Bài 1: GIAI ĐOẠN TỪ 0 – 1 TUỔI
Giai đoạn trẻ từ 0 đến 1 tuổi có thể chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn sơ sinh (từ 0 đến 2 tháng) và giai đoạn tuổi hài nhi (từ 2 đến 12 tháng).
Trẻ sơ sinh (0 – 2 tháng)
Từ 0 – 2 tháng tuổi, đứa trẻ vừa mới ra đời là một thực thể rất yếu ớt, nếu tách khỏi người lớn thì không thể tồn tại được. Mặc dù vậy, trẻ là một thành viên của xã hội loài người, được đùm bọc, nuôi dưỡng theo phương thức người, khác hẳn những cá thể chỉ sống trong môi trường động vật.
Nhiều chuyên gia cho rằng trẻ sơ sinh dành chủ yếu 2, 3 tháng đầu cho việc điều hòa các chức năng (đặc biệt là chức năng tiêu hóa). Tuy nhiên, những khám phá mới đây nhất liên quan đến sự phát triển của trẻ sơ sinh chỉ ra rằng có rất nhiều điều xảy ra hơn chúng ta tưởng.
Các phản xạ nguyên thủy (những phản xạ tự nhiên, không kiểm soát)
Trẻ được sinh ra với rất nhiều khả năng gắn liền với các phản xạ nguyên thủy. Những phản xạ này sẽ giảm dần rồi biến mất, có thể là nhanh hay chậm ở từng trẻ khác nhau (vào khoảng 3 hay 4 tháng một số phản xạ này sẽ được chuyển dần thành các cử động mang tính chủ động). Những phản xạ này chứng tỏ rằng thân não không bị tổn thương, vì vậy, chúng cần được kiểm tra ngay khi trẻ chào đời.
Một số phản xạ chính của trẻ sơ sinh là:
- Phản xạ bú mút: Nếu chúng ta vuốt ve má trẻ, ngay lập tức trẻ quay đầu về phía bàn tay đang vuốt ve và tìm cách mút.
- Phản xạ bước tự động: Trẻ dướn chân như để bước về phía trước nếu chúng ta đặt bàn chân trẻ chạm mặt bàn hoặc khi chúng ta dùng tay đỡ hai bên nách trẻ; nếu chúng ta đặt trẻ ở mép bàn, trẻ có xu hướng nhấc chân để bước lên bàn.
- Phản xạ Moro (còn gọi là phản xạ giật mình): Trẻ vung cánh tay ra ngoài một cách bất thình lình và nhanh chóng rụt tay về khi có tiếng động mạnh, ánh sáng chói, mùi nồng, cử động đột ngột, hoặc một kích thích nào khác làm cho bé giật mình. Thông thường phản xạ này sẽ giảm dần và biến mất sau khi trẻ được 2 – 3 tháng tuổi, một số trường hợp phản xạ này biến mất chậm hơn. Trường hợp trẻ sơ sinh không có phản xạ này hoặc đến tháng thứ 5, 6 phản xạ này vẫn không tự mất đi cho thấy dấu hiệu hệ thần kinh bị khiếm khuyết hoặc tổn thương nghiêm trọng.
- Phản xạ níu bám (còn gọi là phản xạ nắm): Trẻ nắm chặt ngón tay khi có người khác đặt vào lòng bàn tay. Hiện tượng này cũng xảy ra tương tự khi chúng ta đặt ngón tay vào lòng bàn chân trẻ.
Sự phát triển và hoạt động của các giác quan
Ngay sau khi sinh ra, các giác quan của trẻ đã sẵn sàng hoạt động và phát triển nhanh chóng, đặc biệt là thị giác và thính giác. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng dù khi mới chào đời thị lực của trẻ sơ sinh yếu ớt hơn người lớn tới 60 lần, nhưng chỉ sau 48 tiếng đồng hồ, trẻ đã nhận ra được mẹ. Trẻ có thể nhìn chăm chú một khuôn mặt người cách bé 20 – 30cm. Nói chung trẻ thích những vật được chiếu sáng rõ, có hình tròn và chuyển động chậm.
- Về mặt thính giác, chỉ 10 phút sau khi ra đời trẻ đã có khả năng nhận ra được tiếng nói của mẹ và tỏ ra thích tiếng nói của người hơn bất cứ thứ âm thanh nào khác.
- Về khứu giác chỉ sau 45 tiếng đồng hồ sau khi chào đời, bé đã nhận ra chính xác mùi của mẹ và rất “quyện hơi mẹ”.
- Về vị giác, vừa mới ra đời bé đã phân biệt được 4 vị khác nhau là ngọt, mặn, đắng, chua nhờ ở lưỡi và mặt trong của má có nhiều tế bào vị giác hơn là của người lớn. Nhìn chung, bé thích vị ngọt và ghét những vị đắng, chua.
- Xúc giác của trẻ sơ sinh cũng phát triển rất sớm: Ngay sau khi chào đời, trẻ đã cảm nhận được khi có đồ vật chạm vào lòng bàn tay và có phản xạ nắm chặt tay lại. Sau đó không lâu, trẻ đã có cảm giác về hình thể và tính chất rắn hay mềm của đồ vật. Trẻ cũng sớm cảm nhận được sự ấm áp, an toàn thông qua sự âu yếm, bế bồng và vỗ về của người lớn.
- Phức cảm hớn hở: Vào khoảng cuối tháng thứ 2, ở trẻ bắt đầu xuất hiện “phức cảm hớn hở” – đó là sự kết hợp những cử động của chân tay khi mẹ hay người thân xuất hiện hoặc âu yếm trẻ.
Bắt chước
Trong khoảng 2 tuần tuổi, trẻ đã có khả năng bắt chước điệu bộ khuôn mặt của người lớn: mỉm cười, chau mày hoặc thể hiện sự ngạc nhiên; từ khoảng 3 tuần tuổi có khả năng bắt chước điệu bộ phức tạp hơn như: há miệng, lè lưỡi…
Trẻ hài nhi (2 – 12 tháng)
Sự phát triển trí tuệ ở trẻ hài nhi
Giai đoạn khởi đầu của trí thông minh là thời kỳ bé học về thế giới đồ vật, trước hết, bằng tri giác (tầm quan trọng của âm thanh, màu sắc, chuyển động) và bằng hoạt động. Người ta gọi đó là thời kỳ cảm giác – vận động.
Lúc đầu, trẻ chỉ phản ứng theo phản xạ. Dần dần, trẻ điều chỉnh các phản xạ của mình, phối hợp chúng và làm chủ các phản xạ. Sau đó, những gì đã được trẻ khám phá một cách tình cờ sẽ được lặp đi lặp lại một cách chủ động (em bé túm được bàn tay hay bàn chân mình một cách ngẫu nhiên sẽ thử làm lại việc này).
Sau 5 tháng, em bé sẽ dần dần quen với các phản xạ đã tiếp thu được trước đây và áp dụng trên các đồ vật mới và các tình huống mới. Khoảng tháng thứ 6, khi bé ném đồ chơi, bé sẽ nhìn xem nó rơi chỗ nào và muốn nhặt đồ chơi ấy lại.
Trong khoảng 9 đến 12 tháng, giờ là lúc (và đây cũng là lần đầu tiên) chúng ta có thể thật sự nói đến hành vi trí tuệ: Mục đích hành vi được xác định trước nhưng không phải lúc nào trẻ cũng có thể đạt tới. Vậy là trẻ sẽ phải kết hợp một số phản xạ đã vận hành trước đó một cách độc lập. Trẻ tìm cách đạt được kết quả nhờ sự phối hợp mới chứ không phải đơn thuần chỉ là nhờ việc tái tạo lại thuần túy các phản xạ (ví dụ trẻ không chỉ còn thuần túy mở bàn tay ra và khép tay lại khi đồ vật trẻ muốn lấy còn ở quá xa, lúc này trẻ cần phải tiến lại gần hơn trước khi chìa tay ra để lấy đồ vật).
Chính trong thời kỳ này (9 – 12 tháng) trẻ bắt đầu tiếp thu được khái niệm tính hiện diện của đồ vật : lúc này trẻ có khả năng đi tìm một đồ vật bị giấu dưới tấm vải, dưới gối (nhưng vẫn chưa có khả năng xác định vị trí đồ vật nếu đồ vật bị chuyển chỗ nhiều lần).
Sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ hài nhi
Trong tháng đầu tiên sau khi sinh, trẻ đã có thể phát ra những âm thanh không rõ ràng. Từ tháng thứ 2, trẻ đã bắt đầu “hóng chuyện” và có thể phát ra những âm thanh là các nguyên âm ê, a, ư, ơ… kèm theo một tâm trạng thoải mái và sự vận động tay chân. Từ tháng thứ 3 trẻ có những âm líu lo đầu tiên (phát ra các âm thanh kéo dài, ví dụ như : A… ree, K… ree, …Trẻ lặp đi lặp lại các âm tiết bị biến dạng) và những tiếng kêu thích thú đầu tiên.
Tiếp đó, bé bắt đầu có khả năng sử dụng thêm một số phụ âm, và ghép một số phụ âm với các nguyên âm thành các từ đơn giản như ka, ba, ma…; cố gắng bắt chước tiếng nói của người lớn và không ngừng thử nghiệm việc phát ra những âm tiết mới.
Trẻ bắt đầu phát ra những âm “bi bô” đầu tiên ở tháng thứ 6 và những âm tiết đầu tiên (“ba, be, bo”) ở tháng thứ 7. Ở tháng thứ 8, thứ 9 trẻ đã biết kết hợp các âm tiết và những từ đầu tiên bắt đầu xuất hiện, chính xác đó là những âm tiết nhân đôi theo kiểu ba ba, bà bà, măm măm …
Ngôn ngữ thật sự (những từ đầu tiên được phát âm có ý nghĩa và có mục đích cụ thể) sẽ bắt đầu xuất hiện sau đó ít lâu, khoảng từ 11 -12 tháng với những trẻ phát triển sớm hoặc có thể muộn hơn ở nhiều trẻ khác.
Trong giai đoạn này, người lớn có thể kích thích bé phát triển ngôn ngữ bằng cách: dạy và khuyến khích trẻ luyện tập các cơ quan phát âm bằng cách thực hiện các động tác như: bặm môi, thổi bong bóng, phun mưa, tặc lưỡi…; thường xuyên nói chuyện với trẻ càng nhiều càng tốt; hát hoặc đọc truyện cho trẻ nghe; gọi tên trẻ; lặp lại các âm thanh, các từ trẻ phát ra, khen trẻ mỗi khi trẻ nói được những câu, từ rõ ràng hoặc đúng hoàn cảnh; nói hoặc hỏi trẻ bằng những câu đơn giản …
Sự phát triển tâm vận động ở trẻ hài nhi
Tất cả các mốc thời gian được nêu ở đây chỉ mang tính tham khảo, do đó, chúng ta không nên hoảng hốt khi thấy bé có một chút chậm hơn so với mốc đề ra – do mỗi trẻ sẽ có nhịp độ phát triển riêng của chúng – nhưng các mốc thời gian này cho phép chúng ta cảnh giác, và có thể sẽ cần phải tìm đến chuyên gia tâm lý nếu trẻ phát triển quá chậm so với các mốc thời gian.
- Các phản xạ vận động nguyên thủy: Nhiều phản xạ vận động nguyên thủy nhanh chóng giảm dần và biến mất sau một vài tháng. Riêng phản xạ níu bám nguyên thủy biến mất chậm hơn, phản xạ nắm lòng bàn tay biến mất vào khoảng 5 – 6 tháng và phản xạ nắm lòng bàn chân thường biến mất vào khoảng 9 -12 tháng.Tư thế ngồi : Nếu được đỡ, ở tháng thứ 6, trẻ có thể ngồi ở tư thế dựa, ví dụ như duỗi chân ra, lưng dựa vào gối…; Ở tháng thứ 7 trẻ có thể ngồi không cần dựa, không cần sự nâng đỡ, trẻ ngồi và chìa tay ra phía trước để khỏi bị ngã. Chỉ đến tháng thứ 8 thì trẻ mới có thể thực sự tự ngồi một mình.
- Vận động thô: Trẻ có thể lẫy vào khoảng tháng thứ 3; di chuyển bằng cách lật người nhiều lần (lăn) vào tháng thứ 6. Đây chính là cách thức di chuyển đầu tiên của trẻ.
Ở tháng thứ 9, trẻ bắt đầu bám vào bàn, giường để đứng lên (nhưng chỉ đứng được giây lát rồi lại ngã); Khi trẻ 10 tháng, trẻ bắt đầu bò nhổm (đi bằng 2 chân và 2 tay) và thậm chí, đôi khi còn có thể bước đi vài bước và lại ngã.
11 tháng, khi được người khác dắt hoặc khi bám vào mép bàn, thành giường, trẻ bắt đầu những bước đi đầu tiên. Trẻ cũng có thể cúi xuống để nhặt đồ chơi. Chỉ trong khoảng từ 12 đến 15 tháng thì trẻ mới có thể bắt đầu tự đi (tuy nhiên, cũng có trường hợp sau đó nhiều tuần lễ trẻ mới có thể bắt đầu tự đi).
Trẻ có thể nắm hai tay vào nhau hoặc nắm đồ vật ngay từ tháng thứ 4 (bé sử dụng hai tay như nhau, không có bên nào thuận hơn bên nào). Trẻ có thể thật sự cầm nắm được đồ vật một cách chủ động ngay từ tháng thứ 5 và ngay lập tức đưa đồ vật vào miệng.
Vào tháng thứ 6, 7, trẻ có thể thả đồ vật khi trẻ muốn và chuyển đồ vật từ tay nọ sang tay kia, gõ đồ vật vào nhau hoặc gõ đồ vật xuống đất.
Ở tháng thứ 9, trẻ có thể cầm nắm một đồ vật có kích thước nhỏ bằng ngón cái và ngón trỏ (nhưng thực ra, trẻ đã bắt đầu những thử nghiệm đầu tiên từ nhiều tuần trước đó).
Trò chơi đối với sự phát triển của trẻ trong những năm đầu tiên
Trong suốt năm đầu tiên, em bé khám phá và trải nghiệm nhờ 5 giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác và hai tay. Do đó, các kích thích âm thanh, màu sắc và cảm giác là không thể thiếu cho sự nhận thức của em bé cũng như tất cả các đồ chơi, trò chơi cho phép trẻ cầm nắm và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp vận động (và đặc biệt là sự phối hợp mắt/tay).
Một số ví dụ:
- Các giá móc đồ chơi treo nôi được gắn phía trên giường để cho phép bé tìm cách nắm, bắt.
- Bảng đồ chơi với nhiều nút khác nhau, cho phép trẻ học cách kéo, đẩy, quay, tạo tiếng động với các nút đó (ví dụ chiếc đàn điện tử).
- Xúc sắc với nhiều màu sắc và hình thức khác nhau.
- Các loại sách mà trẻ có thể sờ hoặc bỏ vào miệng (bằng vải, bền chắc), và cả sách mà trẻ có thể xé (tạp chí cũ…)
Cuối năm đầu tiên này, trẻ thích:
- Lồng đồ chơi nọ vào đồ chơi kia (trò chơi lồng vào nhau).
- Lồng khít vào nhau: tất cả các đồ chơi xếp khít vào hình mẫu hay đơn giản chỉ là một chiếc hộp các tông mà ta đã đục một lỗ, ở đó trẻ có thể bỏ đồ chơi vào và có thể là thò tay vào để lấy đồ chơi.
- Ném bóng cho người chơi cùng với trẻ.
———————
>>> Bài tiếp theo: Giai đoạn trẻ từ 1 đến 3 tuổi