Bài 2: GIAI ĐOẠN TRẺ TỪ 1 ĐẾN 3 TUỔI

Bài 2: GIAI ĐOẠN TRẺ TỪ 1 ĐẾN 3 TUỔI

Sự phát triển chung của trẻ (Giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi)

Đây là giai đoạn mà mối quan tâm chủ đạo của trẻ xoay quanh  việc học vệ sinh, sau đó là học đi và học nói. Ngược lại với năm đầu tiên, trẻ không còn ở vị thế hoàn toàn lệ thuộc nữa, từ nay, trẻ khám phá ra mình có một quyền lực đối với người khác (trước đây trẻ chỉ có mỗi cái quyền lực là khóc để gọi mẹ), quyền làm cho mẹ vui nhưng cũng có thể là quyền thoát khỏi người mẹ với khả năng mới (di chuyển) và làm những điều mình muốn (và đó không hẳn là những điều mà mẹ muốn).

Ba năng lực mới này cho phép trẻ vượt qua một bước quyết định trong tính tự chủ, độc lập và chia tách. Thông qua những thám hiểm này, trẻ vi phạm các giới hạn mà mẹ đã đặt ra với trẻ (đôi khi trẻ chờ lúc mẹ không có ở đó để làm những việc trẻ thích, điều đó thể hiện rất rõ rằng trẻ đã khám phá ra rằng mong muốn của trẻ và mong muốn của người mẹ không nhất thiết là phải trùng khớp nhau và để có thể sống được với mong muốn của mình, đôi khi trẻ phải thoát khỏi những mong đợi của người mẹ). Với ngôn ngữ, để có thể yên tâm về sợi dây liên hệ với mẹ, trẻ không cần phải kè kè bên mẹ nữa (trẻ chỉ cần gọi mẹ và nghe được câu trả lời của mẹ là đủ để trẻ có thể tiếp tục cuộc sống của trẻ một cách yên ả).

Tất cả điều này giải thích vì sao ở giai đoạn này (từ 2 tuổi trở đi) trẻ nói “không” một cách hệ thống, cái “không” mà trước đó trẻ đã phải chịu đựng cả một nghìn lẻ lần. Một cái “không” như muốn nói với mẹ rằng “điều con muốn không phải là điều mẹ muốn”. Đây là giai đoạn bắt buộc để trẻ bước vào sự xây dựng tính độc lập và sự phát triển cá nhân thật sự.

Việc học đi vệ sinh sẽ tiến triển dần dần. Học đi đại tiện sẽ dễ dàng hơn học đi tiểu tiện, trẻ đạt được việc sạch sẽ vào ban ngày nhanh hơn là khi trẻ ngủ trưa hoặc ban đêm (nhưng khoảng 2 tuổi, đôi khi trẻ có thể “sạch sẽ” cả vào ban đêm).

Ngày nay, ở các nước phương Tây, các nhà chuyên môn khuyên không nên bắt đầu dạy trẻ đi vệ sinh trước 18 tháng tuổi vì ở độ tuổi này trẻ mới có thể co thắt các cơ hậu môn do có sự chín muồi về hệ thần kinh (đặc biệt là tủy sống trong cột sống). Theo Françoise Dolto, chúng ta có thể nhận diện thời điểm này ở mốc trẻ bắt đầu có khả năng trèo các bậc cầu thang đầu tiên.

Sự phát triển trí tuệ ở trẻ em giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi

Từ 12 đến 18 tháng tuổi, trẻ khám phá thế giới nhờ quá trình trải nghiệm. Trẻ làm thử “để xem”:  làm đổ một cái tháp đồ chơi thì cần cố gắng bao nhiêu là đủ… hoặc ở vị trí nào thì hai khối hình xếp chồng lên nhau có thể đứng vững. Trẻ trở thành một nhà vật lí nhí thực thụ (hay một nhà thí nghiệm thực thụ), trẻ cố gắng để hiểu thế giới thông qua kết quả mà trẻ tạo ra.

Chúng ta có thể thấy 3 kiểu hành vi mới xuất hiện ở trẻ trong giai đoạn này:

  1. Kéo các đồ vật về phía mình bằng cách sử dụng vật đỡ trên đó đặt các đồ vật mà mình muốn lấy (ví dụ : Khi muốn lấy cái cốc đặt trên tấm thảm hoặc khăn trải bàn thì trẻ sẽ biết để kéo tấm thảm hoặc khăn trải bàn);
  2. Kéo một đồ vật bằng cách sử dụng một sợi dây;
  3. Lấy một cái gậy hoặc bất kỳ một công cụ nào khác để kéo đồ vật đang ở xa lại gần trẻ.

Từ tháng thứ 18 đến 24, ngoài thí nghiệm thuần túy thông qua thử – sai, trẻ còn có những hình ảnh tinh thần trước trong đầu về sự việc, mặc dù đây mới chỉ là những bước đầu tiên: trước khi thử – trẻ “nghĩ” điều mà trẻ sẽ thử.

Bắt đầu từ 18 tháng, trẻ sẽ phải xây dựng lại những gì mà trẻ đã hiểu được về thế giới thông qua nhận thức và vận động để đặt những hiểu biết đó vào lĩnh vực hình ảnh tinh thần. Đây chính là giai đoạn được gọi là “giai đoạn tư duy tiền thao tác”, trẻ thực sự bắt đầu bước vào giai đoạn này từ 2 tuổi và tiếp tục kéo dài đến năm trẻ 7 tuổi.

Trẻ sẽ học cách thể hiện lại mọi việc trong suy nghĩ của mình và đồng thời trẻ có thể bước vào thế giới tư duy biểu tượng (tư duy bằng ngôn ngữ, tranh vẽ…). Trước hết, trẻ sẽ sử dụng các biểu tượng trước khi đi đến các kí hiệu (biểu tượng có mối liên hệ với cái được biểu thị – giống như một số các pa-nô chỉ đường : rẽ phải, rẽ trái, đường giao nhau…; kí hiệu không có mối liên hệ nữa, nó mang tính ước lệ/quy ước : chữ viết là một ví dụ hoàn hảo).

Kiểu vận hành biểu tượng đầu tiên được biểu thị bằng cách bắt chước  lại (bắt chước khi mẫu không còn ở đó nữa). Về sau trẻ sẽ có những hành vi biểu tượng phức hợp hơn như: trò chơi biểu tượng (hay còn gọi là trò chơi “giả vờ”), tranh vẽ, hình ảnh trong suy nghĩ (khác với hình ảnh cụ thể), ngôn ngữ…

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ từ 1 đến 3 tuổi

Ngôn ngữ của trẻ ngày càng hoàn thiện và trẻ học được nhiều từ mới một cách sung sướng. Lúc 1 tuổi, số từ trẻ có là từ 5 đến 10 từ,  nhưng khi trẻ lên 2, trẻ có thể có tới 200 từ.

Lúc đầu, trẻ có thể phát ra những từ đơn, khoảng 18 tháng tuổi, trẻ bắt đầu nói được câu đầu tiên được tạo nên từ 2 từ (bé-ăn) và những câu phủ định đầu tiên (không ngủ).

3 tuổi là lúc bắt đầu của tuổi “tại sao?”: Trẻ sẽ liên tục đặt rất nhiều những câu hỏi tại sao về tất cả những gì mà trẻ thấy xung quanh (Tại sao ông mặt trời lại sáng? Tại sao nước đá lạnh? …)

Những mốc thời gian và kỹ năng trẻ có thể đạt được

18 tháng, trẻ có khả năng:

  • Chỉ 2 hay 3 bộ phận trên cơ thể của mình (mũi, mắt, miệng…).
  • Chỉ một hoặc hai hình ảnh đơn giản (kiểu như “con chim”, “con cá”).
  • Hiểu một hoặc hai mệnh lệnh và thi hành các mệnh lệnh đó.
  • Quan tâm đến những cuốn sách ảnh.

Khoảng 2 tuổi, em bé có khả năng:

  • Chỉ 4 hoặc 5 bộ phận của cơ thể trẻ.
  • Biết 1 hoặc 2 màu.
  • Đếm đến 3 hoặc 4.

3 tuổi, em bé có thể:        

  • Đếm đến 10.
  • Gọi tên đến 8 bộ phận của cơ thể.
  • Nói tên và tuổi của mình… và thậm chí có thể nói mình là bé trai hay bé gái ;

Hát những bài hát trẻ em đầu tiên.

Những mốc thời gian nêu trên chỉ mang tính tham khảo. Có những trẻ phát triển ngôn ngữ chậm hơn và chúng ta không cần phải quá lo lắng, trừ khi trẻ đã 2 tuổi mà không nói được từ nào (hoặc trẻ không nói được, không sử dụng những từ trước đây trẻ đã sử dụng được) hoặc sau 3-4 tuổi mà trẻ vẫn có những câu theo kiểu “cơmăn” (các câu không có cấu trúc) thì chúng ta cần đưa trẻ đi thăm khám

Sự phát triển tâm vận động của trẻ từ 1 đến 3 tuổi

Vận động thô

  • Khoảng 18 tháng tuổi, trẻ bắt đầu chạy (nhưng hay ngã), nhảy bằng cả 2 chân; trẻ lên, xuống cầu thang bằng cách vịn tay vào thành cầu thang; trẻ có khả năng ngồi xổm.
  • Khoảng 2 tuổi, khả năng giữ thăng bằng của trẻ đã tốt hơn, trẻ biết lên, xuống cầu thang một mình (bằng cách đặt cả 2 chân lên cùng một bậc thang); Trẻ chạy nhanh hơn, leo trèo, nhảy nhót.
  • Lúc 3 tuổi, trẻ ngày càng tiến bộ và có thể lên, xuống cầu thang bằng cách xen kẽ các bước chân. Trẻ thích nhảy khỏi bậc cầu thang cuối cùng. Trẻ có khả năng nhảy lò cò.

Vận động tinh

  • Khoảng 15 tháng, trẻ biết giữ thìa nhưng lại đưa ngược vào miệng; lật giở các trang sách (nhưng vận động tinh của trẻ còn chưa thực sự tốt, do đó trẻ bỏ cách nhiều trang); ném và ném trả (một quả bóng chẳng hạn), đẩy (ghế hoặc bất kỳ vật gì khác); xây tháp bằng 2 khối lập phương.
  • Khoảng 18 tháng tuổi, trẻ kéo một đồ chơi phía sau mình; Trẻ có thể dùng chân để dong bóng; Trẻ có thể tháo giầy và cởi tất cả quần áo nếu như chúng không có cúc; Trẻ có thể tự ăn (tương đối sạch sẽ).
  • Khoảng 2 tuổi, trẻ ăn bằng thìa một cách sạch sẽ; Trẻ biết quay tay nắm cửa và tháo lắp một đồ vật (lọ, hộp…).
  • Lúc 3 tuổi, trẻ có thể tự mình cài cúc hoặc kéo khóa phéc mơ tuya; tự đi giày; xây tháp với 10 khối hình; sử dụng kéo.

Trò chơi trẻ em từ 1 đến 3 tuổi

Từ 12 đến 18 tháng/24 tháng tuổi, trẻ cần:

  • Những đồ chơi mà trẻ có thể đẩy hoặc kéo, phát ra tiếng nhạc hoặc tiếng động (tầu hỏa, các con vật đồ chơi để đẩy, …).
  • Các đồ chơi khi tắm: tàu thủy, con vịt….
  • Các trò chơi với nước: rót nước vào cốc (bình), trút nước ra.
  • Các thùng các tông để bỏ đồ chơi vào hoặc đổ đồ từ trong hộp ra . Trẻ rất thích thú với việc đổ đồ từ thùng này sang thùng khác… hoặc đổ tất cả ra đất. Không nên coi việc nhặt đồ chơi như là một hình phạt mà là một trò chơi mà chúng ta khuyến khích trẻ tham gia và chúng ta cùng tham gia với trẻ.
  • Các cuốn sách, ảnh hoặc truyện tranh đơn giản, có    màu sắc rực rỡ, đóng bìa cứng.

Khi trẻ lên 2 đến 3 tuổi, chúng ta nên cung cấp cho trẻ:

  • Các đồ chơi trang trại với các con vật, ga-ra ô tô (với các nhân vật/đồ vật đủ lớn để tránh việc trẻ nuốt chúng).
  • Các thùng đầy đồ chơi, mũ, khối xếp hình
  • Các khối lập phương để trẻ xếp chồng lên nhau.
  • Bút chì màu và giấy vẽ.

Ở tuổi này, trẻ cũng thích bắt chước người lớn trong các công việc nhà cũng như trong nhiều hoạt động khác như: ngọi điện thoại, chơi nấu ăn, soi gương …

Tranh vẽ của trẻ từ 1 đến 3 tuổi

Khoảng 15 tháng trẻ bắt đầu vẽ nguệch ngoạc bằng bút chì; Khoảng 18 tháng, trẻ có khả năng ước lượng nét vẽ của mình và vẽ trong khuôn khổ của tờ giấy; Khoảng 2 tuổi rưỡi, trẻ có thế sao chép một hình tròn; Khi trẻ 3 tuổi, trẻ biết vẽ hình tròn và dấu thập.

Tranh vẽ người: Khoảng 2 – 3 tuổi: trẻ sẽ vẽ không có gì giống hình người cả. Con người lúc này được giới hạn ở cái đầu (thân người và đầu bị lẫn vào nhau). Vài cái “lông” được trẻ vẽ để biểu thị tóc hoặc cẳng chân, cánh tay, theo kiểu “người nòng nọc.

 

 

 

———————

>>>  Bài tiếp theo: Giai đoạn trẻ từ 3 đến 6 tuổi

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *