Đặc tính của con người – Phần 1

Trong Lời nói đầu của hai tập sách “Nguồn gốc loài người”, Yves Coppens[1], đã nói “Ngày nay, chúng ta biết chắc chắn rằng chúng ta và các loài này (Tinh tinh, Bonobo, Khỉ đột) có chung tổ tiên cách đây không đến 10 triệu năm. […] 10 triệu năm là khoảng thời gian không dài về mặt địa chất học nhưng nó đủ dài để có thể chứng kiến rất nhiều sự thích ứng khác nhau”.

Nhưng với ông, cũng như với tất cả chúng ta, điều này không có nghĩa là con người không có sự khác biệt rõ rệt với những người anh em linh trưởng cũng như với các loài động vật có vú hoặc động vật nói chung. Thậm chí, với chúng ta, sự khác biệt là điều hiển nhiên và rất rất lớn, thậm chí chúng ta thấy mình cao cấp hơn chúng, đến mức Thiên chúa giáo cho rằng Chúa đã tạo ra con người theo hình ảnh của chính Ngài.

Quả thực chúng ta khác biệt! Chẳng phải chúng ta có ngôn ngữ, một thứ ngôn ngữ có cấu âm, cấu trúc, có ngữ pháp mà không một loài nào khác có được và, theo Boris Cyrulnik[2] cho phép chúng ta « phát minh” ra một bản chất khác invente[r] une autre nature. [3]  bằng cách biến đổi cách thức tiếp cận thế giới và tạo ra một thế giới mà ở đó lời nói được tri giác thay vì thế giới không được tri giác mà nó biểu đạt”.

Chẳng phải chúng ta đã biến đổi thế giới nơi chúng ta được sinh ra, đến mức ngày hôm nay, trong cái thế giới bao quanh chúng ta này chẳng còn mấy thứ còn giống như thế giới mà tổ tiên xa xưa của chúng ta từng biết, một thế giới đã từng nhiều lần suýt chứng kiến sự biến mất của loài người do sự mong manh, dễ bị đe doạ của mình đó sao?

Danh sách những khác biệt còn rất dài. Từ nhiều thế kỷ nay, các nhà tư tưởng đã không ngừng nối dài thêm danh sách ấy.

Về phần mình, Yves Coppens đã nối dài danh sách này, trên hết là để cảnh báo chúng ta về sự bấp bênh/không chắc chắn của những khẳng định trước đây. Ông viết:

« Ta vẫn hay nói: “con người, đó là công cụ”. Nhưng rồi ta nhanh chóng nhận ra rằng các công cụ bằng đá, bằng gỗ, bằng xương cũng tồn tại trong các gia đình láng giềng [tinh tinh, bonobo, khỉ đột]. Thế nên, tìm mọi cách để thiết lập một ranh giới, ta khẳng định “ Con người là công cụ có thích ứng”. Nhưng những tán lá trên những cành cây nhỏ để bắt kiến hoặc mối, việc nhai lá để thấm nước ở dưới đáy những hòn đá cuội hoặc tuỷ não dưới đáy hộp sọ đã cho chúng ta thấy rằng, không còn phải bàn cãi gì nữa, những người họ hàng của chúng ta cũng có khả năng điều chỉnh/thích ứng một số công cụ của họ. Cái giới hạn này – cũng như biết bao giới hạn khác mà tâm trí con người muốn nó trở nên tuyệt đối – lại trở nên mong manh. Cách đây vài năm, tôi đã đề xuất một định nghĩa dựa trên khái niệm tính thường trực và khái niệm định lượng, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Ta nói rằng: con người là văn hoá , tham chiếu đến một khái niệm xưa cũ – “lỗi thời” theo Pascal Picq – về những kiến thức thu lượm được liên quan đến những tri thức được ghi lại, được giảng dạy hoặc truyền tải. Nhưng chúng ta cũng bắt gặp những truyền thống văn hoá ở nhiều quần thể vượn lớn và quan sát thấy có sự khác nhau về truyền thống văn hoá ở các loài họ hàng khác nhau.

Người ta nói: con người là xã hội”, tức là một mức độ tổ chức xã hội nhất định. Nhưng điều đó không đơn giản như vậy khi chúng ta nghiên cứu về thời Tiền sử nhằm xác định ranh giới chia tách con người và các loài khác. Các nhà tập tính học cảm thấy như được mở mang mỗi ngày về mức độ tinh xảo/phát triển của các xã hội của quần thể vượn lớn, lĩnh vực mà họ miệt mài quan sát và tìm hiểu.

Người ta nói: con người là lời nói. Sự cải tiến đường hô hấp trên trong khoảng 3 nghìn năm, trong một môi trường đặc biệt khô đã làm hạ thấp thanh quản xuống và thiết lập một khoang cộng hưởng âm thanh quý giá nằm giữa các dây thanh và miệng – với một vòm miệng sâu hơn và khớp bán động đứng hơn. Các loài vượn lớn, do không phải đối diện với một sự cần thiết như thế, đã phát triển một cách giao tiếp bằng khác nhưng không có ngôn ngữ có cấu âm. Tuy nhiên, khi chúng ta dạy chúng ngôn ngữ của loài khỉ, chúng có thể nói với ta rất nhiều điều.

Người ta nói con người là ý thức.” Sau tất cả, biết rằng mình biết ” là một tiền tố của văn hoá. Và nếu như thuật ngữ này bao hàm cả ý niệm về công nghệ, nó cũng gói ở đây các khía cạnh của trí tuệ, tinh thần, đạo đức, mỹ học của chủ thế mang nó. Nhưng, vào thời điểm mà ta tin là cuối cùng ta đã xác định được ranh giới lãnh thổ của mình, ta nói đến điều cấm kỵ loạn luân, về đạo đức và về các nghi thức của họ hàng kia…

Vậy thì con người ở đâu? Con người ở đó, ổn cư trong cái văn hoá kỳ cục của mình, cái văn hoá ấy phát triển đến mức bao lấy con người, thiết lập một cách vững chắc trong việc khai thác hành tinh và môi trường xung quanh, yên vị trong cái phẩm hạnh mà được đặc trưng bởi sự tự do và tinh thần trách nhiệm.

Bà tôi nói với tôi: “Nếu cháu phát triển lên từ loài khỉ, bà thì không đâu nhé!” Nhưng bà ơi, tất nhiên, bà cũng vậy, và loài tinh tinh mà bà nghĩ tới thực sự là họ hàng với ta đấy! Nhưng phẩm giá của bà với vai trò là một con người có tư duy được bảo toàn vì với cùng một tiềm năng về thần kinh và trong cùng một khoảng thời gian, loài khỉ và chúng ta đã đạt tới những số phận cực kỳ khác biệt. Sự khác nhau về mặt di truyền và những áp lực của môi trường đặc thù cũng đã cho người anh em sống trông rừng sâu của chúng ta một phẩm giá nhưng đó là phẩm giá chỉ thuộc về họ mà thôi.”

Sau khi đã đưa ra suy ngẫm này, một suy ngẫm đáng để chúng ta phải lưu tâm, rằng “Con người không phải là một lỗi của tự nhiên, là lỗi thuộc về bản chất con người”, Pascal Picq[4], ở trang tiếp theo, đã đưa ra một danh sách các đề xuất mà các nhà tư tưởng danh tiếng nhất đã góp phần nối dài trong suốt nhiều thế kỷ.

Aristote viết: « Con người là động vật duy nhất mang tính chính trị ; Platon khẳng định rằng con người là động vật hai chân duy nhất, và chỉ rõ « với làn da trần» ; Rabelais nói rằng tiếng cười  chính là đặc tính của con người ; Descartes cho rằng « con người là động vật duy nhất có lý trí» ; Thomas Huxley cho rằng con người là « động vật duy nhất có đạo đức» ; với Engels và các nhà tư tưởng thuộc trường phái maxiste, « con người là công cụ» ; các nhà nhân chủng học cho rằng con người là động vật duy nhất có văn hoá , còn Lévi-Strauss lại thấy duy nhất con người tuân theo điều cấm kỵ loạn luân; Konrad Lawrence và Andrey stigmatise « con người, con khỉ sát thủ » ; Noam Chomsky cho rằng « con người là động vật duy nhất có ngôn ngữ thực sự ; theo David Premack, con người là động vật duy nhất có tính sư phạm ; cuối cùng, Boris Cyrulnik nhấn mạnh rằng con người là động vật duy nhất có lịch sử . Trừ một số trích dẫn cuối cùng này, đại đa số các trích dẫn đều được đưa ra mà không có sự hiểu biết về loài khỉ và loài vượn lớn. Trong mỗi trường hợp, con người đều xác định mình là một động vật nhưng mang đặc tính của con người. Như vậy, đó là một động vật mang tính người, như thể là chỉ riêng cái tính ngữ này là đủ để tách chúng ta ra khỏi thế giới động vật.

Cùng với thời gian, nhiều định nghĩa về tính đặc thù của loài người đã được xác định là sai. Một số định nghĩa khác đáng để chúng ta phải dừng lại để suy ngẫm. Thế tuy nhiên, đưa ra một định nghĩa thôi là không đủ để hiểu, rõ ràng, chúng ta còn cần cố gắng để giải mã những điều mà nó hàm ý và bao quát điều gì.

Ví dụ như, nói như Boris Cyrulnik, rằng “con người là động vật duy nhất có lịch sử “, một đề xuất mà tôi cho là đúng và là tiền đề cho rất nhiều nghiên cứu khác: loài động vật nào quan tâm tới những việc mà tổ tiên của họ đã làm và đến những dấu ấn mà loài của chúng đã để lại, các tác phẩm đã hoàn thành, những thành công thu được và cả những điều tồi tệ – nhưng luôn được nguỵ trang là những kỳ tích – mà loài đó đã phạm phải, những lầm đường lạc lối, những huyễn hoặc mà mình đã nuôi dưỡng? Chắc chắn không phải là loài sư tử, cũng không phải loài bò! Dường như với tất cả những sinh vật khác trên thế giới này, chỉ có hiện tại là điều có ý nghĩa trong khi đó, ở thế giới loài người, cho dù đó là các cá nhân hay các tổ chức nhà nước, chúng ta miệt mài bảo toàn trí nhớ/lưu trữ ký ức về hành trình của chúng ta, ngay cả khi đó là những hành trình ít vẻ vang nhất.

Nhưng liệu việc đi xa hơn định nghĩa này một chút nữa để cố gắng khoanh vùng điều mà khái niệm “là động vật có lịch sử” hàm ý, muốn nói tới có phải là điều cần thiết, và nếu có thì cần thiết ở điểm nào?

Tương tự như vậy với cái định nghĩa con người là động vật có ý thức, đức tin, lý lẽ, văn hoá, tình yêu, biết đến cái đẹp, cái tốt, cái xấu, cái trật tự, cái hỗn loạn, tính liên chủ thể, điều linh thiêng, những điều vô hình (tinh thần, linh hồn của tổ tiên…), cái đúng, trí tưởng tượng, sự hoang tưởng, v.v…

Đó là điều tôi đang cố gắng thực hiện … và không quên bổ sung một số đặc thù khác mà tôi cho là quan trọng (tôi vừa kể ra một số đặc thù, tôi sẽ thêm vào đây một ví dụ nữa: liệu có loài động vật nào quan tâm đến vinh quang, vì tôi vừa đề cập tới khái niệm này ở phía trên, hay phẩm hạnh hoặc sự e thẹn/ngượng ngùng? )

Tôi ý thức được rằng công việc tôi đang làm mới chỉ là một phác thảo sơ khai và sẽ không bao giờ có hồi kết (trừ tôi và cái kết của chính mình), rằng đó là công việc quá sức đối với khả năng của mình, rằng đó là một việc không hoàn thiện. Nhưng có thể công việc phác thảo này sẽ làm bạn quan tâm, có thể bạn sẽ thu lượm được điều gì đó và biết đâu đấy, một ngày nào đó, bạn mong muốn tiếp nối nghiên cứu này, tưới tắm cho nó, hoàn thiện nó hoặc sử dụng nó để phục vụ cho con đường đi của riêng mình, với những câu hỏi của riêng bạn.

Tôi sẽ kết thúc phần trình bày này bằng việc lý giải với các bạn vì sao, đối với một nhà tâm lý học (hoặc một người làm việc trong lĩnh vực giáo dục trẻ em), việc quan tâm đến các khía cạnh nói trên là điều thú vị.

Đơn giản là bởi vì nhận diện và hiểu những đặc thù trong sự kiến thiết con người giúp chúng ta hiểu hơn về những sự kiện diễn ra trên thế giới, sự kiện mà con người là nguyên nhân nhưng đồng thời là nạn nhân (chiến tranh, chạy đua vũ trang, biến đổi khí hậu, sự tuyệt chủng của một số loài…) cũng như những phiêu lưu mà con người đang thử nghiệm (chinh phục sao Hoả, trào lưu Siêu nhân loại, cấy ghép não bộ nhằm nâng cao năng lực của bộ não – dự án Neuralink của Elon Musk, biến đổi bộ gien người …), cũng là để hiểu về “các sức mạnh vô hình” đang thúc đẩy con người chạy theo những phiêu lưu ấy với nguy cơ huỷ hoại hành tinh. Hiểu hơn về những điều đó và nếu có thể, tự bảo về bản thân tốt hơn như việc con người đã học được cách quản lý xung năng của chính mình qua nhiều thế kỷ.

Và giả như lần này, chúng tôi không thể tổ chức được các buổi thảo luận chuyên đề, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ với các bạn về những nội dung liên quan ở “Phần 2”, “Phần 3”… v.v…

 

 

[1] Nhà cổ sinh vật học và nhà cổ nhân loại học người Pháp, giáo sư danh dự tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia và Collège de France .

[2] Được đào tạo chuyên ngành Bác sĩ thần kinh-tâm thần, đã thực hành nghề với vai trò như trên nhưng đồng thời là một nhà phân tâm học, ông đã lãnh đạo một nhóm nghiên cứu về đạo đức học lâm sàng tại trung tâm y tế liên xã Toulon-La Seyne-sur-Mer. Ông là giám đốc đào tạo đại học về đạo đức con người tại Đại học Toulon.

[3] Boris Cyrulnik, Từ ý thức về bản thân đến tâm linh, trong Nguồn gốc loài người, tr. 446.

[4] Nhà cổ nhân loại học người Pháp, Tác giả cuốn Loài người, nguồn gốc và tiến hoá.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *