Tự nhiên con bất thường

Tự nhiên con bất thường

Lo âu chồng chất lo âu 

Các nghiên cứu tâm lý thời gian qua đặc biệt quan tâm đến các rối loạn tâm lý học đường ở học sinh và đưa ra nhiều dự báo hữu ích trong việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Các nhà nghiên cứu khẳng định, rối loạn lo âu là rối loạn tâm lý phổ biến nhất ở độ tuổi học sinh.

Năm 2014, hội thảo khoa học toàn quốc về “Sức khỏe tâm thần trong trường học” dẫn ra một nghiên cứu được thực hiện trên 2.549 học sinh độ tuổi từ 11-15. Nghiên cứu cho thấy: rối loạn lo âu chiếm tỷ lệ cao nhất là 12,3%, trong khi đó trầm cảm chiếm 8,4%; hành vi sử dụng chất gây nghiện chiếm hơn 2%.

Ngoài ra, một số nghiên cứu về rối loạn lo âu ở học sinh lớp 12 cho thấy tỷ lệ học sinh có các dấu hiệu của rối loạn lo âu cao hơn hẳn (38%) so với các độ tuổi khác (tác giả Nguyễn Đức Sơn và cộng sự, 2015).

Nguyên nhân của rối loạn lo âu có thể khởi điểm từ những lo âu học đường thông thường như sợ điểm kém, sợ bị bạn bè, thầy cô đánh giá thấp, sợ các kỳ kiểm tra, thi cử và sợ chê bai từ gia đình, từ người xung quanh… Một số ghi nhận khác đến từ cảm nhận của học sinh về khó khăn sắp tới, lo lắng về khả năng hoàn thành nhiệm vụ, bài tập, hay phải đối mặt với một tình huống không hay nào đó chưa thể hình dung rõ, kèm theo các biểu hiện tâm lý như bất an, bồn chồn, sợ hãi, rã rời, đôi khi kèm theo chứng đau đầu, đau bụng…

Giữa bối cảnh đại dịch, việc hạn chế giao tiếp trực tiếp, ít có cơ hội ra ngoài vận động, cùng áp lực học trực tuyến, bài vở, thi cử khác với hoạt động thông thường và những nỗi lo liên quan đến việc nhiễm bệnh, điều trị bệnh… cũng tác động xấu đến cảm xúc của học sinh.

Lo âu sẽ chấm dứt nếu mọi việc được giải quyết xong hoặc học sinh được hỗ trợ, trấn an tâm lý. Tuy nhiên, không phải lúc nào vấn đề cũng được giải quyết dễ dàng vì phụ huynh, thầy cô giáo khó phát hiện bất thường ở trẻ, bản thân trẻ cũng hiếm khi hoặc không sẵn sàng bày tỏ hay tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt tâm lý. Từ đó, các biểu hiện lo âu học đường thông thường này phát triển thành các rối loạn tâm lý nghiêm trọng hơn như rối loạn lo âu hoặc trầm cảm, nguy hiểm đến sức khỏe của học sinh.

Những lo ngại trên được nhấn mạnh nhiều lần trong những phân tích mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). Các nghiên cứu từ tổ chức này cho thấy, trẻ có nguy cơ gặp phải nhiều rối loạn tinh thần do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như lo âu, tăng động giảm chú ý, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt, có thể gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe, việc học tập… gây tác động khôn lường đối với cuộc sống của trẻ em, rối loạn tâm thần dẫn đến khuyết tật hoặc tử vong.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Rất cần được phát hiện và điều trị

Đến gặp chuyên viên tâm lý, chị T. ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM, kể: “Tôi bận buôn bán nên cứ giao cho con trai lớp Tám chiếc điện thoại để con học trong phòng riêng, lúc nào đến giờ ăn thì con xuống ăn. Nhiều tháng học online trôi qua con trai chị từ một người hoạt bát, học giỏi lại thường xuyên ngủ gục trong giờ học trực tuyến, không hoàn thành bài tập giáo viên giao, lao vào chơi game thâu đêm, bị giáo viên nhắn tin nhắc nhở về thái độ học tập nhiều lần.

Chị nghĩ do con ở nhà buồn chán nên như vậy, chị cố gắng động viên con đi tập thể dục buổi sáng chung thì phát hiện con bắt đầu sợ người lạ, hạn chế giao tiếp. Chị thử yêu cầu con phụ bán hàng, con gần như không muốn giao tiếp với khách, chỉ gật đầu, lắc đầu, cùng nhiều biểu hiện lo lắng, sợ hãi khác… cho đến khi con học tập sa sút tệ hại, đóng cửa ở trong phòng cả ngày, hỏi gì cũng không chia sẻ, mặt mũi buồn rầu, thiếu sức sống… chị và người thân mới tức tốc đưa con đi bệnh viện khám.

Các bác sĩ kết luận thể chất bé bình thường và hướng dẫn chị tìm chuyên gia tâm lý để hỗ trợ vì thấy con có dấu hiệu của lo âu hoặc trầm cảm.

Khi tìm hiểu sự việc, gia đình mới thấy rằng trẻ có những mối bận tâm, lo lắng kéo dài nhiều tháng qua, liên quan đến kết quả học tập không như mong đợi, bên cạnh việc hạn chế tiếp xúc với bạn bè trong khi độ tuổi dậy thì như học sinh này rất cần bạn bè để chia sẻ, tâm sự và giao lưu.

Mẹ của một học sinh nữ lớp Ba, cũng khẩn thiết cầu cứu vì phát hiện tính tình con gái gần đây trở nên cáu bẳn, đang học online mà không hiểu bài là quay sang hét vào mặt mẹ, có khi lao vào đánh cả em trai. Tính cách bỗng dưng trở nên bạo lực hơn, trong khi từng là học sinh gương mẫu, cán bộ lớp được các bạn yêu quý. Nỗi lo về bài vở, sợ bạn bè chê cười nếu mình không hiểu bài, bị điểm thấp nhưng không thể hỏi giáo viên hay trao đổi với bạn bè trong suốt mùa dịch, làm gia tăng những lo âu trong học sinh này.

Hầu hết các học sinh được tham vấn tâm lý trong suốt mùa dịch qua đều có những điểm chung, phù hợp với những dấu hiệu của chứng lo âu học đường thông thường, nhưng không được quan tâm hỗ trợ và các mối lo âu này diễn ra trong suốt nhiều tháng liền.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù rối loạn lo âu chiếm tỷ lệ khá cao cả trên thực tế lẫn nghiên cứu, tuy nhiên số thanh thiếu niên được phát hiện và điều trị là rất ít. Vì vậy, các biểu hiện rối loạn lo âu kéo dài, dẫn đến nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi mà việc học trực tuyến kéo dài, giao tiếp đơn điệu, việc gặp gỡ hạn chế, thời gian tiếp cận máy tính, sử dụng điện thoại quá nhiều, các cảm xúc, hành vi tiêu cực không được quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời…

Ở tầm nhìn xa hơn, nếu gia đình, nhà trường không tăng cường các hoạt động chăm sóc tinh thần trong gia đình-trường học, học sinh không được kiểm tra, đánh giá trình trạng sức khỏe tâm lý khi có dấu hiệu bất thường, không được tham vấn/can thiệp tâm lý khi cần thiết, các vấn đề/rối loạn tâm lý hiện tại có thể trở nên nghiêm trọng hơn, tăng mức độ và ảnh hưởng kéo dài đến các độ tuổi tiếp theo hoặc đến khi trưởng thành.


> Tác giả: Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân (Đại học Quốc tế Sài Gòn)

> Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/tu-nhien-con-bat-thuong-a1454534.html

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *