Ba năm vượt bão của chàng trai vỡ nợ

Ba năm vượt bão của chàng trai vỡ nợ

Bỏ nghề kỹ sư năm 24 tuổi để khởi nghiệp nhưng Ngô Tấn Quyền phá sản sau 4 tháng, ôm khoản nợ 150 triệu đồng về quê trong tâm trạng bế tắc.

Giữa lúc đó, một người bạn rủ Quyền tiếp tục vay mượn để làm lại từ đầu với các sản phẩm chế tác từ trầm hương.

Huyện Tiên Phước, cách nhà anh khoảng 40 km, được ví như xứ sở trầm hương bởi có hàng nghìn hộ trồng cây dó bầu, loại cây có thể sinh ra trầm, có mùi thơm tự nhiên. Người dân trong vùng dùng trầm hương làm nhang, làm các sản phẩm như vòng đeo tay, trầm cảnh…

Nhận thấy trầm hương là mặt hàng tiềm năng, nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, Quyền đồng ý hợp tác với bạn. Nhưng đúng lúc đó, người bạn từ bỏ ý định. Chàng trai 25 tuổi năm đó một mình chạy xe đi Tiên Phước tìm hiểu.

Không có vốn nên sau khi đi qua ba cơ sở, Quyền chọn mua nguyên liệu nơi có giá rẻ nhất. Mang 5 kg phôi trầm hương giá 2 triệu đồng về nhờ thợ chế tác nhưng khi cầm sản phẩm hoàn thiện trên tay, ngửi vừa hắc vừa khó chịu, anh biết mình vừa quẳng những đồng tiền quý giá nhất xuống sông.

“Đường khởi nghiệp đầy trái đắng, chẳng bằng phẳng như làm công ăn lương”, anh nghĩ.

Ngô Tấn Quyền tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Đà Nẵng và là kỹ sư của một nhà máy lớn ở Quảng Nam, lương thoải mái chi tiêu, nhưng luôn không hài lòng với bản thân. “Tôi như kiếp sống mòn, không động lực để cố gắng. Các anh kỹ sư trong công ty lớn tuổi hơn tôi đều rất giỏi. Ai cũng bảo chỉ làm một năm nữa sẽ nghỉ việc nhưng rồi chẳng ai dám nghỉ”, Quyền kể.

Anh nhận ra nếu không thoát ra, chỉ vài năm nữa mình cũng như đàn anh, không bao giờ dám bước ra khỏi vùng an toàn.

Nghĩ là làm, Quyền bắt đầu thức đêm tự học thiết kế công trình sân thượng theo phương pháp thủy canh. Khi thấy kiến thức đã vững, anh và hai người bạn hùn vốn khởi nghiệp. Anh tin vườn sân thượng sẽ là xu hướng mới ở các đô thị như Quảng Nam, Đà Nẵng.

Bốn tháng từ khi mở cửa hàng, trời miền Trung liên tục mưa tầm tã. Công trình nhận được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bạn bè rút vốn, một mình nhưng phải trả tiền mặt bằng bảy triệu mỗi tháng, Quyền biết không thể cầm cự, anh trả mặt bằng, dọn hết vật liệu ra ngoài, gọi người đến thanh lý. Không ngờ, sáng hôm sau, những tài sản cuối cùng đó đều bị trộm lấy mất.

“Tôi cứ đi trong mưa như người vô hồn. Đột nhiên tôi nghĩ hay là mình vô dụng quá, trước giờ, những thứ mình đạt được chỉ là may mắn”, chàng trai nói.

Về quê, khi thoảng có công trình Quyền lại chạy xe máy vào Đà Nẵng thi công, lên núi, về vùng biển làm hệ thống tưới cây ăn quả… Nhưng Covid-19 bùng phát khiến đường trở lại Đà Nẵng của Quyền mỗi lúc một mờ mịt. Anh tính vào Sài Gòn, ra Hà Nội làm lại từ đầu, nhưng dịch bệnh đã chặn mọi lối đi.

“Ba năm liền, tui không thấy con mua cái áo, cái quần nào mới. Tui kêu nó không có tiền thì tui cho, mà nó nói không thích sắm gì hết”, bà Trần Thị Hợi, 65 tuổi, mẹ Quyền chia sẻ. Bà không hay, hàng tháng con trai chạy vạy khắp nơi lo tiền sinh hoạt biếu ba mẹ. Cuối năm, không có tiền trả bạn bè, Quyền vay ngân hàng, trả lãi theo tháng. Anh chuyển sang bán hàng online làm kế sinh nhai, nhưng cũng chẳng có khách.

Được giới thiệu về trầm hương, tưởng cơ hội đến, không ngờ Quyền mua phải hàng giả. Đang lúc không biết chọn đâu cơ sở sản xuất trầm hương uy tín hợp tác, Quyền được bạn giới thiệu đến anh Lê Minh Quốc, 32 tuổi. Tuy cơ sở nhỏ, nhưng giá bán ra đắt gấp đôi cơ sở đầu tiên Quyền đến tìm hiểu. “Sản phẩm tự nhiên nên mùi hương cũng khác. Nghe cách anh chia sẻ chân thành, cảm giác tin tưởng được nên tôi muốn hợp tác”, Quyền kể.

Quyền thú thật với anh Quốc là mình đang “bể nợ”, đề nghị lấy hàng bán, khi thu hồi vốn sẽ trả sau. Không ngờ anh Quốc đồng ý. “Tôi từng trải nhiều nên biết. Nếu cậu ấy là đứa gian manh đã không khai thật chuyện bể nợ”, anh Quốc nói.

Quyền rao bán hàng trên mạng xã hội. Lấy sỉ hai triệu đồng một chiếc vòng bằng gỗ trầm hương, anh bán ra bằng giá, chủ yếu thăm dò và xây dựng niềm tin của khách hàng. Bạn bè, người quen mua ủng hộ cho phản hồi tốt, Quyền tự tin nhập bán thêm trên nhiều hội nhóm. Tuy nhiên, Covid bùng phát mạnh giữa năm 2021 khiến mọi việc chững lại. Khi số nợ lên 200 triệu đồng, Quyền cùng đường, nộp hồ sơ xin đi làm lại ở một doanh nghiệp nhưng bị từ chối.

“Lúc đó tôi vừa sợ vừa hoang mang. Sau gần ba năm nghỉ việc, khởi nghiệp tôi không thành công mà quay lại đi làm người ta cũng chẳng nhận nữa”, Quyền nhớ lại. Anh hầu như không dám gặp gỡ ai, không dám về nhà vì sợ bố mẹ biết mình lông bông. Những khi quá bế tắc, Quyền tìm những người bạn thân thiết nhất để vay tiền và chia sẻ.

“Tuy cậu ấy bỏ công việc ổn định để khởi nghiệp rồi thất nghiệp thế này nhưng tôi rất ủng hộ. Tôi động viên cậu ấy khó khăn mà được trải nghiệm, sống đúng với tuổi trẻ còn hơn kiếp làm thuê như con chim nhốt trong lồng, đến lúc mở cửa lồng rồi cũng chẳng dám bay đi vì sợ đói”, Liên Hồ, 27 tuổi, bạn Quyền, nói.

Thầy cô, bạn bè từ thời đại học cũng nhắn tin động viên, giới thiệu thêm khách hàng cho anh. “Những hành động đó tiếp thêm sức mạnh và giúp tôi”, anh cho biết.

Anh quyết định liên kết với anh Quốc xây dựng thương hiệu riêng. Một người phụ trách marketing, một người lo sản xuất. Ban đầu chưa có vốn, mỗi tháng, Quyền và anh Quốc góp mỗi người 5 triệu đồng để đóng logo, làm bao bì khẳng định thương hiệu. Anh chăm chỉ chia sẻ về hành trình bỏ phố về quê trên các hội nhóm đông thành viên, đồng thời giới thiệu về sản phẩm của mình.

Cuối năm 2021, dịch bệnh tạm lắng, thị trường sản phẩm trầm hương sôi động trở lại. Trung bình mỗi tháng, doanh thu của hai người đạt khoảng 350-500 triệu đồng một tháng, lợi nhuận 30%. Không chỉ trả hết nợ, trầm hương giúp Quyền tìm lại sự tự tin vào bản thân, cơ sở sản xuất được mở rộng, tạo việc làm cho 7 nhân công. “Hợp tác với Quyền, thu nhập của tôi tăng gấp đôi”, anh Quốc nói.

Chị Nguyễn Thị Ly, Phó bí thư Thành đoàn Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết, Quyền sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, nhưng giàu quyết tâm khởi nghiệp. “Bạn ấy nhận ra thanh niên có thể làm và cống hiến nhiều hơn nếu được làm chủ, được tự do phát huy năng lực của mình. Vì vậy, Quyền không chấp nhận làm thuê mà lăn lộn khởi nghiệp trên quê hương. Cậu ấy là một trong những thanh niên tiêu biểu về khát khao khởi nghiệp và truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác”, chị Ly nói.

Trên trang cá nhân, Quyền chia sẻ câu ca dao về cây dó bầu: “Dó lâu năm, dó lại thành kỳ/ Đá kia lăn lóc có khi thành vàng”. Anh giải thích, cây dó tuy xù xì, nhưng càng lâu năm, càng chịu nhiều tổn thương, nó có thể trở thành trầm hương hay kỳ nam, những sản vật quý hiếm. Hòn đá lăn lóc ngoài suối, có khi đãi đá lại hóa ra vàng.

“Con người cũng vậy, càng chịu nhiều vất vả, tổn thương, càng trưởng thành hơn. Giá trị của trải nghiệm chính là sự hiểu biết và thành công”, anh chiêm nghiệm.

————————————-

>> Tác giả: Phạm Nga

>> Nguồn: https://vnexpress.net/ba-nam-vuot-bao-cua-chang-trai-vo-no-4464880.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *