Những tổn thương tâm lý mà cha mẹ vô tình gây ra cho con trẻ
Yêu thương – bao bọc quá, kỳ vọng và mong muốn nhiều quá từ cha mẹ đã vô tình bóp nghẹt tâm hồn con trẻ trong thế giới của riêng chúng. Tâm lý mặc cảm, bất an, lo hãi… trước những khó khăn và rắc rối trong đời sống của chính mình. Hoặc vô cảm, thờ ơ hay thật sự bối rối khi phải tương tác với vấn đề bên ngoài xã hội. Những bất ổn ấy thường chỉ nhìn thấy khi mọi việc trở nên quá sức chịu đựng từ chính phụ huynh hoặc chính bản thân đứa trẻ thông qua những chia sẻ cụ thể dưới đây:
1. Thường xuyên âu lo, trầm cảm, thiếu khả năng độc lập
Một số nghiên cứu và khảo sát đã cho thấy, ngay cả ở những nước phương Tây vốn nổi tiếng với giáo dục cởi mở nhất, việc cha mẹ “nuôi con trong lồng kính” cũng là khá phổ biến. Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Đại học Indiana cho thấy, 38% sinh viên năm nhất và 29% sinh viên khóa trên nói rằng cha mẹ thay mặt họ giải quyết các vấn đề từ “nhiều khi” cho đến “rất thường xuyên”.
(Ảnh minh họa)
Nếu một đứa trẻ thường có vẻ lo lắng thái quá, chần chừ trước bất cứ việc gì và thiếu chủ động, phụ thuộc vào người khác, thì rất có thể chúng đã được nuôi dạy theo phương pháp “trong lồng kính”. Việc cha mẹ can thiệp quá sâu vào từng quyết định của trẻ sẽ khiến trẻ khó phát triển khả năng suy nghĩ độc lập.
Chúng ta thường cho rằng làm vậy chỉ để định hướng con trẻ khi chúng còn quá nhỏ, nhưng ảnh hưởng của nó lại có thể kéo dài cho đến tuổi trưởng thành. Bởi khi đã có thói quen phụ thuộc hay lo lắng vì sợ việc làm của mình sẽ không hợp với “định hướng” của cha mẹ, thì khi lớn lên và không còn ai chỉ ra con đường phải đi, những đứa trẻ vẫn sẽ ngày càng lạc lối.
2. Nghiện chất kích thích
Nếu cha mẹ chỉ tập trung vào các lỗi lầm của con và việc con cái đã “ăn hại” như thế nào, những đứa trẻ sẽ hình thành một suy nghĩ rằng chúng vô dụng và không được ai cần tới. Khi lớn lên, những suy nghĩ ấy rất có thể sẽ hình thành một thiếu niên hay thậm chí một người trưởng thành luôn chìm trong cảm giác chán nản.
Như một hệ quả, những người này tìm đến các chất kích thích để rượu, thuốc lá, ma túy… để lấp đầy sự trống rỗng ấy.
3. Tự ti và luôn so sánh bản thân với người khác
Việc cha mẹ thường xuyên so sánh con cái với “con nhà người ta” từng được cho là một cách “khích tướng” để con cái nỗ lực hơn, nhưng ngược lại, có ông bà bố mẹ nào thấy dễ chịu nếu con mình so sánh mình với “bố mẹ nhà người ta”?
Những đứa trẻ hay bị so sánh và hạ thấp sẽ lớn lên với mặc cảm tự ti và dễ phát triển theo hai chiều hướng: Hoặc tự ti thái quá, luôn thấy mình thấp kém hơn người khác, hoặc sẽ luôn áp lực phải vượt trên người khác bằng được và dễ bị đánh giá là cao ngạo, kiêu căng.
Dù là trường hợp nào đi nữa, những người này cũng sẽ khó tạo được mối quan hệ gắn bó với những người xung quanh hơn người khác.
4. Thường gặp trắc trở trong tình yêu
Khi sống trong gia đình mà cha mẹ “cơm không lành canh không ngọt”, hay thường xuyên bị vây quanh bởi những quan điểm tiêu cực về tình yêu, những đứa trẻ sẽ khó có thể đặt niềm tin vào người khác và thường tập trung vào những mặt xấu của đối tượng hẹn hò.
Kết quả dễ thấy là những người này dễ mắc hội chứng “sợ yêu” do không cảm thấy ai đủ tin cậy và an toàn, hoặc ngược lại, dễ yêu lầm những người đối xử tệ bạc với mình, do họ đã quen thấy cha mẹ mình đối xử không tốt với nhau và nghĩ đó là “chuyện thường ở huyện”.
5. Không thể tận hưởng niềm vui sống
Rất nhiều những đứa trẻ được lớn lên trong môi trường giáo dục nghiêm khắc đều mang một nỗi “bức xúc” chung – khi còn nhỏ thường xuyên được nhắc nhở “Đừng nghịch nữa”, “Học không lo học suốt ngày nghịch lăng nhăng” nhưng khi lớn lại bị “ca vọng cổ” những câu như “Nhìn bạn nó năng nổ hoạt bát thấy ham, con nhà mình thì…”
(Ảnh minh họa)
Những đứa trẻ bị gò bó quá mức sẽ khó có thể tận hưởng được những khoảnh khắc “vui hết mình” hay thư giãn thực sự, dễ bị stress hơn người khác. Điều đáng buồn là do ảnh hưởng này có vẻ không có gì nghiêm trọng, vậy nên ta thường ít nhận ra, thậm chí chúng hoàn toàn có thể “di truyền” sang đời sau, khi những ông bố bà mẹ khó tính tiếp tục nuôi dạy con theo cách y chang.
6. Có vẻ ngoài “khô khan” và “nhạt nhẽo”
Trong khi giao tiếp, một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến ta cảm thấy thu hút và gắn kết với nhau chính là biểu cảm. Một số nghiên cứu còn cho rằng nội dung chỉ chiếm 30%, trong khi biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể chiếm đến 70% thành công trong giao tiếp.
Nếu có những người khiến bạn cảm thấy “khô khan” hơn những người khác, thì rất có thể họ đã từng lớn lên trong môi trường nơi việc bộc lộ cảm xúc là rất hiếm hoi. Con trẻ học tất cả từ môi trường xung quanh, nếu những ông bố bà mẹ thờ ơ với con cái hay ít bày tỏ tình cảm thì khả năng bộc lộ cảm xúc của con trẻ cũng sẽ bị hạn chế rất nhiều.
7. Thường xuyên đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh khách quan
Một cách vô tình, nhiều bậc phụ huynh đã “dạy” con thói quen đổ lỗi cho tất cả mọi thứ khác và không nhận trách nhiệm về bản thân. Bắt đầu từ câu nói “đánh chừa này” khi con đùa nghịch đụng trúng cái bàn cái ghế, hay việc cha mẹ khi vượt đèn đỏ bị bắt lại quay sang “bức xúc” với công an…
Thế nên sẽ không có gì phải ngỡ ngàng khi một ngày kia, chính những đứa con ấy lại quay sang đổ lỗi cho ba mẹ chúng vì những lỗi lầm chúng gây ra.
8. Thiếu cảm thông với những người xung quanh
Việc một người thiếu đi khả năng đồng cảm có thể bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số những nguyên nhân phổ biến là do môi trường giáo dục của cha mẹ. Nếu đứa trẻ lớn lên với lối giáo dục quá khắt khe, xét nét, chúng sẽ mặc định rằng việc phán xét những sai lầm của người khác là điều bình thường, và áp đặt nó lên những người xung quanh.
Khi một ai đó gặp tai nạn, việc đầu tiên những người này làm không phải là lo lắng hay quan tâm, mà sẽ là chú ý đến việc người kia bất cẩn ra sao để bị ngã. Lẽ dĩ nhiên, không ai muốn làm bạn với một người hay soi xét lỗi lầm của mình, do đó những người này sẽ gặp khó khăn trong việc có những mối quan hệ chân tình và gắn bó.
9. Thờ ơ, lối sống “vô cảm”
Lối sống thờ ơ mà ta thường gọi là “vô cảm”. Những người này chỉ sẵn lòng với những người thân thiết và thường dễ thờ ơ với những hoàn cảnh khó khăn dù hoàn toàn có khả năng giúp đỡ.
Tâm lý “rồi khắc có ai khác làm” hay “nhỡ mình lại gặp rắc rối gì thì sao” thường bắt nguồn từ những câu chuyện “làm ơn mắc oán” trong thực tế: Giúp người bị tai nạn đến bệnh viện thì bị người nhà nạn nhân hành hung vì tưởng mình là kẻ gây tai nạn, cho người đi nhờ nhưng lại bị trấn lột…
Những bậc phụ huynh mang nặng tâm lý này cũng sẽ ảnh hưởng nó đến những đứa trẻ. Tưởng chừng việc “vô cảm” như thế chẳng ảnh hưởng đến ai, nhưng khi chính ta hay những người thân của chúng ta lâm vào cảnh khó khăn mà không được ai giúp đỡ, ta mới thấm thía rằng những sự tử tế vô điều kiện ấy quý giá đến nhường nào.
Làm cha mẹ là việc khó khăn nhất trên đời, bởi chẳng có cuốn sách nào hướng dẫn cách đúng nhất dành cho đứa trẻ của bạn. Nhưng bằng sự bao dung và thấu hiểu, mỗi bậc phụ huynh đều có thể để những đứa con lớn lên mà hiểu rằng mình được chấp nhận và yêu thương của gia đình.
————–
>> Theo: Gia đìnhmoi.vn
>> Tham khảo:
- Rick Shoup, Robert M. Gonyea, and George D. Kuh Indiana University (2009).
- Helicopter Parents: Examining the Impact of Highly Involved Parents on Student Engagement and Educational Outcomes