Việc trì hoãn sự thân mật có thể mang lại lợi ích cho mối quan hệ của bạn
Lúc nào là thời điểm thích hợp để làm tình trong một mối quan hệ? Có cần chờ đến lúc kết hôn không? Hay sau vài tháng? Theo tiêu chuẩn sau ba buổi hẹn ư? Đôi khi là ngay vào buổi hẹn đầu tiên?
Có rất nhiều ý kiến cho câu hỏi trên cũng như có rất nhiều đàn ông trên thế giới này và mỗi người thường sẽ kiên quyết bảo vệ lập trường của mình. Anh chàng chờ đến lúc kết hôn nói rằng anh ta không thể hài lòng hơn với quyết định của mình, trong khi anh chàng cảm thấy không có gì là quá đáng khi quan hệ ngay buổi hẹn đầu tiên sẽ cho rằng đó là một hành vi hoàn toàn tự nhiên và không đem lại hậu quả xấu gì cả. Và tất nhiên anh chàng kiêng khem sẽ không bao giờ lý giải được quan điểm của anh chàng cởi mở trong một mối quan hệ và ngược lại. Đó là lý do tại sao thời gian và kinh nghiệm cho thấy tranh cãi xung quanh vấn đề này, đặc biệt là trên internet hiếm khi thuyết phục được ai đó hoàn toàn thay đổi quan điểm của họ.
Vì vậy điều hi vọng có thể đưa ra trong bài báo này không phải là một quy luật cứng nhắc cho việc khi nào bạn nên thân mật hơn trong một mối quan hệ. Thay vào đó điều mà tôi hướng đến là đưa ra một trường hợp về việc trì hoãn sự thân mật trong một mối quan hệ và khiến nó từ tốn hơn, còn việc diễn giải sự “từ tốn” đó như thế nào sẽ phụ thuộc vào từng người đàn ông, dựa trên chuẩn mực về đạo đức, tôn giáo và triết lý sống của chính họ.
Ghi chú: trước khi bắt đầu, có lẽ tôi nên nhấn mạnh một sự thật hiển nhiên là bài đăng này chỉ dành cho những ai mong muốn có một mối quan hệ lâu dài. Bởi vì cá nhân tôi không tán thành “tình một đêm” nên nếu đó là cách làm của bạn thì bài viết này hoàn toàn không liên quan đến trường hợp của bạn.
Có bằng chứng nào chứng minh việc trì hoãn sự thân mật có lợi cho một mối quan hệ lâu dài không?
Có thể bạn đã từng nghe phụ huynh, thầy cô giáo hoặc diễn thuyết gia nói rằng chờ đợi một thời gian mới làm tình cuối cùng sẽ giúp củng cố một mối quan hệ. Nhưng có bằng chứng thực tế nào làm cơ sở cho lời khuyên có ý nghĩa nhưng thường rất mơ hồ này không? Vâng, ít nhất là có một vài bằng chứng chỉ ra điều này.
(Ảnh minh họa)
Trong một cuộc nghiên cứu, Tiến sĩ Sandra Metts đề nghị 286 người tham gia nghĩ về bước ngoặt trong những mối quan hệ hiện tại và trước đây của họ. Câu hỏi mà bà hi vọng tìm ra lời đáp đó là liệu có sự khác biệt nào nếu một cặp đôi hứa hẹn là của nhau và nói “anh yêu em” trước và sau khi phát sinh sự thân mật về thể xác không. Metts nhận ra rằng khi sự hứa hẹn và tình yêu được bày tỏ trước khi bắt đầu làm tình thì “tình dục được coi là một bước ngoặt tích cực trong một mối quan hệ, tăng cường sự hiểu biết, gắn kết, tin tưởng và cảm giác an toàn.” Tuy nhiên khi tình yêu và sự cam kết được thể hiện sau khi làm tình thì “tình dục được xem là một bước ngoặt tiêu cực, gợi lên sự hối tiếc, chông chênh, không thoải mái và khiến người ta phải nói lời xin lỗi.” Metts không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về vấn đề này giữa nam và nữ.
Trong một cuộc nghiên cứu khác, tiến sĩ Dean Busby hướng đến việc tìm ra những tác động của thời điểm làm tình đối với sức khỏe của một cặp đôi đã đi đến hôn nhân. Ông ta làm một cuộc khảo sát trên 2,000 người với độ tuổi từ 19 đến 71, đã kết hôn được từ 6 tháng đến hơn 20 năm và theo nhiều tôn giáo khác nhau (cũng như không có tôn giáo nào). Kết quả khảo sát có tính đến đặc điểm tôn giáo, thu nhập, giáo dục, chủng tộc và thời gian của mối quan hệ. Busby nhận thấy rằng những cặp đôi trì hoãn sự thân mật trong một mối quan hệ có được triển vọng tốt hơn về sự dài hạn và hài lòng hơn về nhiều mặt trong cuộc sống hôn nhân. Những người đợi đến khi kết hôn mới làm tình cho thấy những lợi ích sau so với những người làm tình từ sớm sau khi bắt đầu mối quan hệ:
– Sự bền vững của mối quan hệ được đánh giá cao hơn 22%
– Sự hài lòng của mối quan hệ được đánh giá cao hơn 20%
– Chất lượng tình dục của mối quan hệ được đánh giá tốt hơn 15%.
– Sự giao tiếp được đánh giá tốt hơn 12%
Đối với những cặp chờ đợi lâu hơn mới làm tình trong một mối quan hệ nhưng không chờ đến lúc kết hôn, thì những lợi ích này vẫn tồn tại nhưng chỉ bằng một nửa.
Tại sao việc trì hoãn sự thân mật lại có lợi cho một mối quan hệ dài hạn?
Những nghiên cứu này rõ ràng chưa đi đến kết luận và không đưa ra câu trả lời rốt ráo cho câu hỏi liệu việc trì hoãn sự thân mật có lợi đối với một mối quan hệ dài hạn hay không. Nhưng kết quả của chúng khá thú vị vì ít nhất chúng ủng hộ ý tưởng đó và điều đó nghĩa là có cơ sở để tìm hiểu tại sao lại như vậy.
Điểm gây tranh cãi chính trong cuộc tranh luận về việc khi nào nên có sự thân mật về thể xác trong một mối quan hệ chung quy là vấn đề xác định càng sớm càng tốt liệu hai người có sự hòa hợp về tình dục hay không hoặc là không làm tình ngay thì có giúp tăng cường mối quan hệ theo cách đáng phải bàn cãi không. Chẳng hạn, những người chờ đến lúc kết hôn mới quan hệ trong nghiên cứu của Busby đã đánh một canh bạc lớn bằng việc “mua một chiếc xe mà không thèm chạy thử đến một lần” (một ẩn dụ thường được nhắc đến trong cuộc tranh luận kiểu này), thế mà họ vẫn cho thấy sự hài lòng hơn hẳn về đời sống tình dục so với những người đã soi kĩ đến cái lốp xe ngay khi vừa vào cổng. Busby giải thích về kết quả này như sau: “Cơ chế để có sự hòa hợp tình dục không hoàn toàn khó khăn hoặc ngoài tầm với của hầu hết các cặp đôi, nhưng việc làm rõ những cảm xúc, nguy cơ bị tổn thương, ý nghĩa của việc làm tình và vấn đề liệu nó gắn kết hai người hơn không thì phức tạp hơn nhiều.”
Những nhân tố sau đây giúp giải thích làm cách nào mà việc chờ đợi trước khi quan hệ có thể loại bỏ câu hỏi về sự hòa hợp về tình dục
Tầm quan trọng của sự tường thuật trong những mối quan hệ của chúng ta
Trong thập niên vừa qua, những nhà tâm lý học đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của “tường thuật cá nhân” đối với cách thức chúng ta định hình bản sắc của mình, đưa ra lựa chọn và tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Những nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng trí óc con người có cấu trúc tự nhiên dành cho các câu chuyện và sự yêu thích đối với những câu chuyện mở rộng ra thành cách chúng ta nhìn nhận và định nghĩa cuộc sống của mình. Tất cả chúng ta đều tìm cách tích hợp những trải nghiệm và ký ức vào một câu chuyện tường thuật cá nhân nhằm giải thích chúng ta là ai, chúng ta trưởng thành và vấp ngã khi nào hay như thế nào và rằng cuộc sống của chúng ta đã chuyển hướng theo cách nào. Chúng ta xây dựng những câu chuyện tường thuật này không khác gì những chuyện kể khác; chúng ta chia cuộc đời của mình thành nhiều chương và nhấn mạnh vào những điểm cao trào hoặc thoái trào và đặc biệt là đây, những bước ngoặt. Những nhà tâm lý học đã cho thấy những câu chuyện tường thuật này đặc biệt có sức mạng trong việc định hình hành vi cũng như ảnh hưởng đến những quyết định lớn trong đời, ngay cả khi chúng ta không nhận ra. Chúng ảnh hưởng đến cả cách chúng ta nhìn nhận quá khứ và tương lai. Giống như báo cáo viên khoa học Benedict Carey đã mô tả: “Cách thức mà mọi người tua lại và hình dung lại ký ức trong đầu, ngày qua ngày, làm sâu sắc hơn và định hình lại câu chuyện lớn về cuộc đời họ. Và khi nó phát triển hơn nữa, câu chuyện lớn đó lại quay ra tô màu cho sự diễn giải của từng phân cảnh.”
Sức mạnh của tường thuật cá nhân có thể giải thích kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Metts. Bà đưa ra giả thuyết rằng “đối với cả nam và nữ, biểu hiện rõ ràng của tình yêu và hứa hẹn trước khi có quan hệ thể xác giữa hai người đang hẹn hò dường như cung cấp một khung giao tiếp cho ý nghĩa của những hành động tình dục về mặt cá nhân và cả trong mối quan hệ”. Đối với những cặp đôi xác định với nhau trước khi trở nên thân mật, thì việc phát sinh quan hệ tình dục được đóng khung như là một “sự kiện trong mối quan hệ” hơn là một “sự giải tỏa ham muốn hoặc khoảnh khắc vui vẻ”. Nói cách khác, câu “anh yêu em” được nói trước hay sau khi làm tình đã thay đổi cách thức mà những cặp đôi gán bước ngoặt này vào câu chuyện tình của họ cũng như ý nghĩa của sự kiện đó trong câu chuyện.
Những nhà tâm lý học đã tìm ra rằng giống như tất cả những câu chuyện hay ho khác, sự gắn kết trong câu chuyện tường thuật về cuộc đời của mỗi người rất quan trọng, câu chuyện càng gắn kết thì cảm giác hạnh phúc của chúng ta càng lớn. Sự gắn kết được tạo ra từ nhiều thứ, bao gồm cách thức dẫn dắt từ sự kiện này sang sự kiện khác tự nhiên đến mức nào cũng như nguyên nhân và kết quả được làm rõ đến đâu. Khi tình dục diễn ra trước tình yêu và sự hứa hẹn thì một cách ngẫu nhiên nào đó – chi tiết “Sau một vài buổi hẹn, chúng tôi đã xem một bộ phim, rồi tiếp đó chúng tôi bắt đầu quấn lấy nhau và kết thúc bằng việc làm tình” trở thành một mảnh ghép rất khó để lắp vào bài tường thuật về mối quan hệ của bạn vì nó chẳng thêm thắt được nhiều vào câu chuyện làm thế nào mà hai bạn trở thành một cặp. Mặt khác, nếu tình dục trong một mối quan hệ đến sau việc biểu hiện tình yêu và sự hứa hẹn kiểu như “Chúng tôi nói lời yêu lần đầu tiên khi ngắm nhìn mặt trời mọc trong một cuộc leo núi. Chúng tôi đã đặt phòng và bữa sáng tại khách sạn vào dịp cuối tuần sau đó vài tuần và làm tình lần đầu tiên”, dễ dàng được tích hợp vào câu chuyện tình của bạn theo một cách tích cực.
Có thể câu chuyện chỉ đơn giản là câu chuyện. Nhưng tác động của câu chuyện tường thuật đối với cuộc đời bạn không nên bị coi nhẹ. Ký ức về lần đầu tiên của hai người với tư cách là một cặp là một điều gì đó mà bạn sẽ luôn nhớ về trong suốt phần đời còn lại hay ít nhất cũng là một gam màu- dù sáng hay tối – tô vẽ nên “câu chuyện đời ta”.
Việc tạo ra khuôn mẫu và sở thích tình dục cũng như sức ảnh hưởng lâu dài của nó
Chúng ta đã nói rất nhiều về những thói quen và việc lặp lại các hành vi nhằm không chỉ rèn luyện cách suy nghĩ và hành động của trí óc theo một cách nhất định, mà còn để thay đổi mạng lưới của não bộ theo nghĩa đen. Cách thức mà chúng ta lựa chọn để làm một việc gì đó sẽ tạo ra một khuôn mẫu rất khó thay đổi. Điều này khá đúng với sự thân mật về thể xác cũng như bất kỳ thứ gì khác.
Giống như tiến sĩ Busby đã nói: “Nhiều người sẽ nói rằng “Khi tôi sẵn sàng ổn định cuộc sống, tôi sẽ làm mọi việc một cách từ tốn hơn”. Nhưng không may là, một vài nghiên cứu gần đây cho thấy rằng khuôn mẫu hành động được phát triển khi còn trẻ và những hậu quả tương ứng không thể hoàn toàn bị loại bỏ hoặc lờ đi khi một người quyết định kết hôn. Tất cả các mối tình chúng ta từng trải qua, dù ngắn ngủi hay thoáng qua, sẽ tác động đến những mối tình khác sau này và khuôn mẫu mà chúng ta lặp đi lặp lại qua các mối quan hệ sẽ trở nên rất khó để thay đổi.”
Busby dường như đang đề cập đến một số nghiên cứu về các mối quan hệ và hôn nhân mà ông ta từng thực hiện, nhưng theo ý kiến của tôi thì một trong những thí nghiệm thú vị nhất về thói quen và tình dục được tiến hành ở một phòng nghiên cứu khác bởi nhà tâm lý học, thần kinh học Jim Pfaus. Trong một nghiên cứu của mình, Pfaus bôi lên cơ thể chuột cái hợp chất “cadaverine” – một dạng hương tổng hợp từ xác chết của sinh vật. Cavaderine có mùi rất kinh khủng đến mức lũ chuột sẽ chen nhau lao qua cửa điện từ để tránh xa nó. Vì vậy khi những con chuột đực chưa bao giờ giao phối được nhốt chung lồng với những con cái có mùi xác chết, ban đầu các con đực sẽ từ chối ghép đôi với những con cái này. Tuy nhiên sau những nỗ lực vỗ về của những nhà nghiên cứu cũng như sự ve vãn của những con chuột cái (hoàn toàn vô tư không hề biết đến mùi kinh tởm phát ra từ cơ thể mình), những con chuột đực đã nhượng bộ và bắt đầu giao phối. Sau đó, khi những chú chuột đực này được lựa chọn đối tượng giao phối giữa những chú chuột có mùi tử thi và những chú chuột có mùi thơm dễ chịu (đối với chuột), chúng lại thích giao phối với những con chuột có mùi cavaderine. Pfaus thậm chí đã cố gắng làm cho một số chú chuột cái có mùi thơm dịu nhẹ của chanh, nhưng những con chuột đực này vẫn kiên trì với sở thích tình dục được hình thành trong những lần giao phối đầu tiên của chúng.
Trong một thí nghiệm khác, Pfaus cho những con chuột đực chưa hề giao phối trước đó mặc những chiếc áo da Marlon Brando-esque tí hon trong lần ghép đôi đầu tiên. Sau đó những chiếc áo này được cởi bỏ và những chú chuột này được cho ghép đôi lần nữa, một phần ba trong số chúng từ chối giao hợp, nhiều con không đạt được sự cương cứng mặc dù đã cố gắng và quá trình giao phối của chúng mất nhiều thời gian hơn cũng như cần nhiều sự hỗ trợ của những con cái.
Trong cả hai nhóm chuột thí nghiệm, ở những con chuột đực đã hình thành liên kết giữa những yếu tố nhất định (mùi hương, áo da) xuất hiện trong những lần giao phối đầu tiên với sự hưng phấn và do đó chúng bắt đầu ưa thích thậm chí đòi hỏi những yếu tố giống hệt phải có để giao phối thành công trong những lần tiếp theo. Kết quả này được thể hiện trong nhiều cuộc nghiên cứu khác khi những chú chuột thí nghiệm được kích thích giao phối ở những địa điểm nhất định hoặc ở cường độ ánh sáng khác nhau, chúng bắt đầu hình thành mối liên kết giữa những điều kiện này với sự hưng phấn. Đây thực chất là phản xạ có điều kiện (Pavlovian) áp dụng cho tình dục.
Mặc dù sự khác biệt giữa con người và chuột là rất lớn, nhưng hệ thống limbic (một loạt các cấu trúc não có liên quan trong các hành vi tình cảm như bộ nhớ dài hạn và kích thích tình dục. Hệ thống limbic nằm trong vỏ não và biên giới bên trong) của chuột tương tự với chúng ta đến mức chúng thường xuyên được sử dụng làm đối tượng trong các nghiên cứu về tình dục và được gọi là “đèn pin soi đường” trong việc tìm hiểu cơ chế nguyên thủy của não bộ con người. Tôi đang cố gắng phác họa kết luận của mình, không khó để suy ra rằng nếu chúng ta hình thành liên kết giữa tình dục và tình yêu cũng như sự cam kết hay một mối quan hệ an toàn, dễ chịu thì chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi, tìm kiếm và bị kích thích bởi những điều đó trong tương lai; còn nếu chúng ta gắn tình dục với sự mới mẻ hay “của lạ” thì chúng ta có thể sẽ gặp rắc rối trong việc phá vỡ khuôn mẫu này để cảm thấy hài lòng với tình dục trong một mối quan hệ lâu dài trong tương lai. Điều này cũng đúng với những bộ phim khiêu dâm nữa. Khi não bộ đã được điều chỉnh để bị kích thích bởi những phụ nữ khác nhau hoặc bởi những hành vi tình dục trên màn ảnh, bạn sẽ không còn cảm thấy thăng hoa với bạn tình của mình được nữa.
Thực tế là, não bộ của chúng ta đã tiến hóa để hỗ trợ cho việc duy trì xu hướng quan hệ tình dục ngắn hạn một khi một người đàn ông đã bắt đầu dấn thân vào con đường này. Dưới thời nguyên thủy, một người đàn ông hướng tới việc gieo giống để tăng khả năng sinh ra càng nhiều con cháu càng tốt (xu hướng này được kế thừa bởi đàn ông ngày nay với việc họ muốn quan hệ càng nhiều càng tốt nhưng nhìn chung không muốn đứa trẻ nào được sinh ra trong quá trình này). Nhưng nhà tâm lý học tiến hóa David Buss đã chỉ ra rằng “vấn đề mấu chốt cần được giải quyết của những người đàn ông theo đuổi chiến lược quan hệ ngắn hạn đó là việc tránh sự cam kết và đầu tư. Càng đầu tư nhiều vào một mối quan hệ bao nhiêu thì số lượng bạn tình mà một người đàn ông có thể theo đuổi càng ít bấy nhiêu”. Buss gọi điều này là vấn đề “lảng tránh sự hứa hẹn” và ông đã tiến hành một cuộc nghiên cứu để tìm ra một giải pháp khả dĩ cho vấn đề này: sau khi làm tình, người đàn ông từng có nhiều bạn tình sẽ trải qua một sự “thay đổi tình cảm tiêu cực”, họ sẽ cảm thấy người phụ nữ mình vừa lên giường cùng trở nên ít hấp dẫn về mặt giới tính hơn so với trước khi việc quan hệ diễn ra. Tại sao sự thay đổi về nhận thức này lại xảy ra? Buss lý giải rằng “một sự thay đổi tiêu cực trong cảm nhận về sự hấp dẫn giới tính của người phụ nữ có thể tạo ra động lực để thúc đẩy sự ra đi khá vội vàng của người đàn ông sau khi quan hệ. Sự ra đi vội vàng chủ yếu sẽ tác động nhằm giảm thiểu rủi ro đưa ra những sự hứa hẹn không mong muốn của người đàn ông”. Do đó Buss kết luận rằng “những người thành công với chiến lược hẹn hò ngắn hạn có xu hướng trải qua sự thay đổi tình cảm tiêu cực sau quan hệ tình dục hơn là những người theo đuổi chiến lược dài hạn.”
Sự tương tác của hoóc-môn, tình dục và sự gắn kết
Hầu hết mọi người đã nghe nói về sự kỳ diệu của oxytocin. Đó là một loại hoóc-môn làm giảm căng thẳng, chống trầm cảm, tạo sự tin tưởng và nó đặc biệt nổi tiếng vì được coi là chất kết dính gắn kết mẹ và con hoặc các cặp vợ chồng.
Những người ủng hộ lối quan hệ kiêng cử thường đưa ra một cốt truyện rất đơn giản liên quan đến oxytocin, họ lập luận rằng bởi vì loại hoóc-môn này gia tăng trong khi làm tình, sự giao hợp sẽ tạo ra sự gắn kết sâu sắc hơn, và nếu các cặp đôi chưa hứa hẹn gì với nhau trước đó thì mối liên kiết mới hình thành sau giao hợp này có thể có hại về mặt tâm lý. Sự lập luận này thường có vẻ đúng đối với phụ nữ, do testosterone có thể phần nào vô hiệu hóa tác động của oxytocin đối với nam giới, tuy nhiên loại hoóc-môn này vẫn tồn tại trong tình dục đối với cả hai phía.
Tuy nhiên, tác động của oxytocin phức tạp hơn luận điểm đơn giản này nhiều. Oxytocin không chỉ được tạo ra trong tình dục mà còn từ một loạt các hành vi khác kém thân thiết hơn tình dục từ việc âu yếm, nắm tay đến mỉm cười hay lắng nghe. Nếu như ai đó biết nhiều cặp đôi có những mối quan hệ rất nghiêm túc mặc dù không quan hệ tình dục, thì điều đó rõ ràng là do hai người có thể tạo ra mối liên kết sâu sắc và cũng phải chịu đựng sự chia ly đầy đau khổ về mặt tâm lý cho dù họ chưa từng ngủ với nhau.
Hơn nữa, trong khi sự tương tác của oxytocin và tình dục có thể là một lí do để trì hoãn sự thân mật trong một mối quan hệ theo một cách hoàn toàn trái ngược với những gì người ta nghĩ.
Đúng là Oxytocin thật sự gia tăng trong quá trình làm tình và đạt mức cao nhất khi lên đỉnh. Đồng thời, một hoóc-môn quan trọng khác là dopamine cũng gia tăng rất nhanh. Tuy nhiên sau cao trào, cả oxytocin và dopamine đều nhanh chóng giảm xuống. Sự sụt giảm dopamine tạo cảm giác thỏa mãn và hai loại hoóc-môn tác động lẫn nhau, khi dopamine giảm xuống, mức oxytocin cũng giảm. Dopamine có tác dụng thúc đẩy ham muốn, trong khi oxytocin lại kéo bạn về phía một người nhất định. Vì vậy khi những động lực này giảm đi sau cao trào, nỗi khao khát của bạn đối với người kia nhìn chung sẽ mất đi. Do đó, thay vì khiến hai người yêu nhau đến gần nhau hơn, làm tình thật ra lại khiến các cặp đôi cảm thấy xa cách, thậm chí là chán nhau. Đó chính là điều mà nhà thơ cổ Ovid đã nghiệm ra khi ông bàn về cách tốt nhất để chữa bệnh tương tư chính là thỏa mãn bản thân bằng cực khoái. Như Marina Roberston đã viết trong cuốn “Oxytocin, sự thành thật và tình dục” (Oxytocin, Fidelity, and Sex):
“Có thể rằng việc bùng nổ các chất tín hiệu thần kinh (neurochemical) sau cao trào không được ghi nhận giúp làm những người yêu nhau cảm thấy dễ chịu mà thậm chí còn ức chế khả năng gắn kết của họ. Bạn còn nhớ bộ phim “Khi Harry gặp Sally” chứ? Billy Crystal đã nói rằng trong 30 giây sau khi làm tình, anh ta luôn muốn ngồi dậy và rời đi. Khi được hỏi về điều này, một người đàn ông khác nói, “Ừ, tôi đoán đó là cảm giác của hầu hết đàn ông đấy. Bùm, tôi xong việc rồi! Buổi diễn đã kết thúc. Tiết mục đã hạ màn. Cảm ơn và tạm biệt” không phải là bằng chứng rõ rệt cho khao khát được gắn kết.”
Sự tăng giảm của dopamine và oxytocin trong và sau khi làm tình khiến cho một mối quan hệ giống như nếu không phải là tàu lượn thì cũng đầy kịch tính và trắc trở. Nếu nguồn oxytocin an toàn không liên quan đến tình dục không được đặt lên hàng đầu, Robertson cho rằng:
“Thông thường, những cảm xúc thoải mái rất quan trọng trong việc duy trì một mối liên kết mạnh mẽ giữa hai người. Chúng ta chỉ làm sâu sắc sự gắn kết hơn khi chúng ta cảm thấy an toàn. Thứ khiến chúng ta cảm thấy an toàn là những hành vi thân thiết bình thường. Oxytocin sinh ra từ những hành vi này khiến sự phòng vệ tự nhiên của chúng ta bị nơi lỏng (bằng cách làm dịu sự cảnh giác của não bộ, các hạch hạnh nhân và kích thích những cảm xúc tốt đẹp trong mạng lưới thần kinh). Bạn càng phụ thuộc vào nguồn oxytocin tạo ra từ những hành vi gắn kết hàng ngày bao nhiêu thì việc duy trì mối quan hệ càng dễ dàng bấy nhiêu. Ngược lại, một đêm nóng bỏng sẽ khiến cho hàng phòng vệ tự nhiên của những người đang yêu co cụm lại vào vị trí phòng thủ ngay khi oxytocin sụt giảm sau cực khoái. Ngày hôm sau, khi cô ấy không gửi tin nhắn và anh ta thôi gọi điện nghĩa là sự phòng vệ đã được tăng cường một cách tự nhiên.
(Ảnh minh họa)
Có lẽ sự kết đôi (kể cả ở loài người) phụ thuộc nhiều hơn vào sự sụt giảm hơn là cao trào. Việc kết đôi của các loài tiêu tốn phần lớn thời gian của chúng vào những hành vi phi giao hợp giúp sản sinh oxytocin như: chải chuốt cho nhau, cuộn vào nhau hay quấn đuôi; còn đối với con người là sự vỗ về xoa dịu, hôn, tiếp xúc da thịt, nhìn sâu vào mắt nhau v.v. Thú vị là khi những chú khỉ kết đôi với nhau, chúng có nhiều hành vi thân thiết nhất và do đó có mức oxytocin cao nhất”.
Tất cả những điều này để nói rằng khi bạn làm tình từ sớm trong một mối quan hệ, trước khi bạn gặp gỡ nhau mỗi ngày và dành phần lớn thời gian cùng nhau để thực hiện vô vàn những hành vi thân thiết khác thì bạn sẽ không thể có được dòng chảy oxytocin phi tình dục đủ nhiều để bù đắp cho sự sụt giảm hoóc-môn này sau khi đạt cực khoái, điều này có thể khiến cho mối quan hệ của bạn có vẻ chông chênh, căng thẳng và thiếu ổn định. Mặt khác, nếu bạn chờ đến khi mức độ oxytocin phi tình dục đầy đủ rồi mới làm tình, thì lượng hoóc-môn này sẽ làm giảm sự dao động chất tín hiệu thần kinh liên quan đến tình dục, do đó sự thân mật về thể xác sẽ làm giàu thêm mối quan hệ và kéo hai bạn lại gần nhau hơn.
Tích lũy dòng oxytocin trước khi quan hệ tình dục còn cung cấp một mảnh đất màu mỡ để tình bạn được sinh sôi trong mối quan hệ của bạn. Như Robertson đã đề cấp ở trên, những hành vi kết nối phi tình dục làm nơi lỏng sự phòng vệ của các hạch hạnh nhân, tạo ra cảm giác tin tưởng và an toàn với đối phương. Sự an toàn này cung cấp thời gian và không gian cho các khía cạnh giao tiếp và cảm xúc trong mối quan hệ của bạn thay vì quá tập trung vào sự thân mật về thể xác.
Nhưng tất cả mọi người đều làm như vậy!
Ngay cả khi bạn quyết định trì hoãn sự thân mật trong một mối quan hệ, bạn có thể sẽ cảm thấy quyết định này thiếu nam tính. Chúng ta đang sống trong nền văn hóa mà sự nam tính được đong đếm bởi số vết cào trên cột giường của một người và bạn có thể cho rằng tất cả bạn bè cùng trang lứa của mình đã quan hệ tình dục rất nhiều vì vậy lựa chọn một lối sống khác có thể khiến bạn trở nên cổ lỗ sĩ.
Trong thực tế, các cuộc khảo sát cho thấy 77% sinh viên đại học tin rằng bạn bè của họ hẹn hò chỉ để quan hệ (hooking up) thường xuyên hơn bản thân họ. Vậy số liệu thực tế là bao nhiêu? Theo nghiên cứu mới đây của Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh tật (the CDC), hơn 1/4 nam giới trẻ tuổi từ 15 đến 24 chưa bao giờ quan hệ tình dục qua tất cả các đường (miệng, hậu môn hoặc âm đạo). Và hơn 40% nam giới từ 20 đến 24 tuổi chỉ từng có từ 0 đến 2 bạn tình, số liệu này bao gồm những người chỉ mới khẩu giao.
Và trong khi nhiều người lo sợ rằng giới trẻ ngày nay đang suy thoái thành những kẻ theo chủ nghĩa khoái lạc phi đạo đức do văn hóa hẹn hò chỉ để quan hệ (hook-up culture) tràn lan trong khuôn viên các trường đại học, những con số được phân tích bởi nhà bình luận của trang Slate – Amanda Hess lại không ủng hộ giả thuyết này:
“Lisa Wade của chuyên mục Sociological Images, người đã nghiên cứu về văn hóa hẹn hò chỉ để quan hệ một cách sâu rộng, đã tìm ra rằng ‘khoảng từ 2/3 đến ¾ sinh viên hẹn hò để quan hệ vào một vài thời điểm trong lúc đi học đại học’. Bởi vì khái niệm “hẹn hò để quan hệ” (hookup) này có thể bao gồm tất cả mọi thứ từ việc hôn môi (khoảng 32% của số cuộc hẹn hò kết thúc bằng việc hôn môi) đến giao hợp (chiếm khoảng 40% số cuộc hẹn hò), có nghĩa là trung bình sinh viên đại học chỉ quan hệ 1 lần trong vòng 4 năm. Một cuộc nghiên cứu cho thấy trong số những sinh viên từng hẹn hò để quan hệ ở trường đại học, 40% thực hiện điều này từ 3 lần trở xuống (ít hơn 1 lần một năm), 40% làm điều này từ 4 đến 5 lần (1 hoặc 2 lần một năm) và khoảng 20% làm điều này từ 10 lần trở lên. Dưới 15% sinh viên đại học có sự tiếp xúc thể xác với bạn tình nhiều hơn 2 lần một năm.”
Trong một cuộc điều tra do Wade thực hiện với chính sinh viên của mình, 38% sinh viên nói rằng họ không tham gia vào văn hóa hẹn hò để quan hệ, và rất ít sinh viên đã từng làm điều này cảm thấy hài lòng về nó. Chỉ có khoảng 11% sinh viên bày tỏ sự thích thú rõ ràng với văn hóa hẹn hò chỉ đề quan hệ, trong khi khoảng 50% sinh viên đã từng làm điều này một cách miễn cưỡng hoặc không chắc chắn.
Vậy điểm mấu chốt là gì? Nếu bạn quyết định rằng trì hoãn sự thân mật là một lựa chọn đúng đắn thì không có nghĩa rằng bạn là một kẻ khác người đâu.
Kết luận
Tôi không thích khi người ta thổi phồng điều gì đó, và đây là một chủ đề cực kỳ đơn giản nhưng mọi người cứ nhạy cảm thái quá. Do đó tôi phải nói rằng những cuộc nghiên cứu được trích dẫn ở trên không chứng minh rằng việc trì hoãn sự thân mật về thể xác là cách tốt nhất, và chắc chắn là có những cặp rất hạnh phúc khi chờ đến lúc kết hôn mới làm tình cũng như có những cuộc hôn nhân hạnh phúc cho dù hai người đã làm tình ngay từ buổi hẹn đầu tiên. Tôi cung cấp những thông tin này bởi vì chúng gợi lên những vấn đề đáng suy ngẫm, những điều nên được thêm vào để đánh giá và cân nhắc trước khi đưa ra quyết định về sự lựa chọn của bạn đối với vấn đề này. Thật ra, những nghiên cứu khoa học không hẳn là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình ra quyết định này, niềm tin về tôn giáo hoặc triết lý sống mới có sức ảnh hưởng lớn nhất. Điều quan trọng nhất, hơn cả những niềm tin này đó là việc bạn đưa ra quyết định một cách lý trí và thận trọng. Bạn không nên quyết định theo những gì bạn tưởng bạn bè mình đang làm, hay dựa trên một bức ảnh tạp chí nào đó và cũng đừng để đến giờ G mới ra quyết định. Trước khi bạn gặp gỡ ai đó, hãy chắc chắn rằng bạn đã cân nhắc và quyết định đâu là thời điểm thích hợp cho sự thân mật tình dục và kiên định với nguyên tắc của mình.
Lưu ý cuối cùng, cho dù niềm tin cá nhân của bạn là gì đi nữa, tôi nghĩ một trong những lập luận thuyết phục nhất của việc trì hoãn sự thân mật đó là sức mạnh của việc kiểm soát ham muốn. Quyết định chờ đợi một điều gì đó không chỉ tạo dựng tính kỷ luật, tự chủ và tính cách mà còn gia tăng niềm vui sướng khi đạt được nó lên gấp nhiều lần cũng như khiến điều đó trở thành một trải nghiệm sâu sắc và đáng nhớ. Mọi thứ ngày nay rất rẻ, sẵn có, được sản xuất hàng loạt, phổ biến và tầm thường. Tuy nhiên trong phạm vi ảnh hưởng của mình, mỗi người đàn ông có sức mạnh để khiến điều gì đó trở nên linh thiêng, đưa nó thoát khỏi sự chà đạp và khiến nó trở nên ý nghĩa, rồi dùng nó làm giàu thêm cuộc sống của anh ta thay vì khiến nó chỉ là một trong vô vàn những trải nghiệm tầm thường khác mà anh ta có trong thế giới đầy mệt mỏi và tạm bợ này.
Dịch: Mai Trang Phạm
Nguồn: http://www.artofmanliness.com/2013/07/01/how-delaying-intimacy-can-benefit-your-relationship/