Hội nghị Á châu lần thứ 2 về Liệu pháp tâm lý Nhận thức – Hành vi
Hội nghị Á châu lần thứ 2 về Liệu pháp tâm lý Nhận thức – Hành vi đã được diễn ra trong không khí trang trọng, thân tình, chia sẻ và “đậm chất Á châu” trong hai ngày 20 và 21 tháng 10 năm 2008 tại Trung tâm hội nghị Sasa Patasala thuộc trường Đại học Chulalonglorn Thái Lan, do Khoa Tâm lý học đại học Chulalongkorn, Thailand và Khoa Tâm lý học đại học Queensland, Australia tổ chức. |
Báo cáo viên chính (keynote speaker) là Giáo sư tiến sỹ Arthur M. Nezu, giáo sư trường đại học Drexel, Hoa Kỳ với chủ đề về SỰ TÍCH HỢP XUYÊN VĂN HÓA TRONG LIỆU PHÁP NHẬN THỨC-HÀNH VI: TẠI SAO, NHƯ THẾ NÀO VÀ NHỮNG GỢI Ý CHO TƯƠNG LAI (CROSS-CULTURAL INTEGRATION IN CBT: WHY, HOW, AND FUTURE DIRECTIONS). Trước đó vào ngày 19/10/2008, tiến sỹ Nezu cùng vợ là tiến sỹ Christine M. Nezu cũng đã chủ trì một ngày “workshop” với đề tàiLiệu pháp giải quyết vấn đề cho rối loạn trầm cảm (Proplem – Solving Therapy for Depression), mà ông là một trong những người khởi xướng, tiến hành những nghiên cứu lâm sàng và thành lập.
Có hơn 50 báo cáo và gần 100 poster đã được trình bày và trưng bày tại hội nghị trong hai ngày, với số lượng người tham dự khoảng 200, đến từ các quốc gia như: Úc, New Zealand, Srilanka, Bangladesh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Thailand, Cambodia, Malaysia… và các quốc gia ngoài châu Á như Netherland, Nauy, Bỉ, Pháp, Hoa Kỳ, Anh Quốc… Trong danh sách này không có tên Việt Nam, vì tôi phải tham dự Hội nghị với tư cách là sinh viên sau đại học thuộc trường Đại học Assumption, Thailand. Điểm đặc biệt của Hội nghị lần này là có một Ủy ban riêng để tổ chức và điều hành các báo cáo tập trung vào chủ đề ứng dụng lý thuyết Phật Giáo, hay còn gọi Tâm lý học Phật giáo (Buddist Psychology) vào tâm lý trị liệu phương tây, nhất là khuynh hướng nhìn Tâm lý học Phật giáo như một nền tảng mới cho liệu pháp Nhận thức – Hành vi. Đây cũng là điểm nhấn xuyên suốt hội nghị lần này và có lẽ cũng là chủ đề theo đuổi lâu dài của những người vận động thành lập Hiệp hội liệu pháp Nhận thức – Hành vi Á Châu. Tranh thủ vài phút trao đổi riêng với tiến sỹ Tian Po Oei (Hình bên, người thứ hai từ trái sang), người sáng lập và được gọi là “Cha đẻ” của hội nghị Á Châu về liệu pháp Nhận thức – Hành vi, ông đã nói đại ý như sau (không phải nguyên văn):Những gì mà phương Tây đang làm liên quan đến việc ứng dụng Tâm lý học Phật giáo vào trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho con người là còn rất non trẻ và không thể phù hợp với người Á Châu. Vì cội nguồn của Phật giáo là từ Á Châu, và Á Châu cũng là nơi mà tinh thần Phật giáo đã trở thành lối sống một cách tự nhiên, vì thế cần phải có những phương pháp riêng cho Á Châu. Mặc dù liệu pháp Nhận thức – Hành vi chỉ là một trong các cách tiếp cận khác nhau trong việc chữa trị và can thiệp các rối loạn tâm lý của con người, tuy nhiên gần đây người ta thấy rằng với sự “hội nhập” vào các lý thuyết như Phật giáo, Khổng giáo… và trên nền tảng phân tích các giá trị văn hóa của các dân tộc khác nhau, liệu pháp Nhận thức – Hành vi đang có những bước tiến và khẳng định được giá trị của việc giải quyết các rối loạn tâm lý. Tâm lý trị liệu và Tham vấn tâm lý tại Á Châu vẫn đang là một lĩnh vực mở và mới, đang cần sự dấn thân đồng thời cũng là mảnh đất màu mỡ cho nhiều nhà khoa học tâm lý, nhất là những người đang sống và làm việc tại chính Á Châu hoặc những nhà khoa học tâm lý có gốc Á Châu. Hội nghị đã kết thúc với phần giới thiệu, chào đón và thông tin về Hội nghị lần thứ 3 của nước chủ nhà Hàn Quốc, với đại diện chính thức là Ông chủ tịch Hiệp hội liệu pháp Nhận thức – Hành vi Hàn Quốc (thành lập từ năm 2001), và với sự hỗ trợ chặt chẽ của bà Chủ tịch hiệp hội Tâm lý học Hàn Quốc. Hội nghị lần thứ 3 tại Hàn Quốc có chủ đề là: Đi tìm mô hình liệu pháp nhận thức hành vi cho người Á Châu, sẽ được diễn ra tại thủ đô Seol vào tháng 07 năm 2010. Cũng trong đại hội lần 3 này, Hiệp hội Liệu pháp Nhận thức – Hành vi Á Châu sẽ được thành lập. BKK 22/10/2008 |