Bắt nạt ở học đường và vấn đề đáng quan tâm
Bắt nạt hay chế giễu bạn học không phải là chuyện vô hại mà có ảnh hưởng lớn tới tâm lý trẻ, thậm chí ám ảnh suốt cuộc đời và có thể để lại những hậu quả lâu dài. Dù chưa nghiêm trọng bằng nạn bạo lực học đường, nhưng bắt nạt ở trường học cũng là một vấn đề nhức nhối mà cho tới nay các nhà giáo dục và phụ huynh vẫn chưa tìm ra được giải pháp hiệu quả.
Nhiều biểu hiện bắt nạt?
Theo đánh giá của ThS. Lê Thanh Hà, Trường đại học sư phạm; ThS. Đào Thị Diệu Linh, bộ môn tâm lý – giáo dục học, Đại học quốc gia Hà Nội, mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu chính thức về bắt nạt học đường trên thế giới và các giải pháp, nhưng dường như vấn đề này vẫn luôn được chú ý và bàn luận ở bất cứ nơi nào mà môi trường giáo dục còn tồn tại. Hiện tượng này phổ biến tới mức các chuyên gia đều cho rằng hầu hết học sinh đều có trải nghiệm bắt nạt học đường trong một giai đoạn nào đó, có thể là kẻ bắt nạt, nạn nhân, hoặc là nhân chứng… Theo một khảo sát quy mô lớn về bắt nạt học đường trên thế giới cho thấy, tỷ lệ nạn nhân của bắt nạt học đường là từ 9 – 32%, tỷ lệ trẻ bắt nạt là từ 3 – 27%. Nhiều trẻ tỏ ra sợ đến trường do bị bắt nạt hoặc chứng kiến sự việc. Nhiều phụ huynh hiện rất lo ngại vấn nạn bạo lực học đường gia tăng thời gian gần đây. Sự lăng mạ bằng lời nói là phổ biến nhất, nhưng “hăm dọa trên mạng” (thường xảy ra bên ngoài nhà trường) đang ngày càng trở nên phổ biến. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, bắt nạt học đường đang chuyển sang một hình thức mới, mặc dù diễn ra ngoài nhà trường, có thể khi học sinh đã về nhà, nhưng nó vẫn có liên quan tới những chuyện xảy ra nơi trường học.
Bắt nạt học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà còn giữa giáo viên với học sinh. Nhiều trẻ thấy sợ hãi, hay bị xúc phạm khi bị giáo viên đánh đập hoặc lăng mạ. Phụ huynh một học sinh cấp 2 đã khóc khi tâm sự với chuyên gia tâm lý: trong giờ tập làm văn, khi con chị phản ứng với những nhận xét thái quá của cô giáo chủ nhiệm thì bị cô giáo xúc phạm: “Sủa gì đó?” và đuổi ra khỏi lớp. Đến nay, con chị đã bị đuổi liên tiếp 4 buổi học nhưng gia đình không dám lên tiếng vì sợ cháu bị trù dập. Rất nhiều nạn nhân của bắt nạt học đường không báo cáo lại với giáo viên. Điều đó càng củng cố hành vi bắt nạt cho những trẻ thường xuyên gây hấn với người khác. Đồng thời, nhiều em bị bắt nạt nhưng không thể tâm sự với người lớn, dẫn đến lo âu, trầm cảm, kết quả học tập giảm sút.
Chuyên gia tâm lý học Cao Minh Uy, giám đốc Trung tâm tâm lý học ứng dụng Sông Phố (TP.HCM) phân tích: “Trẻ em hay bắt nạt có nguy cơ sử dụng bạo lực và phạm pháp khi trưởng thành”. Nguy hại hơn, học sinh bị bắt nạt, học sinh chứng kiến có xu hướng bắt chước và đi bắt nạt các nạn nhân khác khiến vấn nạn này lan rộng.
Hạn chế bằng cách nào?
ThS. Lê Thanh Hà và ThS. Đào Thị Diệu Linh cho rằng, cần có thêm một số giải pháp sau: nâng cao nhận thức về giáo dục trẻ cho các gia đình, đây là môi trường giáo dục đầu tiên, cha mẹ phải làm cho con cái nhận thức được việc những trẻ có điểm khác biệt so với số đông là chuyện bình thường; dạy trẻ biết cách tôn trọng người khác, tránh soi mói, chế giễu những điểm khác biệt của người khác; đồng thời càng phải thương yêu, giúp đỡ khi họ yếu hơn và thiệt thòi hơn mình. Phụ huynh cần xây dựng mối quan hệ tích cực và thường xuyên hơn nữa với giáo viên và nhà trường, phải là người nêu gương cho con cái về tính thân thiện và tôn trọng trong ứng xử hàng ngày, cũng như cần quan tâm, dành thời gian cho con cái nhiều hơn. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng cần mạnh mẽ lên tiếng khi con có dấu hiệu bị bắt nạt trong trường học.
Cả giáo viên và các bậc phụ huynh cần áp dụng những biện pháp giáo dục, kỷ luật tích cực, không đánh đập, không trù dập, hay trừng phạt, ngay cả đối với những hành vi không thể chấp nhận được.
Dạ, có thể tham khảo nội dung này ở đâu ạ?
“Theo một khảo sát quy mô lớn về bắt nạt học đường trên thế giới cho thấy, tỷ lệ nạn nhân của bắt nạt học đường là từ 9 – 32%, tỷ lệ trẻ bắt nạt là từ 3 – 27%”
Cho tôi hỏi các công trình nghiên cứu bất nạt học đường tìm ở đâu ?