Có nhiều người rất tận hưởng khoảng thời gian ở nhà của họ, họ yêu thích sự tĩnh lặng và cảm giác không phải đối diện với sự phiền phức và ồn ào của thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, đối với những người khác, những người yêu thích sự vận động, cộng với thói quen thích di chuyển và đã quen cuộc sống sôi nổi, thì việc bị nhốt ở một không gian kín, hay không được phép ra đường trong thời gian dài sẽ là một vấn đề rất lớn.
Ngày trước, Cabin Fever dường như chỉ xuất hiện với những người sống dưới thời tiết mưa bão, tuyết nặng hạt hay việc các phương tiện giao thông gặp vấn đề. Và trước kia, cabin fever là một hội chứng cũng thường xuyên xảy ra với các phi hành gia du hành vũ trụ. Phi hành gia Colonel Terry Virts – một nhân viên NASA từng thực hiện nhiệm vụ và ở trên phi thuyền ngoài vũ trụ hơn 5000 giờ, 213 ngày. Và phần lớn là ở không gian như bị giam hãm.
Vậy nhưng, trong đại dịch Covid-19, cả thế giới dường như đều được trải qua cảm giác “Cabin fever”.
Cabin Fever hay còn được gọi là “cơn sốt trong cabin” – một hội chứng bao gồm nhiều thay đổi trong cảm xúc và hành vi khi một ai đó trải qua khoảng thời gian như bị “mắc kẹt” ở một không gian kín (như ở nhà quá lâu, hay tệ hơn nữa là những người bị bắt buộc không cho ra đường).
Nhiều người bỗng dưng gần dây cảm thấy bản thân dường như lo âu quá độ, mất kiên nhẫn với những chuyện xảy ra xung quanh, hay xuất hiện việc mất động lực sống (hoặc thậm chí đột nhiên nghỉ việc, không muốn chuyên tâm vào việc gì nữa!). Họ nghĩ rằng có lẽ điều gì kì lạ đã xảy đến với họ, thậm chí sợ hãi khi phải chia sẻ điều đó với người khác. Thế nhưng, nếu bạn đọc được bài này, hãy thả lỏng vì đây là những cám giác mà người khác cũng có thể đang trải qua. Bạn không phải là nạn nhân duy nhất của đại dịch cách ly toàn cầu.
NHỮNG DẤU HIỆU CỦA CƠN SỐT CABIN
(Lưu ý: các dấu hiệu có thể xảy ra dưới các hình thức khác nhau và tuỳ vào mỗi cá nhân, sẽ không có một nhóm dấu hiệu cụ thể nào cho mỗi người.)
Cabin fever là một trạng thái tinh thần bao gồm các cảm giác sau đây:
– Cảm thấy buồn chán
– Tâm trạng bồn chồn
– Xuất hiện cảm giác thiếu kiên nhẫn với các vấn đề (mất kiên nhẫn hơn bình thường)
– Sự lo âu, sợ hãi
– Thiếu hoặc mất đi động lực (những việc mà bình thường muốn làm, hiện tại bỗng dưng mất hứng thú và không thấy muốn thực hiện)
– Cảm thấy rất cô đơn
– Cảm nhận được sự vô vọng, như rằng không ai có thể cứu rỗi được cảm giác hiện tại
– Thậm chí sẽ cảm thấy phiền muộn, trầm uất quá mức hay trầm cảm.
Mặc dù Cabin Fever không được công nhận là một chứng rối loạn tâm lý, nhưng những hậu quả nó ảnh hưởng lên sức khoẻ tâm sinh lý và hành vi của một cá nhân là thực sự lớn. Nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng sống của người đó dưới các dấu hiệu như:
– Cảm thấy khó khăn trong việc tiếp tục một nhịp sinh hoạt điều độ hay kế hoạch đã lên sẵn
– Xuất hiện triệu chứng khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều
– Khó tập trung.
– Thay đổi thói quen và tần suất ăn uống
– Lạm dụng chất kích thích
– Ảnh hưởng lên cách chăm sóc bản thân
NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN CÁC VẤN ĐỀ TRÊN
Con người chúng ta tiến hoá như những loài vật khác trong xã hội, con người nói chung có xu hướng cảm nhận và thực hiện các chức năng cuộc sống tốt hơn khi kết nối với xã hội xung quanh.Trong đại dịch, nhiều người đang và phải tự cô lập bản thân để thích nghi với những hạn chế về giãn cách xã hội, không được quyền ra đường và tạo sự liên kết với người khác. Sự thay đổi từ một lối sống giao tiếp xã hội gấp gáp sang lối sống bị hạn chế, thậm chí bị cô lập khỏi xã hội khiến cơn sốt cabin bị kích hoạt nhiều hơn bao giờ hết.
Những lí do như việc khó khăn khi gặp gỡ bạn bè và người thân; bị ngăn cản khỏi các hoạt động mà bình thường ta rất yêu thích như được ngắm biển, được dạo phố, được hít thở cây lá hay đơn giản là được nhâm nhi ly cà phê với bạn bè trước kia khiến cuộc sống thật muôn màu và ấm áp; nay mất đi cảm giác ấy thực sự không dễ chịu gì.
Bình thường sau giờ làm việc, nhiều người sẽ được tận hưởng khoảng thời gian thư giãn ở nhà. Việc work-from-home, làm việc tại nhà khiến nhiều người cảm thấy bị bùng nổ và kiệt sức bởi công việc tại nhà dường như không giới hạn. Ngược lại, vì nhiều hoạt động trong xã hội dường như tạm ngưng, nhiều người bị giảm đi số lượng công việc cũng như lo âu về các tác động kinh tế khiến họ mất đi động lực làm việc, động lực sống.
Con người chúng ta là những tạo vật thiên hướng xã hội. Và có những con người còn thích giao lưu xã hội hơn những người khác rất rất nhiều. Họ là những người mà bình thường thích ra đường và tận hưởng sự sôi nổi của cuộc sống. Và những người này dễ bị ảnh hưởng cũng như xuất hiện các triệu chứng cabin fever mạnh mẽ hơn những người khác.
Đặc biệt là những người có sẵn các rối loạn tâm lý như rối loạn lo âu hay trầm cảm, các triệu chứng của họ dường như càng nặng hơn và tác động lớn hơn vì gặp khó khăn trong việc thực hiện các liệu trình trị liệu chữa lành, hay gặp gỡ nhà trị liệu tâm lý.
LÀM SAO ĐỂ THOÁT KHỎI TÁC ĐỘNG CỦA CABIN FEVER?
Dưới đây là các tips được đề xuất để ta sống cùng với những ngày cách ly xã hội:
– Phát triển các thói quen theo tuần tự: việc tạo ra một lịch trình sinh hoạt và làm theo có thể giúp ta cảm thấy như mình đang kiểm soát được tình hình mỗi ngày. Cảm giác ấy giúp ta ngăn chặn cảm giác tuyệt vọng và trầm uất.
– Tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống: Những người lần đầu tiên phải làm việc tại nhà có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và sinh hoạt hằng ngày. Mặc dù làm việc chăm chỉ có thể ngăn chặn sự buồn chán, nhưng đôi khi nó chỉ là một cơ chế phòng vệ nhất thời và ngắn hạn, đôi khi nó có thể khiến ta kiệt sức. Mọi người nên dành thời gian cho các công việc mà họ cảm thấy hứng thú, thú vị và thư giãn.
– Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: đây là một thói quen mà mình đề xuất mọi người sử dụng trong mọi thời điểm trong cuộc sống. Bên cạnh việc ăn uống đúng bữa, mọi người nên tìm hiểu cách dinh dưỡng tác động lên cơ thể và tinh thần của ta. Ăn uống nhiều chất xơ (rau củ quả,…), giảm đi các chất béo xấu (đường, dầu mỡ,…) và uống nhiều nước. Một cơ thể khoẻ mạnh, đặc biệt là ruột khoẻ giúp ta ngăn chặn cảm giác khó chịu, dẫn đến mệt mỏi, kiệt sưc, và sự bồi hồi lo lắng.
– Cố gắng duy chuyển nhiều hơn trong nhà: biết rằng sẽ thật khó để rời khỏi lực hút của giường êm nệm ấm và điều hòa mát lạnh. Nhưng di chuyển đơn giản như dọn dẹp phòng ốc, chăm sóc nhà cửa, hay lên xuống cầu thang cũng khiến ta đốt kha khá calo và tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin giúp ta thoải mái hơn.
– Dành thời gian để kết nối với thiên nhiên: nếu bạn ở thành phố, đơn giản như việc ngắm bầu trời, ngắm mây, ngắm hoàng hôn hay nghe âm thanh của động vật như chim chóc, chó mèo,.. cũng khiến bạn giảm được kha khá căng thẳng và lo âu trong giãn cách xã hội. Cải thiện tâm trạng và giúp ta kết nối với cuộc sống hiện thực.
– Kết nối: đây là một cơ hội tốt để kết nối lại với những người mà bình thường cả 2 đều bận rộn, ít có thời gian trò chuyện. Kết nối với các mối quan hệ thân thiết trong thời đại dịch giúp ta giải toả được cảm giác cô đơn, cũng như giảm đi sự tuyệt vọng của việc cô lập bản thân khỏi xã hội.
– Giảm đi thời gian đọc tin tức: biết rằng cập nhật tin tức giúp ta đối phó tốt hơn với những diễn biến về dịch bệnh xảy ra xung quanh. Tuy nhiên, việc theo dõi quá nhiều tin tức xung quanh, quán nhiều luồng tin và ý kiến tiêu cực khiến ta sợ hãi rằng nó có thể sẽ xảy ra với mình và người thân bất cứ lúc nào. Việc rót các ý nghĩ tiêu cực quá nhiều khiến ta nhìn nhận tình hình một cách tiêu cực, mà chỉ với việc đơn giản là ít đọc về nó sẽ giúp ta giảm tải khá nhiều khoảng thời gian vật lộn với các ý nghĩ đó.
– Thử tập trung vào những ý nghĩ và hoạt động tích cực: những ngày này đặc biệt tốt để tâm sự với gia đình; hay với những người thích chơi các trò sáng tạo đầy sắc màu, thì việc tô tranh, tô màu số hoá, nặn đất sét nhật và dùng nó hay tặng cho người thương,… là một cách khiến bạn giải toả cảm xúc cực tốt, hơn nữa còn kết nối bạn với chính mình.
Ngoài ra, thời điểm này cũng rất thích hợp để học các kĩ năng mới, hay đơn giản là thử những thói quen hay hoàn thành những kế hoạch mà bình thường không có thời gian để làm.
– Đặc biệt, thoải mái và dễ chịu hơn với bản thân: Đây là khoảng thời gian mà cả thế giới đều phải sống chậm lại vì đại dịch. Và nếu các vấn đề tiêu cực hay khó khăn xảy đến, bạn không phải là người duy nhất chịu đựng nó. Thay vì chỉ trích và dằn vặt, thay vì nói rằng bản thân yếu kém và so sánh với người khác. Hãy cho chính mình một sự tha thứ, một cái nhìn nhẹ nhàng hơn.
—————–
>> Nguồn: Tâm lý học và khoa học hành vi
>> Theo Nguyễn Lê Hoài Thương