Tổng quan về nhóm Rối Loạn Phân Ly

Tổng quan về nhóm Rối Loạn Phân Ly

Rối loạn phân ly được định hình bởi sự trốn chạy không tự nguyện khỏi hiện thực, thể hiện bằng sự chia cách giữa các suy nghĩ, bản dạng, trạng thái tỉnh táo và trí nhớ của chủ thể. Mọi người ở mọi độ tuổi, sắc tộc, dân tộc và nền tảng kinh tế xã hội khác nhau đều có thể mắc một rối loạn phân ly.

Có đến 75% người đều ít nhiều gặp một khoảng thời gian bị giải thể nhân cách/sống tách rời với hiện thực trong đời, trong đó có 2% thỏa tiêu chuẩn chẩn đoán nhóm mãn tính. Phụ nữ có chẩn đoán mắc rối loạn phân ly cao hơn nam giới.

Các triệu chứng của một rối loạn phân ly, đầu tiên, thường được hình thành như một phản ứng của chủ thể trước một sự kiện gây sang chấn, như bị lạm dụng hoặc tham gia chiến tranh, nhằm giữ những ký ức về sự kiện này trong vòng kiểm soát. Các tình huống gây căng thẳng có thể trầm trọng hóa các triệu chứng này và gây ra vấn đề trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, triệu chứng xuất hiện ở một người sẽ tùy thuộc vào dạng rối loạn phân ly mà người đó mắc phải.

Điều trị nhóm rối loạn phân ly thường bao gồm tâm lý trị liệu và điều trị bằng thuốc. Mặc dù việc tìm kiếm hình thức điều trị hiệu quả có thể khá khó khăn nhưng vẫn có rất nhiều người có thể sống khỏe mạnh và cảm thấy có ý nghĩa nhờ điều trị.

Các triệu chứng.

Các triệu chứng và dấu hiệu của rối loạn phân ly bao gồm:

  • Mất trí nhớ đáng kể về nhiều khoảng thời gian, con người và sự kiện cụ thể.
  • Cảm thấy mình như thoát ly ra khỏi cơ thể của chính mình, cảm thấy như mình đang xem một bộ phim về chính mình vậy.
  • Các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu và có suy nghĩ tự sát.  Cảm thấy xa rời với cảm xúc của bản thân, hoặc trơ lì cảm xúc.
  • Thiếu cảm nhận về bản dạng cá nhân.

Các triệu chứng của nhóm rối loạn phân ly tùy thuộc vào dạng rối loạn được chẩn đoán. Có 3 dạng rối loạn phân ly được xác định trong Cẩm Nang Số liệu và Chẩn đoán các Rối loạn tâm thần (DSM):

  • Mất trí nhớ phân ly. Triệu chứng chính là người bệnh gặp khó khăn trong việc nhớ lại những thông tin quan trọng về bản thân. Mất trí nhớ phân ly có thể liên quan đến một sự kiện đặc biệt nào đó, như một trận chiến hoặc quá khứ bị lạm dụng, hay hiếm gặp hơn là thông tin về bản dạng và sự kiện lịch sử. Sự khởi phát của một giai đoạn mất trí nhớ này thường diễn ra khá bất ngờ, và một giai đoạn có thể kéo dài vài phút, vài giờ, vài ngày hoặc hiếm gặp hơn là vài tháng hoặc vài năm. Không có độ tuổi trung bình hay tỷ lệ tuổi trung bình liên quan đến sự khởi phát bệnh, và một người có thể trải qua nhiều giai đoạn mất trí trong suốt đời.
  • Rối loạn giải thể nhân cách. Rối loạn này là sự xuất hiện liên tục cảm giác tách rời với những hoạt động, suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác của bản thân, như thể đang xem một bộ phim về chính mình (Giải thể nhân cách). Đôi khi có nhiều người cảm thấy những người và vật khác trong thế giới họ đang sống là không có thật (Tách rời với hiện thực). Một người có thể xuất hiện tình trạng giải thể nhân cách hoặc tách rời hiện thức hoặc cả hai. Các triệu chứng có thể đến đi trong thoáng chốc, nhưng cũng có thể quay trở lại nhiều lần sau nhiều năm. Độ tuổi khởi phát trung bình là 16, mặc dù các giai đoạn giải thể nhân cách có thể bắt đầu ở bất kỳ khoảng thời gian nào từ đầu đến giữa thời thơ ấu. Có gần 20% người mắc rối loạn này bắt đầu trải qua các giai đoạn bệnh sau năm 20 tuổi.
  • Rối loạn bản dạng phân ly. Trước đây còn có tên là rối loạn đa nhân cách, rối loạn này được định hình bởi sự thay thế qua lại giữa nhiều bản dạng. Một người có thể cảm thấy như có một hay nhiều giọng nói đang cố kiểm soát đầu óc mình. Thường thì những bản dạng này có tên riêng, đặc điểm riêng, cách hành xử và giọng nói riêng. Người mắc rối loạn này sẽ gặp phải các lỗ “hổng” trong trí nhớ của mình mỗi ngày liên quan đến các sự kiện, thông tin cá nhân và cơn sang chấn. Phụ nữ dễ bị chẩn đoán mắc hơn, vì họ thường xuất hiện những triệu chứng phân ly cấp tính. Nam giới thường chối bỏ sự tồn tại của các triệu chứng và tiền sử sang chấn, ở họ thường thể hiện nhiều hành vi hung hăng, hơn là tình trạng mất trí nhớ hay Chứng điên bỏ nhà đi. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng các ca chẩn đoán âm tính giả.

(Ảnh minh họa_ nguồn OMICS international)

Nguyên nhân

Rối loạn phân ly thường xuất hiện dưới dạng một hình thức đối phó với sang chấn. Các rối loạn phân ly thường hình thành nhiều nhất ở trẻ bị lạm dụng thể chất, tình dục hay cảm xúc trong thời gian dài. Thiên tai và chiến tranh cũng có thể gây các rối loạn phân ly.

Chẩn đoán.

Bác sĩ chẩn đoán rối loạn phân ly dựa trên một đánh giá tổng quan các triệu chứng và tiền sử bệnh. Một bác sĩ có thể thực hiện nhiều bài kiểm tra để loại bỏ những bệnh lý cơ thể khác có thể gây ra các triệu chứng như mất trí nhớ và cảm giác tách rời hiện thực (chẳng hạn như chấn thương ở đầu, thương tổn hay u não, thiếu ngủ hoặc bị ngộ độc). Nếu các nguyên nhân thực thể đã bị loại trừ, nhóm có thể nhờ đến sự cố vấn một chuyên gia sức khỏe tâm thần để thực hiện các bài đánh giá đầy đủ hơn.

Nhiều đặc tính của nhóm rối loạn phân ly có thể bị tác động bởi bối cảnh cá nhân của người bệnh. Trong trường hợp rối loạn bản dạng phân ly và chứng mất trí phân ly, bệnh nhân có thể xuất hiện các cơn co giật không do động kinh, tê liệu hoặc mất tri giác không thể giải thích được. Tại những địa phương hay đất nước mà việc bị ma quỷ ám là một phần của những tín điều văn hóa, thì những bản dạng nhân cách vụn vỡ của một người mắc rối loạn bản dạng phân ly có thể được coi là “hình hài” của các linh hồn, thần thánh, quỷ dữ hoặc thú vật. Sự tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau cũng có thể ảnh hưởng lên tính cách của các bản dạng nhân cách này. Ví dụ, một người ở Ấn Độ tiếp xúc với bên văn hóa Tây phương có thể xuất hiện một “người kia” chỉ nói được Tiếng Anh. Trong những nền văn hóa nơi tình trạng xã hội cực kỳ bị hạn chế, thì tình trạng mất trí hay bị châm ngòi bởi một căng thẳng tâm lý nghiêm trọng như xung đột gây ra do các cuộc đàn áp. Cuối cùng, tình trạng giải thể nhân cách có chủ đích cũng có thể là một phần trong các hình thức thực hành thiền tập ở nhiều tôn giáo và nền văn hóa, và đây không nên được chẩn đoán là một rối loạn.

Điều trị.

Rối loạn phân ly được kiểm soát bằng nhiều liệu pháp bao gồm:

  •  Tâm lý trị liệu như Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) và Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT).
  •  Giải mẫn cảm chuyển động nhãn cầu và tái nhận thức (EMDR).
  •  Điều trị bằng thuốc: thuốc chống trầm cảm có thể điều trị triệu chứng của các bệnh lý có liên quan khác.

————————–

>> Dịch bởi: Hana nguyễn

>> Nguồn: Nami.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *