CON TÔI TÍNH KHÍ THẤT THƯỜNG
Con bạn đòi một món ăn ngon, một món đồ chơi, thêm thời gian xem ti vi, chơi điện tử, hoặc đi thăm công viên… bạn không đồng ý, thế là con bạn nổi cơn thịnh nộ, khủng hoảng. Cáu giận đùng đùng, khóc lóc, lăn ra đất ăn vạ, giậm chân thình thịch, văng tục, la hét… ghét mẹ,bố… Không còn nghi ngờ gì nữa, con bạn là đứa trẻ tính khí thất thường, đồng bóng! Phản ứng thế nào cho hiệu quả trước kiểu hành vi này? Dưới đây là một vài lời khuyên hữu ích.
Những thói đồng bóng, tính khí thất thường nói lên điều gì?
Tính khí thất thường trước hết là việc thể hiện ra bên ngoài việc trẻ không có khả năng quản lí một cảm giác hẫng hụt bằng một cách khác ngoài sự nổi loạn. Cùng với cơn giận dữ, trẻ thể hiện sự nhận thức một cách tuyệt vọng rằng mình không còn là trung tâm của vũ trụ nữa.
(Trẻ mè nheo mua đồ- Ảnh minh họa)
Chính vì thế, việc người lớn từ chối trẻ được trẻ cảm nhận như là một sự bất công. Luôn làm người khác bực bội, khó chịu, tuy nhiên tính khí thất thường góp phần vào việc kiến thiết nên nhân cách của đứa trẻ. Sự đối lập này cũng thể hiện rằng trẻ đã thống hợp được ý niệm rằng trẻ và mẹ không phải là một, trẻ có cảm xúc, ham muốn của riêng mình.
(Trẻ cáu kỉnh khi không làm được điều mình thích_ Ảnh minh họa)
Như vậy, khi trẻ 2 tuổi chính là lúc những tính khí thất thường bắt đầu xuất hiện và sẽ giảm dần khi trẻ khoảng 7 tuổi, lứa tuổi được gọi là tuổi của lí lẽ, khi mà trẻ bắt đầu nội chiếu được các quy tắc chi phối các mối quan hệ xã hội. Nếu như trong khoảng thời gian 5 năm (tức từ năm 2 – 7 tuổi), cha mẹ không truyền dạy cho trẻ các quy tắc, hoặc họ luôn nhượng bộ trẻ một cách có hệ thống, tính khí thất thường này sẽ kéo dài suốt đời!
5 lời khuyên để quản lí tính khí thất thường của con bạn
Để hiểu và cần bắt đầu bằng việc hỏi chuyện trẻ. Vì sao trẻ ở trong trạng thái này? Cái gì phát động cơn thịnh nộ của trẻ? Ở tuổi này, đôi khi trẻ khó có thể diễn đạt được điều đó; cơn giận dữ đôi khi chỉ đơn giản là một cách biểu đạt mà thôi. Hiểu được lí do thật sự của cơn khủng hoảng có thể góp phần dập tắt nó.
Đặt ra những giới hạn đồng thời gợi ý với trẻ những lựa chọn khác. Cho trẻ thấy rằng những mong muốn của trẻ có giới hạn của nó, giới hạn đó là do môi trường và những người xung quanh trẻ đặt ra, thế nhưng trẻ có thể có các lựa chọn khác.
Giải thích. Chỉ nói “không” thôi là chưa đủ. Cần phải giải thích cho trẻ vì sao. Vì sao mẹ/bố từ chối điều này hay yêu cần trẻ phải thực hiện điều kia? Trẻ cần hiểu rằng quyết định được đưa ra không mang tính võ đoán mà là dựa trên những lí do thích đáng. Sự không đồng tình với cha mẹ sẽ giúp trẻ dần xây dựng nên khả năng phán đoán, đánh giá của trẻ chứ không phải là sự võ đoán!
(Giúp con giải thích chuyện vừa sảy ra_ Ảnh minh họa)
Làm gương cho trẻ. Một người cha, người mẹ nóng nảy, người có thể nổi giận vì những lí do không đâu, cò kè khi mua sắm, lái xe cẩu thả, ngoan cố hay ương ngạnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giúp trẻ hiểu rằng tính khí thất thường là điều không tốt…
Tỏ ra kiên quyết. Ôm giữ lấy trẻ, nhìn thẳng vào mắt trẻ và đặc biệt là nói chuyện với trẻ một cách bình tĩnh. Một giọng nói bình tĩnh và kiên quyết thể hiện sự quyết tâm hơn nhiều so với quát thét.
Nguồn: http://sante-medecine.journaldesfemmes.com/contents/937-mon-enfant-fait-des-caprices
Chuyên gia TL Thân Thị Mận (lược dịch)