Sốc lại việc học cho teen sau Tết
Chẳng đổ thừa cho Tết, nhưng quả thật sau Tết ít ai đi học mà thoát khỏi bệnh… lười.
Bệnh lười
Bệnh lười có thể bắt nguồn từ những ngày thức dậy vào trưa, đêm khuya vẫn vui cười đến tờ mờ sáng. Không chỉ thế, cái lịch nghỉ Tết đến gần 2 tuần cũng tác động không nhỏ đến những thói quen học tập hằng ngày của nhiều bạn.
Căn bệnh xấu xí này ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng học. Đó chính là thói quen ngại học bài, ngại ghi chép, gần như là ngại vận động. Điểm qua 10 bạn, thì đến 7-8 bạn mắc phải bệnh này sau Tết, nhất là các teenboy, ngày Tết vốn chẳng phải động tay động chân, ăn xong lại ngủ, thì sao trốn khỏi bệnh lười(!)
Thăng Long (học sinh trường BTX) chia sẻ: “Cứ mỗi lần Tết xong là tay chân tớ cứ… cứng đờ ra. Ghi chép gì cũng chậm chạp. Đầu óc thì kiểu rất dễ buồn ngủ, nhiều hôm ngồi nghe giảng mà cứ gật gù. Tớ đang phải cố gắng vận động thật nhiều để chữa bệnh này, chứ đến lớp mà cứ không chép bài rồi không nghe giảng bài thì kiểu gì cũng điểm thấp!”.
Lười học, lười ghi bài, không ít bạn còn ngại cả đến lớp học. Sau Tết cứ kiếm cớ ốm, bệnh để mà ở nhà. Đi học sáng hay chiều cũng liên miên bị ghi tên vì… đi trễ. Miễn cưỡng lắm lên lớp thì ngồi gật gù gật gà. Bài không ghi, giảng không nghe, lâu lâu lại xăm xoe nói chuyện. Thế nên việc tụt dốc, không nắm bài vở cũng chẳng phải chuyện lạ lùng.
Bệnh “khất lần”
Đầu năm, kiêng cử đủ thứ vì sợ không may mắn. Thế nhưng bệnh “khất lần” thì chẳng mấy bạn có ý chí để kiêng. Văn hóa xấu xí này xuất phát từ tính hay tự hứa hẹn lần này sang lần khác của nhiều bạn. Kiểu bài hôm nay hẹn mai học, bài mai lại hẹn qua ngày hôm sau. Không thuộc bài lần một, hẹn lần hai cố gắng, cứ thế, khất mãi chẳng biết bao giờ thôi.
Không ít bạn từng bị nhiều bài học xương máu cho tính khất lần này mà vẫn chưa chừa. Nguyên nhân sâu xa phải nói đến ý thức thiếu tự giác và phong cách học tập chưa thực sự nghiêm túc. Tính cách này nghe chừng đơn giản nhưng chẳng dễ bỏ chút nào. Bởi một lần khất được sẽ nghĩ đến cách để khất lần hai, lần ba, rồi lần thứ… “n”.
Không chỉ khất lần với bản thân, nhiều bạn còn hứa hẹn khất lần việc học với thầy cô và phụ huynh, gây mất tình cảm nghiêm trọng. Trong một thời gian dài, nó không chỉ làm tình hình học tập của bạn vô cùng xấu, còn có thể kiển bạn bị người khác đánh giá thấp vì… nói được mà không làm được.
Tính “cam chịu”
Chẳng cần phải sau Tết, bệnh “cam chịu” vẫn là cái văn hóa xấu xí của teen trong việc học. Nói đơn giản là ngay khi kết quả tốt hay xấu, nhiều teen vẫn xem là… bình thường. Chẳng thế, mà đầu năm có lãnh vài trứng ngỗng, hay có bị thầy cô la mắng, trách phạt thì vẫn cứ thế mà… chịu và không thèm cố gắng.
Bệnh lười, và bệnh khất lần đều là những thói quen xấu xí, phản cảm, nhưng “nặng” nhất vẫn là tính cam chịu. Bởi một khi bạn luôn bằng lòng với mọi kết quả học tập của mình dù tốt hay xấu, bạn sẽ chẳng bao giờ có ý chí phấn đấu, chẳng bao giờ cố gắng. Thậm chí, một khi kết quả học tập ngày càng tụt lùi, thì với cái cái tính này, nhiều bạn cũng… chẳng hề nhận ra.
Chuyện như cô nàng M (sn1994), vốn là một học sinh khá của lớp. Chẳng hiểu nghe thầy bói “tuyên truyền” ở đâu mấy câu: “Năm nay con học rất tốt, không học nhiều mà kết quả vẫn cao. Chẳng cần lo lắng nhiều thì vẫn qua được cửa. Điểm cao thì lấy vào sổ, điểm thấp tự động bị xóa đi, chắc chắn sẽ hài lòng”. Thế là M trở nên trung thành với việc “cam chịu”, chẳng hề lo lắng, chẳng thiết tha học hành.
Tất nhiên, những lời “thầy phán” mông lung chẳng khác gì “bói mù xem voi”. Sau dăm ba lần “cam chịu” với bệnh lười và những con điểm kém, M bị hẫng kiến thức và liên tiếp “xơi” những con ngỗng liên miên. Cuối tháng, kết quả chẳng được một phần nghìn lời thầy nói, nhưng ân hận mà…. chữa cháy vẫn không kịp.
Thay lời kết…
Sau Tết, việc khó lòng nhanh chóng hòa nhập được với tình hình học tập thì rất khó tránh. Thế nhưng, nếu bạn tốn quá nhiều thời gian, và tự tập cho mình những căn bệnh xấu xí kể trên thì chắc chắn, bạn đang tự rước họa vào thân đấy.
Kì nghỉ Tết đã thật sự kết thúc, hãy nhanh chóng bắt lại nhịp độ học tập và khởi đầu kì học mới với những con điểm cao.