Chiến dịch phòng chống trừng phạt trẻ em trong học đường

Chiến dịch phòng chống trừng phạt trẻ em trong học đường
Sáng 18-11-2008, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB và XH, Tổ chức Plan tại Việt Nam (tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực cứu trợ trẻ em) đã tổ chức khởi động chương trình trường học thân thiện.
Đây là hoạt động nằm trong chiến dịch phòng chống trừng phạt trẻ em trong trường học sẽ được triển khai từ nay đến năm 2011 ở nhiều quốc gia khác nhau với kinh phí khoảng 1,2 triệu euro.
Nhằm mục đích khuyến khích xây dựng trường học thân thiện và hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, ngày 18/11/2008, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với tổ chức Plan tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo giới thiệu chiến dịch phòng chống trừng phạt trẻ em trong trường học. Đến dự, có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phùng Ngọc Hùng; đại diện tổ chức Plan; đại diện Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…Theo thống kê, trên thế giới, mỗi năm có khoảng 150 triệu trẻ gái và 73 triệu trẻ trai bị xâm phạm; trên 65% trẻ được hỏi, cho biết đã bị đe doạ, trừng phạt thân thể hoặc tinh thần ở trường. Hiện, tổ chức Plan có mặt trên 66 quốc gia và ở đó đều tiến hành chiến dịch toàn cầu hướng đến mục tiêu vì “Một thế giới… nơi mọi trẻ em có thể đến trường an toàn và đạt được kết quả học tập có chất lượng, không lo lắng, sợ hãi về bạo lực”. Tuy nhiên, chỉ có 23/66 quốc gia có lệnh cấm hoàn toàn về trừng phạt thân thể, song cũng chỉ mới đạt đến hình thức này, còn vấn đề cấm trừng phạt về tinh thần vẫn chưa có hiệu quả như mong muốn, ví dụ chỉ cần qua một ánh mắt mang tính đe doạ cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ.Riêng tại Việt Nam, trong 3 năm qua, trẻ em bị bạo lực ở mọi hình thức tăng gấp 3 lần thời điểm trước, trong đó, ở cộng đồng tăng gấp 7 lần, còn trong khu vực trường học lại tăng gấp 13 lần. Đây vẫn chưa phải là con số phản ánh hết tình trạng này, bởi số vụ xâm hại, ngược đãi trẻ em trên thực tế còn cao hơn nhiều. Ngày càng có nhiều tác động cả chủ quan và khách quan khiến tình trạng này trở nên khá nghiêm trọng. Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những lý do thường được người ta đưa ra để bao biện cho hành vi dùng bạo lực với trẻ em chính là quan niệm “thương cho roi cho vọt”, nhưng thực chất, đây là vấn đề liên quan đến quyền trẻ em, ảnh hưởng tới sức khoẻ và giáo dục trẻ, thậm chí còn là nguyên nhân dẫn đến vòng xoáy lẩn quẩn giữa bạo lực và xâm hại, bình đẳng giới, vấn đề HIV/AIDS và kinh tế quốc gia.Chiến dịch trường học thân thiện nhằm ngăn ngừa tất cả các hình thức bạo lực với trẻ em trong trường học (tập trung chủ yếu là trừng phạt thân thể, tinh thần; xâm hại tình dục và bắt nạt) bởi Plan cũng như các Bộ, ban ngành, đoàn thể trong nước đều nhận thức rõ hậu quả của bạo lực học đường sẽ dẫn đến tình trạng bỏ học và thiếu động lực học tập của học sinh. Trong khi đó, một nghiên cứu toàn cầu của Unicef đã cho thấy, xâm hại tình dục là một trong những lý do chính khiến học sinh nữ bỏ học. Chưa kể, bạo lực học đường có thể khiến Việt Nam không đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục tiểu học và thúc đẩy bình đẳng giới.Trong chiến dịch này, Plan nhấn mạnh đến việc tự trang bị kỹ năng, kiến thức an toàn cá nhân cho trẻ ở các cấp học để các em tự bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng phải được cung cấp đầy đủ những kiến thức về quyền trẻ em, không chỉ để nâng cao, thay đổi nhận thức mà còn phải biết cách đương đầu với mọi vấn đề về xâm hại trẻ em. Theo đó, đối tượng của chiến dịch hướng đến là học sinh tiểu học và trung học cơ sở; phụ huynh, giáo viên, hiệu trưởng; các cơ quan hữu quan như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên; các cơ quan thông tấn báo chí; các nhà hoạch định chính sách. Dự kiến chiến dịch này được thực hiện trong vòng 3 năm (từ tháng 10/2008 – 2011) và sẽ triển khai 6 hợp phần: nâng cao nhận thức cho cha mẹ về quyền trẻ em và làm cha mẹ tốt; Đào tạo cho giáo viên và giáo sinh sư phạm về kỷ luật tích cực/quản lý lớp học; Trang bị cho trẻ em kiến thức về quyền trẻ em, kỹ năng sống; Thu hút sự quan tâm của các phương tiện truyền thông đại chúng; Thử nghiệm “Điều lệ hạnh kiểm” đối với giáo viên và học sinh; Xây dựng mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng.

Theo dự kiến, lễ phát động Chương trình Trường học thân thiện sẽ được tổ chức vào ngày 13/12/2008 tại Trường Tiểu học Cát Linh (Hà Nội)./.
(Thông tin từ Bộ Lao động thương binh Xã hội)
Theo Diễn đàn Trách nhiệm xã hội Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *