Rối loạn lo âu lan tỏa
Có bao giờ bạn cảm thấy từng cơn hoa mắt chóng mặt, hồi hộp trống ngực, bồn chồn nóng ruột, vã mồ hôi run rẩy? Bạn đã đi khám nhiều nơi nhưng các bác sỹ đều kết luận không có bệnh lý gì về hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa… Nếu bạn vẫn băn khoăn chưa thể lý giải được căn nguyên, hãy thử đọc bài viết sau để biết liệu bạn có đang mắc chứng rối loạn lo âu không nhé!
Lo âu là gì?
Lo âu là phản ứng tự nhiên của con người trước những mối đe dọa, tình huống nguy hiểm, biểu hiện bằng cảm xúc lo lắng, căng thẳng hay sợ hãi.
Khi nào thì lo âu trở thành bệnh lý?
Lo lắng vốn dĩ là lẽ thường tình trong cuộc sống hằng nhật, song nếu sự lo lắng này quá mức (chuyện không đáng lo cũng lo), kéo dài hàng tuần, hàng tháng thì lại rất đáng phải bàn. Ngoài biểu hiện lo âu, bạn có thể cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến việc phải đối mặt với những căng thẳng áp lực chốn công sở, gia đình, xã hội,… dẫn đến tìm cách né tránh chúng. Hậu quả tất yếu là bạn không thể tận hưởng trọn vẹn ý nghĩa từng phút giây của cuộc sống một chút nào!
Ai là người dễ mắc phải chứng rối loạn lo âu?
Những người mắc chứng rối loạn lo âu thông thường gặp ở phụ nữ (nhưng cũng không hiếm gặp ở nam giới) và khởi phát sau một sang chấn tâm lý nào đó. Có thể kể đến những nguyên nhân phổ biến như:
– Tuổi thơ bất hạnh, không được cha mẹ lắng nghe, hay bị chì chiết, so sánh với con cái nhà khác.
– Thanh niên lạc lối trước ngưỡng cửa cuộc đời, chưa xác định được mục đích sống, ước mơ, mẫu hình công việc, người bạn đời trong tương lai.
– Mâu thuẫn tình cảm mẹ chồng- nàng dâu, vợ chồng kéo dài, vợ/ chồng vô tâm, vướng vào tệ nạn (rượu chè, cờ bạc…), ít chí thú làm ăn, quan tâm chăm sóc gia đình, được góp ý nhưng không chịu sửa đổi.
– Phát hiện người bạn đời phản bội, ngoại tình, có con riêng.
– Làm ăn thua lỗ, mất lượng lớn tài sản, nợ nần…
– Mắc bệnh nan y, bệnh mạn tính: cường giáp, tiểu đường, tăng huyết áp, xơ gan, COPD, bệnh tim, ung thư, hiếm muộn…
– Mất đi cha mẹ, con cái, người thân.
– Người có nhân cách “ái kỷ”, quá chú tâm vào “cái tôi”, những vấn đề cá nhân mà ít bao dung, quan tâm tới người thân, cộng đồng chung quanh.
Rối loạn lo âu lan tỏa biểu hiện như thế nào?
Thông thường, người bệnh trải nghiệm lo âu thành từng cơn (vài phút đến vài giờ, một đến vài lần trong ngày), trong tình huống phải đối mặt với một nguyên nhân cụ thể (chẳng hạn khi suy nghĩ về chuyện tiền bạc hoặc gia đình, bệnh tật…) mới xuất hiện cơn âu lo. Tuy nhiên nếu bạn dễ căng thẳng ở hầu hết các tình huống xảy ra trong cuộc sống, đến nỗi chính bạn cũng cảm thấy những chuyện đó vốn tản mạn và nhỏ nhặt, không hoàn toàn khu trú hay trội lên ở một chủ đề nào, kéo dài đến nửa năm trở lên, ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc và sinh hoạt thì bạn rất có thể mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa.
Quả không nói quá nếu có ví bạn như một…tay nghiện suy nghĩ. Bởi bạn không thể ngừng suy nghĩ vẩn vơ, hết mối lo này đến mối lo khác hiện lên trong đầu. Dẫu đa phần mối lo lắng này không trở thành sự thật nhưng rất có thể ngày hôm sau bạn vẫn tiếp tục đắm chìm trong những suy nghĩ miên man không dứt đó: lo sợ bị ốm, bị tai nạn, bị tai ương bất trắc, ăn phải thực phẩm bẩn, ra đường bị chó mèo cắn,… Bạn trở nên dễ cáu kỉnh, khó có được giây phút hoàn toàn tập trung, tĩnh lặng, và tận hưởng giây phút hiện tại vì còn mải tiếc nuối về quá khứ và lo nghĩ đến tương lai.
Đi kèm theo đó là các biểu hiện của cơ thể, vốn dĩ là tấm gương phản ánh trung thành hoạt động tâm trí bên trong:
– Đứng ngồi không yên, bồn chồn đi lại, căng thẳng cơ bắp, khó thư giãn
– Hồi hộp trống ngực, cảm giác tức ngực khó thở
– Đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nóng bừng mặt, tê bì vai gáy, tay chân
– Khó chịu nóng rát thượng vị, khô miệng, buồn nôn
– Run rẩy tay chân, vã mồ hôi, cảm giác ớn lạnh
– Khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu, hay mộng mị, ác mộng, nhiều lúc thức trắng
Bạn có thể làm gì để tự giúp mình?
Hậu quả thường gặp của chứng rối loạn lo âu đó là các bệnh viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, tăng huyết áp… Vì vậy người bệnh thường có một thời gian chữa trị ở các phòng khám đa khoa cho đến khi nhận ra mình cần được điều trị về tâm lý. Bạn có thể thử thực hành những cách sau để tự làm bác sỹ của chính mình nhé:
– Tìm hiểu kiến thức về rối loạn lo âu (hoặc cả trầm cảm) thông qua sách báo, internet, bạn bè làm ngành y dược, tâm lý.
– Xác định được ước mơ, mục đích sống, nguyện vọng về công việc, gia đình. Hãy tìm kiếm một công việc đúng với sở thích, niềm đam mê của bạn.
– Có một mối quan hệ tin cậy khiến bạn có thể chia sẻ, nương tựa. Hoặc bạn cũng có thể tham gia các diễn đàn về bệnh lo âu – trầm cảm trên mạng xã hội.
– Viết nhật ký hàng ngày, học cách yêu thương bản thân và quan tâm chăm sóc đến người xung quanh.
– Tập thể dục, tập thiền, yoga, ăn uống lành mạnh, làm nhiều việc thiện. Quan trọng hơn là hãy luôn cố gắng sống tốt và tập trung vào phút giây hiện tại, ngay ở đây và lúc này!
Làm thế nào nếu như bạn vẫn chưa thấy khá hơn?
Có thể bạn cần đến một chiến lược điều trị dài hơi bằng liệu pháp hóa dược và liệu pháp tâm lý. Thuốc điều trị bao gồm thuốc bình thần (diazepam, bromazepam, clonazepam…), thuốc chống trầm cảm (sertralin, paroxetin, venlafaxin, mirtazapin…) hoặc các thuốc an thần kinh thế hệ mới (quetiapin, olanzapin). Bên cạnh đó, bạn cũng có thể trị liệu tâm lý từ các chuyên gia tâm lý.
————————
>> Tác giả: Bs Phùng Ngọc Thương
>> Nguồn: http://benhvientamthanhanoi.com/roi-loan-lo-au-lan-toa.html