Trường hợp nào nên được Sơ cứu tâm lý sau thảm họa?

Trường hợp nào nên được Sơ cứu tâm lý sau thảm họa?

Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, sau phơi nhiễm với sự kiện mang tính chất sang chấn, thảm họa, cá nhân có thể xuất hiện các phản ứng về mặt thể chất và tâm lý mang tính chất sang chấn. Những biểu hiện triệu chứng trên có thể giảm dần hoặc biến mất sau một khoảng thời gian, do quá trình phục hồi tự nhiên. Tuy nhiên, có những trường hợp cá nhân bị kích hoạt sang chấn đã có trước đây; hoặc cá nhân có thể phát triển những triệu chứng về sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn như: Rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn; đau buồn phức tạp; mất ngủ; có ý tưởng hoặc hành vi tự làm đau, làm hại bản thân …

Hoạt động Sơ cứu tâm lý kịp thời và đúng cách có thể giúp tăng cường khả năng phục hồi tự nhiên; ngăn ngừa tình trạng các vấn đề sức khỏe tâm thần leo thang và phát triển thành các vấn đề, rối loạn phức tạp và bền vững hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của cá nhân và cộng đồng

Dưới đây là một số biểu hiện/triệu chứng có thể xuất hiện sau khi cá nhân phơi nhiễm (tiếp xúc/trải qua) sự kiện sang chấn/thảm họa – NÊN hoặc CẦN được sơ cứu tâm lý:

  1. Bị ám ảnh liên quan đến sự kiện: những hình ảnh, âm thanh, cảm giác …liên quan đến thảm họa luôn ám ảnh, xuất hiện cả khi thức và khi ngủ – thông qua các cơn ác mộng.
  2. Mất ngủ, khó ngủ & ác mộng: khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, thức dậy và không ngủ lại được, mơ về nội dung liên quan đến sự kiện sang chấn/thảm họa & có phản ứng sợ hãi khi tỉnh dậy.
  3. Sợ hãi, né tránh nói, nghĩ, đọc các thông tin liên quan đến sự kiện; hoặc đi qua, đến gần khu chung cư, hoặc bất cứ điều gì gợi nhớ sự kiện thảm họa: như lửa, tòa nhà cao tầng, tiếng xe cứu thương…
  4. Cảm thấy đau buồn, mất mát hoặc tự trách, tự đổ lỗi cho bản thân vì đã được sống khi người thân của mình không qua khỏi; hoặc tự trách vì đã không cứu giúp được người khác…
  5. Luôn cảm thấy bồn chồn, bất an; lo lắng, sợ hãi; dễ cáu bẳn; mất tập trung và những bất ổn về cơ thể hoặc cảm xúc khác…
  6. Một số vấn đề bất ổn khác phát sinh sau khi tiếp xúc, trải qua sự kiện sang chấn/thảm họa.

 

Trong đa số các trường hợp, nếu nhận thấy bạn hoặc người thân, đặc biệt là trẻ em có phát sinh một số biểu hiện bất ổn trên ở một vài tuần lễ đầu tiên sau khi phơi nhiễm với sự kiện, bạn không cần quá lo lắng bởi ban đầu đó vẫn là những phản ứng thông thường sau sang chấn. Nhưng việc bạn sắp xếp thời gian chia sẻ với một nhà chuyên môn trong lĩnh vực tham vấn – trị liệu tâm lý, đặc biệt là những người đã được đào tạo về Can thiệp sang chấn, khủng hoảng sẽ giúp bạn Giải tỏa các cảm xúc tiêu cực, tăng cường các kỹ năng ứng phó lành mạnh và khả năng phục hồi tự nhiên sau sang chấn; phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần phát sinh và phát triển.

*** Lưu ý: Trong một số trường hợp cá nhân có biểu hiện khủng hoảng nghiêm trọng, hoặc có các biểu hiện kích động, có thể gây nguy hiểm tức thời – bạn cần đi thăm khám, hoặc đưa người thân đi thăm khám và điều trị ngay tại bệnh viện và các cơ sở chuyên môn tâm lý, tâm thần để được chăm sóc và can thiệp kịp thời.

 

ThS Tâm lý lâm sàng Đoàn Thị Hương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *