Khi tuần trăng mật đã qua

Khi tuần trăng mật đã qua

Sau những ngày nồng ấm, giữa đôi vợ chồng son bắt đầu xuất hiện những mâu thuẫn ban đầu nhỏ.

Nhưng nếu phớt lờ bỏ qua, nỗi ấm ức không được giải toả lâu ngày cứ dày lên, chất đầy trong lòng, rồi có lúc trở thành nhát dao gây tổn thương cho người trong cuộc.

Nguyên nhân: tủ lạnh, máy giặt đến… mẹ chồng

Sau đám cưới, được sự đồng ý của bên chồng, vợ chồng trẻ Nguyễn Hoàng Anh (25 tuổi) và Lê Khang (27 tuổi) được phép ra ở riêng. Đồng lương nhân viên văn phòng chắt chiu cả năm trước đám cưới chẳng cho phép Anh – Khang tự do mua sắm theo ý thích.

Lê Khang bàn bạc, “nên mua tủ lạnh trước để dự trữ thức ăn cả tuần, em không cần chợ búa mỗi ngày vất vả”. Nhưng, Hoàng Anh lại có cái lý riêng: “Ngày nào em cũng phải giặt giũ đến rã tay, nên mua máy giặt là tiện nhất”. Không chỉ chuyện tủ lạnh – máy giặt, cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất như chọn mua cái thìa, đôi đũa, drap gối, nệm giường, quạt máy, tivi… họ cũng mỗi người mỗi ý.

Họ bắt đầu khẳng định vai trò của mình với người kia để xem ai có lý hơn. Chưa đầy ba tháng, cứ chuyện bé xé to, cả hai ai cũng tổn thương. Họ toan nghĩ đến một cuộc chia ly. Chỉ khi gia đình hai bên biết chuyện, ra sức khuyên nhủ, phân tích cái sai cái đúng ở mỗi người, hàn gắn giúp, đôi vợ chồng trẻ mới dần dần chịu nhìn lại nhau.

“Tớ quyết định rồi, ngày mai tớ sẽ ôm thằng bé về nhà mẹ ruột. Để xem không có tớ và con, anh ta có phát rối lên không”, Lâm Ngọc Trà, 27 tuổi, quyết định. Tôi hỏi: “Sao vậy, thằng nhỏ mới dăm tháng tuổi, cần có hơi ấm của cả bố lẫn mẹ”. Trà thút thít tâm sự: “Tớ thấy cuộc đời mình mà mình chẳng quyết định được gì. Chưa cưới thì hối cưới. Cưới xong thì nhà bên chồng hối sinh con. Sinh được đứa con trai thì ông bà cứ xúm xít vào thằng bé, mỗi ngày mẹ chồng sang thăm ba bận, hết mua đu đủ hầm giò heo, thì cá chép nấu cháo, bồ câu hầm thuốc bắc… tất cả đều tập trung “ăn vô để có sữa cho thằng bé”. Nhờ chồng can thiệp, anh chỉ bâng quơ “chuyện phụ nữ em tự lo đi”. Uất quá, tớ nói thẳng với mẹ chồng rằng mình có thể lo được cho con. Bà đay nghiến cả buổi rồi bỏ về cả tuần chẳng chịu sang. Chồng tớ không thấy mẹ sang thì vu hết tội vạ lên tớ, sống mà như địa ngục như vầy có chịu nổi không?”.

Nỗi lòng của Lâm Ngọc Trà cũng là nỗi lòng của không ít cô vợ trẻ khi không thể giải quyết thoả đáng mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Dù sống hay không sống cùng đại gia đình bên chồng thì các đôi vợ chồng trẻ vẫn ít nhiều bị chi phối, bởi họ đã là thành viên trong một gia đình lớn. Từ chuyện ăn uống, sinh hoạt đi lại, sinh đẻ đến cách ứng xử, các cô vợ trẻ phải làm sao cho hài lòng đôi bên.

Gặp mẹ chồng dễ tính, thông thoáng thì không sao, nhưng với mẹ chồng khó tính, thì mâu thuẫn mỗi ngày là chuyện không hiếm xảy ra. Không chỉ mẹ chồng, mối quan hệ còn tính đến cả chị em và bà con họ hàng bên chồng. Có những bức xúc không thể giải quyết, không thể nói ra, mâu thuẫn cứ mãi tiếp diễn cho đến khi xảy ra hậu quả khó lường như hành động bạo lực, thậm chí cả ly dị.

Phép thử trong hôn nhân

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng có lần đã chia sẻ với phóng viên: Có một khách hàng tên Dương Văn L., 30 tuổi, lập gia đình được ba năm. Vợ chồng anh ai cũng có vị trí ổn định, đủ điều kiện cho một tổ ấm hoàn hảo. Nhưng không hiểu sao từ một năm nay, anh L. thấy tình cảm của mình không còn dành cho gia đình như trước, dù anh chưa hề lấn cấn đến người thứ ba.

Chị M., vợ anh lại không phải một người phụ nữ chỉ biết chăm lo sự nghiệp. Bước vào nhà là chị gạt bỏ công việc qua một bên, tập trung nấu nướng, vệ sinh, tắm rửa cho đứa con vừa tròn hai tuổi. “Một ngày như thế cứ trôi qua đều đều, êm ả. Nhưng tôi lại thấy chán. Nghĩ rằng mình cầu toàn quá, sống như vậy đã hạnh phúc hơn bao người. Nhưng rồi nghĩ lại, vậy đã là hạnh phúc chưa khi cuộc sống cứ càng ngày càng nhạt? Tôi cần một sự thay đổi, và ly hôn là chuyện cần phải làm”, anh L. tâm sự như vậy khi gặp luật sư Hưng.

Văn phòng luật sư đã cho anh L. một phép thử: mang những khó khăn trong công việc chia sẻ cùng vợ. Anh L. làm theo, và quả thật, chị M. đã giúp anh những lời khuyên thoả đáng. Sau đó là liên tiếp những phép thử cùng đi chơi, cùng vào bếp diễn ra một thời gian dài. Ba tháng sau, anh L. tìm đến văn phòng luật sư: “Suýt nữa tôi đã đánh rơi những thứ chắt chiu lắm mới có được”.

Hãy đặt tình cảm lên trên mọi thứ

Chuyên viên tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai (trung tâm tư vấn Tình yêu – hôn nhân – gia đình thuộc hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam) chia sẻ: “Có hàng trăm thứ phát sinh mỗi ngày trong đời sống vợ chồng. Và mỗi trường hợp sẽ có những lý do khác nhau. Muốn xoá bỏ những tổn thương phải tìm đến những gút mắc sâu xa của vấn đề. Tìm đúng điểm nóng thì vết thương mới chóng được thoa dịu”. Đừng bỏ qua những chuyện tưởng nhỏ nhặt, chi li. Phải xử lý ổn thoả từ những chuyện chi li nhất, nếu không, khi ấm ức chất chồng trong lòng ngày càng lớn thì mâu thuẫn càng gay gắt hơn.

“Chồng giận, vợ bớt lời” là câu nói muôn đời giá trị. Đợi khi nào không khí êm dịu thì lựa lời để nói với nhau. Chỉ cần một lời nóng giận thốt ra, là thành vết dao làm tổn thương người bên cạnh.

Hãy nhớ rằng, bước vào cuộc sống hôn nhân có nghĩa bạn đang làm chủ tổ ấm của mình. Trách nhiệm không thiên về phía ai. Vì vậy, khi mâu thuẫn xảy ra, hãy giải quyết chúng bằng những suy nghĩ tích cực. Đặt tình cảm lên trên mọi thứ sẽ dễ chấp nhận vấn đề hơn. Nếu vẫn chưa thoả đáng, vẫn còn ở trong chiếc vòng luẩn quẩn, hãy nhờ người thân, bạn bè, các chuyên gia tâm lý. Kinh nghiệm của những người đi trước sẽ giúp bạn thấu rõ mọi sự.

Theo Nguyên Cao
SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *