Nhậu nhẹt- từ tập quán văn hóa đến thảm nạn xã hội

Nhậu nhẹt- từ tập quán văn hóa đến thảm nạn xã hội

Nhậu không còn là văn hóa nữa mà đang trở thành một thứ “tệ nạn”, “hủ lậu” nguy hiểm. Vui hay buồn cũng nhậu. Không vui, không buồn cũng nhậu. Bỏ vợ hay có vợ cũng nhậu. Mua xe mới, sắm điện thoại cũng nhậu. Nghĩa là thay vì dùng thời gian rỗi để đọc sách báo hay giải trí lành mạnh thì người ta lại vẽ ra cả ngàn lẻ một lý do để nhậu…

Từ tập quán văn hóa đến lạm dụng

Rượu là một loại đồ uống có từ lâu đời và tồn tại trong nhiều nền văn hóa. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Nhờ chứa chất kích thích (cồn), rượu có khả năng làm thay đổi trạng thái tâm lý, tình cảm của con người, đặc biệt giúp cho họ mạnh bạo, thoải mái hơn trong quan hệ giao tiếp.

Do đó, theo GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, khoa Văn hóa học thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) TPHCM, từ một loại thức uống, rượu được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp như tiếp khách (“khách đến nhà không trà thì rượu”); kết bạn (“rượu ngon phải có bạn hiền”); thổ lộ tình cảm (rượu vào, lời ra) hoặc làm phương tiện không thể thiếu trong các lễ lạt (“phi tửu bất thành lễ”)…

Bên cạnh việc uống rượu thông thường, ở Nam bộ đã hình thành cả một thứ văn hóa đặc biệt – “văn hóa nhậu”. Theo GS. Thêm, văn hóa nhậu có thể được khởi phát từ thời kỳ khẩn hoang ở miền Nam. “Nhậu lai rai” đã được người dân Nam bộ sử dụng như một phương thức để giao tiếp nhằm giải tỏa nỗi cô đơn và tạo sự gắn kết trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên.

Công việc có phần nhàn hạ (so với miền Bắc và miền Trung); thóc lúa, sản vật nhiều hơn; rượu thì dễ nấu… là những điều kiện giúp cho văn hóa nhậu ở đây phát triển và mang những nét đặc trưng riêng. Tuy nhiên, GS. Thêm cho rằng ngày nay văn hóa nhậu đang bị lạm dụng một cách thái quá. Từ chỗ là một nét văn hóa của người nông dân Nam bộ, bây giờ nhậu đang lan tràn khắp mọi nơi, mọi tầng lớp, trong đó đặc biệt có cả giới cán bộ công chức.

BS. Lê Hùng, nguyên Phó viện trưởng Viện Y học dân tộc TPHCM, cũng cho biết ngay như giới bác sĩ, nhiều người biết rất rõ tác hại của rượu, bia, vậy mà vẫn “uống ào ào”, song song với việc khuyên bệnh nhân đừng uống rượu thì thật là buồn cười!?

Thạc sĩ Lê Tuyết Ánh, Khoa Tâm lý thuộc Đại học KHXH&NV TPHCM thì lưu ý đến một hiện tượng đáng lo không kém là nhậu quá đà ở giới trẻ, kể cả sinh viên. “Họ muốn thể hiện bản lĩnh nên uống xả láng, dẫn đến nhiều trường hợp không làm chủ được mình” – bà Ánh nhận xét. PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Trưởng bộ môn Đô thị học thuộc Đại học KHXH&NV TPHCM than: giáo viên khổ nhất là dạy các lớp tại chức ở miền Tây. Học viên hầu như chỉ học buổi sáng, còn đến chiều là rủ nhau đi nhậu mất tăm!

Ông Hòa nói thẳng, nhậu không còn là văn hóa nữa mà đang trở thành một thứ “tệ nạn”, “hủ lậu” nguy hiểm. “Vui hay buồn cũng nhậu. Không vui, không buồn cũng nhậu. Bỏ vợ hay có vợ cũng nhậu. Mua xe mới, sắm điện thoại cũng nhậu. Nghĩa là thay vì dùng thời gian rỗi để đọc sách báo hay giải trí lành mạnh thì người ta lại vẽ ra cả ngàn lẻ một lý do để nhậu. Thậm chí, khủng hoảng kinh tế càng nhậu tợn và không ít người sẵn sàng nhậu cho đến chết”.

Theo ông Hòa, người dân ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng có tục uống rượu nhưng rượu của họ nhẹ và chủ yếu được sử dụng trong các dịp lễ hoặc để xả stress, khác xa với tình trạng nhậu nhẹt một cách quá đà, tùy tiện như ở ta hiện nay. Điểm “quái dị” nữa, theo GS. Trần Ngọc Thêm, là nếu như ở các nước, người ta chỉ có thể uống rượu sau giờ làm việc thì ngược lại ở Việt Nam nhậu có thể diễn ra thoải mái ngay cả trước, trong giờ làm việc. Điều này dẫn đến nghịch lý là các quán nhậu càng ngày càng mọc lên nhan nhản trong khi rạp chiếu phim hay điểm giải trí về văn hóa nghệ thuật phải lùi bước, teo tóp dần.

Trong một bài báo của mình đăng cách đây năm năm, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rượu bia Việt Nam, thừa nhận “hiện nay việc uống bia, rượu ở Việt Nam có hơi xô bồ, đôi khi phản văn hóa”. Một dẫn chứng được ông Hùng dẫn ra là câu chuyện về hai người bạn chuyên gia Đức từng làm việc với ông hai năm tại Việt Nam.

Sau này gặp lại nhau ở Đức, vợ họ thường nói chồng mình đã bị “hư”. Lý do, khi sang Việt Nam họ quen tác phong hết giờ làm việc thì đi uống bia nên thường xuyên về nhà muộn.

Đầu độc cả một thế hệ

Một sĩ quan cảnh sát giao thông ở Hậu Giang vì men rượu trong bữa tiệc, không làm chủ được mình nên đã gây gổ, đòi tài xế taxi phải lái xe vượt đèn đỏ.

Ở Cà Mau, có cháu bé 10 tháng tuổi bị người cha nhậu say ném xuống nền nhà, dẫn đến nứt sọ. Tại Kon Tum, bốn người đã bỏ mạng do nhậu triền miên nhiều ngày liền. Một cán bộ của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương bị bắt quả tang đang nhận 20 triệu đồng tiền hối lộ để lo thủ tục cấp phép quảng cáo ngay trong một quán nhậu…

Những vụ việc tương tự bắt nguồn từ rượu dường như ngày càng dồn dập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chứng kiến cảnh ăn nhậu tràn ngập ở nước ta, một Việt kiều về thăm quê hương sau nhiều năm xa cách đã phải thốt lên: “Rượu, bia đang đầu độc cả một thế hệ”.

Theo BS. Lê Hùng, bản thân rượu không có tội. Ngược lại, xét về Đông y, rượu được mệnh danh là “nước lửa” có tác dụng khai thông khí huyết, dẫn thuốc đến các cơ quan tạng phủ, đẩy hàn tà (khí lạnh gây bệnh) ra khỏi cơ thể. Đồng thời, uống rượu cũng là một nét văn hóa. Đám cưới hay lễ hội mà không có rượu thì quả mất vui. Hoặc đang đi du lịch giữa trời tuyết lạnh ở Tử Cấm Thành mà uống một vài ly rượu Mao Đài thì khoan khoái biết bao nhiêu. “Nếu rượu chỉ dừng lại đó thì tuyệt vời nhưng nếu lạm dụng, quá đà rượu sẽ thành tội đồ một cách bất đắc dĩ” – ông Hùng nói.

Thạc sĩ Lê Tuyết Ánh cũng nhìn nhận nhậu là một tập quán văn hóa xã giao của người Việt. “Giống như khi xưa ông bà mình mời nhau miếng trầu theo nghĩa “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì bây giờ để xã giao, làm quen ta mời nhau uống ly rượu, ly bia”.

Thế nhưng, uống rượu có giữ được nét văn hóa hay không thì phụ thuộc vào cách uống, mức độ uống và mục đích uống. Nếu bê tha, lạm dụng quá mức, người uống sẽ không làm chủ được mình và có thể gây ra những hành vi phi văn hóa, trái pháp luật. “Sẽ khó và cũng không nên cấm nhậu. Điều quan trọng là cần phải tăng cường nâng cao nhận thức của mỗi người về sự tác hại của việc lạm dụng rượu, bia” – bà Ánh khuyến nghị.

Trong khi đó, theo PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa và BS. Lê Hùng, một nghịch lý đang tồn tại là mặc dù Nhà nước chủ trương hạn chế nhưng các nhà máy sản xuất bia, rượu vẫn cứ mở ra chưa kể các cơ sở nấu rượu trái phép. Các doanh nghiệp còn được Nhà nước tặng thưởng huân chương, bằng khen vì thành tích tiêu thụ bia, rượu.

Hoặc trong khi nhiều nước trên thế giới nghiêm cấm quảng cáo rượu, bia thì ở ta pháp luật về vấn đề này lại có quá nhiều sơ hở và thực tế rượu, bia vẫn được quảng cáo ì xèo. Ví dụ như vụ cung tiến chai rượu khổng lồ 4.000 lít nhân dịp đại lễ giỗ tổ Hùng Vương vào năm 2010; sự kiện sản xuất đạt 1 tỉ lít bia của Công ty Sabeco…

– Theo một điều tra vào năm 2006 của Viện Chiến lược và chính sách y tế, mặc dù tỷ lệ sử dụng bia, rượu chưa cao so với thế giới nhưng tốc độ đầu tư vào sản xuất rượu, bia ở nước ta tăng rất nhanh từ những năm đầu thập niên 1990 trở lại đây. Từ 1990-1996, riêng sản lượng bia đạt mức tăng trưởng 30%; từ 1996 trở về sau: 10-15%/năm, mức tiêu thụ bình quân khoảng 15,8 lít bia và 3,9 lít rượu/người/năm.

– Theo bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, chi phí cho rượu, bia và giải quyết hậu quả tác hại của rượu, bia có thể chiếm tới 2-8% GDP quốc gia. Có khoảng 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia mang lại.
Khi quan chức nhậu

BS. Lê Hùng nói: “Tôi không vơ đũa cả nắm nhưng có thể nói nhiều cán bộ công chức hiện nay nhậu rất dữ. Nhậu đi kèm với tệ nạn”. Theo ông, một quan chức nghiện rượu, bia có thể gây những tác hại nghiêm trọng hơn rất nhiều so với một người bình thường nghiện rượu. Bởi khi ấy, sức khỏe con người sẽ bị hủy hoại, đầu óc mụ mị, tâm sinh lý thay đổi, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cả nhân cách. Trong tình trạng ấy, người nghiện rượu là quan chức làm sao đủ sức khỏe, khả năng để lãnh đạo và lo cho dân?

GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng tình trạng nhậu tràn lan trong giới cán bộ công chức có phần gắn liền với nạn tham nhũng. Một dự án muốn được duyệt hay một lợi ích nào đó muốn được chấp nhận, doanh nghiệp phải tìm cách đi “quan hệ”. Lúc này, “nhậu” được lựa chọn như một phương cách hữu hiệu để đạt mục đích. “Trên bàn nhậu, người ta bao giờ cũng dễ ăn, dễ nói và dễ ngã giá hơn”-nhà nghiên cứu văn hóa phân tích. Theo ông, sở dĩ có hiện tượng nhậu như trên là do mấy nguyên nhân như: luật pháp không nghiêm; lương cán bộ công chức quá thấp; cán bộ lãnh đạo thiếu gương mẫu và nạn tham nhũng tràn lan.

“Nếu luật pháp nghiêm, rõ ràng thì cứ y theo đó mà thực hiện, cần gì phải rủ nhau đi nhậu để “quan hệ”, tiêu cực? Có một chỗ làm tốt với thu nhập đảm bảo, liệu cán bộ công chức có dám làm bậy không? Hoặc nếu trên đã “chính” thì liệu dưới có dám “ loạn?”-ông Thêm đặt vấn đề.

       Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *