Cha mẹ nên hành sử thế nào khi con trẻ bước vào tuổi teen?

Cha mẹ nên hành sử thế nào khi con trẻ bước vào tuổi teen?

Bướng bỉnh, chống đối cha mẹ, ăn nói cộc lốc, buồn vui vô cớ, hay dỗi hờn, thích tụ tập thành từng nhóm, sưu tầm ảnh các ca sĩ, diễn viên và bắt chước họ như con vẹt, xao nhãng học hành, thích thức khuya, ít tâm sự chia sẻ với bố mẹ, tơ tưởng đến các bạn khác giới sớm… Nhiều người đã gọi đó là chân dung của tuổi dậy thì.

Không ít những người bố người mẹ đã phải đau đầu vì có những đứa con đang ngoãn ngoãn, dễ bảo, bỗng dưng …dở chứng. Vì sao tuổi dậy thì lại trở thành nỗi lo lắng, đau đầu của các bậc làm cha làm mẹ và phải đối xử với con em mình ra sao trước cái tuổi “dở người lớn, dở trẻ con” này?

Tuổi dậy thì có điều gì lạ?

Điều dễ dàng nhận thấy trước tiên đó là những đổi thay về cơ thể. Mới hôm nào còn là những cô bé cậu bé lon ton theo cha, bám mẹ đi khắp nơi mà không ngại ngùng gì, nay bỗng như có sự thay da đổi thịt. Người lớn lâu lâu không gặp cứ bảo rằng trông cháu A đã ra dáng thiếu nữ, cháu B ra dáng chàng trai. Con trai thì giọng nói bắt đầu ồm ồm như tiếng vịt đực, có em thì lún phún mấy sợ ria xanh mờ. Tay chân các em dài ra và trở nên lóng ngóng, vụng về, đã có người mẹ nhận xét “nó đụng vào cái gì là đổ vỡ cái ấy”. Con gái thì đánh dấu tuổi dậy thì của mình bằng sự kiện “thấy tháng”. Cơ thể các em bắt đầu xuất hiện những đường cong thiếu nữ mềm mại.

Cũng ở cái tuổi ấy, không chỉ cơ thể mà tâm tính các em cũng đổi thay. Có biết bao nhiêu điều băn khoăn, thao thức tưởng chừng như không ai giải đáp nổi. Rắc rối đấy mà cũng rất tự hào, bởi các bạn trẻ thấy mình đang lớn dần lên, đang trưởng thành. Đó là bắt đầu của lứa tuổi thanh niên. Lứa tuổi dậy thì bắt đầu từ khoảng 12 – 13 đến 17 – 18 tuổi, một quãng thời gian rất ngắn so với cả cuộc đời, song lại có nhiều đổi thay kì lạ.

Tuổi dậy thì là “dỡ bỏ để xây dựng lại” .

Thời kì dậy thì của trẻ em có thể được ví như việc đang dỡ bỏ căn nhà cấp bốn bình yên trước đây để xây lại thành căn nhà cao tầng bề thế hơn. Việc xây lại, sắp xếp lại ở đây là nói về nhân cách, về sự tự khẳng định mình đã là người lớn, độc lập trong suy nghĩ và “việc này của con để con tự quyết”. Chắc chắn sự “tháo dỡ” nói trên để lại một khung cảnh bừa bãi, hỗn độn trong một thời gian. Đừng ai muốn xây nhà mới mà lại không chấp nhận một sự lộn xộn, bề bộn trong một vài tháng!

Bị lúng túng trước những đổi thay bất thường của con cái, cha mẹ thường có cách ứng xử luẩn quẩn. Trước hết là tỏ thái độ cứng rắn như mắng mỏ, nhắc liên tục, hoặc sử dụng những hình phạt. Những khi thất bại họ chuyển sang cách khác đó là thái độ mềm dẻo, ngọt ngào. Khi mềm dẻo không có kết quả, họ chuyển tiếp sang cách thứ ba là lý luận, giảng giải nhiều lời về luân lý, đạo đức. Sau khi đã áp dụng cả ba cách đều bị thất bại, cha mẹ bắt đầu cáu gắt, bực bội, chì chiết, nhiếc móc, trừng phạt… Đó là cái vòng luẩn quẩn của vấn đề giáo dục con cái tuổi dậy thì.

Nhà thơ Kahlil Gibran viết: “Những ai thật sự thương người sẽ không hỏi người trần truồng rằng áo quần của anh đâu, cũng không hỏi kẻ vô gia cư rằng tại sao anh không có nhà!”. Tương tự như vậy chúng ta cũng đừng bao giờ băn khoăn về tuổi dậy thì rằng “Sao con cái chúng ta lại như vậy”. Chúng đâu có muốn vậy, tạo hoá bắt chúng phải trải qua một quãng đời như vậy đó thôi. Chúng đâu có sung sướng gì khi phải trở thành đứa trẻ bướng bỉnh, không ngoan!

Ứng xử thế nào với tuổi mới lớn?

Điều thứ nhất: Cha mẹ nên và hãy chấp nhận! Nhưng chúng ta cũng cần phân biệt giữa tán đồng và chấp nhận. Trong cuộc sống có những điều ta phải chấp nhận nhưng không có nghĩa là tán đồng. Ta buộc phải chấp nhận những hành vi trái khoáy của con trong tuổi dậy thì, song ta cần có thái độ sao cho các em hiểu rằng ta không ưng thuận, không tán đồng. Một người cha thấy đứa con nhuộm tóc đỏ loe đã nói: “Tóc là tóc của con, con nhuộm xanh hay đỏ cũng là quyền của con, nhưng đối với bố thì nó chẳng ra thể thống gì cả. Bố có thể chấp nhận nhìn cái đầu của con khi trong nhà ta không có ai nữa, song hãy nhớ khi có khách của bố, con không được xuất hiện để bố không xấu hổ vì mái tóc của con!”. Cách ứng xử này thật khôn ngoan, nó vừa tỏ sự tôn trọng sự lựa chọn của con vừa bày tỏ ý kiến phản ứng đối với sự lựa chọn ấy. Nếu người cha nói: “Ai cho phép mày nhuộm tóc kiểu ấy, chẳng ra dơi cũng chẳng ra chuột. Ngay ngày mai mày phải sửa để có lại mái tóc đen như trước không thì đừng có trách tao tàn nhẫn”. Trước thái độ của người bố như vậy, đứa trẻ có thể còn làm điều chướng tai gai mắt hơn.

Hãy nhớ rằng chống lại trẻ tuổi mới lớn là chống lại dòng nước lũ. Khi bị lũ cuốn, cách ứng xử khôn ngoan là hãy trôi cùng dòng nước đến khi có thể gặp được chỗ nào đó, có cái gì đó để bám. Cố dẫy dụa, quẫy đạp vừa mất sức, vừa có thể bị lũ cuốn mạnh hơn.

Điều thứ hai: Cha mẹ và người lớn cố gắng đừng đòi hỏi và đừng chú ý sửa sai. Không ai học được điều gì tốt đẹp nếu như cứ bị phơi tội ra trước mắt. Hàng ngày nhắc nhở liên tục về những lỗi lầm, sai sót của các em, uốn nắn quá mức khác nào người cầm đèn pha rọi vào mắt các em, các em sẽ nhắm mắt lại để chống đỡ và như thế càng vấp ngã hơn.

Những chàng trai tuổi mới lớn này có thể trở thành “hiệp sĩ”, nhưng cũng có thể trở thành “nghịch tử” phụ thuộc rất nhiều vào sự giáo dục của gia đình.

Tuổi mới lớn là lứa tuổi các em muốn khẳng định mình là một con người độc lập, có suy nghĩ, có quyền riêng, không chấp nhận sự can thiệp thô bạo. Vì vậy, cha mẹ hãy nhớ tôn trọng sự riêng tư của con. Con cái chúng ta cần sự riêng tư vì đó chính là nơi em được sống với đời sống riêng của mình. Các em cần có phòng riêng, hoặc một góc riêng… Các em có nhu cầu sở hữu để cảm thấy mình cũng “có cái gì đó trong tay” chứ không phải là người chẳng có gì. Nếu ta xâm lấn sự riêng tư ấy sẽ gặp lại sự phản kháng mạnh mẽ của các em. Có em gái đã tâm sự : “Sao cuộc đời em lại giống như một cuốn sách mà trang nào cũng phải mở hết ra cho mọi người xem? Sao em đi đâu, làm gì cũng phải khai báo hết với bố mẹ. Bố mẹ cũng có những điều riêng không nói với ai cơ mà”. Hãy giữ nguyên tắc “bên nhau nhưng không quá gần nhau”, bởi vì “mỗi người thuộc về chính mình”.

Mọi sự lộn xộn nào rồi cũng qua đi để bước sang trạng thái ổn định. Quan tâm hơn, chú ý hơn đến con cái trong thời kì dậy thì, song đừng quá lo lắng hoặc can thiệp thô bạo đến sự hình thành và khẳng định nhân cách của con em, đó là lời nhắn nhủ của người viết bài này tới những người làm cha làm mẹ.

(Theo baongoc.com)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *