Có một con đường dẫn đến tình yêu bản thân ít được công nhận nhưng lại vô cùng hiệu quả.
Hẳn ai cũng đã từng nghe đến ngán tai những lời “dạy đời” như: Ta phải biết yêu thương bản thân trước khi có thể yêu thương người khác. Nghe thì có vẻ triết lý đấy, nhưng nó đã bỏ sót một thực tế quan trọng. Để được trải nghiệm một mối quan hệ gắn bó thật sự, trước hết, ta cần phải được dạy cách yêu thương mọi thứ ở bản thân – lặp đi lặp lại – bởi những người xung quanh.
Dù ta muốn tự mình quyết định cuộc đời, thì cũng không thể không chấp nhận sự thật phũ phàng là đôi khi cách duy nhất để yêu thương bản thân là được người khác yêu thương – ở những khía cạnh khiến ta thấy bất an và mong manh nhất, khi được yêu thương, ta cũng sẽ có được sự tự do và nhẹ nhõm hơn – và cho phép họ đi sâu vào tâm hồn ta hơn. Dù trò chuyện với bản thân nhiều đến mấy cũng không đem đến cho ta trải nghiệm như khi được yêu thương. Vì đây là món quà đến từ sự gắn bó giữa người với người, chứ không phải từ sức mạnh ý chí.
(Ảnh minh họa)
Nhưng nếu một phần con người mong manh của chúng ta gặp phải những lời nhạo báng, chế giễu hoặc bị người khác lơ đi, không quan tâm thì sao? Khi đó nó sẽ héo hon dần đi và thu mình lại trong vỏ ốc an toàn, còn ta sẽ do dự về việc bộc lộ con người đó của mình với người khác thêm lần nữa. Trong một tập phim của bộ phim tôi rất thích – Sóc Siêu Quậy, chú sóc Simon đem lòng yêu say đắm một nàng sóc nhưng không biết làm thế nào để chiếm được trái tim nàng. Cậu chủ Dave liền khích lệ cậu: “Hãy cứ là chính mình thôi”. Dave buồn bã trả lời: “Cháu đã thử rồi!” Khi con người thật của chúng ta không được chấp nhận, ta thường có xu hướng tạo nên một vỏ bọc để khi ở trong nó, ta cảm thấy an toàn và được chấp nhận – nhưng phải trả một cái giá rất đắt. Nhà phân tâm học vĩ đại Donald Winnicot đã từng nói: “Chỉ có cái ‘tôi’ đích thực mới có khả năng sáng tạo và cũng chỉ có cái ‘tôi’ đích thực mới sống động” Tôi muốn thêm vào rằng, chỉ có cái “tôi” đích thực mới có thể vượt qua những rủi ro để dám yêu thương sâu sắc.
Ta như đứng ở trước bờ vực thẳm khi phải chọn lựa chia sẻ hay không phần con người sau thẳm nhất trong mình. Và thông thường chúng ta quá sợ hãi để có thể chọn dũng cảm bước tiếp.
Hãy tưởng tượng việc bạn đặt con vật nuôi yêu quý của mình trong một khu vườn được bao quanh bởi một hàng rào lưới điện tàng hình. Và khi di chuyển ra khỏi giới hạn cho phép của khu vườn, nó sẽ bất ngờ bị giật điện. Chỉ sau vài lần như vậy, nó sẽ nhanh chóng hiểu được thông điệp: Nếu đi quá xa, nó sẽ lập tức phải chịu hình phạt. Trong một khoảng thời gian ngắn, thú nuôi của bạn sẽ không hành động như thể cái hàng rào điện đang tồn tại, mà chỉ đơn giản tránh xa nó. Nếu bị đẩy gần tới vùng nguy hiểm, nó sẽ thể hiện nhiều dấu hiệu lo lắng. Với nó, thế giới bên ngoài khu vườn không đáng để phải hy sinh như vậy.
Giờ hãy tiếp tục tưởng tượng bạn tắt lưới điện đi và đặt một đĩa thức ăn bên ngoài chu vi khu vườn. Kết quả là dù cho đói đến cỡ nào, thú nuôi của bạn cũng sẽ không dám mon men đến vì còn quá sợ hãi việc bước ra thế giới mới lạ ngoài kia. Và khi đạt đến giới hạn của sự chịu đựng, nó sẽ bước ra nhưng với tâm thế lo sợ, run rẩy chờ đợi cơn đau từ cú chích điện. Nó cũng như chúng ta. Chúng ta khao khát, mong mỏi được giải phóng cái “tôi” đích thực của mình nhưng một bản năng sâu thẳm trong con người ta luôn cố bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương có thể đến lần nữa.
Ta có thể hiểu hơn về cái “tôi” đích thực và cái “tôi” vỏ bọc qua việc trả lời hai câu hỏi sau:
*Bạn phải che giấu hay ngụy trang những phần nào của bản thân suốt thời niên thiếu của mình?
*Trong những mối quan hệ xã hội gần đây của mình, (những) ai là người bạn ít chia sẻ, tâm sự nhất? Những khía cạnh nào trong con người bạn không thể chia sẻ được?
Trong quá trình tôi làm việc với tư cách là một nhà trị liệu tâm lý, tôi nhận ra rằng chúng ta thường xấu hổ về những khía cạnh độc nhất, đam mê nhất, khác người và ngược xã hội nhất trong con người mình. Những mặt tính cách này thường là mối đe dọa với sự an toàn của bản thân chủ nhân nó. Nhưng như tôi đã giải thích trong cuốn Deeper Dating của mình, chúng lại là con đường trực tiếp dẫn đến tình yêu bản thân và, không hề ngẫu nhiên, đến sự đặc biệt của chính mỗi người. Khi chúng ta kìm hãm, che đậy những món quà đầy thử thách này, ta đã bị bỏ lại cùng với sự trống rỗng và cô đơn.
Sự xấu hổ về những phẩm chất đặc trưng nhưng nhạy cảm này hầu như rất phổ biến và khó có thể thay đổi bằng việc thay đổi suy nghĩ.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể giải phóng cái “tôi” bản thân khỏi ách thống trị của những cảm xúc tiêu cực như xấu hổ, sợ sệt về những tính cách thiên bẩm? Cách tốt nhất – đôi khi duy nhất – là thông qua những mối quan hệ xã hội; những cánh tay dẫn lối giúp ta nhận ra giá trị của những thứ ta phải luôn bao bọc, che giấu.
Trong những người bạn quen biết, ai là người phát hiện và tỏ ra hứng thú với con người thật của bạn? Ai là người không e dè những đam mê, khát khao hay đố kỵ với những tài năng của bạn? Và ai có tấm lòng rộng lượng luôn động viên bạn bộc lộ bản thân nhiều hơn? Đó chính là những người bạn đáng quý. Hãy tập cách dựa vào họ và cho họ lại những gì họ xứng đáng. Họ đơn giản chính là lối thoát của bạn. Đó là thứ mà tôi gọi là những mối quan hệ truyền cảm hứng. Và chúng ta thường phải xây dựng những mối quan hệ như thế với bạn bè, người thân của mình trước khi tìm thấy nó ở “đối tác” trong tình yêu. Khi hẹn hò với những người như vậy, hãy thật chú ý đến những cải thiện bạn đã đạt được để dần mở lòng mình với họ hơn, và hãy tán thưởng bản thân vì nó. Trong các bài viết tiếp theo, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách để xây dựng những mối quan hệ truyền cảm hứng như trên.
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/blog/finding-love/201105/how-love-yourself-first
Dịch: Lyo – whypsy.com