Cách chuyển hóa tình cảm để vun đắp lại tình yêu

Cách chuyển hóa tình cảm để vun đắp lại tình yêu

Tình yêu ra đi khi niềm tin không còn, hôn nhân rạn nứt

Trước khi kết hôn trong mắt bạn “nửa kia” luôn là người duy nhất, tốt nhất, yêu thương mình nhất, tỏa sáng lấp lánh như những viên kim cương.

Nhưng về ở với nhau rồi, đến một thời điểm nào đó mối quan hệ giữa cả hai có sự đi xuống. Lúc này bạn chỉ nhìn thấy toàn những điểm xấu từ “nửa kia”, tình cảm yêu thương trước đây đã phai nhòa theo năm tháng, nhìn “nửa kia” bây giờ chỉ thấy những thói hư, tật xấu đáng ghét bỏ chứ chẳng có được điểm tích cực nào.

Tới một ngày bạn luôn tự dằn vặt mình là chồng đang dối gạt mình, không chung thủy, và tìm mọi cách để có bằng chứng khẳng định điều đó là đúng. Bạn không biết rằng khi càng tập trung vào điều gì thì sẽ mở rộng và càng thấy nhiều hơn những dấu hiệu “rất khả nghi” để bạn củng cố thêm sự mất niềm tin vào bạn đời – là nguyên nhân gốc rễ của các tình huống trong hôn nhân gia đình (và có thể còn nhiều hơn nữa), nhưng có thể tóm lại như sau:

– Bạn có hay “giận cá chém thớt” không: Bạn đang khó chịu một vấn đề gì đó từ một thành viên trong nhà, nhưng lại khó chịu lây sang cả các thành viên khác?

– Bạn có thường xuyên xả năng lượng xấu vào mọi người không: Khi trong bạn có điều gì đó khó chịu không giải tỏa được thì cảm xúc đó luôn thể hiện qua cơ mặt, lời nói, hành động của bạn khiến mọi người ngại gần gũi, tiếp xúc, thậm chí là chán ghét bạn.

– Bạn đặt “cái tôi” quá cao: Khi người khác sai bạn phải tranh luận đến cùng cho người ta hiểu, dù họ đang tức giận, thậm chí bạn còn cố phải nói cho “bõ tức”.

– Bạn luôn suy nghĩ nhiều và tiêu cực: Dù chuyện đã xảy ra trong quá khứ nhưng bạn vẫn luôn suy nghĩ về nó, dẫn tới ám ảnh không nguôi rồi mất niềm tin và nảy sinh sự sợ hãi trong một mối quan hệ đang cố vun vén.

– Bạn không thể chấp nhận được họ không nghe lời bạn: Việc chồng hay con bạn không nghe theo lời bạn nói khiến bạn sẽ nói rất nhiều, thậm chí trong lời nói còn chì chiết thậm tệ lỗi sai của họ.

Nếu bạn đang thuộc một trong những tình huống trên, không sớm thì muộn bạn sẽ ghét bỏ, sân giận “nửa kia” và gục ngã trong cuộc hôn nhân của chính mình.

Chuyển hóa sự ghét bỏ, mất niềm tin với “nửa kia”

Niềm tin trong tình yêu giống như một sợi dây vô hình kết nối bền chặt hai trái tim lại gần nhau. Một khi niềm tin đã mất thì tình cảm yêu thương của bạn dành cho “nửa kia” như chiếc đèn cạn dầu, chỉ tỏa ra ánh sáng yếu ớt, leo lắt và dần lụi tàn.

Khi bạn mất niềm tin vào “nửa kia” cũng là giây phút bạn đánh mất chính mình. Tất cả những gì “nửa kia” làm bạn đều nghi ngờ, không công nhận, thậm chí chối bỏ. Sống bên nhau mà luôn phải cảnh giác, lo sợ, rình rập thì còn gì là tự do và hạnh phúc nữa – mà là chính bạn đang trói buộc mình và tự làm khổ mình.

Trong mối quan hệ vợ chồng, bạn không nên đóng vai mình là quan tòa quyền lực, còn “nửa kia” là bị cáo để tra hỏi đủ mọi chuyện trên đời. Cuộc sống hôn nhân thật sự cần có niềm tin ở nhau mới bền chặt, mới tiếp thêm sức mạnh tình yêu cho bạn và cho “nửa kia”.

Nói trên lý thuyết thì dễ nhưng khi thực hành thì rất khó, vì niềm tin thường không còn trong lòng bạn vì “nửa kia” làm bạn bị tổn thương quá nặng nề. Có một số chuyện dù không nói ra nhưng nó lại nằm sâu trong trái tim, khiến bạn đau chảy nước mắt mỗi khi nhớ đến. Ác một cái là bạn cố xoá đi, quên đi nhưng không được. Niềm tin mất dần cũng là cách giết chết dần tình yêu… và tới lúc bạn muốn buông bỏ hết.

Có một cách để bạn có thể chuyển hóa sự ghét bỏ, mất niềm tin với “nửa kia” (hoặc với ai đó) để tạo dựng lại những cảm xúc tốt đẹp về họ. Đó là bạn hãy nuôi dưỡng cảm giác vui vẻ, hạnh phúc khi nghĩ về “nửa kia”. Bạn hãy lấy đối tượng là một người (bà con, bạn thân, hay ai đó… là người thành đạt, an lạc, hạnh phúc… mà bạn thích và thấy sung sướng nếu được như họ) để dễ dàng khơi dậy những cảm xúc tốt lành, tích cực.

Khi đã tạo ra được cảm giác tích cực, vui vẻ, hạnh phúc rồi, thì cố gắng nuôi dưỡng cảm giác đó, rồi tập trung đến “nửa kia” – là người đã làm bạn mất niềm tin, bị tổn thương (hoặc những người bạn ghen ghét) – đó là cách “nhổ bỏ” tâm thức xấu ác của chính mình để nuôi dưỡng cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, và kết thúc bằng sự ngơi nghỉ, thanh tĩnh (cách này những người biết thiền định làm dễ dàng và kết quả tốt).

Hôn nhân muốn hạnh phúc bền lâu hãy tập trung vào mặt tốt, tích cực của “nửa kia”.

Bạn muốn cải thiện cuộc sống hôn nhân của mình hãy tập trung nhìn vào mặt tốt, tích cực và làm ngay. Đừng để đến khi mọi chuyện đã vượt quá sự kiểm soát mới bắt đầu tìm cách giải quyết, rồi bỏ mặc, buông xuôi cho tâm hồn tàn héo.

Ai đến với thế gian này cũng có sứ mệnh tìm ra được giá trị của bản thân trong đời sống này. Cho nên bạn đừng vội oán trách “nửa kia”, oán trách những người làm bạn bị tổn thương, đổ sân giận lên vạn vật xung quanh… Cũng đừng luôn miệng than vãn vì những trắc trở gặp phải trong cuộc sống. Suy cho cùng bất cứ ai bạn gặp trong đời đều là những người cần phải gặp, bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời bạn đều là những điều phải xảy ra.

Quá khứ là một bài học và nó sẽ lặp lại nếu bạn chỉ biết than thở. Tương lai là một bí ẩn, nhưng Hiện tại là một món quà bạn nên trân quý. Phép màu không tự nhiên xuất hiện, bạn phải bắt tay thực hiện thì phép màu mới xảy ra. Thay vì chết chìm trong Quá khứ khổ đau, tổn thương, thù hận, căm ghét thì hãy đối mặt với nó, vượt qua nó, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá để làm hành trang cho Hiện tại và tiến bước vào Tương lai với một tâm thế tự tin, sẵn sàng, nụ cười luôn nở trên môi và ánh mắt luôn bừng sáng hạnh phúc.

————————

>> Tác giả: Tuệ An

>> Nguồn: https://giadinh.net.vn/cach-chuyen-hoa-tinh-cam-de-vun-dap-lai-tinh-yeu-172210722164618848.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *