Làm gì khi bố mẹ lớn tuổi muốn ly hôn?
‘Ly hôn hoa râm’ giờ đây là một hiện tượng ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia – không chỉ ở phương Tây.
Theo tờ Korea Times, cứ 10 người Hàn Quốc ở độ tuổi 50 đến 60 thì có 4 người muốn “ly hôn hoa râm” hoặc “tốt nghiệp lớp kết hôn”, theo cuộc khảo sát vào năm 2019. Tại Mỹ, theo thống kê, cứ 4 người ly hôn thì có một người trên 50 tuổi. Tỷ lệ ly hôn ở nhóm tuổi này đã tăng gần gấp đôi, kể từ năm 1990. Có thể kể đến một số vụ ly hôn nổi tiếng như Bill và Melinda Gates hay Jeff Bezos và MacKenzie…
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều yếu tố giải thích sự tăng đột biến của “ly hôn hoa râm”, ví dụ như ly hôn được xã hội chấp nhận dễ dàng hơn, phụ nữ độc lập hơn về tài chính… Những người ở độ tuổi 50 – 60 trở lên quyết định rằng họ không muốn dành thêm 20 hoặc 30 năm nữa với người bạn đời mà họ không còn tình cảm.
Tiến sĩ Randy Heller, một nhà trị liệu tâm lý và chuyên gia ly hôn tại New York chỉ ra: “Mọi người nhận ra rằng họ có những lựa chọn mà họ không có trước đây. Họ nghĩ: Các con tôi đã lớn, giờ là đến lượt của tôi”.
Các cặp vợ chồng không hạnh phúc thường trì hoãn việc ly hôn đến khi con cái trưởng thành với suy nghĩ rằng khi đó chúng có gia đình riêng và có thể hiểu cho lựa chọn của họ. Tuy nhiên, không loại trừ một số trường hợp dù đã trưởng thành nhưng vẫn không chấp nhận nổi việc bố mẹ ly dị và coi đây là một sự tổn thương lớn.
Susan L. Brown, giáo sư xã hội học tại Đại học Bowling Green ở Ohio (Mỹ) cho rằng, có những điều mà con cái – những người đã trưởng thành – cần phải nhìn nhận đúng khi đứng trước việc bố mẹ muốn ly hôn.
Đối mặt với cảm xúc của chính mình
“Phản ứng của mỗi người là khác nhau”, Alyse November, một nhà hòa giải gia đình của Tòa án Florida cho biết. Một số người trưởng thành cảm thấy nhẹ nhõm với ý nghĩ “Cuối cùng thì họ cũng ly dị nhau”, trong khi một số khác rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực.
Một số người trưởng thành đau lòng khi đối diện với việc bố mẹ bỏ nhau. Nghiên cứu chỉ ra, đàn ông thường có một thời gian đặc biệt khó khăn để đối phó với cuộc ly hôn của cha mẹ, so với nữ giới. Họ khó chấp nhận được việc cha mẹ ly hôn, xuất phát từ lý tưởng đơn giản rằng cha mẹ sẽ bên nhau cả đời.
Ngoài vỡ mộng, nhiều người có thể cảm thấy sốc hoặc không tin tưởng, buồn bã, tức giận và thậm chí cảm thấy tội lỗi khi cha mẹ ly hôn. Họ có thể cảm thấy tội lỗi, hoặc suy nghĩ về những tác động của sự chia tay này đến bản thân mình và lo lắng về tương lai. Thậm chí, một số người nảy sinh cảm giác hồ nghi, lung lay niềm tin vào mối quan hệ hôn nhân của chính mình.
Theo Brown, trước khi có thể làm bất cứ điều gì, hãy đối diện với cảm xúc của chính bạn. Nên trò chuyện với những chuyên gia có thể giúp trị liệu tâm lý, hoặc kết nối với những người có bố mẹ ly hôn khác, họ có thể chia sẻ với bạn nhiều điều, thông qua trải nghiệm của chính họ.
Ngừng chỉ trích và chế giễu
Thông thường, khi cha mẹ lớn tuổi đòi ly hôn, con cái sẽ đặt ra các câu hỏi: “Ông bà đã già rồi, ai ly hôn ở tuổi này?”, hoặc “Chỉ vì mẹ/bố quá giận thôi, từ từ rồi hết giận là mọi việc lại tốt đẹp”, “Có việc gì mà phải ly hôn khi đã sống cả đời với nhau rồi”… Sự thôi thúc muốn giảm thiểu hoặc phủ nhận việc bố mẹ ly hôn khiến bạn đưa ra những lời nói này.
Theo chuyên gia, việc vặn vẹo lý do, tra hỏi các nguyên nhân không phải là điều mà bạn nên làm, trừ phi cha mẹ chủ động chia sẻ. Việc đưa ra những câu như “Giờ bố mẹ ly dị rồi cũng ở một mình, thà chung sống còn hơn”… hoàn toàn không có ích. Nên lắng nghe họ nói và xem bạn có thể hỗ trợ gì để giải quyết các khúc mắc.
Quan tâm đến sức khỏe tinh thần của cha mẹ
Quyết định đi đến ly hôn sẽ không thể là một quyết định bốc đồng từ cha/mẹ bạn. Do đó, họ sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi yếu tố cảm xúc, tinh thần. Nên quan sát đến những hành vi của họ, bởi điều này có thể là dấu hiệu của những điều đáng lo ngại về sức khỏe của cha mẹ.
Cố gắng không tham gia quá mức
“Nhiều bậc cha mẹ có ý định ly hôn sẽ tìm đến con cái để được hỗ trợ. Điều này có thể bao gồm việc cho con cái biết những gì đã xảy ra trong cuộc hôn nhân của mình”, Heller nói.
Trong tình huống đó, con cái khó thể khó giữ được thái độ trung lập. Tuy nhiên, nếu bạn muốn khách quan với cả bố và mẹ, hãy cố gắng giữ một khoảng cách thích hợp. Theo Heller, con cái có thể thể hiện lòng trắc ẩn và sự đồng cảm mà không cần đứng về phía nào, thay vì bênh chằm chặp bố/mẹ mình và chĩa mũi nhọn vào người còn lại. Rõ ràng, trong cuộc hôn nhân của họ, có những vấn đề mà chỉ người trong cuộc mới hiểu, dù bạn có là con cái đi nữa.
Đúc rút bài học từ cha mẹ mình
Cha mẹ bạn ly hôn, không có nghĩa là một trong hai phía đã làm điều gì sai trái. Bạn có thể xem xét để tìm ra những bài học, những kinh nghiệm giúp củng cố mối quan hệ của mình.
“Mọi mối quan hệ đều có vấn đề. Đó có thể là sự không chung thủy, các vấn đề về lòng tin, bạo lực, hoặc chỉ là cảm thấy buồn chán, thất vọng”, Heller nói. “Nhưng nhìn vào những gì hiệu quả và những gì không hiệu quả trong cuộc hôn nhân của cha mẹ cũng sẽ giúp bạn tìm ra những gì bạn muốn thay đổi, và đó là một cơ hội để phát triển”.
>> Tác giả: Thùy Linh
>>Nguồn: vnexpress.net