Xây dựng giá trị bản thân

Xây dựng giá trị bản thân

Mọi người trong chúng ta khi sinh ra đã có giá trị bản thân, tuy nhiên theo thời gian, những lời nhận xét, kỳ vọng và thái độ của người khác có thể làm thay đổi giá trị tự nhiên này. Giá trị bản thân là những thứ mà bạn tin rằng chúng quan trọng đối với mình và đem đến thành công trong công việc hằng ngày, và bạn xứng đáng có được một cuộc sống trọn vẹn. Do đó, hãy đầu tư một cách nghiêm túc vào việc xây dựng và nâng cao giá trị bản thân.

1.Suy nghĩ đúng đắn

Hiểu được sức mạnh của thái độ đối với bản thân. Cách bạn nhận thức về bản thân, nói về bản thân thể hiện bản thân cuối cùng sẽ trở thành hiện thực với bạn. Nếu bạn hay tự hạ thấp mình, coi thường giá trị bản thân và xem nhẹ tài năng của mình trước mặt người khác, bạn sẽ bị xem là tự ti,đánh giá thấp bản thân, và vô dụng. Tính khiêm nhường và tự phủ nhận bản thân là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt.

Mặt khác, bạn sẽ bị gán mác là người tự cao tự đại và ngạo mạn nếu phóng đại quá mức những phẩm chất, tài năng và kỹ năng của mình. Suy cho cùng, đó không phải là đề cao giá trị bản thân mà là bạn đang đánh lừa bản thân vì thiếu tự tin. Có một con đường ở giữa, và đó là con đường mà bạn sẽ nhận ra sự thật rằng mình là một người có giá trị, ngang tầm với người khác, tài năng và tư duy của bạn là độc nhất và xứng đáng. Thật khó để có được niềm tin này nếu bạn hạ thấp giá trị của mình trong nhiều năm qua, tuy nhiên bạn luôn luôn có thể thay đổi tư duy và học cách coi trọng bản thân.

Học cách vượt qua nỗi sợ yêu bản thân. Việc yêu bản thân thường bị đánh đồng với thói tự kiêu, tính ích kỷ và dạng hướng nội với nghĩa tiêu cực. Điều này có lẽ một phần là do sự phức tạp của từ “tình yêu”, bởi nó bao hàm nhiều tình yêu khác nhau trong cuộc sống. Người ta cũng thường nhầm lẫn về thông điệp làm điều tốt cho người khác, luôn hướng thiện và sống cho đi mà không cần nhận lại. Mặc dù đây đều là những mục đích cao cả, chúng thường có thể bị thổi phồng lên và được sử dụng để hạ thấp việc đưa những nhu cầu và mong muốn cá nhân ra khỏi nỗi sợ bị đánh giá là ích kỷ hoặc hướng nội. Một lần nữa, đây là quá trình có được sự cân bằng phù hợp thông qua việc tự chăm sóc bản thân.

Tình yêu bản thân lành mạnh là người bạn tốt của bạn. Tình yêu bản thân không phải luôn được thể hiện qua việc chứng tỏ bản thân mọi lúc và liên tục khẳng định sự tuyệt vời của bạn (đó là những dấu hiệu của sự thiếu tự tin); hay đúng hơn, yêu bản thân là thể hiện sự quan tâm, khoan dung, rộng lượng và từ bi với “chính mình” như cách bạn hành xử với một người bạn đặc biệt.
Đừng bị ám ảnh về cách người khác nhìn nhận về bạn. Làm thế nào khiến người khác vừa lòng về tính cách của bạn? Chỉ có bạn mới thực sự có thể nâng cao giá trị bản thân mà thôi.

Hãy tin tưởng vào cảm xúc bản thân. Giá trị bản thân đòi hỏi bạn phải học cách lắng nghe và tin vào cảm xúc của chính mình cũng như không tự động đáp lại cảm xúc của người khác. Khi bạn tin tưởng vào cảm xúc bản thân, bạn sẽ nhận ra những đòi hỏi vô lý và có thể đáp trả điều này hợp lý hơn.

Giá trị bản thân sẽ giảm xuống khi để người khác quyết định thay chúng ta. Thoạt đầu, đây có vẻ là một lộ trình khá dễ dàng và nó cho phép bạn tránh những lựa chọn khó khăn, tuy nhiên, giá trị bản thân sẽ tăng lên khi chúng ta tự đưa ra quyết định cho chính mình. Nếu không, bạn sẽ mải loay hoay trong chiếc bóng do người khác định đoạt cho mình. Khi những người thay bạn quyết định đột nhiên biến mất, bạn sẽ bị cô độc và trở nên thiếu quyết đoán.

Phân tích bản thân. Nhiều người chúng ta đang sống trong nền văn hóa rất thích việc đi gặp người khác để phân tích về bản thân. Dưới đây là một số câu hỏi tự phân tích dành cho bạn:

  • Tôi có những kinh nghiệm gì? Kinh nghiệm này thể hiện những tiến bộ của bản thân ra sao?
    Tài năng của tôi là gì? Liệt kê ra ít nhất năm điểm.
  • Kỹ năng của tôi là gì? Hãy nhớ rằng tài năng là bẩm sinh, còn các kỹ năng cần được tôi luyện mới trở nên hoàn thiện.
  • Điểm mạnh của tôi là gì? Ngừng tập trung vào điểm yếu của mình; vì có lẽ bạn đã làm điều này đủ lâu rồi. Hãy bắt đầu tìm kiếm và suy nghĩ về việc tận dụng tối đa những điểm mạnh cá nhân vào những việc bạn lựa chọn để thực hiện. Bạn nên thử tham gia khảo sát về điểm mạnh của mình trên các trang trực tuyến (ví dụ www.viacharacter.org).
  • Tôi thực sự muốn gì trong cuộc sống? Tôi có đang thực hiện điều đó? Nếu không, tại sao không?
  • Tôi có đang hài lòng với sức khỏe của mình không? Nếu không, tại sao không? Tôi nên làm gì để khỏe mạnh hơn thay vì sống trong bệnh tật?
  • Điều gì làm tôi cảm thấy thỏa mãn? Tôi có đang làm thỏa mãn chính mình hay chỉ cố làm thỏa mãn người khác?
  • Điều gì là quan trọng đối với tôi?

Đừng để giá trị bản thân phụ thuộc vào người khác. Nếu cứ mải sống theo kỳ vọng của người khác, bạn sẽ phải vật lộn để tìm lại giá trị bản thân. Thật không may, nhiều người sống theo kỳ vọng của cha mẹ, vợ chồng, bạn bè và giới truyền thông để đưa ra lựa chọn cho bản thân về ngành học, nghề nghiệp, nơi sinh sống, số lượng con cái,…

  • Hãy thận trọng khi lắng nghe quá nhiều ý kiến từ những người luôn hối tiếc về điều họ đã lựa chọn trong cuộc sống cũng như từ những người thường tự gây đau khổ cho họ hoặc tức giận lên người khác. Họ sẽ cung cấp cho bạn những thông tin trái chiều, những chi tiết không chính xác, hoặc loại bỏ mọi thông tin.
  • Những người có giá trị bản thân vững chắc sẽ chia sẻ những hiểu biết và kiến thức của họ với bạn và luôn sẵn sàng chỉ dẫn bạn tránh khỏi những cạm bẫy cuộc đời. Bạn nên tìm những người đó để cố vấn cho bạn.
  • Hãy buông bỏ những phần giá trị bản thân từng dựa trên quan điểm ​​của người khác từ thuở ấu thơ. Cho dù đó là cha mẹ, bảo mẫu hay bạn bè ở trường, ý kiến ​​của họ không thể quyết định con người bạn. Nếu họ khiến bạn cảm thấy bản thân tồi tệ, hãy chứng minh rằng họ đã sai để bạn có thể xóa bỏ ý kiến ​​của họ.

2.Xây dựng hình ảnh bản thân tích cực

(Xây dựng giá trị bản thân_ Ảnh minh họa)

Khẳng định tầm quan trọng cá nhân. Tự động viên bản thân là một điều tuyệt vời và việc tự khẳng định giá trị bản thân một cách cởi mở sẽ là một cách hay để bắt đầu thay đổi những suy nghĩ tiêu cực đang lớn dần theo thời gian. Thiết lập thời gian trong ngày để nhắc nhở bản thân là một người tuyệt vời. Hãy tự khẳng định mình là người đặc biệt, tuyệt vời, đáng yêu và đáng được yêu.

  • Nói chuyện quyết đoán là một phần trong các phương thức thúc đẩy bản thân, và bạn nên dành thời gian để nhìn nhận tầm quan trọng của mình – ngang tầm với mọi người xung quanh.
  • Cố gắng cụ thể trong việc tự khẳng định bản thân. Ví dụ, thay vì nói “Tôi yêu bản thân mình”, bạn có thể nói “Tôi yêu bản thân mình vì tôi là một người thông minh và nhân ái.”

Chứng minh tầm quan trọng của bản thân. Một trong những vấn đề của việc tự khẳng định bản thân là cảm giác rằng khẳng định bản thân là phép màu và là tất cả những gì bạn cần để cải thiện ý thức về bản thân. Tuy nhiên trong thực tế, bạn cũng cần hành động dựa theo ý thức về giá trị bản thân. Để đạt được điều này, bạn nên biết thừa nhận và chịu trách nhiệm về mình.[8]

  • Trách nhiệm là sự nhận thức về hành vi làm chủ thái độ, phản ứng và ý thức về giá trị bản thân. Như Eleanor Roosevelt từng nói, “Không một ai có thể làm cho bạn cảm thấy mình thấp kém nếu không có sự đồng ý của bạn” và đó là mấu chốt của giá trị bản thân thấp kém: việc để người khác và hoàn cảnh hạ thấp giá trị bản thân sẽ khiến bạn lâm vào bế tắc.
  • Chịu trách nhiệm cho mọi hoàn cảnh. Hãy luôn đưa ra quyết định để thực hiện điều gì đó. Hãy tránh xa những người xuất hiện chỉ để cản đường bạn.

Xây dựng sự tự tin. Cải thiện sự tự tin là một cách hay để cải thiện hình ảnh cá nhân tích cực. Bạn có thể sử dụng một số phương pháp nhằm nâng cao sự tự tin:

  • Ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực. Mỗi khi ý nghĩ tiêu cực hình thành, bạn hãy biến nó thành một điều tích cực. Chẳng hạn, nếu bạn nghĩ rằng, “Mình sẽ không bao giờ vượt qua được bài thi này,” Hãy chuyển thành ý nghĩ tích cực hơn như, “Mình sẽ vượt qua bài thi này nếu học hành chăm chỉ”.
  • Loại bỏ những điều tiêu cực ra khỏi môi trường sống. Hãy tiếp xúc với những người truyền cảm hứng và có tính tương trợ. Tránh xa những người mang thái độ tiêu cực và thường chỉ trích bản thân hoặc người khác.
  • Quyết đoán. Tính quyết đoán sẽ giúp bạn đáp ứng nhu cầu cá nhân, đồng thời làm bạn hạnh phúc hơn.
  • Thiết lập mục tiêu. Thiết lập mục tiêu thực tế và hãy tự thưởng bản thân sau khi nhiệm vụ hoàn thành.
  • Tìm kiếm liệu pháp hỗ trợ sức khỏe tinh thần. Hãy tìm đến chuyên gia sức khỏe tinh thần, chẳng hạn như bác sĩ chuyên khoa, để phát triển sự tự tin trong bạn.

Tha thứ cho bản thân và người khác. Tính trách nhiệm cũng yêu cầu bạn phải từ bỏ việc sử dụng phương thức đổ lỗi làm nguồn đối phó; sự đổ lỗi sẽ làm giảm bớt nhu cầu nhìn lại bản thân và thay đổi hành vi của chính bạn. Đổ lỗi sẽ khiến bạn giậm chân tại chỗ và mắc kẹt trong cảm xúc tiêu cực của mình, cũng như bạn sẽ luôn cảm thấy bất lực. Việc đổ lỗi ám chỉ rằng ai đó hoặc điều gì đó sở hữu sức mạnh mà bạn đang thiếu.

Ngưng đổ lỗi cho cha mẹ, chính phủ, và hàng xóm. Có thể họ đã từng gây khó dễ cho bạn, tuy nhiên đây không phải là cái cớ để bạn làm giảm giá trị bản thân. Đừng biến mình thành một kẻ bị đọa đày; bạn có trở nên mạnh mẽ và toàn vẹn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.

Cải thiện tính kiên cường. Những người kiên cường thường có sức mạnh cảm xúc để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống mà không bị gục ngã. Đây không phải là việc bạn coi thường những khó khăn và thử thách của cuộc sống, mà là cách bạn phản ứng và giải quyết vấn đề. Bạn luôn có thể lựa chọn giữa việc hạ thấp bản thân hoặc luôn đề cao giá trị bản thân và giữ vững sự kiên định.

Để thực hiện điều này, hãy tập trung năng lực vào những việc cần làm để xoay chuyển tình hình hoặc hoàn cảnh. Bạn nên hiểu rằng những người khác cũng thường tập trung vào hoàn cảnh của họ và không hẳn mang lại kết quả như mong muốn.

Từ bỏ thói quen cố gắng làm hài lòng người khác. Khi bạn từ bỏ thói quen làm vừa ý người khác, những mong muốn cá nhân sẽ trỗi dậy và bạn có thể bắt đầu thực hiện mưu cầu hạnh phúc cũng như giá trị bản thân.

Thể hiện cảm xúc thay vì kiềm chế chúng. Bạn hãy tôn trọng cảm xúc của người khác nhưng đừng để mình bị phụ thuộc vào đó.

Chớp lấy thời cơ. Cơ hội thường xuất hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Một phần của quá trình xây dựng giá trị bản thân là học cách nhận biết những cơ hội này dù chỉ là một cơ hội nhỏ và tận dụng chúng.

  • Biến thách thức thành cơ hội. Những người thành công thường biến thách thức thành cơ hội cho bản thân.
  • Hãy xem những thử thách trong cuộc sống như một cơ hội để trở nên mạnh mẽ hơn.

Lập ngân sách cá nhân. Giá trị bản thân thường gắn liền với tình hình tài chính cá nhân. Mọi cơ hội về tài chính đến với bạn cần được đánh giá thận trọng.

Tiết kiệm hưu trí, các khoản đầu tư và tiết kiệm nói chung sẽ giúp bạn đảm bảo cuộc sống thêm vững chắc và tự do tài chính sẽ cho phép bạn có thêm nguồn lực để xây dựng giá trị bản thân thoát khỏi những áp lực tài chính.

3.Nhận biết giá trị

(Nhận biết giá trị bản thân- Ảnh minh họa)

Hãy coi trọng bản thân bất kể công việc và thu nhập của bạn ra sao. Xã hội thường có xu hướng coi trọng những việc con người làm hơn việc họ là ai, do đó, giá trị bản thân có nguy cơ bị hạ thấp bởi vì nó gắn liền với thu nhập và địa vị công việc. Nếu bạn từng đáp lại, “Tôi “chỉ” là một …” khi trả lời câu hỏi, “Anh/chị đang làm công việc gì?”, nghĩa là giá trị bản thân của bạn đang bị thiếu hụt. Bạn không “chỉ” là một ai đó, mà bạn là người độc nhất, có giá trị, và là người có tầm ảnh hưởng lớn.

Quý trọng thời gian của bản thân. Nếu công việc tình nguyện hoặc công việc hỗ trợ với mức lương thấp mà bạn đang làm gần như chiếm toàn bộ thời gian vốn có của bạn, và bạn đang bỏ bê những phần việc khác trong cuộc sống, chẳng hạn như tìm một công việc, dành thời gian cho gia đình hoặc đảm bảo đời sống được vận hành suôn sẻ, thì rất có thể bạn đã bị cuốn vào các hệ thống giá trị cạnh tranh.

  • Hệ thống giá trị đầu tiên cho chúng ta biết rằng chúng ta phải tham gia tình nguyện hoặc góp sức vào dịch vụ cộng đồng để giúp đỡ những người nghèo khó trong xã hội vì đây là công việc mang tính cao quý và cần thiết cho cảm giác hạnh phúc của bản thân. Hệ thống giá trị thứ hai là phần thưởng cho sự nhận thức về giá trị bản thân và sự mong đợi được đền đáp xứng đáng cho những đóng góp đối với xã hội của chúng ta.
  • Hai giá trị cạnh tranh này sẽ khiến nhiều người có thiện chí cảm thấy căng thẳng vì họ chỉ muốn cho đi nhưng lại thiếu thời gian, thiếu tiền và cảm thấy không phù hợp với những trò tung hứng.
  • Dần dần bạn sẽ gặp phải một hoặc nhiều biểu hiện như: cảm thấy khó chịu, bức rứt, phớt lờ những điều tốt, bực tức vì mất thời gian và/hoặc thường xuyên mất cân bằng. Những điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến bản thân bạn mà còn trở thành một tấm gương xấu cho con cái, bạn bè và những người khác làm theo. Khi bạn nhận thấy tài năng và kỹ năng của mình bị đánh giá thấp và được cho đi miễn phí hoặc với chi phí thấp, hãy lấy lại thời gian và bắt đầu quý trọng bản thân nhiều hơn.

Cân bằng giữa thời gian bạn dành cho người khác và thời gian dành cho bản thân. Liệu bạn có thể dành nhiều thời gian hơn với gia đình và/hoặc bạn bè hay không? Nếu câu trả lời là có, bạn sẽ nhận ra rằng hạnh phúc là khi bạn dành thời gian cho bản thân và những người thân yêu, cũng như giảm bớt thời gian bạn dành cho người khác. Khi thay đổi, bạn sẽ dễ dàng thúc đẩy bản thân nâng cao giá trị cá nhân.

Điều này không có nghĩa là bạn phải hoàn toàn từ bỏ việc giúp đỡ người khác, tuy nhiên bạn cần có cái nhìn đúng đắn về dịch vụ cộng đồng hoặc các cam kết để giúp đỡ người khác. Suy cho cùng, bạn mới là nhân tố quan trọng hơn bất cứ điều gì.[20]

Hiện thực hóa. Luôn tập trung vào giá trị bản thân như một phần thiết yếu của quá trình hình thành bản thân. Thường xuyên dành thời gian để kiểm tra tiến bộ của bạn trong việc xây dựng giá trị bản thân và hãy kiên nhẫn. Những suy nghĩ tiêu cực và thói quen đặt bản thân ở sau cùng của bạn sẽ mất khá nhiều thời gian để thay đổi. Nếu toàn bộ lối tương tác với người khác đều dựa trên cách hành xử nhún nhường, bạn sẽ cần rất nhiều dũng khí để thực hiện các thay đổi cần thiết. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn có thể.

Một số người sẽ cảm thấy con người mới, quyết đoán của bạn có tính đối đầu. Đừng lo lắng về điều này, vì đây là hành trình của chính bạn chứ không phải của người khác! Bạn luôn cố gắng để có được sự tôn trọng trên hành trình của mình, điều mà những kẻ hay lấy lòng người khác hiếm khi có được.

Sống trong hiện tại. Quá khứ cho ta nhiều bài học, nhưng hiện tại mới là thời khắc duy nhất thực sự quan trọng. Suy cho cùng, đó là thời khắc duy nhất “đang hiện hữu”. Ngoài ra chắc chắc không còn điều gì khác. Và nếu thời khắc này chưa phải là điều bạn mong muốn, hãy sẵn sàng cho thời khắc tiếp theo.

  • Duy trì một cuốn sổ ghi chép về thành tích của bạn. Mỗi khi bạn cảm thấy muốn buông bỏ và buồn chán về những thất bại, hãy pha một tách cà phê, ngồi xuống thư thả, sau đó lấy cuốn sổ này ra và đọc qua nó. Liệu bạn có thể cập nhật thêm những thành tích mới vào cuốn sổ ghi chép này hay không?
  • Chỉ cạnh tranh với chính mình, không cạnh tranh với người khác. Thành tựu chính là những điều bạn thực hiện và cách bạn cảm nhận được, chứ không phải cách người khác cảm nhận về nó hoặc những gì họ đã làm tương tự.

Lời nhắn nhủ:

  • Mọi người có khuynh hướng tái tạo lại bản thân cứ sau 10 năm. Hãy nắm bắt những thay đổi và vận dụng mọi kiến thức mà bạn có được và tận dụng điều đó.
  • Hãy cẩn thận với những lời sáo rỗng thay vì những lời khẳng định. Trong ý thức về giá trị bản thân, những lời sáo rỗng sẽ đại diện cho những câu nói, những lời động viên hoặc kiến thức đã được công nhận mà không hề có ý nghĩa đối với bạn.
  • Tất cả những người bạn gặp gỡ trên đường đời đều có nhiều ảnh hưởng. Hãy quan tâm đến người khác và sẵn sàng dành thời gian để học hỏi những điều mới lạ. Bạn có thể lắng nghe những điều hay từ phía nhiều người, cũng như xua tan mọi rắc rối và lo lắng cá nhân.
  • Buông bỏ quá khứ. Hãy tập trung vào thời điểm hiện tại. Tính khiêm nhường là nguồn gốc của sự tán dương. Tôn trọng là gốc gác của sự hòa hợp. Quả thực, tình yêu là tất cả. Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn được đối xử!

Lưu ý:
Việc thiết lập bản thân để làm nhiều việc sẽ dẫn đến tình trạng quá sức, và khi bảng danh sách được hình thành, giá trị bản thân của bạn sẽ bị giảm sút thông qua việc gợi nhắc về những điều bạn chưa thể thực hiện. Đôi khi, điều đó sẽ khiến bạn ảo tưởng rằng bạn có thể làm những việc ngoài khả năng và không thể làm những việc trong khả năng của mình. Hãy thư giãn và thường xuyên đánh giá lại định hướng cuộc sống của bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *