Vì sao người ta chia tay? – Tình yêu dưới góc nhìn tâm lý
Tuổi trẻ, khi nhắc đến tình yêu, người ta hay nhìn nó theo một cách màu hồng và lý tưởng hóa. Nhìn ở góc độ tâm lý, cũng không khó để giải thích lý do vì sao người ta yêu nhiều – chia tay nhiều, cũng không khó để lý giải nguyên nhân đằng sau những lần chia tay.
Điều gì tạo nên cuộc sống viên mãn?
Trong quyển sách Trên cả giàu có, tác giả Alexander Green có những cái nhìn rất hay về sự giàu có và những thứ trên cả giàu có. Giàu có mang lại sự tự do và hạnh phúc rất nhiều, vậy nhưng trên cả giàu có, để tạo ra cuộc sống viên mãn thì đó là điều gì?
Tác giả chỉ ra một nghiên cứu lớn tại Mỹ – kéo dài vài chục năm, với một nhóm đông người, từ khi họ còn trẻ cho đến khi họ già, và thậm chí qua đời. Đây là một nghiên cứu lớn và công phu đến nỗi ê kíp nghiên cứu, không chỉ là trong một thế hệ. Nó kéo dài hàng chục năm trời. Và cuối cùng, họ thống kê, tìm ra điểm chung – giữa những người viên mãn nhất ấy, có người trở thành tổng thống Mỹ, có người là thống đốc bang, có người là kĩ sư, có người làm công chức bình thường,.. Kì lạ thay, đó không phải là tiền bạc, đó cũng không phải là sự nghiệp, đó cũng không phải là sức khỏe, đó cũng không phải là có cái gì đó để đời, mà thứ tạo nên cuộc sống viên mãn nhất: đó là họ có được những mối quan hệ chất lượng nhất.
Đằng sau công trình nghiên cứu công phu đó, ta rút ra được điều gì? Những người xung quanh ta, ảnh hưởng cực kì nhiều đến cuộc đời của ta. Vì thế, lựa chọn những mối quan hệ – đặc biệt là mối quan hệ như người yêu, bạn đời – phải là một sự lựa chọn cẩn trọng. Bởi nếu không, cái giá phải trả rất lớn.
Thà độc thân hạnh phúc còn hơn yêu (hoặc có vợ chồng) nhưng đau khổ
Về tâm lý, con người ta có tâm lý bầy đàn, tức làm theo số đông. “Đến tuổi” là phải lo lấy vợ lấy chồng, không có thì sợ người ta nói nọ nói kia. Thành ra tâm lý phụ huynh như vậy dẫn đến việc cứ hay giục con cái lấy vợ lấy chồng khi con cái mình đến tuổi. Quá tuổi, nhiều khi cứ mai mối đại, cứ cưới cho không bị dán cái nhãn mác là ế.
Còn giới trẻ thì sao? Giả sử 4 bạn nữ chơi với nhau, 3 người có “gấu” – chẳng mấy chốc, người còn lại cũng “phải” có gấu – để bản thân bớt “lạc loài”. Nhưng sự thật: việc chọn đại, chọn bừa, phó mặc cuộc sống,.. dẫn đến chọn nhầm làm người ta đau khổ hơn nhiều vì những mâu thuẫn sẽ nhanh phát sinh sau đó, hơn là một cuộc sống độc thân nhưng mọi thứ vẫn đang nằm trong sự kiểm soát của chính mình: cuộc sống, những người bạn, việc học tập, công việc, gia đình, tài chính, sở thích. Cho nên, không được vì cảm xúc nhất thời mà quyết định vội vàng, chuyện gì cũng cứ bình tĩnh.
Vì sao con người ta chia tay?
Như đã nói ở trên, phần dưới đưa ra các góc nhìn tâm lý, để chúng ta có cái nhìn đa chiều và tỉnh táo hơn.
1. Sai lầm về vật chất
Sẽ không còn cảnh “Một mái nhà tranh hai trái tim vàng” – tình yêu cần phải đáp ứng được cả nhu cầu về thực tế. Hôn nhân nếu có thì bài toán kinh tế lại càng trở nên quan trọng. Vật chất giúp giải quyết được phần lớn các vấn đề cơ bản – và cũng là nguyên nhân của phần nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, vật chất lại cũng không phải là yếu tố quyết định được hạnh phúc. Nếu đến với nhau chỉ vì tiền, thì rất có thể chia tay nhau cũng vì tiền. Kinh tế là điều kiện cơ bản, nhưng nó không là điều kiện đủ.
2. Tâm lý muốn sở hữu
Khi yêu, tâm lý sở hữu là tâm lý khó tránh khỏi, đó là tâm lý chung của con người. Người mình yêu, là người mang đến cho mình những cảm xúc mà người khác không mang lại được. Và hình như, người đó phải thuộc về mình, thuộc về thế giới của mình. Đi đâu, làm gì, … mình cũng phải biết. Nhưng ở trong cuộc sống này, chẳng có ai là thuộc về ai mãi mãi cả, và chẳng có ai có quyền sở hữu ai cả. Ai cũng có cuộc sống riêng của mỗi người, ai cũng có một thế giới riêng của họ. Tình yêu, là một trải nghiệm đặc biệt – nhưng mỗi người vẫn còn đó công việc, những người bạn, gia đình, sở thích riêng. Càng tâm lý sở hữu (đôi khi là chiếm hữu), tình yêu càng chóng tàn khi người còn lại cảm thấy mình bị kiểm soát.
3. Cỏ hàng xóm luôn xanh hơn cỏ nhà mình
Tâm lý con người là “cả thèm chóng chán”. Người yêu có thể xinh, có thể đẹp trai – nhưng làm gì có cái xinh, đẹp trai nào hấp dẫn mãi mãi. Rượu nhạt uống mãi cũng say, lời hay nói mãi cũng nhàm. Gặp nhau nhiều, bên nhau nhiều thì tự nhiên cái xinh ấy, đẹp trai ấy cũng trở nên bình thường. Mới đến với nhau, thì ấn tượng nhau bởi cái tốt, cái hay. Nhưng con người nào ai hoàn hảo, tiếp xúc với nhau nhiều thì nhìn thấy nhiều điểm xấu của nhau dần xuất hiện. Và đây là lúc, “sự so sánh” dẫn đến chia tay. Thấy người khác xinh hơn, đẹp trai hơn, thấy người ta cái này hơn, cái kia hơn so với người yêu mình. Nhưng chính những người ấy, đâu có biết rằng – khi bước sang nhà hàng xóm, lúc ấy lại thấy cỏ nhà mình xanh hơn. Cho nên, muốn yêu nhau lâu dài, thì phải hiểu tâm lý “Cỏ hàng xóm có khi còn không xanh bằng cỏ nhà mình”.
4. Tình yêu sét đánh
Phần nhiều là mối tình đầu – và phần lớn là chia tay. Dĩ nhiên, các bạn trẻ nếu đang trẻ và đang có mối tình đầu, khi đọc đến đây thì làm ơn “bớt phán xét”. Vẫn luôn có ngoại lệ, nhưng nhìn ở xác suất thống kê thì tỉ lệ này cực kì cực kì nhỏ. Lý giải ở góc nhìn tâm lý như sau, có hai lý do chính: thứ nhất tình yêu sét đánh thường là thứ tình yêu xuất hiện ở người trẻ – khi mà con người ta khả năng ra quyết định phụ thuộc vào cảm xúc và góc nhìn hẹp chứ chưa nhìn xa, nhìn bằng biến số chứ chưa nhìn bằng hàm số.
Yêu vì thấy có tài này hay, yêu vì có nét này đẹp,.. nhưng còn trẻ và cũng còn ít kinh nghiệm nên yêu nhau một thời gian là thấy có quá nhiều thứ chưa hợp nhau. Lý do thứ hai, “bạo phát bạo tàn” – đây là tâm lý. Cái gì nhanh đến thì cũng nhanh đi. Khi yêu tình yêu sét đánh, người ta chưa có đủ thông tin về nhau – như dẫn chứng ở trên là nhìn bằng biến số chứ không nhìn tổng thể. Các cụ chẳng bảo “Nằm lâu mới biết đêm dài, chơi lâu mới biết người là cố nhân“. Chỉ có thời gian, mới có thể đưa ra câu trả lời. Khi chưa đủ thông tin mà vội quyết định, vội yêu nhau – dĩ nhiên sẽ càng chưa hiểu gì nhiều về nhau – đến nhanh bằng cảm xúc thì cũng chẳng mấy chốc đi nhanh cũng vì không chịu được nhau.
Cái khó nhất trong tình yêu? Chấp nhận và yêu thương – chuyện cái bóng
Đây là một câu chuyện mà nhiều người không còn xa lạ. Chuyện kể về hai vợ chồng ngày xưa, tuy mới cưới nhau chưa được bao lâu thì người chồng phải lên đường ra trận đi chiến tranh. Vài năm sau, ngày chiến tranh kết thúc, người chồng trở về mang theo bao nỗi niềm, hạnh phúc. Mừng vì gặp lại người vợ sau bao xa cách, mừng hơn là bởi vì bây giờ trở về nhà, mình đã trở thành cha khi có đứa con trai đầu lòng.
Theo phong tục, khi trở về người chồng bảo người vợ ra chợ mua đồ để về nhà thắp nén hương cho tổ tiên. Lúc người vợ đi chợ, cũng là khi người chồng đến bên đứa con trai của mình. Nhưng kì lạ thay, nó lại bảo “Ông không phải là cha tôi“. Sững sờ và ngạc nhiên, người chồng hỏi đứa bé “Tại sao lại vậy?“. Nó bảo “Cha tôi là người thường xuất hiện hàng đêm, cùng với mẹ tôi. Mẹ tôi nằm thì cha tôi cũng nằm, mẹ tôi ngồi thì cha tôi cũng ngồi, mẹ tôi khóc thì cha tôi cũng khóc”.
Bàng hoàng với điều này, khi người vợ trở về – người chồng thấy rằng trái tim mình bị tổn thương sâu sắc vì người vợ phản bội. Người chồng đã không thèm nhìn mặt vợ. Người vợ hết sức ngạc nhiên, cũng đau lòng. Nhưng người chồng nhất quyết không nói điều gì. Và rồi, người chồng bỏ nhà đi, tìm đến quán rượu. Mãi đến hôm sau, người ta báo tin rằng người vợ vì quá đau lòng, không hiểu vì sao chồng mình lại đột ngột đối xử với mình như vậy, đã trẫm mình xuống một dòng sông. Người chồng nghe tin quay trở về, thì đã quá muộn.
Đêm hôm ấy, đau lòng ngồi bên cạnh đứa bé, bỗng đứa bé nói “Cha tôi kia kìa, ông ấy đến đó”, thế rồi nó chỉ tay vào cái bóng trên tường. Hóa ra, bao năm người chồng xa cách, hàng đêm người vợ nhớ người chồng. Có bao đêm khóc vì nỗi nhớ. Và chỉ cho đứa con vào cái bóng, rằng đó là cha con, để nguôi đi nỗi nhớ.
Ở đây, người chồng thiếu sự chấp nhận người vợ và vội vàng ra quyết định. Người chồng hoàn toàn có thể hỏi vợ “Rằng anh thấy con nói như này, em có thể giải thích cho anh vì sao không?” Ở đây, người vợ cũng thiếu sự chấp nhận người chồng khi thấy người chồng thay đổi thái độ với mình, mà mình lại vội vàng ra quyết định là kết liễu cuộc đời. Người vợ cũng hoàn toàn có thể hỏi chồng “Điều gì khiến anh thay đổi thái độ như vậy?“.
Con người ta trong cuộc sống, thường dễ phán xét hơn là chấp nhận nhau. Không một ai là hoàn hảo, ai cũng sẽ có những cái sai lầm. Thế nên, nếu chúng ta bớt phán xét để chấp nhận và yêu thương nhau nhiều hơn thì cuộc sống này sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều. Trong tình yêu, nếu thiếu đi sự chấp nhận, đến một lúc nào đó vô tình người ta trở thành chịu đựng nhau. Nhưng đến với nhau không phải để chịu đựng nhau mà đến với nhau là để yêu thương nhau.
Có hiểu thực sự mới biết cách yêu
Hiểu mình – hiểu người, đó mới là điều quan trọng. Hiểu người thật khó. Họ sống mười mấy, hai mấy năm cuộc đời. Bao nhiêu chuyện trong quá khứ, bao nhiêu kí ức, bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu trải nghiệm. Làm sao để dễ dàng hiểu được họ. Bản thân ta cũng thế, con người ta cứ nghĩ là mình sao mình lại không hiểu? Nhưng kì thật, tâm tính, giá trị bản thân, mạnh yếu, tốt xấu, nếu không chịu khó đào sâu suy nghĩ, chiêm nghiệm thì sao mà hiểu được.
Vậy, để đến với tình yêu lâu dài, trước hết phải là một người bạn của nhau. Là bạn, có nghĩa là chia sẻ buồn vui, chia sẻ trải nghiệm, chia sẻ khó khăn, … sau đó mới có thể tiến lên những nấc thang mới. Không chỉ hiểu mình, hiểu người – mà xa hơn, còn phải là thấu hiểu tâm lý. Dĩ nhiên, đưa ra bất kì góc nhìn nào, cũng có thể sẽ có những điểm chủ quan. Vì vậy, bài viết chỉ đưa ra một vài điểm suy ngẫm, đây là tâm lý – phần còn lại là tùy nơi người đọc.
Đối với đàn ông, thì hãy nhớ điều sau: “Người phụ nữ chỉ thực sự yêu những người mà họ kính phục“. Còn đối với phụ nữ, thì đừng quên điều này: “Đối với phụ nữ, tình yêu là tất cả cuộc sống nhưng đối với đàn ông, tình yêu chỉ là một phần quan trọng trong cuộc sống“. Thông thường, tình yêu thường đến khi hội tụ đủ 3 yếu tố: sự ngưỡng mộ về trí tuệ, sự đồng cảm về tâm hồn và sự rung động về thể xác. Nếu chỉ có sự ngưỡng mộ về trí tuệ, nó nảy sinh ra sự tôn trọng. Nếu chỉ có sự đồng cảm về tâm hồn, đó là bạn tri kỉ. Nếu chỉ có sự rung động về thể xác, đó là người tình. Càng trẻ thì người ta bị cuốn hút bởi thể xác càng nhiều, nhưng càng đi đường dài thì sự hiểu nhau – tức đồng điệu tâm hồn lại càng quan trọng.
Đi gần nhìn xa
Khép lại bài viết bằng một vài dẫn chứng để minh họa cho ví dụ vừa rồi. Khi người ta còn trẻ, người ta hay có cái nhìn theo biến số, mà ít nhìn được tổng thể. Ví dụ, sẽ dễ đến với nhau vì một cái răng khểnh, vì chơi đàn guitar hay, vì giọng nói dễ thương, vì mái tóc mềm mại, hàm răng, mái tóc, tài lẻ, giọng nói,… đó là biến số. Đã là biến số thì dĩ nhiên, không sống mãi với thời gian. Nhưng tâm hồn, và tính cách – là thứ mà người đời thường bảo “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.
>> Tác giả: Edward
>> Nguồn: tamly.blog