Một vài nét chính về văn hóa cá nhân theo góc nhìn tâm lý học
Văn hóa cá nhân là nền văn hóa nhấn mạnh nhu cầu của cá nhân hơn các nhu cầu chung của nhóm. Trong dạng văn hóa này, con người sẽ độc lập và tự chủ. Hành vi xã hội ở đây có xu hướng bị chi phối bởi thái độ và kiểu yêu ghét của từng cá nhân. Các nền văn hóa ở Bắc Mỹ và Châu Âu có xu hướng thiên về cá nhân.
Tìm hiểu kỹ hơn về các nền văn hóa cá nhân.
Có thể là bạn đã từng nghe về các thuật ngữ như cá nhân hay tập thể, thường là trong những khác biệt về thái độ và hành vi ghi nhận giữa hai nhóm xã hội này. Vậy chính xác thì điều gì tạo nên sự khác biệt giữa văn hóa cá nhân và văn hóa tập thể?
Một vài đặc tính thường thấy ở những nền văn hóa cá nhân:
- Quyền lợi của cá nhân luôn nằm vị trí trung tâm.
- Độc lập luôn là đức tính được đánh giá cao.
- Phụ thuộc vào người khác thường bị xem là đáng hổ thẹn.
- Con người ta thường dựa vào chính mình.
- Quyền lợi của cá nhân thường được ưu tiên hơn.
- Người ta thường chú trọng đến việc làm sao để thật nổi bật và khác biệt.
Ở các nền văn hóa cá nhân, một người được nhận xét là “tốt” khi anh này vừa mạnh mẽ, tự lực, vừa quyết đoán và độc lập. Điều này đối lập với nền văn hóa tập thể nơi nhứng đức tính như hy sinh quên mình, đáng tin cậy, rộng lượng, và hay giúp đỡ người khác mới là những đức tính quan trọng.
Chỉ có một số ít đất nước được nhìn nhận là có nền văn hóa cá nhân, bao gồm Hoa Kỳ, Đức, Ireland, Nam Phi và Úc.
Văn hóa cá nhân và văn hóa tập thể khác nhau như thế nào?
Văn hóa cá nhân thường xuyên bị so sánh và bị coi là tương phản với những nền văn hóa khác thiên về tập thể hơn. Trong khi văn hóa tập thể đề cao tầm quan trọng của nhóm và sự hợp tác giữa các bên với nhau thì văn hóa cá nhân lại tưởng thưởng cho sự độc đáo, độc lập và tự chủ. Người thuộc văn hóa tập thể có thể sẽ hướng về với gia đình và bạn bè để được hỗ trợ những khi khó khăn nhưng người sinh sống ở những nền văn hóa cá nhân lại thường tự mình vượt qua những trở ngại này hơn. Nền văn hóa cá nhân nhấn mạnh rằng mọi người đều phải có khả năng giải quyết vấn đề hoặc đạt được mục tiêu bằng chính sức mình, không phải dựa vào sự giúp đỡ từ người khác. Mọi người thường mong rằng anh ấy hay cô ấy phải “tự lực cánh sinh” khi gặp trở ngại.
Xu hướng tập trung vào nhận dạng cá nhân và sự tự chủ – một nội dung mở rộng của một nền văn hóa – có thể có tác động lớn lao lên cách vận hành của xã hội. Ví dụ, công nhân làm việc trong một môi trường văn hóa cá nhân thường sẽ coi trọng sự thoải mái cho bản thân hơn là sự tốt đẹp cho cả nhóm. Điều này tương phản với nền văn hóa tập thể nơi con người ta có thể hy sinh bản thân vì lợi ích chung của những người khác. Sự khác biệt đó có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của hành vi, từ chọn lựa sự nghiệp, chọn mua sản phẩm và những vấn đề xã hội mà họ quan tâm.
Ví dụ, cách con người ta tiếp cận đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường bị ảnh hưởng bởi những xu hướng này. Nền văn hóa cá nhân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mỗi người tự chăm lo cho bản thân và không phụ thuộc sự giúp đỡ của người khác. Thay vào đó, những người thuộc nền văn hóa tập thể nhấn mạnh vào việc chia sẻ gánh nặng chăm sóc với cả nhóm.
Nền văn hóa cá nhân ảnh hưởng lên hành vi như thế nào?
Tác động của văn hóa lên hành vi cá nhân là một chủ đề lớn thu hút sự chú ý trong lĩnh vực tâm lý học văn hóa. Các nhà tâm lý trong lĩnh vực này nghiên cứu sự ảnh hưởng của những yếu tố văn hóa lên hành vi cá nhân. Họ thường tập trung vào những thứ chung được tìm giữa những nền văn hóa khác nhau trên thế giới cũng như những khác biệt giữa những xã hội này.
Một hiện tượng thú vị mà các nhà tâm lý học văn hóa đã quan sát được là cách con người ta mô tả bản thân trong những nền văn hóa cá nhân so với những nền văn hóa tập thể. Người ở nền văn hóa cá nhân có những quan niệm về bản thân tập trung nhiều hơn vào sự độc lập tự chủ thay vì sự tương thuộc lẫn nhau. Kết quả là, họ có khuynh hướng mô tả bản thân dựa trên những đặc trưng tính cách và đặc tính cá nhân riêng biệt. Những người thuộc nhóm nền văn hóa này có thể sẽ nói về mình “Tôi là một người ưa phân tích, hay châm chọc và yêu thể thao”. Điều này có thể sẽ đối nghịch lại với các người đến từ nền văn hóa tập thể khi nhóm này tự mô tả về mình. Những người này có thể sẽ mô tả “Tôi là một người chồng tốt và là một người bạn trung thành.”
Bạn thấy cách con người ta mô tả về bản thân khác nhau như thế nào dựa theo văn hóa chưa? Nghiên cứu thực hiện bởi Ma và Schoenemann đã phát hiện ra rằng có tới 60% người Kenya (một nước theo chủ nghĩa tập thể) mô tả bản thân dựa vào vai trò vị thế của mình trong các nhóm, trong khi đó có tới 48% người Mỹ (một đất nước theo chủ nghĩa cá nhân) sử dụng những đặc tính cá nhân để mô tả về bản thân.
—————–
>> Tham khảo:
Kim, H.S., & Markus, H.R. Deviance or Uniqueness, Harmony or Conformity? A Cultural Analysis. Journal of Personality and Social Psychology. 1999; 77: 785-800.
Ma, V., & Schoeneman, T.J. Individualism Versus Collectivism: A Comparison of Kenyan and American Self-concepts. Basic and Applied Social Psychology. 1997; 19: 261-273.
Markus, H.R., & Kitayama, S. Culture and the Self: Implications for Cognition, Emotion, and Motivation. Psychological Review, 1991; 98(2): 224-253.
>> Nguồn: https://www.verywellmind.com