Bàn về xu hướng yêu và ghét quá mức

Bàn về xu hướng yêu và ghét quá mức

Nếu có một khái quát về nguy cơ của sự trưởng thành, thì đó chính là không tôn thờ cũng chẳng khinh rẻ ai một cách sâu sắc.

Nhưng ta hãy bắt đầu với những đứa trẻ sơ sinh. Nhà phân tâm học tiên phong giữa thế kỷ 20 người Áo Melanie Klein đã hướng sự chú ý đến một điều rất ấn tượng diễn ra trong tâm trí những đứa bé sơ sinh trong suốt quá trình chúng được mẹ cho bú mớm.

Khi được cho bú mớm đầy đủ, đứa bé rất sung sướng và xem người mẹ là ‘tốt’. Nhưng nếu, vì bất kỳ lý do nào, quá trình cho bú mớm gặp khó khăn, đứa bé không thể hiểu được nó đang quan hệ với cùng một người mà nó rất yêu thích chỉ cách đây vài phút hay vài giờ. Trong lòng nó chỉ đơn giản là chứa đầy tức giận và căm ghét.

Để chịu đựng được điều này, đứa bé chia tách khỏi người mẹ thật một phiên bản ‘người mẹ xấu’ thứ hai–người mà nó xem là một người riêng biệt, đáng ghét, chịu trách nhiệm cho việc cố tình làm nó bực bội, thất vọng, và trong quá trình đó, nó bảo vệ hình ảnh về người mẹ tốt trong tâm trí nó. Trong tâm trí của đứa bé, nói chung là có hai người, một người mẹ hoàn toàn tốt đẹp, và người mẹ khác thì hoàn toàn xấu xa.

Dần dà, nếu mọi chuyện suôn sẻ, trải qua một quá trình dài và khó khăn mà theo đó đứa trẻ hợp nhất hai con người khác biệt đó với nhau và hiểu được, tuy đáng buồn nhưng mang tính thực tế, rằng không có người mẹ lý tưởng, ‘hoàn hảo’–bà ấy có thể là một người luôn yêu thương nhưng nhưng cũng bận rộn, mệt mỏi, bực bội, một người có thể mắc lỗi và cũng rất quan tâm đến người khác.

Có lẽ đã trải qua một khoảng thời gian rất dài kể từ khi chúng ta còn là những đứa bé được cho bú mớm. Nhưng xu hướng ‘chia tách’ những người gần gũi với chúng ta thì vẫn luôn tồn tại; vì chúng ta chưa hoàn toàn trưởng thành vượt thoát khỏi cái bản ngã thời thơ ấu của mình. Trong cuộc sống trưởng thành, chúng ta có thể yêu sâu sắc và tách ra một phiên bản lý tưởng của một ai đó, người mà chúng ta không nhìn thấy sự bất toàn nào và người mà chúng ta tôn thờ vô hạn. Nhưng chúng ta có thể đột ngột quay lưng lại với đối phương (hoặc một người nổi tiếng hay một chính trị gia), người có những phẩm chất tốt từng gây ấn tượng với chúng ta, vào lúc mà chúng ta phát hiện ra những chuyện nhỏ nhặt gây khó chịu hoặc khiến chúng ta thất vọng về họ.

Chúng ta có thể kết luận rằng họ thật sự chẳng tốt đẹp gì vì họ làm chúng ta đau khổ–và quyết định logic duy nhất là họ là người kinh khủng. Chúng ta có thể thấy cực kỳ khó chấp nhận rằng cùng một con người đó nhưng lại có thể rất tử tế và tốt đẹp ở một vài phương diện nào đó và cũng gây thất vọng lớn ở những phương diện khác. Phiên bản tồi tệ có thể hủy hoại phiên bản tốt, dù (dĩ nhiên) trong thực tế chúng quả thực là những phương diện khác biệt và liên kết với nhau trong một con người phức tạp.

Thật là một thành tựu tâm lý lớn lao khi có thể chấp nhận sự pha trộn gây hoang mang giữa cái tốt và cái xấu ở người khác, khả năng hỗ trợ chúng ta và gây thất vọng cho ta, sự tử tế và đê tiện–và thấy rằng, vượt xa những gì mà ta có khuynh hướng tưởng tượng trong những khoảnh khắc phẫn nộ hoặc vui sướng của chúng ta, phần lớn mọi người thuộc về vùng trung lập với một chút tỉnh táo, một chút hi vọng mà thuật ngữ gọi là ‘đủ tốt’ (good enough).

Để đối phó với mâu thuẫn giữa hy vọng và thực tế, nền văn hóa của chúng ta nên dạy ta những kỹ năng hòa nhập tốt, khuyến khích chúng ta chấp nhận với một chút duyên dáng những điểm chưa hoàn hảo ở bản thân ta–và sau đó xa hơn nữa, ở người khác. Chúng ta nên được nhẹ nhàng nhắc nhở rằng chẳng có ai mà ta có thể yêu mà sẽ thỏa mãn được ta trọn vẹn–nhưng điều này không bao giờ nên là lý do để ghét họ. Chúng ta nên tránh xa khỏi sự ngây thơ và tàn nhẫn của việc chia tách người khác thành kẻ xấu xa và người tuyệt vời, để đến với sự khôn ngoan của người trưởng thành hợp nhất họ thành tập hợp lớn của sự ‘đủ tốt’.

—————————–

>> Theo: tamlyhoctoipham.com

>> Nguồn: Theo book of life

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *