Nghiện tình yêu – nơi khởi nguồn của những bi kịch

Nghiện tình yêu – nơi khởi nguồn của những bi kịch

Khi mắc chứng nghiện tình yêu, con người sẽ không chịu nổi việc xa rời nửa kia và thậm chí sẵn sàng chịu đựng sự bạo hành. Khi gặp bạn trai trên một website hẹn hò, Tara Blair Ball ở Memphis nghĩ mình đã tìm thấy người tâm đầu ý hợp. “Chúng tôi có thể nói với nhau về sự khác biệt giữa phim với truyện tranh, dù đó là một chi tiết rất nhỏ”, người phụ nữ nói.

Cuộc điện thoại đầu tiên của hai người dài tám tiếng đồng hồ, đến nỗi Ball đi làm muộn và bị đuổi việc. “Tôi nghĩ rằng đó là dấu hiệu cho thấy mình thuộc về anh ấy”, cô kể.

Khi bạn trai ghen tuông, muốn Ball báo cáo đi đâu, làm gì, nói chuyện với ai, cô cũng chấp nhận, cho rằng anh ta làm vậy vì quan tâm đến mình. Cô thậm chí bàn chuyện cưới xin bởi cảm thấy mình không thể xa người yêu quá lâu.

Câu chuyện trên cho thấy Ball mắc chứng nghiện tình yêu. Và như nhiều người khác, Ball mất một thời gian mới nhận ra và thừa nhận tình trạng của mình.

Khó để đưa ra định nghĩa về chứng nghiện tình yêu. Sex and Love Addicts Anonymous, chương trình trị liệu dành cho người nghiện sex và tình yêu ở Mỹ, định nghĩa đó là sự phụ thuộc cực độ vào một người đến mức hủy hoại sự nghiệp, gia đình và ý thức tự tôn của bản thân.

Tiến sĩ Helen Fisher, nhà nghiên cứu tình yêu tại Viện Kinsey thuộc Đại học Indiana thì cho rằng chứng nghiện tình yêu xảy ra khi mối quan hệ tình cảm dẫn tới khao khát ám ảnh và suy nghĩ bốc đồng không mong muốn.

Một phân tích năm 2010 dựa trên 83 nghiên cứu ước tính khoảng 3% dân số Mỹ có vấn đề liên quan đến chứng nghiện tình yêu. Với giới trẻ, tỷ lệ này có thể vượt quá 10%.

Chứng nghiện tình yêu có thật không?

“Với những người cho rằng đây không phải chứng nghiện, tôi chỉ có thể giải thích rằng chúng tôi đã nghiên cứu não bộ”, tiến sĩ Fisher cho biết.

Bằng các phương pháp chụp hình não bộ, tiến sĩ Fisher cùng đồng nghiệp phát hiện tình yêu khiến một khu vực trong nào gia tăng hoạt động, tương tự lúc con người nghiện một thứ gì đó, từ cồn đến nicotine hay cocain.

Tuy nhiên, không phải mọi nhà khoa học đều tin chứng nghiện tình yêu thực sự tồn tại. “Nghiện tình yêu là khái niệm gây tranh cãi”, nghiên cứu sinh Brian D. Earp, phó giám đốc chương trình Đạo đức và Chính sách Y tế, Đại học Yale chuyên nghiên cứu về chứng nghiện tình yêu cho biết.

Dù chứng nghiện tình yêu có thật hay không, việc nhận ra sự phụ thuộc của mình vào mối quan hệ sẽ giúp mọi người thoát ra khỏi các quan hệ không lành mạnh.

Theo tiến sĩ Fisher, người nghiện tình yêu mang những kiểu hành vi của chứng nghiện như thay đổi tâm trạng đột ngột từ tuyệt vọng đến hưng phấn và sẵn sàng chịu đựng sự bạo hành. Ngoài ra, họ có xu hướng thay đổi nhân cách, lối sống hoặc bóp méo thực tế.

Synthia Smith, chuyên gia xóa mù chữ ở Houston trải nghiệm những cảm xúc đó với bạn trai cũ. “Tôi không thể chịu nổi cảnh sống thiếu anh ấy. Trái tim tôi sẽ chết”, Smith nhớ lại.

Nỗi sợ thiếu người yêu cũ lớn đến mức Smith giữ mối quan hệ này suốt hai năm rưỡi, bất chấp việc phát hiện anh này vẫn tham gia các trang web hẹn hò trực tuyến. Khi bị Smith chất vấn, anh ta viện cớ “mở rộng kinh doanh”, thậm chí nổi cơn thịnh nộ và đổ lỗi cho Smith.

Để thoát khỏi chứng nghiện tình yêu hoặc đơn giản là một tình huống tồi tệ, bạn có thể tham khảo các lời khuyên sau:

Tìm kiếm cộng đồng

Katlynn Rowland ở Florida từng bị bạo hành cảm xúc. Nhờ xem video của Smith, Rowland nhận ra “mình không hề điên” và quyết định chia tay người yêu cũ.

Ball cũng đăng tải câu chuyện của mình với mong muốn chia sẻ và động viên những người chung hoàn cảnh.

Tự giáo dục

Kerry Cohen, chuyên gia trị liệu kiêm tác giả sách về chứng nghiện yêu cho rằng người nghi ngờ bản thân mắc chứng nghiện tình yêu nên tự trang bị thông tin bằng cách tìm kiếm các hội nhóm hoặc các chuyên gia. Không nên tự chẩn đoán bởi điều này dễ khiến bạn thêm rối bời.

Học cách nhắn tin lành mạnh

Trò chuyện qua tin nhắn có thể gây hiểu lầm và kéo đến cảm giác lo lắng, sợ hãi. Theo Cohen, người mắc chứng nghiện tình yêu nên hạn chế nhắn tin cho người yêu, đặc biệt là khi muốn chia sẻ về cảm xúc tiêu cực. Điều này sẽ giúp bạn điều chỉnh cảm xúc của bản thân và tìm cách đối phó phù hợp hơn.

Ngừng giữ bí mật

Người nghiện tình yêu có xu hướng che giấu quá khứ, thậm chí nói dối để trở thành người mà nửa kia mong muốn. Tuy nhiên, Cohen cho rằng một mối quan hệ lành mạnh đòi hỏi sự thành thật. “Tôn trọng riêng tư là điều nên làm, giữ bí mật thì không”, chuyên gia nói.

Xem xét việc ngừng liên lạc

Khi đã tìm được sự trợ giúp, bạn nên xem xét việc chấm dứt mối quan hệ độc hại hiện có bằng cách ngừng liên lạc với người kia và xóa hết mọi thứ nhắc về họ, từ tài khoản mạng xã hội đến ảnh, bài hát, quà tặng.

Xây dựng kế hoạch hẹn hò mới

Xây dựng kế hoạch hẹn hò mới có thể giúp bạn tìm thấy mối quan hệ lành mạnh hơn trong tương lai. Hãy bắt đầu bằng việc xác định một hành động dẫn đến hậu quả tiêu cực trong quá khứ. Ví dụ, một số người nghiện tình yêu tiến đến quan hệ tình dục quá nhanh và bám dính đối phương. Sau đó, hãy đặt ra quy tắc để bản thân không tái diễn hành động đó nữa, như chỉ quan hệ tình dục sau khi cả hai chính thức thành người yêu.


>> Nguồn: https://vnexpress.net/nghien-tinh-yeu-noi-khoi-nguon-cua-nhung-bi-kich-4363428.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *