Khi tuổi teen… trở chứng
uổi teen, giai đoạn không còn là con nít nhưng chưa đủ tiêu chuẩn làm… người lớn, cậu con trai, cô con gái bình thường hết sức dễ thương, ngoan ngoãn của bạn bỗng… trở chứng. Từ một người bạn nhỏ thân thiết của cha mẹ, cô, cậu trở thành kẻ đối nghịch ngay trong chính gia đình của mình.
Các nhà chuyên môn đã có chung nhận xét: Đây là giai đoạn khó khăn nhất của các bậc cha mẹ. Họ tin rằng các cô cậu choai choai đã sử dụng năm “mánh khóe” dưới đây để khiêu khích đấng sinh thành, như cách phản đối người đang “áp bức” tinh thần lối sống các cô cậu. Hiểu được năm “mánh khóe” này chúng ta sẽ biết cách đối phó, đương đầu với đứa con nổi loạn tuổi teen.
1. Gây chú ý
Nhuộm tóc đủ màu, đeo hai ba chiếc khoen mũi, khoen tai, mở nhạc thật lớn là những cách mà các cô cậu tuổi teen làm nhằm lôi cuốn sự chú ý của cha mẹ. Vài cô cậu quyết định chẳng thà bị cha mẹ la mắng còn hơn là không được ngó ngàng và nói chung, chúng rất thích “lôi cuốn sự chú ý” kiểu này.
Theo các nhà tâm lý, mười năm qua là thời gian trải nghiệm, nhận biết, tò mò, khám phá và xác định tính cách của con trẻ. Thử thách của cha mẹ lúc này là nhận ra sự trưởng thành về mặt thể xác, tâm lý của con và bắt đầu tôn trọng nhu cầu thay đổi của chúng.
Biện pháp đúng: Thường xuyên nói với con là bạn yêu thương chúng, đừng cằn nhằn, đay nghiến về những chuyện lặt vặt như ăn mặc “chướng mắt”, phòng ốc bừa bãi…
Tuy nhiên, nếu “kỹ thuật” gây chú ý của chúng liên quan đến an toàn bản thân, chẳng hạn như ở lại đêm nhà bạn hoặc lên xe với một người bạn đang say khướt, bạn cần phải cứng rắn. Nếu thái độ, hành vi gây chú ý của con bao hàm sự nguy hiểm, hãy bình tĩnh ngồi xuống nói chuyện dù bạn đang muốn la mắng chúng một trận ra trò.
Hãy nói và giải thích cho chúng hiểu bạn muốn chúng độc lập nhưng có những điều cha mẹ cần quan tâm và đó là điều bình thường. Hãy chứng tỏ cho chúng biết bạn thông cảm và tôn trọng nhu cầu độc lập của con nhưng bạn muốn chúng luôn được an toàn.
2. Luôn phản đối, kháng cự cha mẹ
Mỗi yêu cầu cha mẹ đưa ra trở thành một cuộc đấu trí. Bắt chúng làm bài tập, chúng vào phòng vặn nhạc tưng bừng. Bảo chúng rửa chén bát sau bữa ăn, chúng thản nhiên ngồi coi ti vi.
Phản ứng hoặc áp dụng biện pháp mạnh không làm giảm sự xung đột và chẳng giải quyết được gì. Các bậc cha mẹ thường muốn chứng tỏ quyền làm cha mẹ của mình bằng cách mắng chửi, “lên lớp”, hăm he thậm chí trấn áp sự nổi giận của con cái.
Biện pháp đúng: Tranh giành quyền lực là điều không tránh khỏi và thay vì cãi cọ, la mắng, hãy thảo luận với con. Trong thâm tâm bạn muốn bảo vệ con nhưng nếu bạn kiềm chế, kiểm soát thái quá, vô tình bạn đã làm quan hệ giữa mình và con cái xấu đi.
Cương quyết, cứng rắn đối với sự an toàn của con nhưng mặt khác, bạn cũng cần nhường nhịn và cho phép chúng phạm một vài lỗi lầm dù đó là điều mà người làm cha mẹ khó chấp nhận. Trong những lúc vui vẻ, hòa thuận, hãy nói với con về những đề tài khiến mẹ con “xung đột” và tìm hiểu nguyên nhân.
Bạn có thể đưa ra vài cách giải quyết và cùng con chọn cách giải quyết nào hay nhất, hiệu quả nhất. Đây là cách dạy cho chúng hiểu rằng không phải lúc nào mẹ con cũng cãi nhau mà có thể nói chuyện với nhau một cách ôn hòa, thông cảm. Bạn có thể không đồng ý với con và ngược lại nhưng bạn không cần phải nổi giận.
Phản ứng của trẻ trong giai đoạn tuổi dậy thì khiến không ít ông bố bà mẹ đau đầu.
3. Nói năng hỗn xược
“Con chưa thấy ai tệ hơn mẹ”, “Mẹ làm con mất mặt với bạn bè”, “Mẹ chẳng làm được cái gì cả”. Những lời lẽ hỗn xược đó có thể được thốt ra từ miệng đứa con tuổi teen của bạn và làm bạn “nhức nhối”. Chưa hết, chúng đe sẽ làm những điều chúng biết chắc bạn sợ hãi: Bỏ nhà ra đi, bỏ học…
Biện pháp đúng: Theo các nhà tâm lý, các cô cậu teen thường đưa ra những lời lẽ thù hằn hoặc có thái độ thù nghịch khi cảm thấy bị cha mẹ coi thường. Trong trường hợp này, tôn trọng là biện pháp giải quyết.
Tuổi teen thường rất nhạy cảm, dễ tổn thương. Chỉ cần nhìn thái độ, cử chỉ của cha mẹ, chúng hiểu cha mẹ không lắng nghe chúng. Chúng thường diễn dịch sự bận rộn của cha mẹ trong đời sống hàng ngày là bỏ bê, không quan tâm đến con cái.
4. Chán chường, lười biếng
Uể oải, lừ đừ, kém năng động là hình thức nổi loạn ưa thích nhất của tuổi teen. Chúng không muốn đi ra ngoài với bạn bè, cũng không thích chơi đá banh, ném bóng chuyền hoặc ôn bài vở khi ngày thi sắp đến.
Giai đoạn “xì hơi” này cũng chỉ là một phần bình thường trong tiến trình phát triển của tuổi teen. Các cô cậu cần thời gian riêng nhưng lại không làm gì cả. Sự phát triển của cơ thể, môn thể thao bắt buộc của nhà trường và, có thể, việc làm phụ để kiếm thêm tiền túi khiến chúng mệt mỏi. Chúng đang cần được ngủ nhiều hơn, ăn nhiều hơn để lấy lại năng lượng và mất đi vẻ mệt mỏi, bạc nhược.
Biện pháp đúng: Nếu thời kỳ lừ đừ, lười lĩnh này kéo dài quá kèm theo không hoạt động, học sút, tránh né bạn bè, có lẽ bạn phải cần đến lời khuyên chuyên môn để giúp con.
Cha mẹ thường băn khoăn, khổ sở khi thấy con cái có biểu hiện khác thường. Hãy đến trường của chúng tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra đưa đến tình trạng đó. Hỏi bạn bè chúng để biết phải chăng có điều gì bất thường trong nhóm bạn vẫn chơi chung với chúng. Nếu chỉ là sự lười biếng, bê trễ bình thường, đừng la mắng mà hãy khuyên con nên ngủ sớm, ăn nhiều là đủ.
5. Đua đòi bạn bè
Tuổi này, một số cô cậu cảm thấy cần phải nếm thử “yêu sớm”, rượu, thuốc lá… để bằng anh bằng em với chúng bạn.
Biện pháp đúng: Cần giải thích và vạch ra cho con thấy những áp lực và mong đợi vô lý từ bạn bè và nêu những điều này có ảnh hưởng đến sự an toàn của chúng, bạn cần phải cứng rắn. Đôi khi chúng không biết được những nguy hiểm tiềm ẩn trong vài trường hợp do bạn bè đặt ra. Dạy chúng nhận ra những điều đó là cách giúp con cái hữu hiệu.
Ngoài ra cha mẹ cũng cần đóng vai trò gương mẫu đối với rượu và thuốc lá nếu muốn con không tập thói quen này. Hãy lợi dụng mọi cơ hội để nói về đề tài an toàn tình dục bất cứ khi nào có thể. (chẳng hạn nhân lúc cả nhà đang xem một đoạn phim chiếu cảnh “nhạy cảm”).