Sống cuộc đời đạo đức và giá trị

Sống cuộc đời đạo đức và giá trị

Khoảng một tháng một lần, tôi lại có dịp được gặp gỡ một cá nhân mà dường như bên trong họ toát ra một nguồn ánh sáng tự thân. Họ hiện diện trong mọi tầng lớp và là những người rất tốt. Họ thích lắng nghe người khác, làm cho chúng ta cảm thấy thích thú và được trân trọng. Bạn sẽ thường bắt gặp họ khi họ đang giúp đỡ người khác, tiếng cười của họ lảnh lót và họ hành xử với một sự biết ơn sâu sắc. Họ chẳng bao giờ nghĩ về công việc tuyệt vời mà họ đang làm. Trên thực tế thì họ chẳng bao giờ nghĩ về bản thân mình.

Khi gặp gỡ những người này, một ngày của tôi rạng rỡ hơn hẳn. Nhưng thú thật là tôi cũng cảm thấy rất buồn vì: Tôi nhận ra dù mình đã đạt được một mức độ thành công nhất định trong sự nghiệp, tôi vẫn chưa đạt đến đẳng cấp của họ. Tôi chưa thể đạt được cái tinh thần phóng khoáng hay chiều sâu phẩm giá giống như họ.

Khoảng vài năm trước, tôi nhận ra rằng mình muốn trở thành người giống như họ. Tôi kết luận rằng để làm được điều này tôi phải nỗ lực hơn rất nhiều. Tôi cần phải có một hành trình chuyển hóa bản thân để có thể tạo ra điều tốt đẹp giống như họ. Tôi cần phải cân bằng cuộc sống của mình tốt hơn.

Tôi phát hiện ra rằng có hai bộ đức hạnh, một cái gọi là “đức hạnh lý lịch” (résumé virtues) và một cái là “đức hạnh điếu văn” (eulogy virtues). Đức hạnh lý lịch là những kỹ năng mà bạn có. Đức hạnh điếu văn là những điều mà người ta sẽ nói đến trong tang lễ của bạn – liệu bạn có phải là người tử tế, can đảm, trung thực và chung thủy hay không? Liệu bạn có khả năng yêu thương sâu sắc hay không?

Chúng ta đều biết rằng đức hạnh điếu văn quan trọng hơn đức hạnh lý lịch. Tuy nhiên, nền văn hóa và hệ thống giáo dục của chúng ta lại dành nhiều thời gian để dạy về những kỹ năng và chiến lược mà ta cần để thành công trong công việc, hơn là những phẩm chất mà ta cần để toát ra nguồn ánh sáng tự thân kia. Phần lớn chúng ta biết rõ cách tạo dựng sự nghiệp bên ngoài hơn là cách xây dựng phẩm giá từ bên trong.

Năm tháng rồi sẽ qua đi, nhưng nếu bạn chỉ sống vì những thành tựu bên ngoài, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội khám phá những phần sâu thẳm nhất bên trong mình. Bạn thiếu đi những từ ngữ để mô tả đức hạnh và rất dễ để rơi vào trạng thái thỏa mãn trong cuộc sống với đức hạnh trung bình. Bạn tự cho phép bản thân mình dễ dãi. Bạn kết luận rằng miễn là mình không làm hại ai và người ta có vẻ cũng thích mình thì mình đã là người tốt rồi. Nhưng thực ra, bạn đang sống một cuộc sống tẻ nhạt trong vô thức. Bạn không hề có sự kết nối với những ý nghĩa sâu sắc nhất của cuộc đời, với niềm vui khi sống với những phẩm giá cao thượng. Dần dần, một khoảng cách sẽ xuất hiện giữa bản thể thực tại và bản thể mong muốn của bạn, giữa bạn với những con người tràn đầy ánh sáng tự thân kia.

(Ảnh sưu tầm)

Chính vì vậy, vài năm trước tôi quyết định phải tìm ra cách mà những người này đã đạt được trạng thái kia. Tôi không biết liệu mình có thể theo đuổi được con đường đạt đến phẩm giá như họ hay không, nhưng chí ít tôi muốn biết con đường đó trông như thế nào.

Tôi đi đến kết luận rằng phẩm giá con người là được hun đúc mà thành chứ không tự nhiên sinh ra đã có. Những người tôi ngưỡng mộ đã đạt đến một đức hạnh không thể giả tạo được – đức hạnh được rèn giũa từ những thành tựu đạo đức và tinh thần của họ.

Nếu nói một cách cường điệu, những thành tựu này giống như một danh sách đạo đức phải đạt được trước khi chết[1] – những trải nghiệm mà ta cần phải đạt được nếu muốn có đời sống nội tâm phong phú hơn. Tôi sẽ liệt kê nhanh một vài điểm trong danh sách này.

THAY ĐỔI MÔ THỨC KHIÊM TỐN

Chúng ta sống trong một nền văn hóa đề cao cái tôi của mình. Chế độ đãi ngộ người tài khiến bạn phải tự lăng xê bản thân. Mạng xã hội muốn bạn phải chia sẻ những khoảnh khắc thăng hoa trong cuộc sống của mình. Cha mẹ và thầy cô thì lúc nào cũng nói rằng bạn là một người tuyệt vời.
Tuy nhiên, tất cả những người mà tôi hằng ngưỡng mộ đều rất thẳng thắn về những khuyết điểm của mình. Họ khám phá ra điểm yếu cốt lõi của mình, có thể là sự ích kỷ, hay khát khao muốn được thừa nhận, hèn nhát, lạnh lùng v.v. Họ truy ngược lại những hành vi xuất phát từ điểm yếu cốt lõi này mà khiến cho họ cảm thấy xấu hổ. Những người này đã đạt được một sự khiêm nhường cực độ, được coi là cảnh giới thượng thừa của sự tự nhận thức với xuất phát điểm là từ tư duy hướng về người khác.

CHIẾN THẮNG BẢN THÂN

Thành công bên ngoài đạt được do sự cạnh tranh với người khác. Còn phẩm giá thì chỉ được tạo dựng trong quá trình đối diện với điểm yếu của chính mình. Dwight Eisenhower là một ví dụ điển hình. Ông sớm nhận ra điểm yếu cốt lõi của mình là tính khí nóng nảy. Ông dần làm tốt hơn trong việc điều chỉnh hành vi của mình trở nên ôn hoà, vui vẻ hơn vì ông biết rõ một điều rằng muốn lãnh đạo thì cần thể hiện sự tích cực và tự tin ra bên ngoài . Ông làm những việc ngớ ngẩn để kiểm soát cơn giận của mình. Ông viết tên những kẻ ông ghét lên giấy, xé chúng và rồi ném vào thùng rác. Cả một đời tự đối diện với chính mình, ông đã luyện tập được một tính khí điềm đạm. Ông đã biến mình trở nên mạnh mẽ chính tại nơi mình yếu nhất.

BƯỚC NHẢY VƯỢT QUA SỰ PHỤ THUỘC

Rất nhiều người tặng quyển sách “Oh, The Places You’ll Go!” (Ôi Những Nơi Chốn Bạn Sẽ Đến) như là một món quà tốt nghiệp. Quyển sách này nói rằng cuộc sống là một hành trình đạt đến sự tự trị bản thân. Chúng ta rèn giũa các kỹ năng, trải nghiệm những chuyến phiêu lưu, đón nhận những thử thách trên con đường đi đến thành công cá nhân của mình. Quan điểm chủ nghĩa cá nhân này cho rằng phẩm giá là thứ ý chí sắt đá bên trong mỗi người. Nhưng những người đang trên con đường đạt đến phẩm giá đều hiểu rằng không ai có thể đạt đến sự tự chủ bản thân một mình. Ý chí cá nhân, lý trí và lòng trắc ẩn không đủ mạnh để giúp ta liên tục đánh bại thói ích kỷ, sự cao ngạo và tự huyễn hoặc bản thân. Tất cả chúng ta đều cần sự trợ lực từ bên ngoài.

Những người bước đi trên con đường này nhìn cuộc đời như một quá trình của sự cam kết. Phẩm giá được xác định bằng sự vững chãi bên trong bạn. Bạn đã có những kết nối sâu sắc để giúp bạn đứng vững trước những thách thức cuộc đời và giúp bạn hướng thiện hay không? Về mặt trí tuệ, một người có phẩm giá là người đã có những triết lý vững chắc về những điều căn bản của cuộc sống. Về mặt cảm xúc, người này được bao bọc bởi một mạng lưới những yêu thương vô điều kiện. Còn với hành động, người này cam kết theo đuổi những điều có thể phải tốn cả một đời để thực hiện.

TÌNH YÊU TIẾP THÊM SỨC MẠNH

Tuổi trẻ của Dorothy Day là chuỗi ngày “lạc lối”: rượu chè say sưa, một hai lần đã thử tự sát, theo đuổi ước muốn của mình và rồi lại không biết nên đi theo đường nào. Nhưng rồi, cuộc đời cô thay đổi khi con gái cô chào đời. Cô nói về trải nghiệm ấy như sau: “Nếu như tôi có thể viết ra quyển sách vĩ đại nhất, sáng tác nên giai điệu hay nhất, vẽ nên bức tranh đẹp nhất hay khắc tạc một hình tượng tinh tế nhất, thì cũng không khi nào tôi cảm nhận được mình là người sáng tạo cao quý bằng giây phút người ta đặt con gái tôi vào vòng tay mình.”

Đó là kiểu tình yêu có thể làm tan biến đi cái tôi. Nó giúp ta nhớ lại rằng bản chất thật của ta sâu sắc hơn rất nhiều. Hơn tất cả, tình yêu này có thể làm lay động chúng ta. Nó khiến ta cảm thấy hạnh phúc khi được phụng sự cho điều mà ta yêu thương. Tình yêu của Day dành cho con gái lan tỏa khắp xung quanh. Như cô viết “Không một sinh vật người nào có thể đón nhận hay chứa đựng một cơn lũ tình yêu và hạnh phúc nhiều như tôi thường cảm thấy sau khi con gái tôi chào đời. Điều này dẫn đến nhu cầu muốn được thờ phụng và tôn thờ.”

Cô đặt ra những cam kết không thể phá vỡ trong tất cả mọi việc. Cô trở thành một người theo đạo công giáo, mở một tờ báo cấp tiến, xây nhà cho người nghèo và sống cùng họ, chấp nhận san sẻ sự nghèo đói như một cách để xây dựng cộng đồng, không chỉ là để làm điều thiện, mà còn là để sống thiện. Đôi khi, món quà tình yêu này có thể giúp chúng ta vượt qua được bản tính vị kỷ của con người.

SỨ MỆNH TRONG SỨ MỆNH

Chúng ta đi làm vì nhiều lý do, có thể là vì tiền bạc, cũng có khi vì địa vị hoặc vì sự ổn định. Nhưng có một số người đã có những trải nghiệm giúp họ biến một sự nghiệp thành một sứ mệnh. Những trải nghiệm này làm át đi tiếng nói của cái tôi. Tất cả những gì còn lại chỉ là một khát khao muốn sống với những chuẩn mực xuất sắc vốn có trong nghề của mình.

Frances Perkins là một phụ nữ trẻ, một nhà hoạt động cho những mục đích tiến bộ vào đầu thế kỷ 20. Cô lịch sự và có một chút dịu dàng. Nhưng một ngày nọ, cô tình cờ chứng kiến cuộc hỏa hoạn tại nhà máy Triangle Shirtwaist và quan sát hàng chục công nhân may mặc thà nhảy từ trên cao xuống còn hơn là bị thiêu sống. Trải nghiệm đó đã đánh động cảm thức đạo đức và làm mới khát vọng của cô. Cô đã nhận thấy sứ mệnh trong sứ mệnh.
Sau sự kiện ấy, cô trở thành một người phục vụ cho quyền lợi của công nhân. Cô sẵn sàng làm việc với bất kỳ ai, thỏa hiệp với bất kỳ người nào, vượt qua những do dự bản thân. Thậm chí cô còn thay đổi cả vẻ bề ngoài để giúp phong trào của mình có sức ảnh hưởng hơn. Cô trở thành người phụ nữ đầu tiên làm việc trong nội các Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Franklin D. Roosevelt. Cô được xem là một trong những nhân vật hoạt động trong lĩnh vực dân sự vĩ đại của thế kỷ 20.

BƯỚC NHẢY CỦA LƯƠNG TÂM

Trong cuộc đời của hầu hết mỗi con người, ai cũng có một khoảnh khắc cởi bỏ hết những hình ảnh và địa vị bản thân, cởi bỏ niềm kiêu hãnh từ việc học tại một trường danh giá hay việc sinh ra trong gia đình quyền thế nào đó. Họ vượt thoát ra khỏi logic thực dụng và đập tan hàng rào sợ hãi của mình.

Thời trẻ của tiểu thuyết gia George Eliot (tên thật là Mary Ann Evans) là một mớ hỗn độn. Cô thiếu thốn về mặt tình cảm nên có thể yêu bất kỳ ai cô gặp phải để rồi sau đó bị từ chối. Cuối cùng, ở tuổi 30, cô gặp George Lewes. Lewes đã ly thân với vợ, nhưng về mặt pháp lý thì vẫn là người đã có gia đình. Nếu Eliot chọn theo Lewes, người ta sẽ gọi cô là kẻ thứ ba phá vỡ hạnh phúc gia đình. Cô có thể mất bạn bè và bị gia đình mình ruồng bỏ. Cô đã mất một tuần để đưa ra quyết định và vẫn chọn đi theo Lewes. Cô viết: “Những mối quan hệ hời hợt và dễ đổ vỡ không phải là thứ tôi khao khát về mặt lý thuyết, cũng như chẳng thể nào sống theo kiểu đó trong thực tế. Những người phụ nữ hài lòng với mối quan hệ kiểu như vậy sẽ không hành xử giống như tôi đã làm.”

Cô đã lựa chọn đúng. Tính cách của cô dần ổn định. Khả năng thấu hiểu, đồng cảm được mở rộng. Cô sống trong một trạng thái yêu thương bền vững và thủy chung với Lewes. Đây là kiểu tình yêu chỉ xuất hiện khi một người đã chín chắn hơn, đã có những vết sẹo trong tâm hồn và đã biết cách chịu trách nhiệm. Lewes đã giúp đỡ và hỗ trợ cô trở thành một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất mọi thời đại. Cùng nhau, họ đã biến sự thiếu thốn tình cảm thành một tình yêu bất biến.

Những bài diễn văn tốt nghiệp thường khuyên người trẻ hãy theo đuổi đam mê của mình. Hãy sống thật với chính mình. Nhưng đây là kiểu sống bắt đầu với cái tôi và cũng kết thúc bằng cái tôi. Những người theo đuổi phẩm giá không tìm thấy sứ mệnh của mình bằng việc tự hỏi “Tôi muốn gì từ cuộc đời này?”, thay vì vậy họ tự hỏi “Cuộc đời mong đợi gì từ tôi? Làm sao để tôi có thể kết nối tố chất của mình với những nhu cầu của thế giới?”

Cuộc sống của họ thường đi theo một mô thức là thất bại, nhận thức, và rồi chuộc lại lỗi lầm. Họ cũng có những khoảnh khắc đau đớn và cùng cực. Nhưng họ biến những thời khắc ấy thành cơ hội để thấu hiểu chính mình – có thể là bằng việc viết nhật ký hay tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Như Paul Tillich từng nói, đau khổ giúp bạn hiểu hơn về chính mình và nhắc bạn nhớ rằng bạn không phải là con người mà bạn nghĩ mình đã từng là.
Những người bước đi trên con đường này xem những khoảnh khắc khổ đau là một phần của câu chuyện lớn hơn. Họ không sống theo định nghĩa hạnh phúc như trước giờ ta vẫn nghĩ. Họ nhìn cuộc đời như một vở kịch của đức hạnh (moral drama) và chỉ thấy thỏa mãn khi họ trải qua những thử thách nhân danh một lý tưởng nào đó.

Đây là triết lý sống của những người vấp ngã (stumbler). Những người này bước đi qua cuộc đời và dường như có hơi mất cân bằng. Nhưng người vấp ngã đối diện bản chất không hoàn hảo của mình với thái độ trung thực không cần tô vẽ, với sự ngay thẳng không giấu giếm. Vì biết đâu là giới hạn của mình, những người này chí ít biết rằng mình có một kẻ thù nghiêm túc mà chính mình phải đối diện và vượt qua. Họ sẵn sàng hỗ trợ và đón nhận hỗ trợ từ người khác. Những người bạn của họ sẵn sàng ở đó để có những cuộc nói chuyện sâu sắc, an ủi hoặc cho họ lời khuyên.

Những tham vọng bên ngoài sẽ không bao giờ đủ thỏa mãn chúng ta bởi vì lúc nào cũng sẽ có nhiều thứ cần phải đạt được.

Còn người vấp ngã thường tận hưởng những khoảnh khắc của niềm vui. Niềm vui nằm trong lựa chọn phục vụ một tổ chức nào đó, một ý tưởng hay nhóm người nào đó. Niềm vui nằm trong lần tình cờ gặp nhau. Có niềm vui thật cao đẹp khi ta nhìn thấy một hành động tử tế, khi ta vô tình gặp được một người trầm tĩnh, khiêm tốn và tốt bụng; khi ta thấy rằng dù ta đang bao nhiêu tuổi đi nữa, vẫn còn rất nhiều điều phải làm ở phía trước.

Những người vấp ngã không xây cuộc đời mình bằng cách cố trở nên tốt hơn người khác, thay vì vậy họ cố gắng trở nên tốt hơn chính mình ngày hôm qua. Điều bất ngờ đó là có những khoảnh khắc siêu việt của sự tĩnh lặng sâu sắc. Gần như suốt cuộc đời họ, những tham vọng bên trong và bên ngoài đều mãnh liệt và cân bằng. Nhưng đến cuối cùng, tại những khoảnh khắc hiếm hoi của niềm vui, những tham vọng nghề nghiệp tạm dừng lại, bản ngã trở nên tĩnh lặng, và họ nhìn vào một buổi tiệc picnic, một buổi tối hay một thung lũng và thấy choáng ngợp bởi cảm giác biết ơn vô hạn, và chấp nhận sự thật rằng cuộc đời đã đối xử với họ tốt hơn mức họ xứng đáng được nhận. Đó chính là kiểu người mà chúng ta muốn trở thành.

[1] Ở đây tác giả chơi chữ “moral bucket list”. Trong tiếng Anh, bucket list nghĩa là danh sách điều phải làm trước khi chết.

Nguồn: https://www.nytimes.com/2015/04/12/opinion/sunday/david-brooks-the-moral-bucket-list.html

Biên dịch và thiết kế bởi Nhóm IPLer

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *