình phụ tử.
Kinh tế chưa cho phép
Đây là lí do chính đáng của anh Thông, IT của một công ty tư nhân, khiến anh cứ lần lữa mãi trong việc đón “cu tí”. Là con trai trưởng trong một gia đình nghèo, lại đông anh em, bố mẹ là nông dân tay lấm chân bùn, muốn cho con cái có chữ nghĩa làm vốn liếng vào đời để không vất vả như họ, Thông là người có hiếu, ham học ham làm, thương em hết mực.
Anh tốt nghiệp Đại Học sau những ngày học hành gian khổ, tìm được một công việc vừa ý, cũng định tích cóp cho cái gia đình riêng của mình nhưng không nỡ nhìn các em thiếu thốn, ba mẹ thì ngày càng già yếu. Là con cả nhưng khi cưới vợ vẫn phải ở cùng gia đình anh vì chưa có nhà riêng, đó là nỗi buồn to tát.
Vợ anh là người hiền lành, yêu chồng, luôn biết cảm thông với anh. Anh bàn với vợ gác lại chuyện có con, chị buồn lắm, nhưng rồi cũng gật, thôi thì cứ ráng chờ một hai năm nữa, kiếm một số vốn ổn định rồi hãy có con.
Thế nhưng số năm chờ đợi không dừng lại ở số 2, mà kéo dài ra gần gấp đôi. Chị vừa sốt ruột vừa buồn rầu, lứa tuổi sinh nở thuận lợi nhất đã và sắp qua khỏi đời chị mà anh Thông vẫn im hơi lặng tiếng.
Chị quyết không để bụng nữa mà phải nói chuyện thẳng thắn với chồng. Quả thật là thu nhập của hai vợ chồng sau bấy lâu chờ đợi vẫn không tăng bao nhiêu, vì anh cứ phải nặng gánh với trách nhiệm anh cả. Chị là người có học thức, khéo léo dẫn chuyện và chỉ ra những phần thiếu sót nơi chồng.
Anh đã tròn trách nhiệm người anh cả nhưng trách nhiệm làm chồng thì chưa ổn. Sau cuộc trò chuyện thẳng thắn nhưng chân tình của vợ, anh tỉnh ra.
Thì ra bấy lâu anh chỉ biết chăm lo hạnh phúc cho người khác, còn hạnh phúc của mình thì mãi vẫn chưa thể làm cho nó trọn vẹn. Nhưng rồi anh sẽ làm, nhất định sẽ có tiếng cười trẻ thơ vang lên trong ngôi nhà, lẫn tiếng cười hạnh phúc của hai vợ chồng anh. Anh nói rõ quyết định có con cho ba mẹ và các em biết, mọi người tất nhiên là mừng ra mặt vì sắp có cháu bồng.
Anh cũng chưa mở miệng xin phép cho mình được “ra riêng” mặc dù vẫn ở chung nhà bố mẹ không phải lo cho các em phần học phí nữa thì các em đã đề nghị hai người làm như thế, họ đã có thể vừa học vừa làm thêm, tự xoay sở được.
Vấn đề được giải tỏa, nhưng nếu vợ anh không là người chủ động đặt vấn đề, có lẽ cả hai vẫn còn mãi lẩn quẩn với bài toán kinh tế thách thức niềm hạnh phúc to lớn của mình.
Sợ con khơi gợi lại tuổi thơ đầy ám ảnh của mình
Khác với anh Thông, gia đình nhỏ của anh Vĩnh, chủ một đại lý chuyên phân phối hải sản tươi sống cho các quán ăn lớn trong khu vực quận Thủ Đức, rất khá giả nhưng sau ba năm lập gia đình anh vẫn không muốn để vợ mang bầu. Nói ra thì kì cục, chứ mỗi lần trò chuyện với hàng xóm, người thân, chị Diệu vợ anh thiếu điều muốn chui xuống đất vì cứ bị người khác nghi ngờ chị “nâng” nên không có con.
Mỗi lần vợ chồng “gần gũi”, anh rất cẩn thận để vợ không “dính”. Chị thắc mắc, anh chỉ nói bừa: “Công việc còn đăng đăng ra đó, con cái chi sớm, trói tay trói chân, chẳng làm ăn được gì, khổ!”. Chị đem nỗi khổ bị nghi oan nói với chồng, anh kiên quyết: “Ai nói gì kệ họ, chỉ cần anh biết em vẫn khỏe mạnh bình thường là được rồi. Chuyện có con, từ từ anh suy nghĩ đã!”.
Thế rồi cái “từ từ” của anh cũng chậm chạp kéo dài ra thêm gần cả năm nữa. Mất hết kiên nhẫn, chị vợ nhất quyết ngủ riêng và ra tối hậu thư sẽ ly hôn nếu tình trạng này kéo dài. Anh bị sốc một thời gian sau lời phán “xanh dờn” của chị. Cuối cùng, sau một thời gian bị cấm vận, anh chịu hết nổi, một đêm nọ ôm gối lân la vào giường vợ năn nỉ ỉ ôi và có bao nhiêu tâm sự tuôn trào ra hết cho vợ nghe. Thì ra anh mặc cảm tuổi thơ đầy ám ảnh của mình.
Xuất thân từ cô nhi viện, từng có một thời gian bị lừa bán cho bọn mẹ mìn, bị vứt ra đường bắt đi xin tiền về cho chúng, bị đánh đập, bị bỏ đói, quần áo không có nổi một cái nào lành lặn mà mặc. Khoảng thời gian đó, đến bây giờ nghĩ lại anh vẫn còn hận. Anh hận cuộc đời bèo bọt, hận một số phận hẩm hiu.
Cái cảm giác đó kéo anh ra xa tiếng cười trẻ thơ. Mỗi lần gặp phải một đứa con nít nào đó anh cũng phải tránh mặt, kìm lại nỗi xúc động ghê gớm. Chị Diệu nghe chồng giãi bày, thấy thương anh vô cùng. Chị nói: “Mỗi người đều có một số phận hoàn toàn khác nhau.
Tuổi thơ mình đã như thế, thì phải làm sao để tuổi thơ của con mình khác đi. Khi anh thực hiện bổn phận một người cha bằng tình yêu thương thật lòng, thì cái nỗi ám ảnh kia sẽ biến mất. Chúng ta sống vì tương lai chứ không phải vì những u ám của quá khứ”.
Vĩnh đã thực sự bình tâm trước sự trấn an của vợ. Nghĩ lại, anh bật cười: “Điên thật, trong khi có rất nhiều cặp trông mòn con mắt mà không có mụn con, mình thì đầy đủ khả năng mà lại cứ khất lần khất lữa. Anh sai thật!”. Và sau đó, anh sửa sai bằng cách tặng cho vợ một cái “bầu” tròn ủm.
Khi chị sanh, ai cũng bảo anh “nghiện con” hơn cả chị, lúc nào cũng ẵm bồng nựng nịu cô con gái rất kháu khỉnh, đáng yêu.
Và những nỗi sợ… không đụng hàng!
Kỉ lục sợ… kì lạ nhất mà chúng tôi ghi nhận được là trường hợp của anh Minh, giám đốc một công ty sản xuất đồ gỗ gia dụng khá bề thế. Phải nói rằng, anh là người rất dũng cảm, cương nghị và thẳng thắn trong mọi vấn đề. Nhưng trong vấn đề “truyền giống” thì cứ thậm thụt như tên trộm.
Anh dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn nhưng lại rất sợ làm vợ buồn. Vợ anh rất mê con trai, ngày đêm mong có được đứa con trai đầu lòng “làm vốn”. Còn anh lại rất thích có con gái, nhưng không dám thổ lộ.
Nếu vợ anh sinh con gái thì tốt cho anh rồi. Nhưng anh sợ cô ấy buồn, rồi lại không thương con nữa thì khổ cha khổ con. Còn nếu vợ sinh con trai, anh cũng chẳng vui mừng được như ý vợ mong muốn. Thế là anh cứ trơ như phỗng mặc cho vợ hết sức sốt ruột và ngạc nhiên vô cùng khi anh kiên quyết chưa chịu có con.
Nhưng vợ anh vốn là người thông minh, đâu dễ dàng “bó tay” như thế. Anh Minh vốn không phải không yêu trẻ con. Chị âm thầm theo dõi những cử chỉ yêu thương trìu mến của anh dành cho các bé gái con của những người hàng xóm thì biết ngay lí do.
Chị quyết định đi gặp chuyên viên tư vấn tâm lý. Sau đó là gặp bác sĩ chuyên khoa. Chị nhẹ nhàng thuyết phục chồng bằng chính cái cách của người tư vấn: tạo điều kiện cho anh đi thăm nom nhà những người thân có trẻ con, đặc biệt là bé gái với mong muốn gợi lên trong anh niềm khao khát làm cha.
Và không quên thủ thỉ: “Nhà có nếp có tẻ đầy đủ mới sung túc. Trai gái gì cũng là con. Mà bây giờ muốn sinh con theo giới tính cũng đâu khó, chỉ cần áp dụng đúng những phương pháp giao hợp và chế độ dinh dưỡng như bác sĩ kê ra đây thì yên tâm”. Anh nhăn nhó: “Biết có đảm bảo không?” Chị kiên quyết: “Không thử sao biết!” Anh thua. Và kết quả sau lần “thử” đó cho anh một đứa con gái dễ thương, giống hệt cha.
Trên đây chỉ là một vài trường hợp khá phổ biến. Mọi việc tưởng chừng bế tắc nếu như người vợ không chủ động can thiệp, tác động vào chồng một cách tích cực. Điều quan trọng là người phụ nữ phải hết sức mềm mỏng, tế nhị và khéo léo, tùy theo tình huống, hoàn cảnh sống và cả tính cách của chồng để chọn cách tác động cho phù hợp. Nếu quyết tâm, kết quả đạt được sẽ tuyệt vời cho cả hai.
(Theo honviet)