Bài 3: TRẺ EM TỪ 3 ĐẾN 6 TUỔI

Bài 3: TRẺ EM TỪ 3 ĐẾN 6 TUỔI

Sự phát triển chung ở trẻ từ 3 đến 6 tuổi

Đây là tuổi bé khám phá ra sự khác nhau của các bộ phận sinh dục. Thực tế, ngay từ trước 3 tuổi, trẻ đã biết nói mình là bé trai hay bé gái nhưng không thật sự quan tâm đến việc điều ấy có nghĩa là như thế nào. Trẻ biết giới tính của mình cũng giống như trẻ biết mình tên là gì, chỉ là một cách để xác định bản thân, để biết mình là ai.

Rồi trẻ bắt đầu thật sự băn khoăn bởi sự khác nhau giữa bé trai và bé gái. Trong đầu trẻ sẽ diễn ra những điều sau đây:

Bé trai sẽ phát hiện ra rằng bé gái không có “chim”, còn bé gái thì phát hiện ra là bé trai có “chim”;

Các bé không hiểu rằng mỗi giới sẽ có một bộ phận sinh dục khác nhau mà tập trung mối quan tâm vào việc một đứa (bé trai) có một cái gì đó còn đứa kia (bé gái) không có. Đây cũng là tuổi mà các bé thích tìm hiểu bộ phận sinh dục của nhau, điều mà người lớn e ngại và cấm đoán. Hành vi này chẳng có gì là bất thường hay đáng lo lắng cả. Đây cũng là cái tuổi mà các bé trai rất thích đi lại trần truồng (và vân vê “chim” của mình, điều mà các mẹ thường cấm trẻ). Trẻ còn cố gắng tè xa nhất và cao nhất có thể và còn thi tè xa với các bé trai khác.

Đây cũng là tuổi hiện tượng thủ dâm ở trẻ thường xảy ra nhất (hiện tượng này xuất hiện xung quanh 2 – 3 tuổi, sau đó biến mất để rồi trở nên mạnh hơn lúc 5 – 6 tuổi). Thủ dâm có thể được biểu hiện một cách trực tiếp hoặc dưới dạng các động tác lắc, cọ sát 2 đùi, các cử động khung chậu theo nhịp…

 

Cùng với việc phát hiện ra sự khác nhau giữa hai bộ phận sinh dục, các bé (cả trai lẫn gái) thật sự khám phá ra bộ phận sinh dục của chính chúng. Trước hết, các biểu hiện này là bình thường (và còn bình thường hơn nữa khi trẻ trốn vào chỗ không ai thấy để khám phá bộ phận sinh dục của mình, dấu hiệu cho thấy trẻ hiểu rằng việc này không được làm ở chốn đông người). Ngược lại, nếu như những biểu hiện đó trở nên thái quá, phô diễn và diễn ra dai dẳng, chúng ta cần xem xét nó, có thể là trẻ đang lo hãi, có thể là trẻ cần câu trả lời cho những câu hỏi mà trẻ  đặt ra (Tại sao bé trai và bé gái lại khác nhau? Tại sao bé gái lại không có “chim”? Người ta đã làm gì với bé gái rồi? Em bé từ đâu mà ra?).

Đó cũng là lứa tuổi mà các bé trai hay nói muốn cưới mẹ, còn bé gái thì muốn cưới bố (khi bé không quá sợ bố vì bố dữ dằn)… cho đến khi chúng hiểu rằng điều đó là không thể.

Để có thể lớn lên (và học tập tốt ở trường), bé trai cần phải chấp nhận rằng mình không là và sẽ không bao giờ là người làm cho mẹ mình viên mãn cả, và rằng nếu như mẹ yêu bé, điều làm cho mẹ hạnh phúc chính là nhìn thấy bé lớn lên và trở thành một người đàn ông thật sự (như là bố nếu như bố là người tốt, là người được mẹ yêu thương và tôn trọng, còn nếu không, có thể như ông, hay chú/cậu, nhìn chung là như một người nam giới trưởng thành mà mẹ tôn trọng).

Tương tự như vậy đối với bé gái, đứa bé hẳn là mong muốn trở thành một người phụ nữ và để làm được như vậy, bé phải không quá gắn bó với bố, cũng không có một người cha bạo lực hay ruồng bỏ (nếu có người cha như thế  thì bé có nguy cơ sẽ mãi mãi chờ đợi sự bù đắp tình yêu thương của người cha, cái tình yêu thương mà bé chưa bao giờ có được, điều này sẽ ngăn cản bé hướng đến đàn ông sau này một cách đúng đắn).

sự phát triển trí thông minh ở trẻ từ 3 đến 6 tuổi

Đây chính là sự tiếp nối của giai đoạn tư duy tiền thao tác đã bắt đầu từ khi bé 2 tuổi. Ở giai đoạn này có sự ra đời và phát triển chức năng biểu tượng, với:

  • Sự phát triển của ngôn ngữ, điều này cho phép trẻ đề cập đến những đồ vật, con người hay sự kiện không nằm ở bình diện tri giác thực tại (ví dụ : trẻ nói đến người mẹ khi mẹ không có mặt ở đó);
  • Sự xuất hiện của trò chơi biểu tượng: chính nhờ trò chơi này mà trẻ biến đổi cái thực tại theo nhu cầu và mong muốn của mình. Trẻ sẽ sử dụng các đồ vật như các biểu tượng (cái gậy = cây kiếm, con búp bê = em bé…) và chính điều này sẽ cho phép trẻ chơi với cái thực tại và thuần hóa cái thực tại đó bằng cách giả vờ (ví dụ như chơi đóng vai bác sĩ và đề cập đến bệnh tật, tiêm…).
  • Tranh vẽ, hình thức hoạt động mang tính biểu tượng, nó nằm trung gian giữa trò chơi biểu tượng và hình ảnh trong suy nghĩ (là trò chơi biểu tượng bởi nó mang lại cùng một sự thích thú mang tính chức năng, trẻ vẽ vì niềm thích thú. Là hình ảnh trong suy nghĩ bởi trẻ đang thử sao chép lại cái hiện thực).

Hình ảnh trong suy nghĩ : đó chính là khả năng biểu thị lại trong đầu một đồ vật hay một sự việc không còn nằm trong tri giác thực tại nữa. (Ví dụ trẻ vẽ hình ảnh một bông hoa mà không cần quan sát bông hoa ngay lúc vẽ vì trẻ đã lưu lại hình ảnh biểu tượng của bông hoa trong đầu).

Nhưng trí thông minh của trẻ vẫn còn chưa đủ linh hoạt để có thể cho phép thực hiện các thao tác. Các thao tác này là những hành động với nhiều giả định và được thực hiện bởi tư duy.

Đây là giai đoạn ở đó sự xã hội hóa, tình cảm đạo đức, hứng thú và các giá trị dần ổn định nhưng tư duy của trẻ còn  mang tính vị kỷ trung tâm (tập trung vào chính mình). Trẻ không biết rời xa quan điểm của mình để hiểu được quan điểm của người khác.

sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ từ 3 đến 6 tuổi

Khi trẻ lên 6 tuổi, lúc này, ngôn ngữ nói thông thường của trẻ đã phát triển với sự cải thiện về từ vựng và cú pháp.

Sự phát triển tâm vận động ở trẻ từ 3 đến 6 tuổi

Vận động thô

Lúc 4 tuổi, bé có khả năng đạp xe không có 2 bánh phụ hai bên; lúc 5 tuổi bé biết nhảy lò cò; 6 tuổi, bé nhảy chụm chân và dẫn bóng theo một hướng nhất định.

Vận động tinh

Lúc 4 tuổi, bé có khả năng

  • Cài khuy quần áo đầy đủ.
  • Xây cầu bằng các khối xây dựng.
  • Sao chép một hình vuông.

Lúc 5 tuổi, trẻ có thể:

  • Buộc dây giầy.
  • Vẽ lại một hình tam giác.

Lúc 6 tuổi, trẻ có thể:

  • Quấn sợi dây quanh một lõi cuộn.
  • Khâu với một cây kim lớn

Trò chơi của trẻ từ 3 đến 6 tuổi

Từ 3 tuổi, trẻ thích thú và có thể chơi được các loại trò chơi: Trò chơi cải trang: cần cung cấp cho trẻ những miếng vải màu, quần áo cũ, kính không còn sử dụng đến nữa, mũ cũ…; Trò chơi tô màu; Trò chơi xây dựng ghép hình; Bé gái rất thích trò chơi búp bê, chơi với các hộp mà bé có thể mở ra, đóng lại; Xe ba bánh; Sách báo: trẻ đặc biệt thích chúng ta kể chuyện cho bé nghe, chúng ta cùng xem tranh với bé. Chúng ta cũng có thể đề nghị trẻ kể một câu chuyện.

Đến 4 tuổi, bé vẫn thích các trò chơi tô màu; những cuốn sách nhỏ có hình ảnh; chơi với bóng; nghe đài; những trò chơi đòi hỏi sự kiên nhẫn như xếp hình… và những trò chơi mang tính xã hội  như cá ngựa.

Từ 56 tuổi, trẻ thích các trò chơi:

  • Xây dựng với những bộ lắp gép cỡ lớn. Đôi khi trẻ cần sự giúp đỡ của người khác để đọc hướng dẫn sử dụng và giúp bé lắp ghép…. Đây cũng là các trò chơi cho phép một nhóm trẻ hợp tác với nhau (cùng chơi chung và cãi nhau).
  • Sửa chữa và công việc chân tay: trẻ cần hồ dán, kéo, tẩy, gọt bút chì, sơn, bút dạ … .
    Sẽ rất tốt nếu chúng ta cung cấp cho trẻ một túi đồ hoặc một hộp để xếp đồ (hoặc, sẽ còn tốt hơn nếu chúng làm túi đồ/hộp đồ cùng với trẻ), với những hộp dụng cụ đó trẻ sẽ xếp tất cả đồ đạc của trẻ.
  • Sách: trẻ thích kể chuyện, sáng tác, nhưng đặc biệt là người khác kể chuyện cho trẻ (Chuyện cổ tích, truyền thuyết kể về những người hùng, bà tiên, mụ phù thủy).

Tranh vẽ ở trẻ từ 3 đến 6 tuổi

Trẻ bắt đầu gọi tên những gì trẻ vẽ. Trẻ không quyết định vẽ cái gì nhưng trẻ gọi tên – sau khi vẽ – hình dạng mà trẻ vừa mới vẽ.  Rồi dần dần giữa 5 và 6 tuổi, trẻ thử biểu thị một cách chủ đích.

Đối với tranh vẽ người: Khoảng 3 tuổi trẻ vẽ người  nòng nọc (người được biểu thị bằng một vòng tròn, đôi khi với vài cái “lông” (nét bút thẳng) để biểu thị cánh tay, tóc hoặc chân

Khoảng 4 tuổi  trẻ biết đến khái niệm chiều dọc. Các ngón tay được thể hiện (dưới dạng ăng ten vô tuyến hay dạng cái cào).

Ở giai đoạn này, trẻ đã bắt đầu chú ý đến việc vẽ quần áo, nhưng chúng chỉ là những nét phác thảo không đồng bộ (chẳng hạn vẽ áo nhưng chỉ có khuy không) hoặc là “quần áo trong suốt” (quần áo được vẽ sau khi vẽ người, chúng ta cảm tưởng có thể nhìn xuyên qua)

Khoảng 4 – 5 tuổi trẻ vẽ người được khu biệt với một khoảng trống giữa vòng tròn đầu và chân. Khoảng 5 tuổi trẻ đã vẽ được đầu, thân và các chi (cánh tay và cẳng chân dưới dạng các nét). Khoảng 6 tuổi thì người trong tranh lúc này đã thể hiện sự năng động (bước đi chẳng hạn).

———————

>>>  Bài tiếp theo: Giai đoạn trẻ từ 6 đến 11 tuổi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *