Hai thái cực của chủ nghĩa sùng bái đồng tiền
Một con người, một xã hội chỉ an lành khi mà đồng tiền nằm đúng ở chức năng của nó. Từ chủ nghĩa sùng thờ tiền, trong cực đoan này hay trong cực đoan kia, con người và xã hội phải tìm cách đi ra được khỏi cái vòng xoáy ấy, cái vòng xoáy hoang dại của sự hoang dại.
Một cô gái trẻ đến thăm phòng tư vấn tâm lý sau nhiều năm không chiến thắng nổi mình. Vấn đề của cô rất đơn giản, chỉ đến giữa tháng là cô cạn sạch tiền, tuy lương tháng của cô vào loại khá giả. Cô thường bị bập vào những món đồ hiệu rất đắt tiền, để rồi cũng chóng chán chúng với cùng một tốc độ mà cô mê man có được chúng.
Một người đàn bà lớn tuổi khác rốt cuộc cũng đến thăm phòng tư vấn tâm lý sau nhiều năm không chiến thắng nổi mình. Vấn đề của bà rất đơn giản, hết tháng vẫn còn gần như nguyên tiền lương, dầu cho món tiền lương của bà khá khiêm tốn. Con cháu, bạn bè, người quen bỏ rơi bà. Bà sống trong căn nhà lạnh không sưởi, nóng không quạt, đèn điện le lói, hầu hết các đồ ăn, đồ dùng đều được bà thu nhặt từ các đồ bỏ đi của các chợ, của các siêu thị, hay của ai khác. Nhìn cách bà ăn mặc người ta khó xác định được bà sống ở thế kỉ nào.
Trước mắt chúng ta là hai bức tranh thuộc hai thái cực trong sử dụng đồng tiền. Còn với nhà phân tâm học nọ, đó lại chỉ là hai góc nhìn của một bức tranh.
Bức tranh gì vậy?
Nhà phân tâm học nọ cho ta biết rằng hai người đàn bà này đều cùng một cội rễ. Họ sùng thờ tiền. Đồng tiền là ma lực lớn nhất dẫn dắt họ vào đời sống, nhưng bằng hai ngả khác nhau.
Ngả thứ nhất, phải được lướt trên cái ván trượt trên bể tiền, không thể kìm lòng được.
Ngả thứ hai, phải được chìm sâu trong cái đáy bể tiền, không thể kìm lòng được.
Những người đã từng sống trong những năm tháng bao cấp cực kì khắc khổ, họ biết đến những gì?
Họ biết đến sức nặng khủng khiếp của đồng tiền vô hình, hoặc đè lên cuộc đời họ, hoặc thổi họ hóa rồng lên mây.
Đồng tiền được hóa phép, để “biến đi”, chuyển thành tem phiếu, chuyển thành bổng lộc, chuyển thành danh dự, chuyển thành chức tước, chuyển thành đặc quyền, chuyển thành thiêng liêng. Người ta tranh đấu cả năm trường để được trở thành có danh gì đó, với khát vọng vốn bị cất ém quá kĩ đến không thành lời, thậm chí không dám trộm nghĩ đến, để cuối năm này được quyền phân phối mua một cái xe đạp mới hoặc được đi họp tối ngày để được ăn uống miễn phí, ăn cơm chúa múa tối ngày, thỏa giấc mơ thầm kín dành phiếu gạo sẽ dư lại ở nhà cho gia đình mình, được bán đi ở cửa sau nhà.
Những người đã từng sống trong những xã hội thả rông tiền mặt, họ biết đến những gì?
Họ biết đến sức mạnh khủng khiếp của đồng tiền hữu hình, hoặc đè lên cuộc đời họ, hoặc thổi họ hóa rồng lên mây.
Để người không may phải bán đi tất cả, tất tần tật.
Để người may mắn phải mua sắm tất cả, tất tần tật.
Một con người, một xã hội chỉ an lành khi mà đồng tiền nằm đúng ở chức năng của nó. Từ chủ nghĩa sùng thờ tiền, trong cực đoan này hay trong cực đoan kia, con người và xã hội phải tìm cách đi ra được khỏi cái vòng xoáy ấy, cái vòng xoáy hoang dại của sự hoang dại.
Và đó là một tinh thần rộng lớn, cho một chương trình rộng lớn, để xây dựng lên một cuộc đời văn minh thịnh vượng bền vững, với tự do của mỗi con người, sự bình đẳng cho mỗi con người về các quyền làm người, cùng lòng nhân hậu phổ quát làm nền tảng.
Đồng tiền chỉ đến lúc đó mới được thuần hóa, để trở về làm công cụ thông minh của con người. Con người khi đó thôi là kẻ nói dối hộ đồng tiền.
(Theo tạo chí Tia Sáng)