Sự tuân thủ và bắt nạt học đường
Sự tuân thủ (conformity) là một dạng ảnh hưởng xã hội có liên quan tới sự thay đổi về niềm tin hoặc hành vi của một người để hòa nhập vào một nhóm tốt hơn. Sự tuân thủ mang ảnh hưởng rất mạnh, có thể hiện hữu dưới hình thức áp lực xã hội công khai hay những ảnh hưởng tiềm thức khó thấy. Dù cho chúng ta thích nghĩ bản thân mình là một cá nhân độc lập đến bao nhiêu thì thực tế là chúng ta luôn cố gắng để bản hòa nhập thích hợp hơn với một nhóm, và điều này thường có nghĩa rằng chúng ta đi theo dòng chảy.
Solomon Asch đã thực hiện một thí nghiệm nhỏ về “Áp lực từ nhóm và sự tuân thủ” (Group pressure and conformity). Ông đưa ra một tấm hình, phía bên trái là đường thẳng tiêu chuẩn, phía bên phải là ba đường thẳng khác nhau. Solomon hỏi những người tham gia cuộc thí nghiệm này, đường thẳng nào ở phía bên phải là đường thẳng tiêu chuẩn. Bạn nghĩ, “Dễ òm, là đường thứ 2.” Và những bạn nói ra kết quả của mình theo sau những người khác. Sau đó một vài câu hỏi tương tự nữa và bạn bắt đầu cảm thấy thí nghiệm này thật là chán. Nhưng bạn chợt nghe ai đó nói đường thứ 3 mới là đường tiêu chuẩn. Bạn cười khẩy, và cho rằng người đó thật là ngu, nhưng tiếp đến người thứ hai, thứ ba, thứ tư đều khẳng định đường số 3. Bạn bắt đầu hoang mang, tim đập mạnh hơn. Và khi đến lượt bạn trả lời, bạn sẽ làm sao? Bạn sẽ nói ra suy nghĩ của mình và trở thành kẻ lập dị trong nhóm, hay là thuận theo số đông?
(Thí nghiệm của Salomon Asch- hình minh họa )
Với thí nghiệm này của Asch, trong hàng ngàn sinh viên tham dự và có hơn 1/3 số sinh viên “thông minh và biết suy nghĩ” đã chọn cách bỏ qua suy nghĩ của mình và hướng theo số đông. hính tâm lý hướng theo số đông này một phần ngăn cản họ giúp đỡ người bị nạn vì họ không muốn trở nên “khác người”. Sự tuân theo số đông này càng mạnh bản thân họ cảm thấy không an toàn không có khả năng làm trái với nhóm.
Video về thí nghiệm dưới đây “Ai cũng làm nó – Everybody’s Doing It” sẽ giúp mọi người thấy được sức ảnh hưởng sự tuân theo để “hợp” hơn với nhóm là như thế nào. Trong số những người đi thang máy có một người là diễn viên, hai hay ba người là nhân viên công ty và tất cả họ được đưa ra chỉ định là khi vào thang máy, họ sẽ quay mặt vào tường. Người còn lại không hề biết gì về thí nghiệm, cũng như thân phận của những người đi thang máy chung. Vậy khi tất cả mọi người đều quay lưng vào tường không lý do, anh ta sẽ làm như thế nào?
Hầu hết tất cả những người được thí nghiệm đều tỏ ra rối rắm, không biết phải làm thế nào, cũng không hiểu tại sao mọi người lại quay lưng vào tường, thế nhưng cuối cùng anh ấy cũng không hỏi nhưng vẫn làm theo và quay lưng lại vào tương hay bất cứ hướng nào mà mọi người hướng tới. Bạn có thể sẽ cảm thấy anh ấy rất buồn cười, như những vị khán giả trong video, cười ồ lên khi thấy anh ta làm theo một cách máy móc không lý do như thế. Nhưng đây chính là tâm lý chung của con người. Sự tuân theo giúp chúng ta cảm thấy mình thuộc về một nhóm nào đó, không bị lạc lõng và cô lập, và thật sự, mong muốn được thuộc về (need of belonging) là mong muốn cơ bản thứ ba của tháp nhu cầu Maslow.
(Ảnh minh họa)
Khái niệm sự tuân thủ còn có thể được định nghĩa như “quy phục trước áp lực nhóm”. Áp lực nhóm có thể có nhiều dạng khác nhau như bắt nạt, thuyết phục, chọc ghẹo, chỉ trích v.v… Trong một nghiên cứu với 51 học sinh lớp bảy theo kiểu phỏng vấn 1 với 1 để tìm ra những yếu tố ảnh hưởng đến học sinh khiến chúng bắt nạt bạn bè thì một chủ đề chung nổi lên giữa những đứa trẻ này là nhu cầu được thuộc về và tình trạng của nhóm, đặc biệt là những quy tắc tiêu chuẩn trong xã hội hoặc nhu cầu tuân theo. Đây là những yếu tố ảnh hưởng khi học sinh giải thích tại sao chúng bắt đầu và tiếp tục bắt nạt những đứa trẻ khác. Sức ảnh hưởng của dán nhãn, hoạt động trong nhóm và khát vọng được giống như những bạn khác trong nhóm là những yếu tố then chốt.
Bắt nạt và sự tuân thủ cũng được quan sát ở những động vật có trí tuệ cao. Trong xã hội của loài linh trưởng, hành vi xã hội thích hợp và sự tuân thủ có vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn trật tự xã hội. Những cá nhân nào có hành vi thách thức, phá hoại hay được coi là bất thường thường là mục tiêu của sự gây hấn và bắt nạt, và sự gây hấn này sẽ tiếp tục cho đến khi cá nhân đó thay đổi hành vi. Và điều này cũng tương tự như trong xã hội loài người.
(Ảnh minh họa)
Việc nhận ra sức mạnh và độ ảnh hưởng của nhóm đồng đẳng (peer-group) và sức mạnh của tiêu chuẩn xã hội hoặc nhu cầu tuân theo là một điều hết sức quan trọng để có thể đề xuất ra những phương án can thiệp thích hợp với những nhóm này. Có rất nhiều bậc phụ huynh, thầy cô hay hội nhóm khuyên những đứa trẻ bị bắt nạt là “hãy đánh lại những kẻ bắt nạt ấy”, hay “chỉ cần phản kháng thì những đứa trẻ ấy sẽ không bắt nạt nữa.”
Tuy nhiên, với thời đại công nghệ như hiện nay thì việc bắt nạt không chỉ đơn giản nằm trong khuôn viên trường học mà còn qua mạng với mức độ tổn thương không kém và không dễ dàng gì chấm dứt được. Vấn nạn bắt nạt trong học đường phức tạp hơn thế nhiều. Ở mức độ cá nhân, nếu không chỉ ra rằng bắt nạt không giúp những đứa trẻ xác định bản thân trong xã hội thì có điều này có thể dẫn đến những đứa trẻ ấy cảm thấy mình bắt buộc phải tiếp tục những hành vi bắt nạt để bảo toàn hình ảnh cá nhân và địa vị xã hội.
Những bậc cha mẹ có thể dạy con mình về lòng can đảm, thấu hiểu hay làm sao để giúp đỡ những bạn bị bắt nạn, và có thể dạy cho con mình rằng một người có quyền khác biệt với những người khác. Sẽ rất dễ khắc sâu lòng tốt và những hành vi xã hội phù hợp vào những đứa trẻ 8 tuổi hơn là những đứa 18 tuổi. Vì thế cho nên các chương trình can thiệp bạo lực hay bắt nạt học đường phải bắt nguồn từ sớm, có thể là từ tiểu học, để dừng lan rộng những suy nghĩ như thế này và ngăn ngừa xung đột trong tương lai.
>> Dịch bởi: Hải Đường Tĩnh Nguyệt
>> Nguồn tham khảo:
https://www.simplypsychology.org/conformity.html
https://www.psychologytoday.com/basics/conformity
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18955466
http://www.cnn.com/2012/10/31/living/bullying-fight-back/index.html
https://blogs.scientificamerican.com/guest-blog/the-origins-of-bullying/
https://www.huffingtonpost.com/colleen-berge/schoolyard-bullying-its-ok-to-be-different_b_10160054.html