ĐẶC TÍNH CỦA CON NGƯỜI – CHƯƠNG 2

ĐẶC TÍNH CỦA CON NGƯỜI – CHƯƠNG 2

Phần 1: “Thế giới tâm trí là thế giới duy nhất của chúng ta”

 

«Cuộc đời là một trò đùa cho tất cả chúng ta cùng tham gia »

Arthur Rimbaud

« Vậy là tôi hét lên cùng bầy sói rằng không có gì là thật cả ngoại trừ sự run rẩy đang cầu xin phía bên rìa »

Alain Tâche

Lời nói đầu

Sau một thời gian nay tôi mới trở lại với các bạn, bởi viết một tài liệu/văn bản ít nhiều mạch lạc, ngay cả khi đã thu thập và phân loại những thông tin cần thiết để bắt đầu, đòi hỏi một công việc đáng kể: tổ chức tư duy, đọc lại và nhiều khi là viết lại hoàn toàn – văn bản mà các bạn đang đọc là phiên bản thứ 3 của tôi – bởi công việc viết lách thường mở ra những con đường bất ngờ, đòi hỏi ta phải lần theo ngay cả khi sau đó ta sẽ quên chúng đi … hoặc tích hợp chúng bằng cách khớp nối một cách tốt nhất với văn bản đã được viết (đó chính là lí do vì sao có sự  sửa chữa và viết lại)[1]. Và điều này càng đúng hơn khi ta bắt đầu với một niềm cảm hứng đến đột ngột và bất ngờ.

Đó chính là trường hợp của bài viết này, bởi lúc đầu tôi không có ý định bắt đầu phần nghiên cứu về các đặc tính của con người bằng chủ đề này (chẳng phải có biết bao chủ đề khác – tôi đã lên một danh sách trong bài viết trước của mình – cũng đáng được đề cập trước hay sao?). Nhưng rồi chính công việc mà tôi tiến hành đồng thời, được tôi gọi tên là “Giáo dục là kiến thiết”, và cụ thể hơn, những tìm kiếm của tôi liên quan đến sự xây dựng các biểu tượng và các xúc cảm cấu tạo nên tâm trí đã dẫn tôi đến việc lựa chọn chủ đề này.

Điểm cuối cùng: tôi xin nhắc lại rằng bài viết này không có tham vọng nói lên sự thật mà đơn giản là mở ra những hướng suy ngẫm để rồi chúng ta có thể cùng nhau theo đuổi.

¸

Tôi ý thức một cách rõ ràng rằng lựa chọn tiêu đề của bài viết “Tất cả chúng ta đều hoang tưởng” có phần hơi khiêu khích. Đây là chủ đích của tôi với hy vọng kích thích sự tò mò của bạn đọc. Tuy vậy, tôi không hề nói quá và chỉ đơn giản là trích lại một câu nói nổi tiếng của Lacan[2], người mà trên thực tế đã chưa bao giờ phát ngôn một cách chính xác như vậy[3].

Cho dù bằng cách diễn đạt nào thì vấn đề Lacan nêu lên sau nhiều nhà tư tưởng khác, là vấn đề mà Fabrice Clément[4], một nhà nghiên cứu chuyên về niềm tin đã đề cập nhưng bằng một cách khác: « Trên thực tế, chúng ta bị ám ảnh bởi khả năng những gì chúng ta cho là thật lại có thể là không có căn cứ: một ảo ảnh ».

Tất cả những gì chúng ta tin là thật đều là ảo sao ?

Người đầu tiên bận lòng đến vấn đề này chắc hẳn là Platon (sinh 428/427 trước CN, mất 348/347 trước CN) thông qua « L’allégorie de la caverne/Câu chuyện ngụ ngôn về cái hang », một câu chuyện ngụ ngôn sắp đặt những con người bị trói vào nhau, đứng bất động trong một cái hang. Họ quay lưng về phía lối ra vào. Cái mà họ nhìn thấy không phải là đồ vật/đối tượng mà là cái bóng của đối tượng được phản chiếu lên tường. Họ tin là mình đang nhìn thấy sự thật trong khi tất cả những gì họ nhìn thấy chỉ là cái bề ngoài.

Vẻ bề ngoài, ảo ảnh … rõ ràng chúng ta đang đề cập đến cùng một vấn đề.

Ở phía bên kia của thế giới, cũng vào khoảng cùng thời gian đó, Trang Tử, cũng tin chắc như Lacan rằng chính ngôn ngữ cắt rời chúng ta khỏi cái thực, đã tuyên bố: «ngôn ngữ không thể nói gì với chúng ta về bản chất thật sự của sự vật hiện tượng bởi chính ngôn ngữ là thứ không những gán tên cho sự vật hiện tượng mà còn đồng thời chỉ ra chính sự vật hiện tượng đó. Bằng việc đồng thời đặt ra « tên » (ming) và « thực tại » (shi), ngôn ngữ trên thực tế chỉ là một sự phân chia thực tại một cách giả tạo và tuỳ tiện.[5] »

Đối với Trang Tử « có Đạo (Con đường), tức là cái hiện thực với tư cách là cái tổng thể và có những đạo (những con đường), tức là những mảnh cắt bán phần và công minh của hiện thực (…), những mảnh cắt về con người, xã hội được tạo ra bởi diễn ngôn.[6] » Từ đó, với ông, « Ngôn ngữ phải được sử dụng với sự tỉnh táo, nghĩa là biết rằng ngôn ngữ hoàn toàn tạo ra một thế giới có giới hạn và bị hạn chế một cách nhân tạo.[7] » Thế giới tinh thần của chúng ta!

Rất lâu sau này, Emmanuel Kant[8] (1724-1804) – và có thể còn có các nhà tư tưởng khác trong thời gian trước đó – cũng đặt ra câu hỏi về cùng một chủ đề « đối tượng của tri thức của chúng ta chỉ là những biểu tượng và hiểu biết về hiện thực cuối cùng/sau rốt là điều không thể [9] »

Nhưng, theo quan điểm cá nhân tôi, chính Nietzsche[10] là người đã biểu đạt một cách rõ ràng nhất điều kiện của con người là gì ở khía cạnh này khi ông viết « thế giới tâm trí là thế giới duy nhất của chúng ta: chúng ta không biết điều gì khác ngoài thế giới tình cảm và thế giới biểu tượng của chính mình, còn thế giới trong cái tổng thể của nó – khi chúng ta cố gắng tổng hợp kiến thức nhằm mô tả nó – chỉ là thế giới theo quan điểm cá nhân của chúng ta, quan điểm của một người đangbị cuốn đi trong sự vận động của cuộc sống và trong cảm xúc của chính mình.»

Tất cả đều được thể hiện ở đây: « thế giới tâm trí là thế giới duy nhất của chúng ta », « chúng ta không biết điều gì khác ngoài thế giới tình cảm và thế giới biểu tượng của chính mình » và tầm quan trọng của cảm xúc trong các biểu tượng này.

Đặc tính của con người chính là ở đây: chúng ta sống trong thế giới biểu tượng và xúc cảm của chính mình, đó là thế giới duy nhất của chúng ta (Và điều này không hẳn là không để lại hậu quả như chúng ta sẽ thấy ở phần sau).

Đây là điều cho phép Jacques Rancière[11] và Aliocha Wald Lasowski[12] đưa ra tuyên bố : « Hiện thực được dệt nên từ những giả tưởng và giả tưởng không phải chỉ là những thực thể tưởng tượng, chẳng hạn thế, giả tưởng là tri giác mà chúng ta có về cuộc sống của chúng ta, về hiện thực của chúng [13] »

Từ những điều nêu trên, liệu chúng ta có buộc phải kết luận rằng con người bị điên không?

Có thể là không. Có thể không nhất thiết phải đẩy câu chuyện xa đến vậy. Thế tuy nhiên, nguy cơ vẫn hiện hữu và chúng ta sẽ bàn về vấn đề này ở phần sau.

Thật vậy, đối với Raphaël Gaillard[14] « có một bí ẩn cần được lý giải, đó là bí ẩn về tần suất khác thường của các rối loạn tâm thần » bởi các rối loạn là tấm gương phản chiếu nhân tính của chúng ta và những yếu điểm của nhân tính ấy. Và nếu như « tâm thần phân liệt chiếm 1% dân cư (trên mọi kinh độ, mọi vĩ độ), rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng tới 2%, trầm cảm 20%  […] là bởi vì các rối loạn này đều có liên quan đến cái làm nên con người chúng ta, đặc biệt là khả năng tư duy, khả năng biểu tượng về thế giới, tức là tái tạo lại thế giới trong suy nghĩ [15] ». Từ đó, với ông, « chúng ta là những kẻ mồ côi thực tại». Đó cũng là điều khiến chúng ta trở thành những người sáng tạo bởi « để sáng tạo, cần bắt đầu bằng việc biểu tượng thế giới, cần tư duy về nó – cái mà chúng ta thao tác không phải là bản thân những sự vật hiện tượng mà là những biểu tượng tâm trí về những sự vật hiện tượng đó – và, điểm đặc thù này thực sự là một sự phong phú đáng ngạc nhiên, đó chính là những gì định nghĩa chúng ta như những homo sapien, đó chính là điều cho phép chúng ta sáng tạo […] nhưng đó cũng chính là điều có thể đẩy ta đến bước trượt ngã, chệch hướng » và « sự điên không sinh lời [ngay cả khi] tại gốc rễ, nó có liên quan đến sự sáng tạo của chúng ta »

Bằng việc chỉ ra mối liên quan giữa tính sáng tạo, khả năng phát minh và sự điên, bằng một cách nào đó Raphaël Gaillard đã mời gọi chúng ta hãy cảnh giác với sự si mê mà con người – giống như Narcisse bị mê mẩn trước hình ảnh của mình đang được phản chiếu trong gương – đang cảm nhận trước năng lực biến đổi thế giới của mình: đó không phải là việc làm không có nguy cơ, và cái nguy cơ ấy đang dần hiện rõ.

Tại sao con người lại bị giam cầm trong cái số mệnh ấy?

 

Bởi vì « Một hôm, cách đây không xa, loài động vật kỳ lạ ấy đã biệt hoá với đồng loại của nó, Dominique Simonnet[16] viết. Loài động vật ấy đã bứt mình khỏi tự nhiên, thuộc địa hoá cái thiên nhiên ấy, làm thăng hoa nó, biến đổi nó. Loài động vật ấy phát minh ra cặp đôi, gia đình, xã hội. Và cả quyền lực, tình yêu, chiến tranh. »

Nhất là bởi vì loài động vật ấy đã bứt mình khỏi cái tự nhiên của chính nó, khỏi cái đã có sẵn một cách tự nhiên trong mình, tức là khỏi cái mà nó còn chưa xây dựng được để giúp nó vượt qua những gì mà chỉ bản năng mới cho phép. Bằng cách kỳ diệu nào? Ngày hôm nay, không ai dám khẳng định là mình biết. Thế tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa, một số khả năng của nó đã đóng góp vào quá trình này. Không phải tất cả các khả năng ấy đều là đặc thù của con người vì người ta tìm thấy những dấu hiệu có trước của chúng ở các loài động vật có vú, nhưng ở con người, theo những gì chúng ta đã biết cho đến thời điểm này, những năng lực ấy có mức độ phát triển cao hơn, đặc biệt là nhờ sự liên kết, sự phối hợp của các khả năng đó. Tôi nghĩ đến ngôn ngữ, đương nhiên, nhưng tôi cũng nghĩ rất nhiều đến trí tưởng tượng (cùng với nó, con người có khả năng vượt qua những gì đang tồn tại để rồi phát minh… với nguy cơ là hoang tưởng), đến ý thức phản xạ, tôi chỉ liệt kê bấy nhiêu thôi. Chúng ta hẳn sẽ không sai khi hình dung rằng đột biến đã không được thực hiện chỉ bằng một cú nhảy vọt, ngay cả khi, rất có thể, đã có một “tia lửa” (nhưng là tia lửa nào?) đầu tiên làm bùng lên ngọn lửa ấy.

Đối với đại đa số động vật, trừ con người, trật tự thế giới và làm sao để tìm ra chỗ đứng của mình trong cái thế giới ấy, đó chính là điều mà bản năng của chúng cho chúng biết. Cuộc sống của chúng thật đơn giản: chúng chỉ cần vâng lời bản năng. Dù gì đi nữa, chúng cũng không thể làm gì khác. Hãy nhớ rằng cái mà chúng ta gọi là bản năng chính là sự lập trình có sẵn, nó thúc đẩy động vật phản ứng một cách tự động đối với các kích thích, về cơ bản là nhằm để thực hiện các hành vi phù hợp với một mục đích mà con vật không ý thức được nhưng lại là mục đích thiết yếu đối với sự sống còn của chúng (hành vi mà ta có thể gây ra khi thay thế kích thích phù hợp bằng một mồi giả/chim mồi. Ví dụ, ta chỉ cần đặt một viên đá trông giống với quả trứng vào một vị trí thích hợp là một số con chim có thể đến ấp trứng, hoặc người thợ săn chỉ cần tạo ra những “tiếng gọi” giống với tiếng gọi của một con động vật để một con khác cùng loài xuất hiện để rồi bị bắn giết bởi người thợ săn đã giăng bẫy. Thậm chí, chỉ cần xuất hiện đúng thời điểm chú vịt con tách vỏ trứng chui ra là đủ để chú vịt nhận làm mẹ nuôi vì chú được lập trình sẵn như vậy[17]).

Đối với con người, mọi việc phức tạp hơn như thế. Bởi con người không còn được dẫn lối bởi bản năng như vậy nữa, hoặc nếu còn thì cũng là rất ít và rất tệ. Để tự dẫn lối cho chính mình, con người tư duy! Con người tư duy và lựa chọn (hoặc tin rằng mình lựa chọn).

Con người tư duy và không có giải pháp nào khác.

Vì sao ?

Tôi đã từng không thể[18] tìm thấy trong các tài liệu khoa học hoặc các tài liệu khác một hướng nhỏ nhoi nào để có thể đưa ra một giả thuyết về điều gì đã cho phép hoặc dẫn dắt con người đến việc tư duy. Liệu có phải con người buộc phải làm vậy do một sự cần thiết nào đó chăng? Hoặc, ngược lại, sự tiến hoá đã cho họ một năng lực đặc biệt nào đó khiến họ tư duy? Một số nhà nghiên cứu cho rằng năng lực đặc biết ấy chính là ngôn ngữ, nhưng cũng không ai biết tới nguồn gốc của ngôn ngữ ở con người ngay cả khi ta biết những công cụ nào là cần thiết cho ngôn ngữ có cấu âm và rằng chỉ con người mới có được công cụ đó. Một số người khác thì bảo vệ giả định rằng để tư duy, con người không cần đến ngôn ngữ[19].

Liệu có phải do sự tham gia của nhiều tình huống khác nhau? Có thể.

Nhưng có lẽ việc nhấn mạnh đến điểm này sẽ là vô ích bởi chúng ta không có câu trả lời. Hãy tạm bằng lòng với việc ghi nhận rằng con người tư duy và đánh giá những hậu quả khác nhau từ việc này.

Bởi không có điểm tựa do sự phục tùng bản năng mang lại, con người như buộc phải tự mình định hướng để dẫn dắt cho cuộc đời mình. Tôi nói “Như” là bởi vì cũng không hẳn là vậy. Ngày nay, con người vẫn còn được dẫn dắt một phần bởi bản năng. Chúng ta có thể thấy điều này trong nhiều trường hợp mà ở đó chúng ta thậm chí còn không ý thức được sự tồn tại của bản năng. Trường hợp hiển nhiên nhất liên quan đến sứ mệnh quan trọng nhất của mọi sinh vật: tiếp nối giống nòi (ngay cả khi, ở điểm này cũng vậy, một cách chậm rãi, con người bứt mình khỏi các quy luật của tự nhiên: một số người không muốn sinh con, và càng ngày càng nhiều người kiểm soát số lượng con cái). Nhưng trở lại với việc tiếp nối giống nòi, con người không chỉ tạm bằng lòng với việc thực hiện hành vi cho phép sinh sản… và quan tâm đến những việc khác cho đến thời kỳ sinh sản của năm sau như rất nhiều các loài động vật khác. Không, con người tranng hoàng việc bước vào giai đoạn mới trong cuộc đời – thời kì được bao quanh bởi khuôn khổ văn hoá cộng đồng – bằng các lễ nghi hoặc nghi thức (đính hôn, đám cưới…). Họ làm nên một sự kiện và bằng cách này họ đưa sự kiện đó vào lịch sử (một khía cạnh đặc thù khác của con người), lịch sử gia đình, lịch sử cộng đồng.

Liệu có phải bằng cách này tư duy được sinh ra từ sự vượt ngưỡng, từ “cái giá trị gia tăng” cho hành động? Sự vượt ngưỡng liên quan đến cảm xúc mà những người tham gia trải nghiệm (con vật nào cảm nhận được một cảm xúc đặc biệt trong việc hoàn thành một việc mà tự nhiên áp đặt lên chúng, ngay cả khi đó là lần trải nghiệm đầu tiên? ) cũng như liên quan đến sự nhận thức về cảm xúc ấy, một cảm xúc được chia sẻ bởi một cộng đồng ý thức được việc mình đang sống hoặc tham gia vào thời khắc quan trọng đó? Cảm xúc, nhận thức và thắc mắc thậm chí là sự lo lắng (thế nhỡ những rủi ro sẽ xảy ra vì mình đã không tuân thủ trật tự cần thiết?). Cảm xúc, nhận thức và thắc mắc thậm chí là sự lo lắng … và tìm kiếm câu trả lời cho một nỗi đe doạ nào đó (trong nhiều nền văn hoá còn có cả nỗi lo lắng làm sao để không đảo lộn/làm ảnh hưởng tới trật tự của vũ trụ như chúng ta sẽ thấy cùng với M. Godelier[20]).

Vậy là con người bắt buộc (đây là một thuật ngữ quan trọng) phải tưởng tượng, phải tư duy. Thế liệu con người bắt đầu tư duy chỉ duy nhất bởi họ bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi và sự bắt buộc?

Đây chỉ là một giả thuyết vừa nảy sinh trong đầu tôi bởi chính tôi cũng bị bắt buộc, và tự tôi buộc tôi – không ai bắt tôi cả – thử đi tìm hiểu lý do vì sao con người tư duy … và hậu quả của việc ấy.

Đây chỉ là một giả thuyết … nhưng tôi cho rằng giả thuyết ấy không hề điên rồ. Trong cái giả thuyết ấy, chúng ta thấy có: tầm quan trọng của cảm xúc[21] (cái làm chuyển động) – trước hết là niềm vui, sau đó là nỗi e sợ –, của nhận thức trong đó có nhận thức về cái trước và cái sau, tức là về lịch sử và về sự vượt ngưỡng đi kèm với những điều nêu trên. Thậm chí, đồng thời, chúng ta khám phá ra một đặc thù khác nữa của con người: nhu cầu, ảo tưởng về việc cảm thấy có quyền lực nào đó đối với những gì xảy đến với chúng ta (ví dụ như thực hành một cách đúng đắn các nghi thức để không làm mếch lòng các đấng vô hình).

Hẳn là tất cả những điều nêu trên không phát triển ngày một ngày hai. Hẳn ta cần thời gian để các thành tố khác nhau phối kết hợp với nhau để đạt tới điều kì diệu này, điều kỳ diệu mà tôi giả định là đã diễn ra như mô tả ở trên.

Dù sao đi nữa, con người tư duy, hoặc do bắt buộc phải làm vậy vì không thể dựa vào bản năng để dẫn lối cuộc đời, hoặc do bị vượt ngưỡng bởi những gì mà sự tiến hoá trong năng lực của họ đã cho phép họ.

Nếu như chúng ta không biết nguồn gốc hay nguyên nhân của sự tiến hoá ban đầu này và chúng ta buộc phải phỏng đoán, ít nhất là tại thời điểm này,  thì ngược lại, chúng ta biết nhiều hơn một chút về diễn biến tiếp theo nhờ nhân chủng học.

Nhân chủng học cho chúng ta biết gì?

Rằng các tộc người đầu tiên cũng đối mặt với các câu hỏi hiện sinh mang tính nền tảng. Những câu hỏi hiện sinh này được đặt ra ở mọi xã hội, theo Maurice Godelier[22] và được gói trong năm chủ đề sau đây:  “

  1. Mối quan hệ của con người với đấng vô hình, với tổ tiên, với linh hồn, với Chúa;
  2. Các hình thức và các gương mặt của quyền lực;
  3. Sinh ra, sống và chết đi nghĩa là gì?
  4. Các hình thức của sự giàu có, các dạng thức trao đổi và có thể là vấn đề tiền bạc đang tồn tại trong xã hội;
  5. Mỗi xã hội tư duy thế nào về thiên nhiên xung quanh họ và hành động thế nào với thiên nhiên ấy? »

Ở đây, chúng tôi chỉ quan tâm đến chủ đề thứ ba vì chúng tôi trăn trở bởi cách thức mà con người khoác cho sự trường tồn của cộng đồng và của loài một lớp trang phục, thông qua các nghi thức và biểu tượng. Các vấn đề trong chủ đề này là tâm điểm trong công việc nghiên cứu của tác giả. Ông đã viết « Nhưng trước khi sinh ra, mỗi người đã phải được thai nghén. Và chính các biểu tượng mà xã hội xây dựng về quá trình tạo ra một đứa trẻ là điều mà chúng tôi muốn nghiên cứu trong chương này.»[23]

Tôi sẽ chỉ trích lại ở đây một số ví dụ.

Chúng ta hãy lưu ý rằng Maurice Godelier bắt đầu bằng việc nhấn mạnh rằng « không ở bất kỳ xã hội nào người ta lại nghĩ rằng một người đàn ông và một người phụ nữ là đủ để tạo ra một đứa trẻ […] một người nam và một người nữ chỉ tạo ra một bào thai [bào thai ấy] muốn trở thành một đứa trẻ hoàn thiện [đòi hỏi phải có] sự can thiệp của các nhân tố quyền lực hơn cả con người – tổ tiên, linh hồn hoặc chúa. »[24]

Ví dụ đầu tiên chúng ta có thể kể tới đó là về người  Inuits.

« Với tinh trùng của mình, người đàn ông tạo ra xương, bộ khung của cơ thể đứa trẻ. Người phụ nữ, với máu của mình, tạo ra da thịt của đứa trẻ. Bào thai tạo hình trong bụng của người phụ nữ, hình hài ấy sẽ giống với người cha hay người mẹ tuỳ thuộc vào sức sống của mỗi người. Cơ thể của đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng thịt thú rừng do người cha săn bắt và người mẹ đã ăn. Ở thời kỳ còn trong bụng mẹ, đứa trẻ là một bào thai chưa có tâm hồn và vẫn chưa là một con người. Nó chỉ trở thành người khi được sinh ra, khi mà thần Sila, chủ nhân của Vũ trụ, đưa vào cơ thể trẻ một bong bóng chứa khí, bong bóng chứa khí này sẽ trở thành hơi thở, nguyên tắc sống của trẻ. Trong cái bong bóng khí mà từ nay sẽ kết nối trẻ với hơi thở sống còn, điều làm nên sự sống của Vũ trụ, hiện hữu một tâm hồn, cũng là một sự ban tặng từ Sila, tâm hồn ấy sẽ lớn dần lên cùng với cơ thể và sẽ trở thành lớp đúp của cơ thể. Lớp đúp ấy sẽ rời bỏ con người khi con người chết đi và cập đến thế giới của sự bại trận. Tâm hồn này chứa đựng trí thông minh và gia nhập vào Sila, cũng là trí thông minh của thế giới. Một đứa trẻ được sinh ra với tư cách là con người nhưng đứa trẻ sơ sinh ấy vẫn chưa là một chủ thể xã hội, như một người Inuit. Đứa trẻ ấy chỉ trở thành một chủ thể khi nhận được từ cha mẹ mình một hoặc nhiều cái tên trong một nghi lễ mà ở đó có sự tham gia của toàn bộ họ hàng, cũng như làng xóm và bạn bè của cha mẹ. Nhưng đối với người Inuits, cái tên không phải là những nhãn dán. Chúng có tâm hồn, chúng là những tâm hồn. Chúng chứa đựng trong mình bản sắc và kinh nghiệm sống của những người đã mang những cái tên đó. Khác với tâm hồn bên trong, một tâm hồn làm nên sức sống của cơ thể và lớn lên cùng cơ thể, tâm hồn-tên (ND: tâm hồn chứa đựng trong cái tên mà cha mẹ đặt cho trẻ) là một tâm hồn bao bọc lấy trẻ một cách trọn vẹn và truyền cho trẻ bản sắc của tất cả những người đã từng mang cái tên đó trước trẻ.  […] Chính từ những biểu tượng mang tính tưởng tượng này về quá trình thai nghén một đứa trẻ và các thành tố làm nên bản sắc sâu xa của trẻ mà chúng ta hiểu vì sao đôi khi người Inuits nuôi dạy một đứa trẻ trai giống như một trẻ gái hoặc một trẻ gái giống như một trẻ trai, việc này tuỳ theo giới tính của người mà cha mẹ đã lấy tên để đặt cho con mình khi trẻ sinh ra. Nhưng việc thực hành này, việc thực hành phân biệt giới xã hội và giới tính vật lý, sẽ chấm dứt ở tuổi dậy thì. 

Như vậy, đối với họ, quan hệ tình dục giữa một người nam và một người nữ là điều cần thiết để tạo ra một bào thai nhưng nó không đủ để tạo ra một đứa trẻ. […] Người đàn ông và người phụ nữ không cho đứa trẻ cuộc sống.

Cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu khi Sila, một sức mạnh siêu nhiên, đưa vào cơ thể trẻ một phần nhỏ hơi thở của mình, và như vậy hơi thở ấy kết nối đứa trẻ với kết cấu và chuyển động của vũ trụ, nơi mà trẻ vừa được sinh ra và sẽ phát triển. Nhưng hơi thở ấy cũng chứa đựng tâm hồn, tâm hồn ấy sẽ cho trẻ khả năng học hỏi thông qua trải nghiệm của chính trẻ. Nhưng trẻ vẫn còn thiếu một cái tên và thiếu việc được kết nối, bởi cái tên ấy, với tập hợp những người đã mang cái tên đó từ ngàn đời nay.

Ví dụ thứ 2 là ví dụ về người Baruya.

« Đối với người Baruya, cũng như với người Inuits, để tạo ra một đứa trẻ, cần có sự hợp nhất về tình dục của một người nam và một người nữ.

Tinh trùng của người nam sản sinh ra xương, thịt và máu của phôi và sau này là thai nhi, thai nhi ấy phát triển trong bụng của người nữ. Bụng của người nữ chỉ là vật chứa chứ không mang lại điều gì cho trẻ. Ngay khi người nữ biết mình mang thai, cặp đôi sẽ tăng cường quan hệ tình dục bởi tinh trùng của người nam được cho là sẽ nuôi dưỡng thai nhi. Như vậy, người nam vừa là người sinh thành vừa là người nuôi dưỡng đứa trẻ sắp được sinh ra. Thế tuy nhiên, người nam và người nữ là không đủ để làm nên một đứa trẻ từ bào thai ấy. Bởi bào thai đang phát triển trong bụng của người phụ nữ không có mũi, không có miệng, cũng không có ngón chân ngón tay. Chính thần Mặt trời, cha của người Baruya là người sẽ hoàn thiện cơ thể của thai nhi trong bụng của người phụ nữ.  

Lúc sinh ra đứa trẻ hít thở, mang một cơ thể người nhưng vẫn chưa có tâm hồn. Chỉ sau đó một tâm hồn-tinh thần mới gia nhập vào cơ thể của trẻ, lúc mà người cha cho trẻ một cái tên. Tên này là của một người tổ tiên thuộc họ nội của trẻ. Nhưng khác với những gì diễn ra ở người Inuits, đứa trẻ se không có ký ức gì về cuộc sống của người tổ tiên mà nó hiện thân lại.

Như vậy, ở người Baruya, người nam đóng vai trò chủ động/tích cực nhất trong việc tạo ra cơ thể một đứa trẻ, người nam cũng là người kết nối trẻ với tổ tiên của chính mình bằng việc đặt tên cho trẻ. Bằng cách này, chúng ta thấy rằng các biểu tượng về quá trình thai nghén một đứa trẻ Baruya có liên quan đến nguyên tắc huyết thống phụ hệ, nguyên tắc này tổ chức các mối liên hệ giữa các thành phần trong họ hàng với nhau. Chúng ta cũng thấy rằng các biểu tượng này hợp pháp hoá sự thống trị của giới này đối với giới khác, của nam giới đối với nữ giới, điều này lại càng đúng hơn khi, đối với người Baruya, các bé trai phải được sinh ra hai lần, lần đầu là từ bụng của người mẹ, lần thứ hai là từ bụng của những người đàn ông. Đây chính là mục đích của nghi thức kết nạp vào thế giới đàn ông, tượng trưng là một lần sinh mới đối với những người trẻ được khai tâm. Khoảng 9 – 10 tuổi, khi những đứa trẻ trai bị tách khỏi người mẹ và thế giới của phụ nữ, chúng được nuôi dưỡng về mặt nghi thức bởi tinh trùng của những người đồng tu lớn tuổi nhất, những thanh niên chưa có quan hệ tình dục với phụ nữ. Bằng cách nuốt thứ chất chưa hề bị vấy bẩn bởi phụ nữ, cơ thể của các bé trai sẽ trở nên nam tính hoàn toàn. Bằng việc tái sinh mà không cần phụ nữ này, những người đàn ông Baruya tự cho mình quyền đại diện duy nhất xã hội của họ và tự mình cai trị xã hội ấy.

Xa hơn một chút, ở trang 151, Maurice Godelier nói thêm « Đối với người Baruya, làm tình là một hành động có liên quan đến trật tự của xã hội và của vũ trụ. […] Hậu quả của việc này là người Baruyas cảm thấy một trách nhiệm rất lớn khi làm tình và đồng thời họ tiếp cận hành vi này với một sự e dè và lo lắng  […]. »

Đối với người Baruya […] một đứa trẻ được tạo ra trước hết là với tinh trùng của người nam. Người phụ nữ là vật chứa đựng, và tử cung được coi là một loại lưới ở đó hạt giống của nam giới được đặt vào. Hạt giống này biến đổi thành bào thai. Nhưng để bào thai này lớn lên trong tử cung thì cần thường xuyên được nuôi dưỡng bằng tinh trùng của người nam. Đó là lý do vì sao khi một người phụ nữ Baruya nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên của thai kỳ, thì cặp đôi tăng cường quan hệ tình dục để nuôi dưỡng bào thai.

Trong nhiều xã hội khác ở Nouvelle-Guinée, việc này là điều hoàn toàn bị cấm và các cặp đôi phải tránh quan hệ tình dục cho đến khi đứa trẻ chào đời. Cho dù thế nào đi nữa, đối với người Baruya, người đàn ông vừa là người thai nghén vừa là người nuôi dưỡng, và tinh trùng của người nam nuôi dưỡng cả em bé và người nữ, không chỉ trước khi người nữ mang thai mà cả sau mỗi kỳ kinh nguyệt – hoặc sau mỗi lần sinh nở, khi người nữ trở về nhà.

¸

Những trích đoạn ngắn này [trong cuốn sách, những nội dung trên được phát triển kỹ càng hơn rất nhiều, đồng thời tác giả cũng đưa ra nhiều tình huống khác cho thấy vai trò được gán cho nam và nữ là rất khác nhau] thể hiện rất rõ cách thức mà con người đã « tiểu thuyết hoá » thời điểm cốt lõi cho việc nối dài sự sống này, cái quy luật của tự nhiên mà con người không thể nằm ngoài và cách họ đã đặt nó trong một biểu tượng rộng lớn hơn và « sắc màu » hơn về ý nghĩa của cuộc đời mình thậm chí là của Cuộc sống.

Sau khi khám phá các khái niệm vẻ bề ngoài, ảo tưởng, giả tưởng và biểu tượng, giờ đây, với hai tộc người [Inuits và Baruya] này, chúng ta đang đứng trước một đặc thù khác nữa của con người: niềm tin.

¸

Niềm tin, tính hữu dụng của niềm tin và những bất lợi của chúng sẽ là chủ đề của phần 2. Niềm tin giữ một vai trò lớn trong thế giới tâm trí này, cái « thế giới tâm trí là thế giới duy nhất của chúng ta», bằng cách gây trở ngại cho cái thực (ngay cả khi niềm tin cũng là sự cố gắng của con người để hiểu cái thực) thậm chí đến mức có thể tạo ra một thế giới sai lệch.

 

[1] Ấy là chưa kể thời gian cần thiết cho việc dịch thuật, một thời gian không hề ngắn nhất là khi đây là một bài viết khó dịch với nhiều thuật ngữ mang tính “học thuật”. Điều này làm phức tạp thêm công việc của người dịch, người đã thực sự giúp đỡ tôi và cũng là người mà tôi muốn cảm ơn.

[2] Nhà phân tâm học lỗi lạc, được nhiều người coi là người thừa kế của Freud.

[3] Câu nói chính xác của Lacan là đây: « Làm thế nào để dạy những điều không thể dạy? Đó là con đường mà Freud đã đi. Ông cho rằng không có gì cả ngoài giấc mơ, và tất cả mọi người (nếu có thể dùng cách diễn đạt như vậy) đều điên, tức là đều hoang tưởng». Jacques Lacan, « Journal d’Ornicar ? », Ornicar ?, n°17-18, 1979, tr. 278.

[4] Giáo sư Đại học Neuchâtel. Các nghiên cứu của ông là một phần của tam giác liên ngành, kết nối các khoa học xã hôi, triết học và khoa học nhận thức, trong đó tâm lý học phát triển được đặc biệt trú trọng. Mối quan tâm chủ đạo của ông liên quan đến hiện tượng NIỀM TIN: Niềm tin là gì? Niềm tin được truyền tải như thế nào? Tại sao chúng ta tin vào một số biểu tượng mà lại không tin vào các biểu tượng khác? Tại sao đôi khi chúng ta cả tin? Tiến trình xây dựng niềm tin đòi hỏi sự tham gia của ý thức đến mức nào? Cảm xúc đóng vai trò gì trong hiện tượng tán đồng ? Chúng ta cho phép mình tin ai? Những gì “hiển nhiên về mặt văn hoá” được truyền tải như thế nào trong quá trình xã hội hoá?
Để cố gắng mang đến câu trả lời cho những câu hỏi trên, các nghiên cứu của Fabrice Clément lấy điểm tựa là triết học tinh thần nhằm làm rõ bản chất của niềm tin, nhân chủng học và xã hội học nhằm nghiên cứu các cơ chế ngầm truyền bá một số niềm tin trong các cộng đồng có quy mô lớn nhỏ khác nhau, và tâm lý học (nhận thức, xã hội, xúc cảm và đặc biệt là tâm lý học phát triển) nhằm khám phá các thành phần cơ bản của các cơ chế đó.

[5] Anne CHENG, 2002 (1997), Lịch sử tư tưởng Trung Hoa, SEUIL (Points, Essais), tr. 120.

[6] Op. Cit. tr 116.

[7] Op. Cit. tr 124.

[8] Triết gia người Đức ở thế kỷ 18 (1724-1804), nhà tư tưởng Khai sáng Đức (l’Aufklärung), ông được biết đến chủ yếu nhờ tác phẩm “La Critique de la Raison pure (Phê phán lý tính thuần tuý)”.

[9] C. Ruano-Borbalan, « Une notion clé des sciences humaines », in sciences humaines n°27, avril 1993, p.16. (do Dominique Aimon trích dẫn trong « Le concept de représentation” (Khái niệm biểu tượng).

[10] Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900), có lẽ là triết gia quan trọng nhất của thế kỷ 19.

[11] Triết gia, giáo sư ưu tú Đại học Paris VIII (Saint-Denis).

[12] Phó giáo sư triết học tại Université catholique de Lille.

[13] Chương trình “La grande table des idées ngày 02/05/2022” của La France Culture.

[14] Bác sỹ tâm thần, chuyên gia pháp lý và là tác giả cuốn « Un coup de hache dans la tête. Folie et créativité » (Grasset, 05.01.2022). Ông lãnh đạo trung tâm bệnh viện-đại học chuyên ngành tâm thần của bệnh viện Saint-Anne và Đại học Paris, đồng thời, ông là Chủ tịch Hội Pierre Deniker, hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu về các rối loạn tâm trí.

[15] « Liệu có cần (hơi) điên để trở thành một nghệ sĩ tài năng? », La Grande Table idées du 06/01/2022.

[16] A. Langaney, J. Clottes, J. Guilaine et D. Simonnet, La plus belle histoire de l’homme (comment la terre devient humaine) (Cuộc phiêu lưu đẹp nhất của con người, Trái đất trở thành nơi sinh sống của con người như thế nào), Seuil, Paris, 1998, tr. 9.

[17] Mời bạn đọc xem thêm “Thuyết dấu ấn” của Karl Lorenz, lý thuyết này đã dẫn tới/là cơ sở của thuyết gắn bó của Bowlby.

[18] Nhưng có thể các bạn biết những nguồn tài liệu này và có thể giúp tôi. Công việc này cũng cần được coi là một công việc chung. Tôi trông cậy vào phản hồi, phê phán và đóng góp của các bạn.

[19] Một trong số đó chính là Dominique Laplane, bác sĩ thần kinh. Nguyên trưởng khoa tại Nhà thương Salpêtrière. Giáo sư danh dự tại Đại học Paris VI, tác giả của nhiều cuốn sách trong đó có « La Pensée d’outre-mots (Tư duy phi ngôn từ)», « Penser, c’est-à-dire ? : Enquête neurophilosophique (Tư duy nghĩa là gì?: Điều tra triết học thần kinh)», « Qu’est-ce que la conscience ? (Ý thức là gì?)» et « La Pensée d’outremots. La Pensée sans langage et la relation penséelangage. (Tư duy phi ngôn từ. Tư duy không ngôn ngữ và mối quan hệ giữa tư duy-ngôn ngữ)»

[20] M. Godelier, Nhà nhân chủng học người Pháp nổi tiếng thế giới.

[21] Cảm xúc là thứ xuất hiện đầu tiên ư? Đó là điều tôi dễ dàng có xu hướng nghĩ tới nhưng điều này đáng được nghiên cứu một cách chuyên sâu.

[22] Maurice Godelier, 2007, Nền tảng của xã hội loài người (điều mà nhân chủng học dạy cho chúng ta) Au fondement des sociétés humaines (ce que nous apprend l’anthropologie), Albin Michel.

[23] Nghiên cứu mà ông đã tiến hành thông qua việc so sánh “các dữ kiện nhân chủng học của 26 xã hội trong đó có 13 xã hội thuộc Châu Đại dương, 4 xã hội thuộc Châu Á, 4 xã hội thuộc Châu Mỹ Ấn, 3 xã hội thuộc Châu Phi và 2 xã hội thuộc Châu Âu. »

[24] Hay sự mong đợi của hai dòng họ!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *