Cha mẹ Pháp nên giải thích thế nào về vụ khủng bố kinh hoàng
Jean-Luc Aubert, nhà tâm lý học, chuyên gia nghiên cứu tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên đã cung cấp những cách thức giúp phụ huynh có thể đối diện với con trẻ trong những thời điểm nhạy cảm này.
Một trận đấu bóng kết thúc trong nhiều hỗn loạn, tiếng súng vang lên và máu đã đổ, người chết, nỗi đau và sự bàng hoàng… Đó là tất cả những gì đang diễn ra, bao trùm nước Pháp. Trẻ em không thể không bị ảnh hưởng theo cách này hay cách khác từ cuộc tấn công đẫm máu đêm thứ sáu ngày 13.
Jean-Luc Aubert, nhà tâm lý học, chuyên gia nghiên cứu tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên đã cung cấp những cách thức giúp phụ huynh có thể đối diện với con trẻ trong những thời điểm nhạy cảm này.
Để giúp trẻ, cha mẹ trước hết phải kiểm soát lo lắng của chính mình
Cả nhà thức dậy sáng nay, trong một tâm trạng chung kinh ngạc và đầy lo lắng. Những người làm cha mẹ không chỉ phải đối diện với những hoang mang, sợ hãi trong chính mình mà sẽ còn phải đối diện với những “người bạn nhỏ”. Làm thế nào để nói với con về các cuộc tấn công? Thực sự không dễ dàng để truyền tải đi những thông điệp mà ở đó phải ẩn chứa cả sự thật, cả cách thức đối diện và thậm chí phải tận dụng để trở thành một cơ hội giáo dục gia đình.
Tôi phải nhấn mạnh lại rằng: Con trẻ sẽ cảm thấy sợ nếu cảm nhận được sự sợ hãi toát ra từ cha mẹ. Vì thế, cha mẹ cần có một thái độ bình thản khi tiếp cận. Những đứa trẻ không quan tâm đến những gì xa môi trường của chúng. Vì thế cha mẹ cần làm chủ những lo lắng của mình
Không còn là sự kiện của cá nhân ai, đó là nỗi đau chung của đất nước, của nhiều gia đình. Bởi thế, cách tốt nhất để cha mẹ đề cập đến vấn đề này với con, trước hết nằm ở việc phải kiểm soát được chính những lo lắng của riêng mình. Hãy thận trọng trước khi trình bày cho con trẻ. Đừng biến nó thành kịch. Hãy đảm bảo bản bản thân phải thật sẵn sàng trước khi đối diện với trẻ. Nếu chưa làm được điều đó, cha mẹ không cần phải vội vàng. Sự thận trọng được khuyến khích trong trường hợp này.
Trả lời ra sao nếu trẻ hỏi về những từ “khủng bố”, “cuồng tín”, “Hồi giáo”… ?
Tốt nhất đối với trẻ, để giữ được sự giản đơn, hãy tóm tắt sự kiện với rất nhiều tình tiết bi thương ấy, vào một câu đơn giản: “Đã có các cuộc tấn công ở Paris và có người chết”. Trước tuổi tiểu học, không cần phải nói thêm điều gì với trẻ.
Nhưng với những trẻ lớn hơn, ở một thời điểm nào đó ngoài gia đình, chúng sẽ được nghe nhiều thông tin hơn, với những từ ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần. Và sẽ có lúc, các phụ huynh lại buộc phải đối diện. Khi ấy, sẵn sàng thảo luận với con tại nhà, nhưng nên nhớ càng tránh phải mổ xẻ sâu càng tốt. Hãy đơn giản, ngắn gọn, kết thúc nhanh, không để trẻ phải hỏi nhiều thêm.
Với nhiều đứa trẻ lanh lợi, chúng sẽ tiếp tục hỏi “tại sao”?
Không thể nói chi tiết và không nên nói với trẻ về lý do của các cuộc khủng bố. Những lý do đích thực là của người lớn. Cái chúng ta cần làm là bảo vệ tâm hồn và trái tim trẻ. Sự thật chúng sẽ tìm hiểu khi lớn hơn. Vậy cha mẹ phải đối diện thế nào khi chúng liên tục những câu hỏi “tại sao”?. Cách tốt nhất, hãy vòng vo một chút dù có vẻ nó không liên quan trực tiếp đến câu hỏi của trẻ. Phụ huynh có thể nói rằng: “Cuộc tấn công này là việc làm không tốt. Nó thực sự không tốt đối với tất cả mọi người. Họ đang tấn công những người khác vì những lý do mà ngay cả người lớn không phải lúc nào cũng hiểu được”.
Hãy nhấn mạnh với trẻ rằng đó là hành vi không tốt. Đồng thời phụ huynh nên “tua” lại nhiều lần, rằng vụ việc có liên quan đến một số ít người trong thành phố chúng ta. Hãy nhớ rằng, đó là “một số ít người”.
Với những thông điệp đó, vừa đủ để tạo nên một “tiếng vang” trong đầu trẻ, đủ để trẻ hiểu, một cách vô thức về tính chất đặc biệt của sự kiện.
Khi trẻ đưa ra giả định: “Một cuộc tấn công như vậy có thể xảy ra với mẹ, gia đình và con?”
Hãy trấn an trẻ ngay lập tức bằng câu trả lời: “Đó không phải là việc xảy ra thường ngày. Và gần như sẽ không có cơ hội nào nữa để nó xảy ra nữa”. Ngôn từ đúng mực và thái độ chắc chắn trong lời phát biểu có giá trị giúp trẻ kiểm soát sự lo lắng.
Trong vài ngày tới, con cái chúng ta sẽ đối mặt với những hình ảnh về cuộc khủng bố trên truyền hình, báo đài… Làm thế nào để bảo vệ chúng?
Tốt nhất là không có sự thay đổi thói quen hàng ngày. Đừng cướp đi quyền được xem TV của bọn trẻ dẫu rằng ở đó có những hình ảnh không mong muốn. Cha mẹ nên nhớ, cần tránh thay đổi thói quen, thái độ một cách không bình thường. Thay vào đó, hãy quan sát trẻ kỹ hơn. Hãy lắng nghe những câu chuyện mà trẻ chia sẻ ở trường, với bạn bè, với thầy cô và với chính mình để hiểu được nỗi lo thực sự của trẻ. Đồng thời có những định hướng giáo dục. Tuy nhiên, phụ huynh phải thực hiện điều này thật cẩn thận, bởi nếu không sẽ xâm phạm đời tư của trẻ. Nên nhớ, cần giữ một thái độ trung lập, yên bình và xây dựng cho trẻ lòng nhân ái.