Mẹ giết con: Vấn đề cần được nhìn nhận và phòng ngừa như thế nào?
Trong vài ngày qua, câu chuyện về người mẹ trẻ 20 tuổi bị cáo buộc sát hại đứa con 33 ngày tuổi của mình (tại Thạch Thật, Hà Nội) đang được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng. Rất nhiều giả thuyết được đưa ra, và hầu hết đều cho rằng nguyên nhân của việc giết hại đứa bé là do người mẹ này đang gặp phải hội chứng trầm cảm sau sinh (postpartum depression). Nhưng ngoài ra cũng có những phát hiện đặc biệt liên quan tới gia đình, đó là việc bố đẻ của người mẹ trẻ này cũng được cho rằng có biểu hiện của “bệnh thần kinh”.
Khi chưa hề có một kết luận chính xác nào của cơ quan điều tra về tình tiết vụ việc người mẹ sát hại con nêu trên, thì người mẹ không thể bị buộc tội là đã giết hại con của mình. Cùng với đó, trầm cảm sau sinh cũng chưa thể được coi là nguyên nhân dẫn tới hành vi giết con (giả định) của người mẹ đó. Nó có thể bao gồm nhiều những vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần khác cần được làm sáng tỏ. Đặc biệt trong trường hợp này, gia đình (bố) của người mẹ được cho là đã có tiền sử về bệnh (các rối nhiễu) tâm thần.
Khoa học nói gì?
Trầm cảm sau sinh là một dạng rối loạn cảm xúc sau sinh, tỉ lệ mắc phải từ 10-15% xảy ra cả ở nam và nữ (thậm chí lên tới 30% ở tùy từng khu vực dân cư và vùng văn hóa khác nhau) (Tạp chí y học phụ nữ Mỹ, 2004).
Trầm cảm sau sinh có thể được biểu hiện bởi các triệu chứng như: sự mất ổn định về mặt cảm xúc, hay dễ khóc, lo âu, mệt mỏi, cảm thấy bất lực, tội lỗi, dễ cáu giận và mệt mỏi. Ngoài ra, người mắc phải hội chứng trầm cảm sau sinh có thể gặp phải các biểu hiện lâm sàng ở mức độ nặng hơn bao gồm: hoảng sợ, lo âu kịch phát, khó thở, tức ngực, choáng váng, mất kiểm soát hành vi và cảm xúc, thậm chí là nghĩ tới hoặc sợ chết (Tạp chí y học lâm sàng Mỹ, 2009).
Hành vi mẹ giết con (maternal filicide) đã được nghiên cứu và ghi chép trong lịch sử ở nhiều các quốc gia khác nhau như Úc, Áo, Brazil, Canada, Phần Lan, Pháp, Hong Kong, Nhật Bản, Ai Len, New Zealand, Thụy Điển, Thổ Nghĩ Kỳ, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ…
Việc một người mẹ giết con có thể có nhiều nguyên do, đơn giản nhất là đứa trẻ được sinh ra ngoài mong đợi, kèm theo đó là việc người mẹ quá trẻ, hoặc đang sống trong hoàn cảnh nghèo khó – thất nghiệp, hoặc đứa trẻ sinh ra là kết quả của hành vi lạm dụng/xâm hại, người mẹ bị bạo lực, hoặc đứa trẻ được sinh ra có dị tật bẩm sinh.
Các vấn đề về rối nhiễu tâm thần chiếm tới 72% các trường hợp bố mẹ sát hại con. Thủ phạm có thể gặp các vấn đề bệnh lý như: trầm cảm, rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt, loạn thần, loạn thần do rượu hoặc chất kích thích, ý định tự sát, hoặc những người mẹ có biểu hiện chậm phát triển trí tuệ.
Một nghiên cứu nhỏ ở New Zealand đã chỉ ra rằng những người mẹ có vấn đề về rối loạn tâm thần thường ra tay sát hại con của mình một cách bất thình lình, không có dự định trước. Tuy nhiên, những người mẹ bị trầm cảm, thường có ý định và lập kế hoạch trước khi thực hiện hành vi (Tạp chí y học lâm sàng Mỹ, 2009).
Ý định giết/làm hại con xuất hiện ở những người mẹ có bệnh tâm thần cao hơn 41% so với những người mẹ bình thường khác. Ý định của họ cũng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố phụ trợ khác như sự thiếu quan tâm chăm sóc của người thân, hoàn cảnh gia đình, niềm tin tôn giáo và giới tính của đứa trẻ.
Hành vi giết hại con được nhìn nhận như thế nào?
Thông thường, có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau trong việc nhận định hành vi sát hại con của cha mẹ. Luồng ý kiến thứ nhất thì cho rằng việc sát hại một sinh linh vô tội là không thể chấp nhận được, và cần phải được xử lý nghiêm.
Nhóm khác thì lại cho rằng, mặc dù họ không có hiểu biết về các rối loạn tâm thần, chắc hẳn phải có gì đó ghê gớm lắm xảy ra thì những người cha mẹ mới đang tay giết hại chính con của mình. Và vì thế, họ sẵn sàng thông cảm cho vấn đề xảy ra và tìm cách hỗ trợ cha mẹ như là nạn nhân của sự việc.
Việc xử lý hành vi sát hại con theo pháp luật cũng cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, có dựa trên những đánh giá toàn diện về mặt sức khỏe tâm thần của người mẹ bởi các chuyên gia/bác sĩ tâm thần có chuyên môn. Nếu người mẹ thực sự gặp phải các vấn đề về mặt sức khỏe tâm thần, thì có thể hành vi giết hại con của mình là một hành vi được thực hiện khi không có đủ nhận thức về vấn đề và đó là hành vi không chủ đích phạm tội.
Khi đó, việc xử lý cần được xem xét tới các yếu tố/tình tiết giảm nhẹ như trong khoản 1, Điều 13, Bộ luật Hình sự đã quy định: “Người bị bệnh tâm thần, là trạng thái không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.” Tuy nhiên, người phạm tội cũng cần được yêu cầu chữa bệnh bắt buộc tại các cơ sở y tế hoặc tại gia đình tùy tình trạng.
Phòng ngừa vấn đề sát hại con như thế nào?
Việc sàng lọc và phát hiện các rối nhiễu tâm thần ở người mẹ trước và sau sinh là vô cùng quan trọng. Có khoảng trên 40% các bà mẹ trầm cảm và có ý định thực hiện các hành vi làm hại con của mình, tuy nhiên không được hỗ trợ và chữa trị. Hiện nay, thời gian nằm viện sau sinh của các bà mẹ thường ngắn, do đó nhiều trường hợp trầm cảm sau sinh không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Dó đó, nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề trầm cảm sau sinh cũng là một phương cách để phòng ngừa các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Nguyễn Đức Nam, MSW
Giám đốc Trung tâm tham vấn, Trị liệu tâm lý SHARE