Nhận diện người say nắng bạn qua giọng nói
Muốn biết ai đó đang “thương thầm nhớ trộm” bạn, hãy lắng nghe họ nói. Theo các nhà khoa học, giọng của phụ nữ thường sẽ trở nên trầm khàn hơn còn đàn ông thì cao giọng hơn khi trò chuyện với người mà họ cho là hấp dẫn.
Theo nghiên cứu, phụ nữ thường sử dụng giọng trầm khàn hơn khi nói chuyện với “một nửa” của mình. Ảnh minh họa: Getty Images
Theo tạp chí Journal of Nonverbal Behaviour, các nhà nghiên cứu đến từ trường Cao đẳng Albright (Pennsylvania, Mỹ) đã xem xét giọng nói của những người mới yêu và đang đắm chìm trong “thời kỳ trăng mật”. Họ được yêu cầu gọi điện cho “một nửa” của mình, cũng như một bạn đồng giới thân thiết, và trong cả hai trường hợp đều bắt đầu bằng các câu hỏi thăm về sức khỏe và xem người đó đang làm gì.Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện, sự thay đổi về giọng điệu giữa một người với đối tượng mà anh ta/cô ta cảm mến đặc biệt rõ ràng trên điện thoại, và rằng cả đàn ông và phụ nữ đều đã cố gắng làm cho phù hợp hoặc bắt chước giọng điệu bạn đời hoặc “người thương” của họ.
Nhóm nghiên cứu sau đó bật các đoạn ghi âm cho 80 người đánh giá độc lập về mức độ cảm mến, tính gợi tình và sự dễ chịu phản ánh qua các mẫu giọng nói. Những người đánh giá này chỉ được nghe một phía của cuộc đối thoại và trong một số trường hợp, chỉ trong 2 giây ngắn ngủi.
Kết quả cho thấy, nhóm đánh giá đã có thể nhận diện chính xác về việc người gọi điện đang trò chuyện với bạn bè hay “người thương”. Điều đó khiến nhóm nghiên cứu nhận định, mọi người đã thay đổi giọng điệu để giao tiếp phù hợp với mối quan hệ.
Các mẫu giọng nói trong những cuộc trò chuyện với “người thương” nghe có vẻ dễ chịu, khơi gợi ham muốn và phản ánh sự quan tâm tình cảm nhiều hơn so với cuộc trò chuyện với bạn thân. Phụ nữ cũng sẽ sử dụng giọng trầm khàn hơn, trong khi đàn ông lại cao giọng hơn khi tâm sự với “một nửa” của mình.
Các tác giả nghiên cứu giải thích, hiệu ứng này thể hiện khao khát về sự riêng tư và hòa hợp, đồng thời là cách để thể hiện tình cảm yêu mến và mối thân tình.
Điều thú vị là, các nhà khoa học cũng phát hiện, khi các mẫu giọng nói bị tách bỏ phần nội dung ngôn ngữ nhưng vẫn giữ lại sự uyển chuyển và ngữ điệu, nhóm đánh giá có thể cảm nhận được sự căng thẳng và lo âu trong giọng của những người đang tâm sự với “người thương”.
Giáo sư Susan Hughes, nhà tâm lý học đứng đầu nghiên cứu, nhận định, sự thay đổi trong cách ứng biến giọng nói của một người khi trò chuyện với bạn bè hoặc người yêu cũng có thể được sử dụng để phát hiện sự phản bội.