Sinh con

Sinh con

Hiện nay, đa phần các ông bố bà mẹ, ở thành phố cũng như ở nông thôn, không kể giàu nghèo, đang phải đối mặt với một nỗi sợ, đang có chiều hướng gia tăng đó là sợ con. Sợ con không ăn, sợ con không học, sợ mất con.

Sợ con… không ăn, không học

Một lần tôi đến nhà chị Dung (Kiểm toán viên), chúng tôi hết hồn khi thấy cậu bé con Dung, đã năm tuổi, đang gào khóc, giẫy giụa, thậm chí cào cấu gây thương tích để bắt ba má chiều theo ý. Còn ba má, sau một hồi không thuyết phục được quý tử, đành thở dài “thôi trời đành chịu đất”!

Dung giải thích: “Con mình ghê gớm lắm, không bằng lòng điều gì, nó khóc thét lên, sau đó phải dỗ đến mệt. Mới sáng sớm nay thấy con còn ngủ say sưa, tưởng con chẳng “quản lý” mình nữa, ai dè mới bước được mấy bước bé đã khóc toáng lên”.

Còn chị Thủy (Kỹ sư xây dựng), một bà mẹ trẻ có con bốn tuổi, cho biết: “Với những đứa trẻ cứng đầu, tốt nhất cứ chiều theo ý nó, chứ trẻ con bây giờ khôn quá, tìm cách đối phó cũng thấy mệt”. Thủy kể, lúc con mấy tháng tuổi cha mẹ nghĩ con nhỏ xíu chưa biết nên tìm đủ mọi cách làm hài lòng con. Chỉ cần con khóc lên một tiếng là cả gia đình từ ông bà ngoại đến vợ chồng Thủy đều xoắn lên, ra sức đoán ý để tìm cách dỗ dành. Người lấy sữa, người lấy đồ chơi, người lấy nước… khi nào con hết khóc mới thôi. Lớn lên, con quen thói đòi cái gì là mọi người phải chiều, nếu không con sẽ khóc rồi ra “chiêu” ói. Sợ con không ăn lại ốm nên cha mẹ tiếp tục chiều chuộng.

Còn với những trẻ đến tuổi đi học, cha mẹ lại sợ con không ăn sẽ ốm không học được. Mắng nhiều quá con căng thẳng thần kinh học không vô. Đến trường đồ dùng, quần áo, tiền quà không bằng bạn bằng bè sợ con tủi thân, mặc cảm, bạn bè xa lánh, dẫn đến trầm cảm…

Chị Ngọc (buôn bán tại gia) kể: con chị đang học lớp 8, mỗi lần có điểm tốt thì khoe toáng lên, cả nhà vỗ tay, thưởng đủ thứ trò chơi, đĩa game… Nhưng mỗi lần điểm kém thì ỉm đi, nếu ba má phát hiện hoặc cô giáo phản ánh thì con chị bỏ ăn, đi thẳng vào nhà vệ sinh ngồi cho đến khi nào má hoặc ba phải dỗ dành hết lời mới ra.

Còn Hương (con chị Luyến, nhà ở quận 3, Tp.HCM) dù tiếng Anh không giỏi nhưng năm nào cũng được ba má cho đi du học hè. Ba mẹ Hương phải treo giải thưởng như vậy để Hương học hành cho tử tế cả năm. Hằng ngày, đi học về đến cửa là ba ra dắt xe, mẹ nhặt cặp sách. Năm nay vào lớp 12 rồi nhưng Hương vẫn cứ là một đứa trẻ đỏng đảnh. Vui thì líu lo, gặp chuyện bực mình ở trường là leo lên phòng đóng kín cửa. Có lần, Hương không nói gì với ba mẹ đến cả tuần, khiến ba mẹ tưởng con bị trầm cảm. Đến trường gặp cô giáo, hỏi ra mới biết Hương yêu một cậu học lớp trên, giờ cậu ta đi du học rồi nên Hương bị sốc. Ba mẹ Hương đành phải hứa hè năm đó cho Hương sang Mỹ du học hè để có cơ hội gặp bạn.

Con lớn sợ… mất con

Bắt đầu lớn là con cái không thích đi cùng cha mẹ nữa. Đi đám cưới họ hàng, du lịch, về quê thăm ông bà… nếu không có biện pháp cứng rắn là các cậu ấm, cô chiêu viện đủ ra các lý do để “không đi được”. Điều này là bước đầu tiên khiến các ông bố, bà mẹ bỗng thấy con mình tuột khỏi vòng tay.

Bước vào năm thứ hai đại học, Tuấn bắt đầu đòi ra ở riêng. Mẹ Tuấn không đồng ý vì “không ai chăm sóc ăn uống, quản lý giờ giấc”. Nhưng Tuấn nhất quyết đi, dù mẹ khóc lóc, ba dọa cắt trợ cấp. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, Tuấn vẫn đi mà mẹ thì cứ hằng tuần phải sang nơi Tuấn ở gom quần áo về giặt, dọn dẹp nhà cửa, còn ba Tuấn không những không cắt mà còn phải tự thân đi nộp tiền thuê nhà cho con.

Bà Hường, khi con trai lấy vợ, bà chả thích cô con dâu vừa xấu người vừa chả biết nấu ăn. Đấu tranh mãi không được, ông bà đành gật đầu, vì nếu không đồng ý thì mất con. “Thôi nó lấy vợ dở thì nó chịu vậy, chứ mình làm căng quá, nó bỏ nhà đi thì mình coi như mất thằng con trai luôn còn gì”- bà Hường than thở.

Còn bà Nhật thì lâu nay nổi tiếng cả xóm việc chiều con dâu. Con dâu đi làm về là nhà cửa gọn gàng, chả bao giờ phải làm bất cứ việc nhà, từ nấu cơm, rửa chén. “Thôi thì mình chiều nó để nó chiều con trai mình. Chứ để nó khó chịu nó lại xui con mình ra ở riêng thì mình mất con”- bà Nhật nói.

Các bà mẹ, dù con lớn đi lấy chồng, lấy vợ, mỗi lần con về thăm lại nhỏ to hỏi han xem thích ăn gì, uống gì để làm đủ món thết đãi, hầu mong con cái năng qua lại. “Chúng tôi già rồi, không cần con đến cho tiền, chỉ cần chúng nó đến ăn cùng bữa cơm cho đỡ nhớ. Đứa nào có con cứ mang về đây, vất vả cũng vẫn gắng chăm, còn hơn chúng nó đưa đi nhờ ôsin rồi lại yêu ôsin hơn yêu bố mẹ”- bà Hường chia sẻ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *