Sơ lược về Rối Loạn Hoảng Sợ

Sơ lược về Rối Loạn Hoảng Sợ

Sợ hãi và lo âu là những phản ứng bình thường của cơ thể trước những tình huống cụ thể nhất định và sự kiện gây căng thẳng nào đó. Rối loạn hoảng sợ khác với nỗi sợ hãi và lo âu bình thường vì nó thường ở mức cực hạn, và có thể trồi lên từ tâm trạng ủ dột bình thường.

Rối loạn hoảng sợ chính xác là gì? Theo Cẩm nang số liệu chẩn đoán các bệnh lý tâm thần 5 (DSM-5), rối loạn hoảng sợ là một dạng rối loạn lo âu định hình bởi những cơn hoảng loạn cực hạn ở tần suất cao. Một người mắc rối loạn hoảng sợ có thể có các triệu chứng như cảm giác khiếp sợ cực kỳ, thở gấp và tim đập nhanh. Ở người mắc rối loạn này, những cơn hoảng sợ đến bất ngờ và không vì một lý do gì rõ ràng nào, nhưng chúng cũng có thể theo sau một tình huống hay sự kiện khơi mào nào đó.

Triệu chứng của rối loạn hoảng sợ

  •  Cảm giác cực khiếp sợ xuất hiện bất chợt, không hề có dự báo trước.
  •  Các triệu chứng của cơn hoảng loạn bao gồm tim đập thình thịch, vã mồ hôi, run rẩy, tê cứng bàn tay hoặc bàn chân, chóng mặt, mệt, đau tức ngực và thở gấp. Nhiều người bệnh mô tả cảm giác như thể họ đang bị đau tim hoặc như sắp chết tới nơi.
  •  Liên tục sợ rằng cơn hoảng loạn tiếp theo sẽ đến bất kỳ lúc nào. Constant fear that another attack might happen at any time.
  •  Các cơn hoảng loạn làm thay đổi hảnh vi, như né tránh một số tình huống nhất định, những nơi hay vật dụng có liên quan vì sợ chúng sẽ khơi mào cho một cơn hoảng loạn khác.

(Nguồn: Crystal Lynn Bell)

Ảnh hưởng của Rối loạn hoảng sợ

Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia Hoa Kỳ (NIMH) cho biết xấp xỉ 2.7% dân số Mỹ trưởng thành có rối loạn hoảng sợ mỗi năm. Xấp xỉ 44.8% trong số những người này mắc rối loạn hoảng sợ loại “nghiêm trọng”.

Theo Hiệp Hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ, có gần 6 triệu ngưỡi Mỹ trưởng thành có các triệu chứng của rối loạn hoảng sợ trong suốt một năm qua. Mặc dù rối loạn hoảng sợ có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong đời, nhưng nó thường bắt đầu trong khoảng cuối độ tuổi thanh thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành và ảnh hưởng đến nữ giới gấp đôi nam giới.

Rối loạn hoảng sợ có thể dẫn đến sự nguy hại nghiêm trọng trong vận hành chức năng hằng ngày và khiến người bệnh khó xử lý được những tình huống thường nhật vì chúng có thể khơi dậy cảm xúc hoảng sợ và lo âu sâu sắc. Trong một số trường hợp, người bệnh thậm chí còn bắt đầu tránh né một số tình huống, nơi chốn, hoặc một số người nhất định, để giảm thiểu tần suất gặp các cơn hoảng loạn. Ví dụ, một người đã từng trải qua một cơn hoảng loạn tại một trung tâm thương mại đông đúc có thể sẽ né tránh những tình huống tương tự để ngăn khơi dậy những triệu chứng hoảng sợ.

Vì rối loạn hoảng sợ thường khiến cá nhân người bệnh né tránh một số tình huống hoặc vật dụng nhất định, nên nó có thể đưa đến chứng ám ảnh sợ. Ví dụ, một người đang bị rối loạn hoảng sợ không dám rời khỏi nhà để phòng ngừa một cơn hoảng loạn hoặc mất kiểm soát ở nơi công cộng. Lúc đó, bệnh lý ở người này có thể phát triển thành chứng ám ảnh sợ không gian rộng, tức đặc biệt sợ ở những nơi không phải nhà mình, những nơi khó chạy trốn hoặc khó được giúp đỡ khi có triệu chứng không hay xuất hiện.

Mặc dù những phiên bản DSM trước đây phân loại rối loạn hoảng sợ xuất hiện kèm hoặc không kèm theo chứng sợ không gian rộng, nhưng biên bản mới nhất của cẩm nang này đã liệt kê tách biệt 2 bệnh lý với những đặc trưng riêng.

Điều trị rối loạn hoảng sợ

Rối loạn hoảng sợ, cũng như các rối loạn lo âu khác, thường được điều trị bằng can thiệp tâm lý, bằng thuốc hoặc kết hợp cả hai. Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) là một trong những phương pháp điều trị có thể giúp người mắc rối loạn hoảng sợ học cách suy nghĩ và phản ứng mới với những tình huống gây lo âu. Quá trình thực hiện liệu pháp CBT, các trị liệu viên sẽ giúp khách hàng xác định, xử lý những kiểu suy nghĩ tiêu cực, không lành mạnh và thay thế chúng bằng những lối suy nghĩ thực tế và hữu ích hơn.

Liệu pháp tiếp xúc là một hướng điều trị khác thường được sử dụng trong điều trị các rối loạn lo âu bao gồm luôn cả rối loạn hoảng sợ. Ở kỹ thuật này, người ta sẽ cho người bệnh tiếp xúc với vật dụng và tình huống gây phản ứng sợ hãi. Người mắc rối loạn hoảng sợ được cho tiếp xúc với những tình huống gây sợ hãi, từ đó họ sẽ học và luyện tập những kỹ thuật thư giãn mới.

————————–

>> Nguồn: verywellmind.com

>> Tham khảo:

  • American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). Washington, DC: Author.
  • Kessler, R.C., Chiu, W.T., Demler, O., & Walters, E.E. (2005) Prevalence, severity, and comorbidity of twelve-month DSM-IV disorders in the National Comorbidity Survey Replication (NCS-R). Archives of General Psychiatry,62(6), 617-27.
  • National Institute of Mental Health. (n.d.). Panic disorder among adults. Retrieved from http://www.nimh.nih.gov/health/statistics/prevalence/panic-disorder-among-adults.shtml.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *