Tham Luận: LO HÃI ĐẶC HIỆU Ở NGƯỜI TỰ KỶ

Tham Luận: LO HÃI ĐẶC HIỆU Ở NGƯỜI TỰ KỶ

Lời người dịch : Jean-Marc CANTAU là nhà phân tâm học, nhà tâm lí học,
chuyên gia đào tạo, giảng viên tâm lí học tại Đại học Toulouse Jean-Jaurès,
thành viên tổ chức ADEPASE.

Ông nguyên là chuyên gia giám sát các hoạt động chuyên môn tại các cơ sở, chuyên gia tâm lí làm việc tại Institut Médico-Educatif La Convention nơi đón tiếp trẻ tự kỷ (gần Toulouse), sau đó là nhà tâm lí tại Centre Ressources
Autisme (Trung tâm Nguồn về tự kỷ) của Vùng Midi Pyrénées, Pháp.

Đây là bài ông trình bày tại Hội thảo « Nỗi sợ và lo hãi trong thực hành lâm sàng ở trẻ em và thanh thiếu niên », tổ chức ngày 3/5/2019 tại Viện Nhi Trung ương. Được sự đồng ý của ông CANTAU, Mận dịch lại bài tham luận này để chia sẻ với mọi người bởi mình thấy cách tiếp cận của ông về vấn đề tự kỷ rất thú vị.

(Ông Jean-Marc CANTAU trong một buổi đào tạo tại Hà Nội)

Trong lịch sử mối quan hệ với Người (Cái) khác, với những người khác và với đồ vật/đối tượng, chủ thể trải qua những giai đoạn lo hãi, ít hay nhiều tuỳ thuộc vào lịch sử và cấu trúc của mỗi người.

Bản thân lo hãi không mang tính bệnh lí mà là một trong những nền móng và những bước đi bắt buộc, thậm chí còn là trụ cột trong quá trình kiến thiết của con người. Chúng ta cũng biết rằng chủ thể cần dựa vào một Người khác, một người không toàn năng và thậm chí ta còn có thể nói một người bộc lộ sự yếu đuối và sự thiếu.

Chúng ta có thể hình dung rằng số phận của con người bị giằng xé giữa hai lực : lo hãi và sự thiếu, giữa chúng luôn duy trì một sự căng thẳng rất tinh tế, cả hai lực này đều cần thiết.

Không thể thiếu yếu tố nào trong hai yêu tố nêu trên, nếu không tâm trí của chủ thể sẽ gặp nguy hiểm ; chúng cần tìm được sự cân bằng như Âm và Dương trong triết lí của Đạo giáo. Chúng ta sẽ nhận ra rằng sự cân bằng tinh vi mà tôi đang đề cập không được xây dựng theo cùng một cách ở trẻ tự kỷ và những đứa trẻ được gọi là « bình thường ».

Trong bài trình bày của tôi năm ngoái, tôi đã cố gắng chỉ ra rằng mọi em bé đều phải đối diện với một tình trạng khốn quẫn đầu tiên, một tình trạng cần thiết cho quá trình trưởng thành của bé.

Các cách thức khác nhau để xử lí cái khốn quẫn nguyên lai

Con người sinh ra ở thể còn non nớt, tức là khi mới sinh, sự phát triển về thần kinh và tâm trí vẫn còn chưa hoàn thiện. Các nơ ron thần kinh sẽ tăng theo cấp số nhân trong suốt thời kỳ trẻ nhỏ và các tiến trình lô-gic chỉ được hình thành ngay trước tuổi dậy thì.

Nếu như lúc mới sinh, em bé có bộ não còn chưa phát triển bằng bộ não của một động vật linh trưởng thì trong phần lớn các trường hợp, não bộ của trẻ phát triển hơn não bộ của động vật linh trưởng khi chủ thể bước vào tuổi trưởng thành. Như vậy, chính bằng cách phát triển não bộ thông qua hoạt động chơi với đồ vật và đặc biệt là thông qua mối quan hệ với người thân mà bé sơ sinh dần trở thành người.

Phần bản năng có sẵn là phần rất yếu ở con người và sự kiến thiết chủ thể tính mang tính xung năng nhiều hơn, nó được hình thành thông qua mối liên hệ với kinh nghiệm đã trải qua.

Một vài trường hợp trẻ hoang dã đã chỉ rõ điều này : không có trẻ nào trong số những đứa trẻ được tìm thấy có thể có ngôn ngữ và thực sự trở thành người. Mặc dù Itard đã rất cố gắng giáo dục lại cậu bé Victor (một đứa trẻ hoang dã đã được tìm thấy ở miền Nam nước Pháp, gần Toulouse vào năm 1801) trong suốt 5 năm, cậu bé cũng không bao giờ có thể có ngôn ngữ và cũng không thể thực sự trở thành người. Chính từ đây chúng ta bắt đầu chạm tới sự phức tạp của cái ẩn ngữ mang tên tự kỷ.

Tại sao những đứa trẻ này, đa phần trong số chúng đều có một môi trường thuận lợi để phát triển thành người, lại vẫn nằm ngoài xã hội loài người, nhìn nó một cách thận trọng từ xa, như thế chúng không biết phải tìm thấy chỗ đứng của mình như thế nào trong xã hội ấy ?

Nghiên cứu về tiến trình chủ thể hoá của những em bé bình thường có thể sẽ là một sự hỗ trợ quý báu giúp chúng ta giải đáp được điều này. Trẻ sơ sinh, theo những gì chúng ta biết về bộ máy tâm trí của chúng, sẽ phải đối diện với một sự mất cân bằng giữa một bên là các kích thích bên trong và bên ngoài và bên kia là bộ máy tâm trí của trẻ, các kích thích này quá nhiều so với khả năng xử lí và lưu giữ của bộ máy tâm trí.

Thời điểm trẻ sinh ra là thời điểm mà ở đó những xâm lấn bên trong và bên ngoài này đạt đỉnh điểm và tràn ngập bộ máy tâm trí. Vào thời điểm đó, em bé trải nghiệm một khoảnh khắc khốn quẫn. Sự khốn quẫn này, bản thân nó không hề mang tính bệnh lí, thậm chí còn là điều cần thiết. Tất cả chúng ta đều đã phải trải qua thời điểm đó và chính nhờ sự khốn quẫn này mà con đường đến với Người khác được mở ra ở phần lớn các trẻ.

Trên thực tế, biểu hiện đầu tiên của tình trạng khốn quẫn này chính là tiếng khóc của em bé, đó chỉ là tiếng khóc thuần tuý, không hướng đến một địa chỉ đặc biệt nào cả.
Sự khốn quẫn này, ngay cả khi nó làm nảy sinh ra sự đau khổ thì đồng thời nó cũng giúp trẻ xây dựng được một tiến trình động và hướng tới người khác.

Thật vậy, vào thời điểm đó, những người xung quanh trẻ sẽ can thiệp nhằm cố gắng làm dịu tình trạng khốn quẫn đó của trẻ (bằng việc ôm ấp, cho bú,đung đưa và các kích thích khác).

Bằng các cách làm khác nhau, thường là một cách ngẫy nhiên, khối kích thích đó giảm xuống và dẫn trẻ đến tình trạng ít căng thẳng hơn, tức là một dạng làm dịu.

Người khác, ngay cả khi lúc này vẫn chưa hoàn toàn biệt hoá, có vai trò như một lớp chống kích thích. Như vậy, chính sự thiếu cái căng thẳng ban đầu (không phải là hoàn toàn mà chỉ là tương đối) là điều sau đó em bé sẽ đi tìm để có thể gặp lại.

Dần dần, giữa em bé và Người khác sẽ hình thành nên một không gian liên chủ thể, không gian liên chủ thể này sẽ mở ra khả năng gặp gỡ trong một không gian chuyển tiếp.

Ngay cả khi môi trường gia đình (mẹ, cha, người thân…) nhầm lẫn về mong muốn hay đòi hỏi của em bé sơ sinh và ngay cả khi em bé hiểu rất ít về động cơ của Người khác mẫu dưỡng thì một tiến trình trao đổi đã được hình thành.

Tiến trình này được đặt trong một ảo tưởng đúp : đối với người mẹ, giống như Lacan đã nói trong « Hai ghi chú về trẻ em » : « Đứa trẻ nhận ra sự có mặt của cái mà Jacques Lacan gọi là đối tượng « a » (a nhỏ) trong huyễn tưởng. Bằng việc đặt mình vào vị trí của đối tượng đó, trẻ hoàn toàn lấp đầy cái thiếu – cái bộc lộ đặc thù ham muốn của người mẹ ». Như vậy, trẻ sơ sinh được nhìn nhận như là đối tượng tưởng tượng của người mẹ hơn là chính bản thân đứa trẻ.

Đối với em bé, Người khác mẫu dưỡng này được trang bị một quyền năng tưởng tượng rất toàn năng (ND : có thể làm được mọi thứ). Rõ ràng, đây là một cuộc gặp gỡ của hai cái ảo tưởng.

Chuyện gì sẽ xảy ra ở những trẻ có nguy cơ tự kỷ, những trẻ dường như không có khả năng nhờ cậy ở người khác để xử lí cái «quá đầy về mặt cảm giác » mà trẻ đang phải đối diện? Chúng sẽ buộc phải vượt qua cái khốn quẫn này với duy nhất nguồn lực bên trong của chính chúng.

Lo hãi tự kỷ kiểu « cảm giác »

Con đường mà phần lớn trẻ sơ sinh đều vay mượn, con đường dẫn trẻ đến với người khác và bằng cách đó cho phép chúng xây dựng được một chức năng chống kích thích dường như không vận hành ở trẻ sơ sinh tự kỷ.

Chúng không cảm nhận môi trường gia đình và người khác như là nguồn lực trợ giúp, và do đó không nhận được sự làm dịu từ việc giảm kích thích. Do đó, khoảnh khắc làm dịu này, trẻ sẽ không thấy thiếu vì trẻ chưa từng trải qua. Chúng ta có thể nói rằng một cái thiếu đã bị thiếu.

Như Graciela Crespin đã nói trong buổi thảo luận chuyên đề ngày 19/01 tại Paris : trẻ có nguy cơ tự kỷ nằm trong một mạch ngắn ở đó kích thích dội trở lại cơ thể của bé thay vì chuyển qua người mẹ hoặc Người khác.

Về phía mình, những can thiệp của người mẹ cũng trở lại chính người mẹ mà không chạm được tới em bé và dội lại cho người mẹ một dạng lo hãi khác : lo hãi sững sờ.
Thật vậy, từ góc nhìn này, bé sơ sinh dường như không thiếu mẹ.

Cái thiếu gần như bị thiếu ở trẻ sơ sinh ; kết quả là người mẹ và những người xung quanh bé trở nên lo hãi.

Graciela Crespin mô tả điều này bằng hai mạch ngắn trong mối quan hệ giữa mẹ và bé (ND : Sơ đồ bên trái). Khác với các mạch được xây dựng ở các trẻ bình thường, hai mạch ngắn này không gặp nhau, không giao nhau để tạo ra một vùng liên chủ thể.

Chú thích ảnh :
Sơ đồ bên trái là sơ đồ về tiến trình tự kỷ. Bébé = em bé ; Autre = Người khác ; Repli = thu mình ; Sidération = sự sững sờ ;

Sơ đồ bên phải là sơ đồ về tiến trình cùng kiến thiết trong sự phát triển bình thường. Inter-subjectivité = tính liên chủ thể.

Ngay từ rất sớm, em bé tự kỷ phải đối mặt với một lo hãi tiên phát mà chúng ta có thể gọi tên là « cảm giác». Thật vậy, các cảm giác của trẻ không được lọc qua lớp chống kích thích của người mẹ, ngay cả khi lớp chống kích thích này vẫn hoạt động theo hướng này.

Bất chấp những can thiệp của mình, Người khác không thể mang lại nguồn trợ giúp nào mà đôi khi còn trở thành yếu tố gây rối loạn chỉ riêng bằng sự tồn tại của mình.
Việc các cảm nhận thông qua giác quan « dội bom » và làm quá tải hệ thần kinh vẫn còn rất non nớt của trẻ, vượt quá khả năng xử lý của nó sẽ gây ra nỗi đau (vấn đề) ở trẻ sơ sinh.

Tuỳ theo việc đứa trẻ có thể xây dựng được vòng mạch nào (ND : mạch dài hay mạch ngắn), sự năng động hay sự thu mình sẽ được sinh ra. Theo giả thuyết về mạch ngắn, em bé sơ sinh tự điều chỉnh và xử lí cái nỗi khổ sở liên quan đến cảm giác này bằng 2 phương thức : thu mình và dựng nên đập chắn, cả hai đều buộc tâm trí phải tiêu hao rất nhiều năng lượng.

Giống như Freud đã đề cập trong bài báo của mình về nữ tính năm 1931 : « Đôi khi ta phải làm rất nhiều việc để đạt tới những mục đích thụ động ». Thật vậy, đặt mình trong một quả bóng đòi hỏi trẻ tự kỷ phải huy động một năng lượng rất lớn, và do đó, trẻ không còn năng lượng để hướng sự chú ý đến điều khác.

Một tiến trình khác cũng được trẻ tự kỷ sử dụng, đó chính là việc tạo ra những hành động rập khuôn, những chuyển động đều đặn và trẻ tập trung vào những chuyển động đó để thoát khỏi áp lực cảm giác đến từ bên ngoài.

Temple Grandin đã khẳng định hai chiến thuật né tránh cảm giác này trong cuốn « Cuộc đời người tự kỷ ».

Mạch ngắn này, tức là không có Người khác, sẽ ngăn cản, hay trong điều kiện thuận lợi nhất, sẽ hãm phanh mối liên hệ giữa cảm giác với biểu tượng. Giống như những gì Graciela Crespin đã đề cập trong « Những điều trị đối với các rối loạn phổ tự kỷ », trang 31 : « năng lượng vẫn ở trạng thái « tự do » thay vì liên kết với các biểu tượng » (như Freud đã đề cập trong cuốn Phác thảo về một nền khoa học tâm lí ) và diễn ra theo một tiến trình tự thoả mãn về mặt cảm giác, ngay tức thì và không đạt đến cấp độ biểu tượng hoá.

Em bé sơ sinh tập trung hoàn toàn sức lực cho nhiệm vụ của chính mình, em bé đó không thể hướng tới Người khác như Donna Williams mô tả trong cuốn sách của mình có tiêu đề « Nếu ai đó chạm vào tôi, tôi không tồn tại nữa » : « Tôi di chuyển trong màu trắng, giữa một không gian trống rỗng. Chỉ có màu trắng với những bông tuyết có màu sắc lấp lánh bao quanh tôi.

Tôi đi xuyên qua chúng, chúng xuyên qua tôi. Đó là những thứ làm tôi cười. Tôi nhìn trực diện vào ánh sáng đó, cái ánh sáng đến từ cửa số gần giường tôi nằm và tôi dụi mắt thật mạnh. Đấy chúng đấy ! Chúng đang đến, những sợi lông tơ màu sắc rực rỡ đang đi ngang cái không gian trắng đó. – Thôi nào ! (lời nói của người xung quanh).

Đó là điều xa lạ, cái âm thanh không thể hiểu nổi xuất hiện và làm phiền chúng ta…. Tôi phát hiện ra là không khí chứa đầy những vết bẩn li ti. Nếu bạn nhìn vào hư vô, bạn sẽ thấy ở đó có rất nhiều vết. Mọi người đi ngang qua đó và cản trở tầm nhìn như bị thôi miên mà tôi đang nhìn cái hư vô đó ? Tôi nhìn mọi người. Họ đang làm phiền ư ? Tôi đi xuyên qua và tập trung vào mong muốn lạc lối trong các vết đó, bằng cách nhìn xuyên qua những con người xa lạ đó… »

Nếu các cảm giác này là điều dễ chịu, khi biến mất, chúng có thể nhấn chìm chủ thể trong cái mà Frances Tustin gọi là hố đen của tâm thức – « hố đen và những kẻ độc ác » như bệnh nhân tự kỷ của ông đã nói và khi đó, người khác, do không tồn tại nên không thể đến giải cứu cho trẻ được.

Việc giải quyết cái lo hãi này chỉ có thể đến từ một hành động thực chứ không thể bằng lời nói hay một hành động mang tính biểu tượng, điều mà mối quan hệ với Người khác cho phép xây dựng. Ví dụ bằng cách bao lấy cơ thể chẳng hạn. Đây chính là cách Temple Grandin chăm chữa cho những cơn lo hãi của chình mình.

Lần đầu tiên khi nhìn thấy những con bò sữa được bao bởi dụng cụ để chúng bớt hoảng loạn trong quá trình người ta chăm sóc và điều trị cho chúng, bà hiểu rằng mình cần một cái máy như vậy. Phải mất rất nhiều thời gian để bà có thể thuyết phục được mọi người. Bà mất hơn 25 năm mới có thể sở hữu được một cái máy ôm như vậy.

Trong cuộc gặp gỡ với Oliver Sacks, cuộc gặp gỡ mà ông đã kể trong bài viết « Một nhà nhân chủng học trên sao Hoả », xuất bản năm 1995, bà đã chia sẻ với ông những lợi ích mà bà nhận được từ cái máy ôm đó : đó là một dụng cụ mà mỗi khi cần bà sẽ chui vào đó, và điều đặc biệt là chiếc máy đó tạo nên cùng một áp lực trên toàn bộ cơ thể của bà.

Như vậy, chính bằng việc sử dụng một đồ vật thực, đồ vật mà bà đã tạo ra, mà bà đã có thể thoát khỏi sự chi phối của các cảm giác rất trái chiều. Trên thực tế, bà không chịu đựng được sự lướt nhẹ trên da, cũng không chịu đựng được việc một ai đó ôm bà trong tay, đặc biệt là người cô béo phì của mình : lúc đó, sự lo hãi đến nghẹt thở sẽ xâm chiếm lấy bà.

Trong khi đó, ngược lại, cái máy ôm nhằm làm giảm các cảm giác lại tạo ra trên cơ thể bà « không chỉ cảm giác thích thú hoặc một sự thư giãn mà hơn thế nữa, nó còn giúp bà mở ra những trạng thái có lẽ sẽ không bao giờ bà có thể chạm tới nếu không có chiếc máy này ».

Bà nói rằng chiếc máy này đã cho bà chạm tới một thế giới cảm xúc, điều hẳn sẽ không bao giờ bà biết tới nếu không có chiếc máy đó, và bằng cách này cho phép bà cảm nhận được sự thấu cảm đối với người khác và thậm chí bà còn nói rằng rất có thể chính nhờ cái máy này mà bà có thể biết tới cảm giác thấu cảm. Cái máy đó cũng cho phép bà nghĩ tới những người thân khi họ không ở bên bà, điều mà lo hãi thường ngày không cho phép bà làm được. Sự ra đời của cảm giác có mặt/vắng mặt? Rồi cuối cùng, bà đưa ra giả thuyết tuyệt vời rằng những người bình thường, những người « neurotypical » như cách gọi của những người Aspeger, cũng đạt đến cùng một kết quả như vậy thông qua mối liên hệ mà họ thiết lập được với người khác.

Một trực giác tuyệt vời về việc người tự kỷ, thông qua cái thực và cơ thể của chính họ, có thể bù đắp cho việc không xây dựng được chức năng Người khác biểu tượng. Bằng cách này, bà đặt ra giả thuyết rằng chiếc máy do bà phát minh ra có thể sửa chữa mối liên hệ gốc/đầu tiên với Người khác, mối liên hệ mà người tự kỷ không xây dựng được.

Chúng ta chỉ có thể vô cùng ngưỡng mộ trước sự sáng suốt đến kinh ngạc về nền tảng của quá trình trở thành người ở bình diện biểu tượng và việc hiểu bằng cách nào người tự kỷ có thể bù trừ cho những khuyết thiếu đó.

Một tập hợp các cảm giác không tì vết và không thiếu hụt sẽ kéo theo đau khổ và lo hãi. Bằng cách này có lẽ chúng ta sẽ hiểu hơn tất cả những hành vi điều chỉnh cụ thể (bịt tai, đeo kính, mặc quần áo chật…) mà người tự kỷ thực hiện nhằm ứng phó với sự khổ sở liên quan đến cảm giác.

Nhìn xa hơn, chúng ta có thể thấy rằng những giảm nhẹ về mặt giác quan là cách thức lí tưởng trước khi ta bước vào mối quan hệ với họ ; đó cũng là nền móng cho công việc chăm sóc của chúng ta.

Các khái niệm này không chỉ có giá trị đối với những người tự kỷ bậc cao mà đương nhiên cũng có giá trị đối với những người có năng lực thấp hơn, những người không thể có ngôn ngữ.
.
Để tóm tắt phần này, chúng tôi có thể nói rằng việc tìm kiếm và thiết lập một lớp chống kích thích thực và phù hợp là việc đầu tiên cần làm đối với một người tự kỷ cho dù năng lực của họ ở mức nào. Đó là hình thức điều trị đầu tiên cho những gì mà chúng ta có thể gọi là lo hãi tự kỷ nguyên phát.

Ngay từ đầu những năm 60, phương pháp tiếp cận TEACCH đã thu hút sự chú ý của chúng ta đối với việc điều trị có tính đến những đặc thù về giác quan của người tự kỷ.

Sự xung đột giữa các phương pháp tiếp cận xung quanh vấn đề tự kỷ, nếu như nó làm cho người ta tin rằng cách tiếp cận của mình mới là cách tiếp cận đúng đắn nhất, một mình chống lại cả thế giới, thì không hẳn đã mang lại những đồng hành tốt nhất cho người tự kỷ. Mỗi người nên cố gắng xem xem cách tiếp cận của mình còn có khiếm khuyết gì, còn thiếu gì.

Liệu chúng ta có thể hy vọng rằng đưa một cái thiếu vào những hiểu biết của chúng ta sẽ làm cho chúng ta cởi mở hơn, và rằng điều đó sẽ mang đến cho chúng ta một mối quan hệ với hiểu biết ít đáng lo ngại hơn chăng ? Giống như Lacan đã dạy chúng ta rằng nơi cái thiếu bị thiếu chính là nơi lo hãi xuất hiện.

Và nếu như kiến thức chỉ để né tránh lo hãi thì chúng ta cũng không thể hy vọng gì nhiều. Nhưng nếu như sự thiếu kiến thức của chúng ta thúc đẩy chúng ta lắng nghe những gì người tự kỷ dạy cho chúng ta, thì chính họ là người thầy của chúng ta và chúng ta là học trò của họ.

Tư duy dựa trên sự tương đồng và tư duy biểu tượng

Mối quan hệ tiên quyết với Người khác là một lớp chống kích thích của các cảm giác như chúng ta đã thấy nhưng ngoài ra, nó còn cho phép hình thành chức năng ghi dấu, chức năng khởi đầu cho sự hình thành tính chuyển tiếp. Thật vậy, bé sơ sinh sẽ lưu giữ dấu ấn về sự giảm cảm giác, điều mà sự can thiệp của những người xung quanh mang lại cho trẻ và trẻ sẽ đi tìm lại khoảnh khắc bình yên đó.

Như vậy, trẻ sẽ ở một dạng căng thẳng hướng đến việc tìm lại cảm giác đó. Chúng ta có thể nói rằng đó đã là một dạng của cái thiếu, cái thiếu này cho phép tiếng khóc đầu tiên của bé dần biến đổi thành một tiếng gọi/lời mời gọi.

Thêm nữa, như Freud đã nói, những thoả mãn được tìm thấy sẽ không bao giờ ngang bằng/so sánh được với dấu vết mang tính ảo giác của sự thỏa mãn đầu tiên.

Đến đây, 2 phác thảo về sự thiếu đã được hình thành : cái thiếu vắng mà Người khác có thể lấp đầy và sau đó là cái thiếu liên quan đến sự can thiệp của Người khác vì sự can thiệp này không bao giờ có thể mang đến sự thoả mãn hoàn toàn.

Hai hình thức này của cái thiếu, trẻ tự kỷ sẽ không bao giờ gặp. Chính bằng việc hoạt động trên hai hình thức thiếu này mà một đứa trẻ bình thường sẽ xây dựng được chức năng biểu tượng. Thông qua các trò chơi trốn tìm, em bé sẽ diễn sự đi vắng và sự trở lại để tạo ra cái mà Lacan gọi là sự có mặt trên cái nền của sự vắng mặt : hiện hữu ở đó nhưng đồng thời lại không có mặt, hay không hiện hữu ở đó ngay cả khi có mặt ở đó.

Toàn bộ trò chơi này đều hướng tới những người xung quanh. Ngay cả khi trẻ đóng vai người đi trốn, chúng ta vẫn có thể nói, giống như Freud đã từng nói, rằng trên thực tế, trẻ không bao giờ ra khỏi thế giới này cả.

Ở đây, chúng ta thấy sự khác biệt hoàn toàn với trường hợp của bé Dick, một trường hợp mà Mélanie Klein đã đề cập trong tiểu luận về tính biểu tượng, bài báo được trích dẫn từ Các tiểu luận về phân tâm học.

Dick trốn ở giữa hai lớp cửa ngăn cách phòng khám và phòng chờ, trong một không gian tối và khép kín. Cậu bé phát ra từ « đen/tối », mô tả môi trường nơi cậu đang ở nhưng đó là một lời nói hoàn toàn không có địa chỉ, không gửi gắm tới ai.

Cậu ở bên ngoài thế giới, những người xung quanh cậu bé hoàn toàn không còn tồn tại nữa, đến mức từ « đen/tối » đó không hề có địa chỉ. Ngay cả khi cậu bé đã 5 tuổi, cậu thậm chí chưa thể vượt qua giai đoạn fort/da, cũng không hề trải qua kinh nghiệm của trò chơi trốn tìm.

Chính từ những tiền đề này mà một đứa trẻ sẽ tiếp cận vấn đề chia tách. Trẻ sẽ có thể nội nhập đối tượng một cách biểu tượng, đối tượng đó trước hết là cha mẹ để từ đó có thể tách khỏi đối tượng.

Vì đây là một tiến trình khó khăn nên sẽ được xây dựng từng bước : trẻ phải cầu cứu đến một đồ vật chuyển tiếp. Đồ vật đó, ngoài những điểm đặc trưng về mặt giác quan, còn có chức năng biểu trưng cho Người khác vắng mặt. Để rồi sau một thời gian, đồ vật chuyển tiếp này sẽ bị lãng quên, bị bỏ qua vì lúc này lời nói và tư duy là đủ để đại diện cho đối tượng vắng mặt.

Người ta nói rằng, vào thời điểm đó, trẻ đã đạt được sự thường trực của đối tượng (ND : đối tượng đã được nội nhập trong tâm trí trẻ và sẽ luôn bên trẻ, trẻ không cần đối tượng cụ thể nữa).

Đối với trẻ tự kỷ, cần tìm một con đường khác để hình thành/xây dựng tính chủ thể và một hình thức tư duy khác, cùng với những công cụ hỗ trợ khác. Ví dụ chúng ta sẽ không nhận ra trong tiểu sử của những trẻ này các vấn đề liên quan đến chia tách.

Đồ vật tự kỷ không phải là một đồ vật chuyển tiếp bởi giá trị của nó chỉ nằm ở những đặc thù của đồ vật chứ không đại diện cho bất kỳ điều gì ngoài chính đồ vật ấy.

Thay vì xây dựng tính thường trực của đồ vật, trẻ tự kỷ và người tự kỷ trưởng thành lại dựa vào tính bất biến, và sẽ cảm thấy yên tâm khi nhìn thấy mọi thứ luôn ở đúng vị trí của nó.

Biết bao người tự kỷ đã gặp những cơn khủng hoảng vì thời gian biểu thay đổi : đối với họ, đó là khoảnh khắc thế giới sụp đổ, họ muốn chạy trốn khỏi thế giới đó, một thế giới đầy lo hãi mà ở đó họ đã hoàn toàn mất các dấu mốc.

Còn với đứa trẻ bình thường, do đã ghi dấu được trong đầu trục dây dẫn – sự thường trực của đối tượng – trẻ có thể bám vào sợi dây dẫn đó và nhảy qua các chặng bị thiếu để chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Đối với trẻ tự kỷ, chúng ta bù đắp cái khuyết thiếu trong kiến thiết nội tâm của trẻ bằng cách cung cấp những bước đi cụ thể ở thời gian đầu, rồi sau đó chúng ta sẽ giảm dần, mở rộng dần để giúp trẻ đạt đến việc học dần tính thường trực nhân tạo, trong cái thực.

Chúng tôi đã trình bày hai hình thức của cái thiếu, điều mà người tự kỷ không thể đối diện do họ không có khả năng sử dụng Người khác biểu tượng. Từ đó, người tự kỷ xây dựng một lối tư duy dựa trên những điểm tương đồng thay vì lối tư duy biểu tượng như những gì mà Temple Grandin đã nói với chúng ta trong chương đầu của cuốn sách « Tư duy bằng hình ảnh » của bà.

Sẽ vô cùng ấn tượng khi chúng ta tìm hiểu lối tư duy kiểu tự kỷ và thấy được người tự kỷ làm như thế nào khi không sử dụng cách phân loại mà những người bình thường vẫn sử dụng.

Cũng sẽ là rất thú vị khi xem xét các hình thức bắc cầu mà người tự kỷ cố gắng thiết lập để hướng đến chúng ta, vốn là một ẩn ngữ đối với họ, với vai trò là những người « neurotypical ».

Chúng ta cũng có thể hiểu rằng con đường họ đi không phải là không có lo hãi, thậm chí là lo hãi mà tôi gọi là lo hãi nguyên lai theo nghĩa căn bản và đầu tiên.

Chúng ta có thể nói rằng tâm trí của người tự kỷ ở thể quá đầy và không có không gian trống, không có độ « rơ » theo nghĩa vật lí, như khái niệm trong cơ khí.

Không có sự khát khao hướng đến Người khác sẽ không cho phép trẻ biết đến những cái thiếu mà chúng tôi đã đề cập. Như vậy, trẻ trải nghiệm sự thiếu của cái thiếu.

Thế tuy nhiên, chính bằng việc đối diện với cái thiếu trong Người khác mà một chủ thể không bị tự kỷ thực nghiệm cái trống rỗng trung tâm cấu thành nên ham muốn/mong muốn và mối quan hệ của người đó với đối tượng. Chính điều này làm nên việc chúng ta luôn có mối quan hệ với đối tượng, đối tượng đó hứa hẹn mang đến cho chúng ta sự thoả mãn nhưng khi đạt được rồi thì lại dẫn chúng ta đến sự không thoả mãn.

Chính khoảng cách này, chính độ « rơ » này là điều hữu ích cũng như cần thiết đối với con người.

Chính trong sự dao động này bộc lộ cái bi và cái hài của hoàn cảnh của con người.

Kinh nghiệm này sẽ không tồn tại ở trẻ tự kỷ bởi vì đối tượng/đồ vật không biểu trưng cho cái gì cả ngoài chính nó, trẻ thỏa mãn hoàn toàn ngay cả sau khi có được đồ vật đó.

Chúng ta có thể nói rằng trẻ tự kỷ muốn những đồ vật này nhưng không ham muốn chúng.

Để tóm tắt phần trình bày này, chúng tôi có thể nói rằng chủ thể kiến thiết bản thân xung quanh một cái trống rỗng hoặc một cái thiếu mang tính nền tảng. Suy nghĩ này là điều không hề xa lạ ở Việt Nam bởi ngay từ khoảng những năm 600 trước Công Nguyên, Lão Tử đã nói : « Chúng ta tạo nên một chiếc bình từ đất sét. Chính khoảng rỗng trong chiếc bình làm cho nó trở nên hữu ích.

Chúng ta lắp cửa và cửa sổ cho một căn phòng. Nhưng chính những không gian trống mới làm cho căn phòng có thể sống được. »

Chính từ cái trống rỗng trung tâm này mà mối liên hệ giữa chúng ta với Người khác và với đối tượng mới được sinh ra.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như một cái gì đó bị bỏ lỡ trong tiến trình hình thành nên cái trống rỗng này, cái thiếu mang tính khai mở này ? « Nhưng nếu như đột nhiên mọi cái chuẩn mực đều bị thiếu, tức là những gì làm nên điều bất thường cũng như những gì làm nên cái thiếu, nếu như đột nhiên điều đó không bị thiếu thì đó là lúc lo hãi xuất hiên », đây là điều Lacan nói với chúng ta ở trang 53 của Thảo luận chuyên đề số 10, có tiêu đề Lo hãi. Lacan gọi tên cái thiếu có vị trí trung tâm này là phi và nếu cái thiếu này bị thiếu thì đó là lúc lo hãi xuất hiện.

>> Jean-Marc CANTAU <<
>> Người dịch : Thân Thị Mận <<

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *