Bỏ rơi học sinh cá biệt

Bỏ rơi học sinh cá biệt

Ông bà ta có câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Vào nhà trẻ thấy rất rõ “bản thiện” của các em, thế nhưng chỉ sau vài năm học, một số đã trở thành học sinh cá biệt

Học sinh cá biệt vào lớp không học hành, chỉ quậy phá, tìm kiếm những trò trêu chọc bạn cùng lớp rồi đến các bạn lớp khác, tạo nên hiềm khích giữa các lớp. Đấy là một nguyên nhân cơ bản để băng nhóm trong trường ra đời. Trên đường đi học, ăn sáng, uống nước, gặp học sinh trường khác khích qua khích lại, đánh nhau, băng cùng trường bênh nhau, thế là băng nhóm từ trường học lan ra xã hội.

Nhiều năm được “ưu ái” giao dạy lớp cá biệt, tôi từng nghe các em tâm sự và nhận ra rằng lỗi không phải ở các em mà chính là người lớn. Vì sao lại nói như vậy, là bởi:

– Do bệnh thành tích: Dù cuộc vận động “hai không” của Bộ GD-ĐT đã thu được một số kết quả nhất định nhưng đây đó vẫn tồn tại việc đánh giá giáo viên qua tỉ lệ học sinh lên lớp, học sinh khá giỏi…  Do đó, học sinh yếu vẫn được đẩy lên lớp trên. Vì không nắm kiến thức lớp dưới, không nạp được kiến thức mới nên những em này sẽ không theo kịp bạn bè thành ra chán học rồi xem học là một cực hình nên quay ra…  quậy. Những em có chung tâm lý sẽ lập thành nhóm.

– Do chương trình học quá nặng nề: Áp lực học tập căng thẳng quá dẫn đến các em không còn thời gian để giao lưu, sinh hoạt tập thể, sẻ chia tâm tư tình cảm với bạn bè, thầy cô. Một lúc nào đó, những em học yếu sẽ đâm liều, buông xuôi tất cả.

– Thiếu sự chăm sóc, chia sẻ từ gia đình.

– Môi trường giáo dục giảm sự lành mạnh: Từ nhỏ các em đã chứng kiến cô giáo cư xử bất công với những học sinh cá biệt.  Rồi từ nhỏ các em đã được tập gian dối qua những “vở kịch” dự giờ, thao giảng… Rồi cô giáo cho ngồi gần bạn giỏi để hỏi bài trong những lần kiểm tra, những thủ thuật nâng điểm…

– Tổ chức Đoàn, đội hoạt động còn hình thức, lại chỉ quan tâm phát triển, kết nạp học sinh khá giỏi mà quên chăm sóc học sinh cá biệt  Ai cũng có nhu cầu được chia sẻ khi bị những cú sốc từ gia đình, quan hệ bạn bè đến những thắc mắc tuổi mới lớn. Học sinh cá biệt thường  cảm thấy cô độc và phản ứng lại cuộc sống theo cách bồng bột và hiếu thắng của tuổi trẻ.

Những học sinh học yếu thường mất phương hướng, mất niềm tin vào cha mẹ, thầy cô giáo và cả chính mình. Rồi để khẳng định mình, không ít em đã chọn việc hiếp đáp kẻ yếu hơn.  Điều này có phần ảnh hưởng từ sách báo, phim ảnh bạo lực.

Hãy giảm tải chương trình, cởi bỏ độc quyền sách giáo khoa để không chỉ giáo viên mà học sinh cũng cùng được học, được vui chơi, được sẻ chia để nhà trường phải là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ, bồi bổ cả trí, lực và lòng nhân ái, giúp các em đủ tự tin để bước vào đời mà không cần sự lừa dối hay hiếp đáp kẻ yếu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *